Sự cần thiết của kiểm toán môi trường và việc vận dụng kiểm toán môi trường vào Việt Nam hiện nay

NGUYỄN HOẢN (Khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)

TÓM TẮT:

Hoạt động kiểm toán đã có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp đổi mới và phát triển nền kinh tế của Việt Nam. Mặc dù vậy, các loại hình kiểm toán ở nước ta hiện nay vẫn chưa được phát triển toàn diện, chưa đáp ứng tốt yêu cầu quản lý đa dạng của nền kinh tế thị trường phát triển và hội nhập. Bài viết nghiên cứu đến một loại hình kiểm toán cần được quan tâm hơn nữa ở Việt Nam, đó là kiểm toán môi trường. Trong đó, tác giả đề cập đến các khái niệm, sự cần thiết của kiểm toán môi trường và việc vận dụng kiểm toán này ở nước ta hiện nay.

Từ khóa: kiểm toán, kiểm toán môi trường.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua, môi trường đã và đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặc biệt quan tâm. Với quan điểm nhất quán “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, nhiều chính sách, quy định đã được Chính phủ ban hành nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững. Quan điểm này đã được thể hiện ở rất nhiều văn bản như Cương lĩnh chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp,… Trong đó, nhấn mạnh quan điểm phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, đây là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong top đầu khu vực châu Á, do đó phải đối mặt với những sức ép từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, gia tăng dân số,… đồng nghĩa với lượng chất thải cũng gia tăng.  

Trước vấn đề môi trường hiện nay, kiểm toán môi trường (KTMT) được nhìn nhận như là một công cụ cung cấp các thông tin về môi trường, làm cơ sở cho các đánh giá khả năng rủi ro về môi trường mà doanh nghiệp gây ra, nghĩa vụ môi trường của doanh nghiệp, cũng như mức độ thỏa mãn đối với các tiêu chuẩn hoặc luật lệ về môi trường. KTMT giúp giảm các rủi ro về môi trường cũng như rủi ro về sức khỏe cộng đồng và cải thiện công tác quản trị môi trường ở mức độ doanh nghiệp. KTMT còn là một trong những công cụ hỗ trợ cho việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của các cá nhân, tổ chức sản xuất - kinh doanh trong bảo vệ môi trường bền vững.

2. Khái niệm kiểm toán môi trường

Khái niệm kiểm toán môi trường bắt đầu xuất hiện vào những năm đầu của thập kỉ 80, sau hàng loạt các thảm họa môi trường xảy ra tại Anh và Mỹ.

Theo Ngân hàng Thế giới, KTMT là một phương pháp kiểm tra thông tin môi trường về một tổ chức, một cơ sở hoặc một trang web để xác minh số liệu, hoặc ở mức độ nào đó chúng tuân theo các tiêu chí kiểm toán cụ thể. Các tiêu chí có thể dựa trên các tiêu chuẩn môi trường địa phương, quốc gia hoặc toàn cầu. Vì vậy, nó là một quá trình có hệ thống thu thập và đánh giá thông tin về các khía cạnh môi trường (ASOSAI, 2013, trang 9).

Tổ chức Kiểm định các Tổ chức Kiểm toán Tối cao Quốc tế (INTOSAI) định nghĩa: KTMT không khác biệt đáng kể so với kiểm toán thông thường như được thực hiện bởi các tổ chức kiểm toán tối cao (SAI). KTMT có thể bao gồm tất cả các loại kiểm toán, tức là, kiểm toán tài chính, tuân thủ và hoạt động. Đối với kiểm toán hoạt động, nguyên tắc 3E vẫn được đảm bảo thực hiện.

Bảo vệ môi trường có vị trí và vai trò vô cùng to lớn đối với sự tồn tại và phát triển của loài người. Tất cả những gì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người và làm hủy hoại đến môi trường đều được coi là ô nhiễm môi trường (ô nhiễm nguồn nước; ô nhiễm không khí; ô nhiễm tiếng ồn; ô nhiễm từ các chất thải độc hại;...). Để bảo vệ môi trường, không chỉ cần có sự tổ chức, quản lý quá trình hoạt động của từng doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh, mà còn rất cần có những đơn vị, tổ chức chuyên trách quản lý, giám sát và thực hiện các công việc bảo vệ môi trường ở phạm vi lớn hơn (Hệ thống quản lý môi trường địa phương, quốc gia, khu vực, quốc tế).

Do vậy, các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật về bảo vệ sự phát triển bền vững của môi trường thường rất đa dạng. Theo đó, KTMT không chỉ là kiểm toán hoạt động mà có thể coi là loại hình kiểm toán tổng hợp cả 3 loại: Kiểm toán hoạt động; Kiểm toán tuân thủ; và Kiểm toán báo cáo tài chính. Đồng thời, đơn vị được kiểm toán không chỉ là một tổ chức, cá nhân kinh doanh mà có thể bao gồm cả đơn vị, tổ chức quản lý hành chính (một địa phương, một quốc gia, khu vực hoặc quốc tế) tùy theo mục đích và phạm vi của cuộc kiểm toán.

Một cuộc KTMT có thể là kiểm toán chuyên đề hoặc kiểm toán toàn diện. Thông thường, nếu cuộc kiểm toán ở phạm vi rộng thì thường là kiểm toán chuyên đề, chẳng hạn như: Kiểm toán theo các nhân tố cấu thành nên ô nhiễm môi trường như kiểm toán lưu lượng và nồng độ khí thải, nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại của một nhà máy nào đó hoặc các nhà máy tại một địa phương, một quốc gia, một khu vực; Kiểm toán năng lượng; Kiểm toán các chất thải bệnh viện; Kiểm toán các chương trình môi trường của quốc gia…; hay Kiểm toán việc quản lý và sử dụng các khoản thu - chi, công tác lập, phân bổ dự toán, quyết toán kinh phí sự nghiệp môi trường,... Nếu cuộc kiểm toán ở phạm vi hẹp, có thể là cuộc kiểm toán chuyên đề hay kiểm toán toàn diện về việc tổ chức, quản lý môi trường (hệ thống trang thiết bị và quá trình hoạt động) của một đơn vị.

3. Sự cần thiết của kiểm toán môi trường ở Việt Nam

Trước bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Ô nhiễm môi trường, suy giảm sinh học và biến đổi khí hậu. Trước những tác động của biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quản lý và bảo vệ môi trường, Theo đó, mọi đơn vị, tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm thực hiện tốt để bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường.

Thông qua việc triển khai công tác KTMT, Chính phủ sẽ thấy được mức độ tuân thủ các chế độ, chính sách hiện hành về quản lý và bảo vệ môi trường của đơn vị được kiểm toán, phát hiện được những tồn tại, bất cập trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, như tồn tại trong việc lập, phân bổ và giao dự toán; những tồn tại trong việc chấp hành chế độ thu, chi, quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường; và tồn tại trong việc thực hiện kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

KTMT cũng chỉ ra những bất cập của các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường. Trên cơ sở những tồn tại, bất cập đã phát hiện được, kiểm toán viên sẽ đưa ra kiến nghị cụ thể đối với các đơn vị được kiểm toán và kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội.

Những kiến nghị đó có tác động đáng kể để cải thiện tình hình về quản lý và bảo vệ môi trường cả trên góc độ về xây dựng và thực hiện chính sách, chế độ phù hợp; về quản lý và bảo vệ môi trường nói chung, nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường nói riêng, đảm bảo sự phát triển bền vững của từng đơn vị cũng như toàn bộ nền kinh tế. Quan trọng hơn, chúng sẽ góp phần tăng cường năng lực quản lý và bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng.

KTMT còn giúp tăng cường nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường của lãnh đạo và nhân viên trong đơn vị, thúc đẩy đơn vị đó phát triển bền vững và bảo vệ môi trường chung theo hướng “sản xuất sạch hơn”.

Qua kiểm toán môi trường sẽ đưa ra kết luận, những con số cụ thể về hạn chế hoặc sai phạm trong quá trình và kết quả quản lý môi trường của đơn vị, chỉ ra những bất cập như rò rỉ khí đốt, rò rỉ điện,... gây nên lãng phí năng lượng và ô nhiễm môi trường, hay vấn đề chất thải công nghiệp chưa được xử lý đúng yêu cầu. Những tồn tại đó vừa dẫn đến tăng chi phí, giảm lợi nhuận vừa dẫn đến ô nhiễm môi trường, và có thể doanh nghiệp phải chịu thêm khoản tiền phạt lớn hay ảnh hưởng xấu đến uy tín và vị thế cạnh tranh của đơn vị. Từ đó, đơn vị được kiểm toán sẽ hiểu rõ hơn về mức độ tuân thủ các chế độ, chính sách hiện hành về quản lý và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của đơn vị, xác định được những tồn tại cụ thể trong việc thiết kế và vận hành các hệ thống quản lý môi trường của đơn vị mình (nhất là đối với đơn vị đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000).

Những kết luận và kiến nghị của kiểm toán viên sẽ giúp cho đơn vị nhận thức rõ hơn tác dụng kép về kinh tế “giảm chi phí, tăng uy tín và hiệu quả hoạt động” của việc bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động. Theo đề xuất của kiểm toán viên, đơn vị có thể thiết kế quy trình sản xuất hợp lý hơn để tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu chất thải, thay thế bằng loại nguyên vật liệu phù hợp hơn để giảm thiểu chất thải rắn, chất thải khí, sử dụng trang thiết bị phù hợp để giảm thiểu phế liệu, phế thải...

Việc đánh giá và kết luận hiện trạng môi trường của doanh nghiệp đối với việc đảm bảo các yêu cầu cơ bản về sức khỏe con người, có thể sẽ đưa ra những cảnh báo về ô nhiễm môi trường đã được phát hiện trong quá trình kiểm toán còn giúp ban quản lý và cán bộ công nhân viên trong đơn vị nhận thức rõ nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng xấu đến chính bản thân họ như nguy cơ bệnh nghề nghiệp, nguy cơ suy giảm sức khỏe, giảm sút năng suất lao động ngay trong đơn vị, đồng thời cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường chung và sức khỏe cộng đồng. Qua đó, mọi người trong đơn vị được kiểm toán sẽ quan tâm hơn đến việc tìm kiếm và thực hiện những giải pháp hữu hiệu hơn nhằm đảm bảo sản xuất sạch hơn để bảo vệ môi trường (như xây dựng và thực hiện những thủ tục quản lý, kiểm soát tiết kiệm năng lượng, quản lý và xử lý chất thải, chú ý đến trang thiết bị có tính năng tốt đối với môi trường, sức khỏe và sự an toàn, có thể tái chế nguyên vật liệu khi có cơ hội, có thể sử dụng các loại vật liệu thân thiện hơn với môi trường...), từ đó tạo ra nếp văn hóa đẹp “vì lợi ích của doanh nghiệp và cộng đồng” trong đơn vị. Đây cũng là giải pháp thiết thực để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn đơn vị, đồng thời giúp doanh nghiệp có được “Giấy thông hành xanh” đối với các sản phẩm của mình, tăng uy tín trên thương trường, giúp cho đơn vị phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường chung ở Việt Nam, khu vực và trên toàn thế giới.

Thực tế ở Việt Nam cho thấy, sự tự nguyện thực hiện KTMT và công bố thông tin về môi trường còn rất hạn chế. Nhiều vụ việc nghiêm trọng được giải quyết theo hướng tạm thời; việc kiểm tra về môi trường chủ yếu được thực hiện thông qua các báo cáo đánh giá tác động môi trường mang tính hình thức của doanh nghiệp; chưa có sự chặt chẽ của các Bộ, ngành; các chế tài luật pháp về môi trường chưa thực sự hiệu quả, chủ yếu dừng ở xử phạt hành chính; chưa xây dựng được một ngân hàng dữ liệu về môi trường quốc gia làm cơ sở cho các đối chiếu và kiến nghị của kiểm toán viên; các vấn đề đào tạo KTMT chưa được triển khai hiệu quả; các quy định hoặc hướng dẫn liên quan đến KTMT trong các tổ chức, DN còn hạn chế, ảnh hưởng đến thông tin phục vụ cho KTMT.  

Với ý nghĩa và tầm quan trọng vô cùng to lớn của môi trường đối với cuộc sống và của cả nền kinh tế, hoạt động KTMT vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

4. Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong công tác triển khai kiểm toán môi trường

Với vai trò là công cụ quản lý quan trọng trong hệ công cụ quản lý của một quốc gia, hiện nay Kiểm toán Nhà nước là lực lượng nòng cốt đảm nhiệm KTMT.

Qua công tác kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước sẽ đưa ra các kết luận, đánh giá và kiến nghị cụ thể về việc xây dựng và thực hiện các chính sách, quy định để phòng - chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường của Quốc gia, cũng như của từng đơn vị, tổ chức; đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong việc sử dụng các nguồn kinh phí môi trường của Chính phủ, đồng thời đánh giá tính hợp lý đúng đắn của Báo cáo quyết toán các nguồn kinh phí này.

Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện thí điểm KTMT. Trên cơ sở những phát hiện trong kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra kiến nghị cụ thể cùng một số giải pháp và điều kiện nhằm tăng cường quản lý môi trường đối với những cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Như vậy, những kết quả KTMT mà Kiểm toán Nhà nước thực hiện đã có tác động đáng kể để cải thiện tình hình về quản lý và bảo vệ môi trường trên cả góc độ về xây dựng và thực hiện chính sách, chế độ phù hợp, về quản lý và sử dụng kinh phí và báo cáo quyết toán. Nếu thực hiện trên diện rộng hơn, chắc chắn Kiểm toán Nhà nước sẽ phát hiện thêm những tồn tại để có những giải pháp tổng thể và chi tiết nhằm bảo vệ môi trường tốt hơn.

Kiểm toán Nhà nước đã chính thức trở thành thành viên của Nhóm công tác về KTMT với mục tiêu tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước trong việc định hướng và triển khai hoạt động kiểm toán đối với các vấn đề có liên quan đến môi trường. Với bước khởi đầu này, Kiểm toán Nhà nước đã tận dụng một cách có hiệu quả sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Kiểm toán Nhà nước không ngừng đẩy mạnh việc tiến hành nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực KTMT của các nước, cử nhiều lượt kiểm toán viên tham gia các hội nghị, khóa đào tạo về KTMT tại Ấn Độ, Canada và Trung Quốc…; cử cán bộ tham gia các nhóm về KTMT của Tổ chức quốc tế tại các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSA) và ASOSAI…   

Trong những năm tới, để đảm bảo yêu cầu quản lý của Nhà nước và cả doanh nghiệp, nên đưa kiểm toán môi trường trở thành yếu tố bắt buộc. Đối với những công trình, dự án mới cần thực hiện tiền kiểm toán môi trường nhằm đảm bảo thiết kế hệ thống quản lý môi trường thích hợp, hiệu quả ngay từ đầu, tránh thiệt hại do phá đi, làm lại hay thay đổi trang thiết bị như một số đơn vị hiện nay. Tuy nhiên, để mở rộng KTMT đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía Kiểm toán Nhà nước cũng như các cơ quan quản lý chức năng. Bởi vì, những quy định pháp lý về KTMT còn chưa rõ ràng, chưa đầy đủ và chưa đồng bộ. Mặt khác, quy trình, phương pháp kiểm toán chưa được xây dựng đầy đủ, trang thiết bị phục vụ kiểm toán môi trường cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu công việc kiểm toán. Công tác đào tạo cán bộ về kiểm toán môi trường của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam còn hạn chế nên chưa có được một đội ngũ kiểm toán viên môi trường chuyên nghiệp.

Để công tác KTMT đạt hiệu quả cao hơn, bên cạnh việc tích cực triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo giữa Kiểm toán Nhà nước Việt Nam với kiểm toán các nước trong ASOSAI,  Kiểm toán Nhà nước cần xúc tiến các cuộc kiểm toán theo hướng phối hợp với các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý môi trường, có đội ngũ nhân lực và phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc KTMT để có thể thực hiện KTMT rộng rãi và chuyên sâu hơn.

Triển vọng trong tương lai gần, khi chúng ta có những quy định pháp lý cụ thể cho hoạt động KTMT, các kiểm toán viên được đào tạo đầy đủ và chuyên nghiệp,… thì cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.

Mặt khác, để công tác quản lý và bảo vệ môi trường được thực hiện tốt, cần tăng cường trách nhiệm xã hội của các đơn vị, tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp. Với chức năng tư vấn cho nhà quản trị đơn vị, kiểm toán nội bộ trong các đơn vị cũng cần quan tâm đến công tác KTMT, như tư vấn cho lãnh đạo đơn vị có giải pháp phù hợp để thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (nếu đơn vị đã được KTMT); hoặc đề xuất nhà quản trị tổ chức KTMT (thuê kiểm toán hoặc thuê chuyên gia để phối hợp KTMT trong đơn vị). Trong trường hợp đơn vị chưa đủ điều kiện thực hiện KTMT thì kiểm toán nội bộ cần tư vấn lựa chọn đối tác cần thuê KTMT. Khi đã có kết quả KTMT, kiểm toán nội bộ cần kiểm tra, đánh giá và đưa ra ý kiến kết luận về các giải pháp nhằm thúc đẩy đơn vị thực hiện tốt hơn các quy định pháp lý về quản lý và bảo vệ môi trường của Chính phủ và các cơ quan ban hành. Hơn nữa, đơn vị có thể tìm kiếm giải pháp đảm bảo sản xuất sạch hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động của đơn vị. Ngoài ra, trong tương lai gần, các tổ chức kiểm toán độc lập cũng có thể cung cấp các dịch vụ kiểm toán và tư vấn các giải pháp quản lý môi trường, tiết kiệm chi phí cho đơn vị được kiểm toán./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường 2014.
  2. Nguyễn Quang Quynh, Ngô Trí Tuệ (2006), Kiểm toán tài chính, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
  3. Nguyễn Quang Quynh, Nguyễn Thị Phương Hoa (2008), Lý thuyết kiểm toán, NXB Tài chính.

The necessity and the implementation of environmental

audit in Vietnam

Ph.D Nguyen Hoan

Faculty of Environmental and Natural Resources Economics

Hanoi University of Natural Resources and Environment

ABSTRACT:

Audits have greatly contributed to the renovation process and economic development of Vietnam. However, the current types of audit in Vietnam have not been comprehensively developed and they have not yet mee diverse management requirements when Vietnam’s economy becomes a developed and integrated market economy. This paper discusses the environmental audit which is playing a larger role in the development of Vietnam. This paper presents the concepts, the necessity and the implementation of environmental audit in Vietnam.

Keywords: audit, environmental audit.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]