Tổng quan tài liệu và những vấn đề đặt ra khi nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay

Bài viết "Tổng quan tài liệu và những vấn đề đặt ra khi nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay" do Nguyễn Văn Tuấn (Trường Cao đẳng Công nghệ Y dược Việt Nam) thực hiện.

Tóm tắt:

Phát triển nguồn nhân lực (NNL) trong quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam là một trong những vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhiều nhà khoa học quan tâm. Cho đến nay, các nghiên cứu về NNL trên thế giới cũng như ở trong nước được tiếp cận khá phong phú dưới nhiều góc độ khác nhau. Cách tiếp cận phổ biến nhất hiện nay về NNL là tiếp cận ở góc độ phát triển NNL. Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày các nghiên cứu về phát triển NNL của các tác giả trong và ngoài nước, từ đó phát hiện khoảng trống nghiên cứu về phát triển NNL ở nước ta.

Từ khóa: nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay các nước trên thế giới đang bước sang giai đoạn phát triển mới với những thành tựu mang tính đột phá, trong đó sự thống trị của các nhân tố truyền thống như đất đai, dân số, lao động, tài nguyên hay vốn… giờ đây đã thực sự thay đổi mà yếu tố đóng vai trò trung tâm quyết định sự biến đổi về chất của nền kinh tế hiện nay là vấn đề con người: nguồn nhân lực. NNL là một trong những nguồn lực, nguồn tài nguyên giữ vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển bền vững của bất kỳ một tổ chức hay một quốc gia. Nguồn lực tài chính mạnh, hay hệ thống phương tiện, kỹ thuật hiện đại đến đâu cũng là vô nghĩa nếu không có NNL có kỹ năng, có chuyên môn cao. Vai trò quan trọng của NNL đã được minh chứng và khẳng định qua nhiều công trình nghiên cứu ở nhiều nước và được chứng thực qua hoạt động kinh tế - xã hội (KTXH) của xã hội loài người qua các giai đoạn lịch sử.

Phát triển NNL, đặc biệt là NNL chất lượng cao, có vai trò quan trọng góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế mỗi địa phương. NNL trình chất lượng cao là bộ phận nhân lực tinh túy nhất, đã được đào tạo có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có sức khỏe, có kỹ năng, năng lực và phẩm chất nghề nghiệp tốt, có khả năng đổi mới, sáng tạo và thích ứng nhanh với những thay đổi của môi trường công nghệ và mong muốn đóng góp tài năng, công sức của mình cho sự phát triển KTXH. Cao hơn nữa, đó là những người lao động có khả năng vận dụng những tri thức, kỹ năng đã được đào tạo vào quá trình lao động sản xuất nhằm sáng tạo ra tư liệu lao động mới, nâng cao năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả cao trong công việc. NNL trình độ cao ở khía cạnh vi mô sẽ trực tiếp làm gia tăng năng suất lao động cá biệt, nhưng ở khía cạnh vĩ mô, NNL trình độ cao là một bộ phận yếu tố tác động đến năng suất lao động tổng hợp thông qua sự biến đổi của các yếu tố hữu hình, đặc biệt là yếu tố vốn nhân lực, vốn tri thức góp phần đẩy mạnh phát triển KTXH.

Trong bài viết này, tác giả lược khảo các tài liệu đã nghiên cứu về NNL và phát triển NNL của các tác giả trong và ngoài nước của các học giả đi trước nhằm mục đích phát hiện ra khoảng trống nghiên cứu về NNL, phát triển NNL, để từ đó có các hướng nghiên cứu về NNL và phát triển NNL ở nước ta phù hợp hơn trong giai đoạn mới.

2. Tổng quan các nghiên cứu liên quan đến phát triển nguồn nhân lực

2.1. Các nghiên cứu liên quan đến đường lối chính sách

Đại hội Đại biểu toàn quốc (ĐHĐBTQ) lần thứ VI (1986) đã thực hiện đổi mới quốc gia trên nhiều lĩnh vực, từ KTXH đến đường lối chính sách pháp luật. Về kinh tế, Việt Nam đã xác định xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong công cuộc xây dựng đó, ngoài các yếu tố về vốn, công nghệ, tài nguyên có sẵn hay các tiềm lực từ “cú huých bên ngoài” dùng để phát triển thì phát triển các yếu tố nội tại sẵn có, trong đó nguồn nhân lực của quốc gia là vấn đề cốt lõi rất được Đảng và Nhà nước quan tâm. Trong công cuộc phát triển, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam, kế thừa tinh thần các kỳ đại hội trước, trong các Văn kiện của ĐHĐBTQ lần thứ XII và XIII của Đảng đã chỉ rõ, NNL là yếu tố để xây dựng và phát triển đất nước cho nên công tác giáo dục và đào tạo đã được chú trọng đúng mức. Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XI khẳng định: “Phát triển, nâng cao chất lượng NNL, nhất là NNL chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011, tr.410). Tiếp đó, trong Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XII, các nội dung về giáo dục và đào tạo được đề cập một cách liên tục, xem trọng công tác nâng cao chất lượng NNL và đánh giá cao sự tác động của nó đối với sự phát triển các mặt KTXH "Nâng cao chất lượng NNL và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ"; trong Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, giáo dục và đào tạo đã được để ở mục riêng. Đặc biệt, Văn kiện ĐHĐBTQ XIII đã gắn nội dung phát triển giáo dục và đào tạo với đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

2.2. Các nghiên cứu trong và ngoài nước

2.2.1. Các nghiên cứu quốc tế

Nhìn lại lịch sử nghiên cứu trong lĩnh vực này, vấn đề phát triển NNL trở nên phổ biến và giữ vai trò đặc biệt sau khi lý thuyết tăng trưởng và lý thuyết vốn con người được ủng hộ bởi Schultz (1961) và Becker (1964) mà cụ thể là, các ý kiến khi bàn về phát triển NNL đều thống nhất và cho rằng: Không có quốc gia nào vững mạnh khi không có NNL vững mạnh. NNL là tài sản lớn nhất, là thước đo hiệu quả sản xuất của một nền kinh tế, là một trong những yếu tố quyết định cạnh tranh quốc gia. Nguồn tài sản trí tuệ này không những giữ vững hiệu quả cho hoạt động hiện tại mà còn sinh lợi cho tương lai (Schultz, 1961; & Becker, 1964). Các ấn phẩm hàng năm về chủ đề NNL của tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), với những báo cáo đầy đủ về tình hình phát triển NNL, cập nhật đầy đủ chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) ở các quốc gia đã cho thấy các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển NNL, đó chính là: (i) giáo dục, đào tạo; (ii) việc làm và sự giải phóng con người (iii) sức khỏe và dinh dưỡng; (iv) môi trường; và kết luận rằng giáo dục, đào tạo luôn là nhân tố hàng đầu trong quá trình phát triển NNL. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế khác như: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng rất quan tâm nghiên cứu và đưa ra các báo cáo cụ thể liên quan đến phát triển NNL trên toàn cầu. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng đã tiến hành khảo sát về tác động của NNL đến phát triển KTXH ở các quốc gia trên toàn thế giới, bên cạnh đó các ấn phẩm tiêu biểu như: Meeting human resources needs (Đáp ứng các nhu cầu về nguồn nhân lực) hay Human resources for health policies: A critical component in health policies (Nguồn nhân lực cho chính sách về sức khỏe: Một nhân tố thiết yếu trong các chính sách về sức khỏe) của tác giả Gilles Dussault… đều phân tích vai trò của NNL với phát triển KTXH theo các khía cạnh khác nhau.

2.2.2. Các nghiên cứu tại Việt Nam

Hiện nay Việt Nam đã gia nhập vào nhóm các quốc gia đang phát triển và phấn đấu đến năm 2045 sẽ gia nhập vào khối các quốc gia phát triển. Tuy vậy, phát triển NNL ở Việt Nam vẫn là vấn đề còn rất nhiều quan ngại do từ đào tạo đến áp dụng thực tiễn còn khoảng cách khá xa, dù đây là yếu tố cần quan tâm xuyên suốt trong quá trình phát triển KTXH của mọi quốc gia trên thế giới. Khi bàn về NNL và vai trò của nó trong qua trình phát triển, các tác giả khác trong nước đã đưa ra những lý luận về NNL bằng các công trình nghiên như sau:

Đoàn Văn Khái (2005) trong tác phẩm của mình về Nguồn lực con người trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam đã tóm lược quá trình công nghiệp hóa trên thế giới; nội dung, bản chất, tính tất yếu và đặc điểm của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay và đưa ra nhận định nguồn lực con người là yếu tố quyết định đưa đến thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là tài liệu có ý nghĩa tham khảo trong việc nâng cao chất lượng nguồn lực con người. Bên cạnh đó, tài liệu đã đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm khai thác và phát triển hiệu quả nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam. Tác giả Phạm Thành Nghị (2009) trong tác phẩm Nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đưa ra các lý luận chung về vốn con người, phát triển NNL… cùng các nhận thức mới về cách thức quản lý NNL: đó là trình bày kinh nghiệm phát triển NNL và quản lý NNL của các quốc gia châu Á và các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi. Tài liệu còn trình bày các nhân tố tác động đến NNL trong giai đoạn mới, đồng thời đề xuất áp dụng những mô hình quản lý nguồn nhân lực phù hợp, các giải pháp phát triển NNL phù hợp hơn trong giai đoạn CMCN lần thứ tư hiện nay. Với tác phẩm Con người và phát triển con người (Hồ Sĩ Quý, 2007) đã đưa ra những lý luận cơ bản về con người và phát triển con người; các khái niệm, vai trò chức năng của NNL; tài liệu cũng xác định phương hướng, giải pháp xây dựng phát triển NNL đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH trong giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập sâu với kinh tế thế giới.

Quản trị nguồn nhân lực (2019) tác giả Trần Kim Dung trong đã trình bày một cách có hệ thống những vấn đề cơ bản về NNL, như khái niệm, tiêu chí, phân loại, những yếu tố chi phối đến NNL; trình bày vấn đề giáo dục đào tạo NNL, quản lý, bố trí, sử dụng, trọng dụng, các chính sách, cơ chế đối với NNL đất nước. Cũng trong giáo trình này, tác giả đề xuất một số phương hướng, giải pháp cho phát triển NNL ở Việt Nam trong giai đoạn mới, đặc biệt là trong thời kỳ CMCN lần thứ tư.

Khi bàn về NNL và phát triển NNL trong quá trình phát triển KTXH của Việt Nam, Đường Vĩnh Sường (2012) đã phân tích các mặt hạn chế, tích cực của phát triển NNL ở nước ta hiện nay để từ đó đề xuất các giải pháp xây dựng NNL trong tương lai nhằm nhanh chóng hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tác phẩm Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nguyễn Thanh, 2008) đã đề cập đến rất nhiều những chủ đề khác nhau, đó là (i) các quan điểm về phát triển NNL (ii) vai trò của phát triển, nâng cao chất lượng NNL. Bên cạnh đó, tác giả đã phân tích, đánh giá thực trạng NNL nước ta hiện nay và đưa ra các định hướng phát triển, trong đó, tác giả cho rằng phát triển NNL cốt lõi phải phát triển giáo dục và đào tạo, Nhà nước cần xem đây là “quốc sách”, đồng thời tăng nguồn đầu tư từ ngân sách cho giáo dục và đào tạo; xã hội hóa giáo dục và đào tạo; tiếp tục cải cách nội dung và phương pháp đào tạo nhân lực trong giai đoạn mới. Bùi Văn Nhơn (2018) với nghiên cứu Quản lý và phát triển nguồn nhân lực xã hội đã đặt ra một số vấn đề trong quản lý và phát triển NNL ở nước ta hiện nay. Trên cơ sở đó, tác giả đã nêu bật những đặc điểm của NNL và phát triển NNL ở nước ta, các nguồn chủ yếu hình thành NNL và tác động của NNL đến KTXH… của quốc gia.

2.2.3. Các nghiên cứu liên quan đến thực trạng phát triển nguồn nhân lực và đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam

Các tài liệu liên quan đến vấn đề thực trạng NNL, các giải pháp phát triển NNL ở Việt Nam gồm có các công trình sau:

Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thực trạng và giải pháp (2008) của tác giả Mạc Văn Tiến đã phân tích, đưa ra các đánh giá về NNL và phát triển NNL của nước ta. Trong đó tài liệu cho rằng cơ cấu và chất lượng của lao động của nước ta vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu của quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, chất lượng NNL nước ta vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các nước phát triển triển trên thế giới và cả các quốc gia trong khu vưc. Từ việc phân tích, đánh giá NNL và phát triển NNL trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, tác giả đã đề xuất các giải pháp phát triển. Bên cạnh đó, tác giả Chu Văn Cấp (2012) khi bàn về phát triển NNL chất lượng cao và các đóng góp của NNL chất lượng cao vào phát triển bền vững của Việt Nam, tác giả đã cho rằng thực tiễn của vấn đề nghiên cứu về NNL và phát triển NNL chính là nghiên cứu về vấn đề phát triển NNL chất lượng cao vì đây là yếu tố then chốt của phát triển.

Hiện nay, nước ta đang duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào thu hút đầu tư nước ngoài, khai thác tài nguyên, gia công… trong những ngành thâm dụng lao động có kỹ năng thấp. Tuy nhiên, trong tương lai chúng ta sẽ phải đối mặt với thách thức lớn khi khoa học công nghệ, máy móc thiết bị hoặc AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ thay thế sức lao động của con người. Vì vậy, nếu không có những giải pháp và sự đột phá về NNL đây là một trong những cản trở lớn đối với phát triển NNL khi Việt Nam cần từng bước chuyển dịch sang các ngành công nghệ cao, điều đó sẽ có thể dẫn tới xu hướng suy giảm đáng kể nhiều mặt trong toàn bộ đời sống xã hội.

2.2.4. Các tài liệu nghiên cứu về giải pháp phát triển nguồn nhân lực

Khi nghiên cứu về NNL và phát triển NNL, một trong những vấn đề cơ bản của các nghiên cứu là phải thực hiện được nhiệm vụ phát triển NNL. Để thực hiện thành công điều đó, các nghiên cứu cần xác định được thực trạng NNL, phát triển NNL, phát hiện ra các nguyên nhân và hạn chế, các nguyên nhân khách quan, chủ quan… để từ đó xây dựng chiến lược phát triển NNL thông qua hệ thống chính sách, kế hoạch, chương trình hoạt động dựa trên những nguồn lực hiện có để hướng đến việc đào tạo và nâng cao chất lượng NNL, nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế trong dài hạn cũng như đề xuất các kiến nghị, giải pháp phát triển.

Những vấn đề này được tập hợp trong những nghiên cứu của một số tác giả: Lê Lan Hương và ctg (2021), Tiến Dũng (2021)… Mặc dù có phương pháp nghiên cứu khác nhau, tiếp cận vấn đề NNL và phát triển NNL khác nhưng nhìn chung các tác giả đều có cùng quan điểm, đó là: để phát triển NNL và nâng cao chất lượng NNL trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp như hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển NNL có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng…; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu; đẩy mạnh sự chuyển biến về nhận thức, khuyến khích đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương, song phương trong giáo dục nghề nghiệp… Phát triển NNL phục vụ phát triển KTXH trong thời đại CMCN lần thứ tư phải gắn liền với các ngành khoa học công nghệ, đồng thời các chính phủ cần có chính sách tốt và tập trung cao độ, ưu tiên hàng đầu đối với vấn đề NNL.

Để thể chế hóa các vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo nhằm phát triển NNL, đặc biệt là phát triển NNL chất lượng cao, ngày 30/8/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1446/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Mục tiêu của chương trình nhằm xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại NNL ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc CMCN lần thứ tư; gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực; góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Để thực hiện các mục tiêu trên, trước hết cần đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo, đào tạo lại, đánh giá thực trạng kỹ năng của người lao động tại các doanh nghiệp theo các lĩnh vực, ngành, nghề chịu tác động của cuộc CMCN để từ đó “đặt hàng” các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo, đào tạo lại theo hình thức chính quy hoặc thường xuyên.

3. Những vấn đề đặt ra cho nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực hiện nay ở nước ta

Có thể thấy các nghiên cứu trước đây đã tiếp cận một cách có hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản về NNL và tầm quan trọng của NNL trong quá trình phát triển KTXH. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về phát triển NNL hiện nay ở nước ta cần làm rõ một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, những công trình nghiên cứu cả trong và ngoài nước đã thể hiện mối quan tâm của các nhà nghiên cứu đối với lực lượng quan trọng nhất của toàn xã hội, đó là NNL, lực lượng quyết định nhất đến sự hình thành nền kinh tế tri thức toàn cầu. Do đó, phát triển NNL luôn là vấn đề quan tâm của các nhà hoạch định chính sách nói chung và các nhà quản trị doanh nghiệp nói riêng, điều đó thúc đẩy các nghiên cứu trong phát triển NNL. Tuy nhiên, các nghiên cứu đều tập trung ở một số khía cạnh về cách mạng công nghiệp lần thứ tư hoặc về NNL hay phát triển NNL mà không có công trình nghiên cứu đầy đủ về mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp giữa NNL và phát triển KTXH trên một địa bàn cụ thể với những yếu tố đặc thù của nó.

Thứ hai, các công trình quốc tế đưa ra một số tiêu chí làm thước đo chất lượng NNL sự nhận thức, kỹ năng làm việc, ứng dụng công nghệ, thái độ, sự tin tưởng, sự nhạy cảm, đặc tính cá nhân... Tuy nhiên, điều kiện và môi trường áp dụng giữa các quốc gia, châu lục không giống nhau, do đó, các tiêu chí chủ yếu để tham khảo. Xét trên tổng thể, các công trình trong nước có đề cập đến trình độ, phẩm chất, đạo đức, kỹ năng, sức khỏe, thái độ... nhưng đều chưa xác định cụ thể từng thành tố cấu thành chất lượng NNL một quốc gia nói chung và tại một địa phương nói riêng.

Thứ ba, các nghiên cứu chưa thực sự đưa ra được mô hình phù hợp nhằm đánh giá sự đáp ứng về chất lượng NNL của địa phương trong chiến lược phát triển KTXH đặc thù của mình. Chưa vận dụng các bài học kinh nghiệm quốc tế để xây dựng các định hướng và giải pháp cho việc phát triển NNL trong các điều kiện cụ thể.

Thứ tư, hệ thống giải pháp của các nghiên cứu trên cũng dừng lại ở tầm vĩ mô, phần lớn được đề xuất cho phát triển NNL nói chung mà chưa có những giải pháp cụ thể cho phát triển NNL trong điều kiện phát triển KTXH của mỗi địa phương ở thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2021). Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021.
  2. Trần Kim Dung (2020). Quản trị nguồn nhân lực. Hà Hội: Nxb Lao động Xã hội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (Các năm 1986, 2011, 2016, 2021). Văn kiện kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII. Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  4. Chu Văn Cấp (2012). Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển bền vững Việt Nam. Tạp chí Cộng sản, tr.22-25
  5. Lê Lan Hương, Trần Thị Thu Dung, Trần Nguyên An, Đinh Văn Hiệp (2021). Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/chien-luoc-phat-trien-nguon-nhan-luc-quoc-gia-cua-viet-nam-trong-boi-canh-cuoc-cach-mang-cong-nghep-40-83984.htm.
  6. Đoàn Văn Khái (2005). Nguồn lực con người trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam. Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội.
  7. Phạm Thành Nghị (2009). Nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  8. Bùi Văn Nhơn (2018), Quản lý và phát triển nguồn nhân lực xã hội, Nxb Lao động Xã hội.
  9. Hồ Sĩ Quý (2007). Giáo trình con người và phát triển con người. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  10. Mạc Văn Tiến (2008). Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thực trạng và giải pháp. Nxb Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  11. Nguyễn Thanh (2008). Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  12. Schultz T.W. (1961). Investment in Human Capital. American Economic Review, 51, 1-17.
  13. Becker S.G. (1964). Human Capital: A Theoretical and Empirical Analysis, with Special Reference to Education. University of Chicago Press, Chicago.

 

A literature review and issues raised when researching human resource development in Vietnam today

Nguyen Van Tuan

Vietnam College of Medical Technology and Pharmacy

Abstract:

In Vietnam’s economic development process, developing human resources is one of the top concerns of the Communist Party of Vietnam, the Government of Vietnam, and many scientists. Research on human resources in the world as well as in Vietnam has been conducted with different approaches. The most popular approach to these studies is human resource development. This literature review presents an overview of research on human resource development done by Vietnamese and foreign scholars to discover research gaps on human resource development in Vietnam.

Keywords: human resources, human resource development, economic development, human resource quality.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18 tháng 8 năm 2023]