Xuất khẩu "khó chồng khó"

Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” cho thấy, sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh trình bày báo cáo dẫn đề Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh trình bày báo cáo dẫn đề Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo chỉ tăng 2,9% trong năm 2023, trong đó Hoa Kỳ dự báo tăng 1,4%, Eurozone chỉ tăng 0,7%, Canada tăng 1,5% và Anh còn được dự báo giảm 0,6%.

Tại Hoa Kỳ và các nước châu Âu, nhiều ngân hàng lớn lâm vào bối cảnh khó khăn. Sự hỗn loạn của thị trường đã dẫn đến các phản ứng chính sách mạnh mẽ hơn của các Ngân hàng Trung ương theo hướng thắt chặt tiền tệ, ảnh hưởng tới khả năng phục hồi của nền kinh tế, vốn đã gặp nhiều khó khăn từ cuối năm 2022.

Tại châu Âu, khó khăn về kinh tế ảnh hưởng đến đời sống người lao động dẫn đến các hoạt động đình công, biểu tình, thậm chí dẫn đến xung đột. Trong khi đó, giá năng lượng thế giới vẫn ở mức cao và chiến sự Nga - Ukraine vẫn kéo dài, tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu.

Lạm phát mặc dù đã chững lại nhưng vẫn ở mức cao. Lạm phát, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa sau thời gian triển khai nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế giao thương, đi lại để kiểm soát dịch Covid-19 vừa là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, nhưng cũng là yếu tố thúc đẩy sức ép cạnh tranh mạnh mẽ hơn đối với hàng hoá Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nền kinh tế nước ta với độ mở lớn cũng đã đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bối cảnh thế giới không thuận lợi. Tăng trưởng GDP Quý I/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước; nhiều địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng rất thấp hoặc giảm.

Trong bối cảnh đó, xuất khẩu, nhập khẩu đều ghi nhận mức giảm 2 con số so với cùng kỳ ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp FDI.

Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2023 đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2022; trong khi trị giá nhập khẩu đạt 74,5 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ.

Đối với khu vực doanh nghiệp trong nước, xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 19,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ; trị giá nhập khẩu đạt 25,8 tỷ USD, giảm 14,1%.

Đối với khu vực doanh nghiệp FDI, xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 59,6 tỷ USD (tính cả dầu thô), giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước; trị giá nhập khẩu đạt 48,7 tỷ USD, giảm 16%.

Dù vậy, trong tháng 3, cán cân thương mại hàng hoá tiếp tục ghi nhận xuất siêu 1,4 tỷ USD. Tính chung Quý I/2023, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có xuất siêu 4,8 tỷ USD.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, xuất khẩu đang ghi nhận sụt giảm ở tất cả các khu vực thị trường. Trong đó, xuất khẩu giảm mạnh nhất ở thị trường châu Mỹ, tiếp đó là thị trường châu Âu và thị trường châu Phi

Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ trong Quý I/2023 đạt 24,6 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 20,8 tỷ USD, giảm 20,9%; sang Canada đạt 1,2 tỷ USD, giảm 18,4%/

Xuất khẩu sang thị trường châu Âu trong Quý I/2023 đạt 12,4 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu sang EU đạt 10,4 tỷ USD, giảm 10%; sang Anh đạt 1,4 tỷ USD, giảm 1,3%; sang Nga đạt 371 triệu USD, giảm 32,8%.

Xuất khẩu sang thị trường châu Phi trong Quý I/2023 đạt 624,8 triệu USD, giảm 11,2%; sang thị trường châu Đại Dương đạt 1,44 tỷ USD, giảm 3,7%.

Xuất khẩu sang thị trường châu Á trong Quý I/2023 đạt 38,7 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11%; sang Hàn Quốc đạt 5,8 tỷ USD, giảm 5,6%. Riêng thị trường Nhật Bản và thị trường ASEAN, xuất khẩu quý I/2023 đạt tương đương so với cùng kỳ.

Về nhóm hàng xuất khẩu, Bộ Công Thương nhận định xuất khẩu giảm mạnh ở nhóm các mặt hàng công nghiệp chế biến, trong đó đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng, sau đó đến nhóm hàng nông sản, thuỷ sản.

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt 6,8 tỷ USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu thủy sản đạt 1,8 tỷ USD, giảm 27,3%; xuất khẩu rau quả đạt 982 triệu USD, tăng 16,2%; xuất khẩu cà phê giảm 5,4%.

Xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,03 tỷ USD, giảm 1,6%.

Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp đạt 67,8 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu hàng dệt may đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,7%; xuất khẩu giày dép các loại đạt 4,33 tỷ USD, giảm 18,3%; xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 13,4 tỷ USD, giảm 12,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 12 tỷ USD, giảm 9,3%...

Để gỡ khó cho xuất khẩu, Cục Xuất nhập khẩu cho biết Bộ Công Thương sẽ:

(i) Tiếp tục tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan chức năng của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan.

(ii) Đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tăng cường cơ chế cảnh báo sớm về các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.

(iii) Tổ chức khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

(iv) Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; có giải pháp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch để bảo đảm tăng trưởng bền vững của hoạt động thương mại biên giới.

(v) Xem xét, tháo gỡ khó khăn của các Hiệp hội, doanh nghiệp về các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, thủ tục xuất nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ

(vi) Chú trọng phát triển dịch vụ logistics, đặc biệt là logistics cho hoạt động xuất khẩu nông sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

(vii) Trong bối cảnh nhu cầu thị trường ngoài nước gặp khó khăn, cần tổ chức các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá trong nước thông qua các biện pháp xúc tiến thương mại trong nước, Chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

(viii) Hỗ trợ, nâng cao vai trò của các Hiệp hội ngành hàng là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên xây dựng các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định FTA.

Thy Thảo