Gần đây, các doanh nghiệp thủy sản đang cùng lúc đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí sản xuất, vận chuyển tăng, vốn cạn, lãi suất vay ở mức cao, đơn hàng giảm,… khiến cho phần lớn doanh nghiệp rơi vào cảnh chật vật để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, rất cần các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc kịp thời.
Ngày 12/7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký văn bản số 639/TTg-KTTH về việc thông tin, báo chí phản ánh và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành.
Văn bản nêu rõ Báo cáo số 359/2023/TTĐT ngày 20/6/2023 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ báo cáo về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành có nội dung về Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị 6 giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản trên báo Công Thương.
Gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, các Bộ, cơ quan: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao xem xét, xử lý theo quy định các kiến nghị của VASEP tại Báo cáo tổng hợp của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nêu trên theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 25/7/2023.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo quy định kiến nghị về việc điều chỉnh lãi suất cho vay, cấp tín dụng, cơ cấu lại nợ theo đúng giải pháp quy định tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 08/6/2023, gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 01/5/2023.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 8/6/2023 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2023 trực tuyến với địa phương về việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho người dân, doanh nghiệp theo quy định pháp luật; xem xét, xử lý kiến nghị về kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết năm 2023, mở rộng phạm vi áp dụng giảm thuế suất VAT 2% với tất cả các hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất 10% theo quy định và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản số 1783/VPCP-KTTH ngày 30/5/2023 và văn bản số 3417/VPCP-KTTH ngày 15/5/2023.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao xem xét, xử lý theo quy định kiến nghị tiếp tục cho doanh nghiệp vay từ ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp xuống còn 0,5%
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao xem xét, xử lý theo quy định kiến nghị của các doanh nghiệp thủy sản về giảm mức đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp đến hết năm 2023, nghiên cứu, sửa đổi, đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0,5% và tạm dừng đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đến hết năm 2023, cho các doanh nghiệp giãn nộp bảo hiểm xã hội từ 3 - 6 tháng.
Bộ Công an, Bộ Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo quy định kiến nghị về nghiên cứu, đề xuất giải pháp theo hướng rà soát, sửa đổi các quy định về phòng cháy chữa cháy để phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; áp dụng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo mức độ rủi ro, giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan xem xét, xử lý theo quy định kiến nghị đơn giản hóa thủ tục đầu tư nhà máy chế biến thủy sản đầu tư nâng công suất, đổi mới công nghệ.
Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo quy định kiến nghị giảm mức đóng kinh phí công đoàn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu các kiến nghị của VASEP để theo chức năng, nhiệm vụ được giao có giải pháp phù hợp theo thẩm quyền và quy định hiện hành, đồng thời chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan nêu trên trong quá trình xử lý các kiến nghị của VASEP nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản trong giai đoạn hiện nay.
Theo số liệu của VASEP, xuất khẩu thủy sản trong tháng 6/2023 ước đạt gần 800 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt 341 triệu USD, mức cao nhất từ đầu năm tới nay, nhưng vẫn giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế nửa đầu năm, xuất khẩu tôm đạt gần 1.6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với nửa đầu năm 2022.
Xuất khẩu cá tra trong tháng 6/2023 ước đạt 156 triệu USD, thấp hơn 26% so với tháng 6/2022, luỹ kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra ước đạt trên 885 triệu USD, thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt 64 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái, luỹ kế nửa đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt 380 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu các loại cá biển khác trong tháng 6 giảm sâu hơn tháng trước với mức giảm 17%, chỉ đạt 157 triệu USD, dù những tháng trước có tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu các mặt hàng khác như mực, bạch tuộc, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ trong tháng 6/2023 cũng giảm từ 17-30% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sụt giảm mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 4,13 tỷ USD giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 41,5% kế hoạch.