TÓM TẮT:
Quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh có vai trò hết sức quan trọng, bởi ngành, nghề kinh doanh quyết định sự sống còn của một chủ thể kinh doanh. Bài viết này làm rõ nội hàm của khái niệm quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh, đồng thời, nêu lên ý nghĩa của quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh. Trên cở sở đó, bài viết phân tích vai trò của pháp luật với tư cách là một trong những công cụ hữu hiệu nhất đảm bảo quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh.
Từ khóa: quyền tự do, lựa chọn ngành nghề kinh doanh, quyền tự do kinh doanh.
1. Khái niệm quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh
Quyền tự do kinh doanh là một bộ phận hợp thành trong hệ thống các quyền cơ bản của công dân. Để có được quan niệm này thì trước hết chúng ta phải tìm hiểu để biết và nhận thức được nội hàm của các khái niệm về quyền con người, quyền công dân nói chung dưới góc độ lịch sử. Trong xã hội loài người, trải qua giai đoạn phát triển của xã hội luôn gắn liền với các cuộc cách mạng, đấu tranh giai cấp với mục đích cơ bản là nhằm giải phóng con người khỏi áp bức, để con người được tự do.
Trước khi có học thuyết “Pháp luật tự nhiên” ra đời đã có rất nhiều quan niệm cho rằng: con người mang thuộc tính tự nhiên, con người khi được sinh ra đương nhiên có quyền tự do, quyền tự do của con người không do ai ban phát. Quyền con người còn ra đời trước Nhà nước và Pháp luật, quan điểm này nhằm thể hiện khát vọng tự do của con người. Học thuyết của Loke, Rousseau thì cho rằng, quyền con người là đặc quyền tự nhiên, đứng trên và cao hơn Nhà nước và Pháp luật. Học thuyết này mang giá trị nhân bản, nhân đạo sâu sắc nhằm bảo vệ quyền của con người trước cả quyền lực của Nhà nước.
Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê Nin thì luôn đặt con người và quyền của con người trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Quyền tự do của con người luôn gắn liền với các cuộc đấu tranh giai cấp, vì sự tiến bộ của xã hội. Quyền tự do của con người phản ánh mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân. Theo đó, quyền con người khi được Nhà nước ghi nhận và bảo vệ bằng pháp luật thì mới trở thành hiện thực.
Nhận thức rõ được quy luật vận động chung của loài người, theo Khoản 1, Điều 14, Hiến pháp năm 2014 quy định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Như vậy, có thể thấy, nếu thực hiện tốt các quyền công dân thì cũng chính là thực hiện nội dung cơ bản của quyền con người.
Trong các quyền cơ bản của công dân thì Quyền tự do kinh doanh là một bộ phận quan trọng và được ghi nhận trong Hiến pháp, các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật, tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Quyền tự do kinh doanh là khả năng hành động, lựa chọn và quyết định một cách có ý thức của chủ thể về các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh như: quyết định các vấn đề khi thành lập doanh nghiệp; lựa chọn quy mô (hình thức) kinh doanh; lựa chọn cách thức huy động vốn kinh doanh; lựa chọn ngành, nghề kinh doanh; lựa chọn địa bàn kinh doanh; lựa chọn đối tác kinh doanh; tự do lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp,… Khi nghiên cứu về vấn đề này, PGS.TS. Ngô Huy Cương cho rằng: “Quyền tự do kinh doanh là khả năng của con người theo ý chí nguyện vọng và vì lợi ích của mình quyết định cách thức thực hiện các hoạt động sản xuất – kinh doanh từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để tạo ra lợi nhuận” (Ngô Huy Cương, “Tự do ý chí và sự tiếp nhận tự do ý chí trong luật pháp Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 115, 2008, Tr.13). Quyền tự do kinh doanh là thuộc tính tự nhiên nhưng để chủ thể thực sự có thể có và thực hiện được quyền năng này thì quyền phải được thể chế hóa bằng pháp luật. Vì vậy, dưới góc độ khách quan, quyền tự do kinh doanh là hệ thống quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện các quyền được tự do kinh doanh của mình trên thực tế.
Quyền tự do kinh doanh nói chung, quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh nói riêng giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với các chủ thể khi họ bắt đầu kinh doanh. Trong đó, quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh là một trong các quyền quan trọng nhất của quyền tự do kinh doanh, vì phải có kế hoạch và mục tiêu kinh doanh mới quyết định việc ra đời một chủ thể kinh doanh hoặc một doanh nghiệp. Một doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại và phát triển được khi có các lĩnh vực kinh doanh cụ thể, rõ ràng và không thuộc lĩnh vực pháp luật cấm kinh doanh.
Có thể thấy, dưới góc độ kinh tế, các nhà kinh tế học quan tâm đến quyền tự do lựa chọn ngành, nghề của các chủ thể để có thể tạo ra lợi nhuận. Dưới góc độ pháp lý, quyền tự do kinh doanh là quyền của chủ thể kinh doanh được lựa chọn, quyết định ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm và trách nhiệm pháp lý của cơ quan nhà nước đối với các chủ thể khi thực hiện các quyền đó. Như vậy, dù có nhiều quan điểm cũng như góc độ tiếp cận khác nhau về quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh, nhưng tựu chung lại, quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh là quyền của chủ thể kinh doanh được lựa chọn, quyết định ngành, nghề để đầu tư kinh doanh, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm mục đích thu lợi nhuận.
2. Ý nghĩa của quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh
Xã hội càng phát triển thì quyền công dân - quyền con người càng được ghi nhận và được bảo hộ, trong đó có quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh. Do đó, việc tìm hiểu quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh có ảnh hưởng vô cùng quan trọng, đây sẽ là cơ sở lý luận cần thiết cho việc đưa ra các giải pháp, kiến nghị mở rộng và bảo vệ quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh theo pháp luật của mỗi quốc gia.
Thứ nhất, xét dưới góc độ chính trị thì quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh trong hoạt động kinh doanh là một trong những biểu hiện của một chế độ tự do, dân chủ, bình đẳng - đó là nền tảng của một xã hội tiến bộ. Chính vì lẽ đó, khi Nhà nước thừa nhận và bảo đảm thực hiện quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh của các chủ thể kinh doanh cũng chính là việc tôn trọng quyền con người (nhân quyền), quyền công dân (dân quyền) trong lĩnh vực kinh tế. Khi xã hội càng phát triển ở mức cao hơn thì quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh càng được mở rộng và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh cần được quy định cụ thể, rõ ràng trong các quy định của pháp luật. Khi quyền của các chủ thể kinh doanh được pháp luật thừa nhận và bảo đảm thực hiện thì không ai có quyền cản trở quyền tự do kinh doanh của họ. Việc pháp luật công nhận và bảo đảm thực hiện các quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh là biểu hiện của một Nhà nước pháp quyền. Như vậy, việc ghi nhận và bảo đảm quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh trong kinh doanh có ý nghĩa quan trọng là hướng tới một Nhà nước pháp quyền, một xã hội tiến bộ và phát triển.
Thứ hai, quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh mang ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội. Nền kinh tế - xã hội là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh. Qua đây ta có thể thấy rằng, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và quyền tự do kinh doanh có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại với nhau. Trình độ phát triển kinh tế ngày càng cao thì nhu cầu hoạt động kinh doanh và mục đích lợi nhuận cũng được đòi hỏi cao hơn. Do đó, yêu cầu về quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh của các chủ thể càng trở nên mạnh mẽ. Ngành, nghề kinh doanh được hiểu như là “xương sống” của một doanh nghiệp, nó quyết định sự tồn vong của một doanh nghiệp. Quyền tự do kinh doanh trong việc lựa chọn ngành, nghề kinh doanh giúp cho doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, nghề mà chủ thể có khả năng và thế mạnh. Doanh nghiệp có mục tiêu và phát triển sẽ góp phần làm cho nền kinh tế của quốc gia đó phát triển. Điều đó góp phần giải phóng sức lao động, mang lại thu nhập cao hơn, giúp cho mọi người có một cuộc sống ấm no và hạnh phúc hơn.
Tự do kinh doanh là cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Ở Việt Nam, kể từ khi nhận thức được tầm quan trọng của tự do kinh doanh, Nhà nước ta đã thực hiện đường lối đổi mới, định hướng phát triển nền kinh tế thị trường. Như vậy, có thể thấy quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh giúp cho doanh nghiệp xác định được mục tiêu kinh doanh rõ ràng, phù hợp với điều kiện, trình độ và khả năng của các chủ thể kinh doanh góp phần làm cho nền kinh tế - xã hội phát triển.
3. Vai trò của pháp luật trong bảo đảm quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh
Trong các chế độ xã hội khác nhau thì mức độ bảo đảm quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh cũng khác nhau. Thậm chí trong cùng một chế độ xã hội, trải qua mỗi giai đoạn phát triển kinh tế nhất định, trước những đòi hỏi của xã hội thì quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh cũng được quy định khác nhau, theo hướng được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Điều này phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế và mức độ ghi nhận, bảo đảm thực hiện pháp luật của mỗi quốc gia. Như vậy, hệ thống pháp luật của một quốc gia (đặc biệt là hệ thống pháp luật về kinh tế) đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh.
Thứ nhất, pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành và phát triển quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh.
Pháp luật nói chung và pháp luật kinh tế nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành và phát triển quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó thể hiện ở việc nó biến các nhu cầu kinh doanh của các chủ thể thành một quyền pháp định và cao hơn đó là quyền Hiến định. Nhu cầu kinh doanh là một nhu cầu mang tính xã hội, biến nhu cầu xã hội này thành quyền Hiến định hay pháp định là tiền đề để thực hiện quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh. Trên cơ sở ngày càng hoàn thiện hơn về quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tế đòi hỏi của xã hội thì quyền tự do kinh doanh, trong đó có quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh ngày càng được mở rộng, đáp ứng được nhu cầu kinh doanh ngày càng phát triển và nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận ngày càng cao của con người.
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986), Việt Nam chủ trương thực hiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, định hướng phát triển Xã hội chủ nghĩa. Tiếp đó, Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên ghi nhận “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh được quy định rộng hơn về đối tượng chủ thể kinh doanh “Mọi người” và rõ ràng hơn về mặt nội dung của quyền tự do “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33, Hiến pháp năm 2013). Nội dung này cũng được quy định trong các Luật (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,…) và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Như vậy, vai trò đầu tiên của pháp luật là tạo ra cơ sở pháp lý cho sự hình thành quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh và cũng nhờ có pháp luật mà quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh không ngừng được bổ sung và mở rộng hơn.
Thứ hai, pháp luật thể chế hóa các nội dung của quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh.
Tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh phản ảnh khả năng của chủ thể khi xác định được mục tiêu kinh doanh, bao gồm từ khâu sản xuất cho đến việc cung ứng các sản phẩm ra thị trường. Quyền tự do kinh doanh còn phản ánh được khả năng về vốn kinh doanh; khả năng về quản lý, quản trị của chủ thể nhằm tối đa hóa lợi nhuận trong kinh doanh. Do đó, muốn thực hiện được những hoạt động kinh doanh này thì pháp luật phải thực hiện vai trò tiếp theo là thể chế hóa các nội dung cơ bản của quyền tự do này. Nền tảng quan trọng đối với quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh này dựa trên một số các yếu tố sau:
(i) Pháp luật ghi nhận các tiền đề về vật chất mà quan trọng là quyền sở hữu tư liệu sản xuất. Để tiến hành các hoạt động kinh doanh thì các chủ thể kinh doanh phải có vốn kinh doanh, vốn kinh doanh có thể là vốn tự có hoặc bằng nguồn vốn vay (có đảm bảo). Ngoài ra, pháp luật quy định những ngành, nghề kinh doanh cần phải có vốn pháp định, tức là khi chủ thể muốn kinh doanh những ngành, nghề đó thì phải đáp ứng được mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật.
(ii) Pháp luật ghi nhận các loại hình doanh nghiệp và các hình thức kinh doanh đa dạng để các chủ thể kinh doanh được tự do lựa chọn, bởi một số ngành, nghề kinh doanh thì chỉ có chủ thể (cá nhân, pháp nhân) Việt Nam mới được phép kinh doanh. Còn các chủ thể (cá nhân, pháp nhân) nước ngoài thì bị hạn chế quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh,… Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và việc sửa đổi các Luật này qua các năm đã có sự thay đổi và mở rộng hơn về chủ thể kinh doanh, các loại hình kinh doanh và hình thức kinh doanh cho phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
(iii) Pháp luật thể chế hóa các quyền của chủ thể trong việc định đoạt toàn bộ quá trình từ sản xuất cho đến việc cung ứng các sản phẩm ra thị trường. Quyền tự quyết của chủ thể kinh doanh từ việc sản xuất, vận hành và cung cấp sản phẩm ra thị trường khẳng định địa vị pháp lý của chủ thể kinh doanh.
(iv) Pháp luật xác lập quyền đăng ký kinh doanh. Chủ thể khi tiến hành bất cứ một hoạt động kinh doanh nào thì trước tiên phải tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh. Đăng ký kinh doanh là hành vi của mỗi chủ thể khi thực hiện hoạt động kinh doanh, đồng thời nó còn là hành vi quản lý của cơ quan nhà nước đối với chủ thể kinh doanh. Việc quy định về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh vừa nhằm đảm bảo quyền cho chủ thể, đồng thời là nghĩa vụ của chủ thể kinh doanh. Dưới góc độ quản lý, cơ quan nhà nước sẽ bảo đảm và ghi nhận các quyền cho chủ thể kinh doanh và được pháp luật bảo hộ.
Tóm lại, để quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh được thực hiện thì cần phải thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật.
Thứ ba, pháp luật bảo đảm cho quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh được thực hiện trên thực tế.
Quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh là quyền tự quyết của các chủ thể kinh doanh, tức là các chủ thể khi đăng ký kinh doanh có quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh mà mình mong muốn. Tuy nhiên, quyền kinh doanh này được thực thi khi được pháp luật cho phép và ghi nhận. Pháp luật ghi nhận và bảo đảm về việc thực hiện các ngành, nghề kinh doanh này cho các chủ thể khi kinh doanh.
Trong nền kinh tế thị trường, tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh có thể dẫn tới tình trạng cạnh tranh, chèn ép, loại trừ, lừa đảo, gian lận thương mại,… đối với một số lĩnh vực kinh doanh chiếm thị phần lớn trên thị trường như: Lĩnh vực kinh doanh bất động sản, kinh doanh xe ô tô,… Do vậy, pháp luật cần có sự can thiệp và điều tiết nền kinh tế thị trường đảm bảo các quyền này của các chủ thể được thực hiện trên thực tế. Pháp luật bảo đảm và góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh cho các chủ thể. Ngoài ra, pháp luật có những quy định ràng buộc, đặt ra những giới hạn và có những chế tài phù hợp để can thiệp kịp thời đối với hành vi kinh doanh bất hợp pháp,… Như vậy, nếu như không có sự bảo đảm của pháp luật thì sẽ không có sự tự do trong việc lựa chọn ngành, nghề kinh doanh trên thực tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2013). Hiến pháp năm 2013.
- Quốc hội (2020). Luật Đầu tư năm 2020.
- Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp năm 2020.
- Ngô Huy Cương (2008), Tự do ý chí và sự tiếp nhận tự do ý chí trong luật pháp Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 115.
DISCUSSING THE FREEDOM TO CHOOSE A BUSINESS FIELD
NGUYEN THI THOAN
Student, Graduate Academy of Social Sciences
ABSTRACT:
The freedom to conduct a business and choose a business filed play an important role in the success of businesses. This paper clarifies the connotation and highlights the meaning of the freedom to choose a business filed. This paper also analyzes the role of law as one of the most effective tools in ensuring this freedom.
Keywords: right to freedom, choice of business, freedom to conduct a business.