Theo Uỷ ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang, trong những năm qua Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Tuyên Quang đã chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền đề ra các chủ trương, giải pháp đồng thời tích cực triển khai, phát huy vai trò của các ngành, thành viên Ban Chỉ đạo trong thực hiện Cuộc vận động theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động
Thực hiện vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống Mặt trận các cấp làm tốt vai trò tham mưu, phối hợp của cơ quan Thường trực về việc triển khai thực hiện Cuộc vận động ở các huyện, thành phố; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, các ngành chức năng thực hiện tốt công tác tuyên truyền và lồng ghép việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp phát động,...
Trong công tác tuyên truyền, để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện - cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, huyện thường xuyên thông tin, phản ánh tình hình kết quả thực hiện Cuộc vận động ở các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền biểu dương và nhân rộng các kết quả điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động, đồng thời đấu tranh, phê phán các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của các cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện Cuộc vận động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn khó khăn, hạn chế, như: Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; một số hàng hóa Việt Nam chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng và giá cả sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng nên hiệu quả xúc tiến thương mại chưa cao…
Do vậy, theo Uỷ ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang, để tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt kết quả thiết thực cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; sự tham mưu, đề xuất kịp thời của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan thông tin đại chúng các cấp trong triển khai thực hiện Cuộc vận động. Trong đó cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm của Cuộc vận động; địa bàn tập trung là khu dân cư, khu công nhân, công nghiệp cũng như vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mục đích thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
Tăng tỷ lệ hàng Việt tại cả kênh phân phối hiện đại và truyền thống
Tại Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 23/4/2022 về thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Tuyên Quang xác định đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường; huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế; kết hợp hài hòa giữa kinh doanh truyền thống và hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu, hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini...) và trên 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa...). Trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết đến Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. Trên 90% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết đến phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào này. 100% các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; tổ chức và tham gia từ 3 đến 5 chương trình kết nối cung cầu cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam. Xây dựng và hình thành trên 05 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh tại thị trường trong nước...