Đa dạng hóa cách thức tiếp cận nhân dân
Xác định sự thành bại của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam bắt nguồn từ nhận thức, ý thức của người tiêu dùng, do đó, một mặt, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động trên địa bàn thành phố Cần Thơ ngày càng mở rộng, phong phú và đa dạng. Để làm sao có thể khiến cho nhân dân của thành phố mua bán trên sông lúc nào cũng rộn ràng, hào sảng, nhưng không kém phần lãng mạn… có thể thấy hấp dẫn, yêu thích và chủ động trong tình yêu hàng Việt!
Tình yêu có thể bắt đầu từ nhiều cách. Với Cần Thơ, tình cảm với hàng Việt đã được gây dựng từ nhiều năm trước đây, khi ngành Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành tạo điều kiện quảng bá, phân phối, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu. Thông qua các hoạt động tiêu biểu như: Tổ chức chương trình “Tuần lễ Tinh hoa hàng Việt và siêu khuyến mãi”; tổ chức chuỗi sự kiện khuyến mãi tập trung với tổng thời gian 113 ngày; tổ chức các phiên chợ hàng Việt Nam năm này qua năm khác tại siêu thị…
Gần đây nhất là tổ chức “Tuần lễ OCOP và các sản phẩm Tinh hoa hàng Việt Nam năm 2022”; tổ chức đoàn tham gia Hội chợ Công Thương khu vực ĐBSCL năm 2022 tại tỉnh Hậu Giang… Bên cạnh đó, Trung tâm xúc tiến thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ đã tổ chức Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam, qua đó đã tạo cơ hội, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm ngành nông nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tăng cường kết nối giao thương, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp chủ lực, các sản phẩm chế biến chuyên sâu của TP Cần Thơ, ĐBSCL… tới đông đảo mọi tầng lớp nhân dân…
Bên cạnh đó, Sở Công Thương càng tìm ra nhiều cách để đưa hàng Việt tiến vào sâu trong đời sống nhân dân Cần Thơ hơn nữa. Đó là phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố và Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp các quận, huyện triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã đạt chứng nhận OCOP trong hoạt động xúc tiến thương mại. Rồi những hội chợ tưng bừng cho bà con được đến chơi và mua sắm như: Hội chợ thương mại hàng Việt Nam và các sản phẩm OCOP năm 2023 tại Quảng trường Tây Nam Bộ (quy mô 300 gian hàng) thu hút khoảng hơn 180 ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm tại Hội chợ, doanh thu ước đạt trên 15 tỷ đồng…
Nhằm giúp nhân dân nhận diện và loại bỏ những hàng hóa không phải là hàng Việt Nam chất lượng cao, Cục Quản lý thị trường Cần Thơ đã phối hợp với các cơ quan hữu quan thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không bảm đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đảm bảo chất lượng hàng Việt là nhiệm vụ chung
Đặc biệt, ở Cần Thơ, không chỉ ở phía doanh nghiệp, nhân dân tiêu dùng, mà Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam còn được thực thi tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn thành phố. Các cấp ủy, người đứng đầu đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quan tâm ưu tiên hàng hóa của Việt Nam khi thực hiện việc mua sắm tài sản công bằng ngân sách nhà nước, góp phần đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa Việt Nam, đồng thời nêu gương, cổ vũ cho việc hưởng ứng và thực hiện Cuộc vận động trong toàn thành phố. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức trong từng cơ quan, đơn vị đều thể hiện được tính tiên phong, gương mẫu trong việc mua sắm, sử dụng hàng hóa Việt Nam tại nơi công sở và ngay trong sinh hoạt tiêu dùng của gia đình, nên ý nghĩa Cuộc vận động ngày càng có sức lan tỏa.
Cho đến nay, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã làm thay đổi đáng kể nhận thức và hành vi của nhà sản xuất, người tiêu dùng tại địa phương, tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân thành phố, hướng hành vi tiêu dùng vào việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt.
Ở chiều ngược lại, để người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam, các doanh nghiệp trên địa bàn Cần Thơ cũng đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm đi cùng với giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng như các cấp, các ngành còn đẩy mạnh công tác chống hàng gian hàng giả để lấy được lòng tin của người tiêu dùng. Hàng Việt xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại các siêu thị, các chợ và cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố, với đa dạng sản phẩm, chủng loại, mang đến nhiều lựa chọn hơn, người tiêu dùng cảm thấy an tâm khi sử dụng hàng hóa Việt.
Nhiệm vụ tiếp theo trong mục tiêu chinh phục người tiêu dùng, thành phố Cần Thơ cần tập trung hơn nữa trong công tác điều hành trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử; cắt giảm các thủ tục hành chính; kết nối tiêu thụ hàng hoá và mở rộng thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục hướng đến bảo vệ người tiêu dùng, tập trung các hoạt động phân phối, đưa hàng Việt về nông thôn.