Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 3/2023 (từ ngày 16/3 đến ngày 31/3/2023) đạt 30,79 tỷ USD, tăng 13,3% (tương ứng tăng 3,62 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 3/2023.
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 3/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong quý I/2023 đạt 153,79 tỷ USD, giảm 13,5% (tương ứng giảm 24,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, trong kỳ 2 tháng 3/2023, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 1,98 tỷ USD. Tính chung quý I/2023, Việt Nam xuất siêu 4,81 tỷ USD.
Những con số này phản ánh nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế đối diện khó khăn do tác động từ cả bên trong và bên ngoài.
“Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó có khả năng chịu tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất - tỷ giá”, Bộ Công Thương nhận định.
Bộ Công Thương đánh giá, kinh tế thế giới vẫn đang ở giai đoạn khó khăn, hồi phục chậm, tổng cầu giảm; lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm tại các quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Âu - châu Mỹ.
Xung đột tại Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực và rất khó đoán định khiến đầu tư giảm và gián đoạn. Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, dựng lên những tiêu chuẩn mới, hàng rào kỹ thuật mới.
Mặt khác, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng được dự báo làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Để gỡ khó cho xuất khẩu, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ.
Tại Công văn số 2246/BCT-KHTC ngày 18/4/2023 của Bộ Công Thương gửi các đơn vị thuộc Bộ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ tại Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Chính sách thương mại đa biên tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latin, Đông Âu,…
Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới.
Tạo thuận lợi hóa, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA.
Tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tại Công văn số 2246/BCT-KHTC, Bộ Công Thương cũng giao Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục thực hiện quản lý xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC theo quy định tại Thông tư số 05/2022/TT-BCT ngày 16/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho đến hết ngày 31/12/2023; từ ngày 1/1/2024, thực hiện theo quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.