Trước đó, ngày 21/8/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3283/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc. Sản phẩm này được phân theo các mã HS: 7216.33.11, 7216.33.19, 7216.33.90, 7228.70.10, 7228.70.90.
Sau khi rà soát lần thứ nhất vào tháng 10/2020, mức thuế chống bán phá giá với thép hình chữ H Trung Quốc được quyết định trong khoảng 19,30% - 29,17% tùy từng doanh nghiệp, áp dụng từ 25/10/2020 - 5/9/2022.
Ngày 13/10/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BCT và Thông báo kèm theo về việc rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.
Cơ quan điều tra trong vụ việc là Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã gửi bản câu hỏi điều tra cho các nhà sản xuất trong nước, các nhà nhập khẩu để thu thập các thông tin, số liệu phục vụ cho vụ việc. Đối với các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nước ngoài, bản câu hỏi điều tra được gửi thông qua Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.
Cách thức trả lời các phần trong bản câu hỏi, số lượng phải nộp, hình thức nộp được hướng dẫn chi tiết trong Bản câu hỏi dành cho doanh nghiệp. Thời hạn để trả lời bản câu hỏi điều tra là trước 17h00 ngày 5/12/2021 (theo giờ Hà Nội).
Để đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất của mình, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị tất cả các doanh nghiệp liên quan cần tham gia trả lời Bản câu hỏi điều tra và hợp tác đầy đủ trong suốt quá trình vụ việc nếu muốn rà soát thay đổi mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép hình chữ H Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam. Nội dung bản trả lời là một trong các căn cứ quan trọng để cơ quan điều tra đưa ra các kết luận trong vụ việc.
Các thông tin, số liệu cung cấp trong quá trình trả lời bản câu hỏi của Cơ quan điều tra và quyền tiếp cận thông tin vụ việc của các bên liên quan trong quá trình điều tra sẽ được thực hiện theo đúng quy định pháp luật về bảo mật thông tin tại Điều 11 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại. Cơ quan điều tra có quyền trưng cầu giám định hoặc kiểm tra, xác minh tính xác thực của thông tin, tài liệu do bên liên quan cung cấp hoặc thu thập thêm thông tin, tài liệu cần thiết để giải quyết vụ việc phòng vệ thương mại, bao gồm cả việc tiến hành điều tra tại chỗ nước ngoài.
Trong trường hợp không nhận được Bản trả lời câu hỏi đúng hạn của các bên liên quan hoặc trong trường hợp thông tin cung cấp không đúng, không đầy đủ theo yêu cầu, cơ quan điều tra sẽ áp dụng quy định tại Điều 10 Nghị định 10/2018/NĐ-CP về việc bên liên quan không hợp tác trong vụ việc phòng vệ thương mại.
Riêng đối với các nhà nhập khẩu hàng hóa bị điều tra, để đảm bảo lợi ích của mình, bên cạnh việc trả lời Bản câu hỏi điều tra, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các nhà nhập khẩu cũng cần chủ động chuyển thông tin tới các đối tác xuất khẩu tại các nước nêu trên để trả lời Bản câu hỏi điều tra dành cho các nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài.