Algeria là quốc gia có diện tích lớn nhất châu Phi và nằm ở khu vực Bắc Phi với nền kinh tế lớn thứ 4 châu Phi. Là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi, những năm gần đây, Algeria chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu song đây vẫn là thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam.
Đặc biệt, quốc gia này có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như càphê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản nước ngọt… bởi đây là những sản phẩm mà Algeria không sản xuất được.
Dù là một thị trường đầy tiềm năng và là cửa ngõ quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư và hợp tác thương mại với các nước châu Phi nhưng thương mại song phương giữa Việt Nam và Algeria vẫn còn khiêm tốn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Algeria đã đạt 63,36 triệu USD, tăng 104,73% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm có cà phê, hạt tiêu, hàng thủy sản, sản phẩm hóa chất, hàng kim loại thường… Bên cạnh những cơ hội, thị trường Algeria cũng có một số rủi ro thương mại.
Để giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi tiếp cận thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Algeria lưu ý doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ khách hàng trước khi giao dịch như đề nghị cung cấp bản sao giấy phép kinh doanh, mã số thuế, hộ chiếu trang có ảnh của người đại diện hợp pháp công ty và nhờ các cơ quan chức năng thẩm tra
Doanh nghiệp không nên quá tin tưởng vào công ty môi dù làm việc lâu năm và cần kiểm tra thông tin đối tác nhập khẩu; Phương thức thanh toán nên dùng thư tín dụng (L/C) không hủy ngang có xác nhận hoặc nhờ thu qua ngân hàng (DP, CAD at sight) yêu cầu khách đặt cọc từ 20% trở lên. Do ngân hàng Algeria không cho phép chuyển tiền đặt cọc từ trong nước nên có thể đề nghị khách đặt cọc ngoài Algeria.
Thương vụ Việt Nam tại Algeria khuyến nghị doanh nghiệp nên thỏa thuận, đề nghị khách thanh toán 100% tiền hàng (nếu được) trước khi tàu cập cảng Algeria để chủ động kiểm soát tiền hàng.
Khi hàng vào cảng, nếu khách hay ngân hàng Algeria chậm thanh toán 1 tuần, doanh nghiệp cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng như Thương vụ, Vụ Thị trường Châu Á-Châu Phi (Bộ Công Thương), v.v… để được tư vấn, hỗ trợ giải quyết kịp thời, tránh tình trạng để hàng kéo dài tại cảng dẫn tới phát sinh chi phí kho bãi, tiền phạt và hải quan sở tại bán đấu giá sung công quỹ (theo quy định, sau khi hàng nằm tại cảng 81 ngày kể từ khi được dỡ khỏi tàu, hải quan Algeria sẽ tiến hành bán đấu giá).