Bảo đảm bình ổn giá và nguồn cung hàng hoá thiết yếu tại thị trường trong nước

Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2024, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu tại thị trường trong nước luôn được bảo đảm, giá tương đối bình ổn, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước đạt 3.098.693 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Thông tin tại cuộc Họp Tổ Điều hành thị trường trong nước chiều 28/6/2024, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Thuý Hiền cho biết, thị trường hàng hoá thế giới trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, giá hàng hoá thiết yếu trên thị trường thế giới hầu hết có xu hướng tăng, giảm đan xen.

Nguồn cung hàng hoá đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước

Tại thị trường trong nước, tháng 6/2024, thị trường hàng hoá không có biến động lớn, nhu cầu tăng đối với các hàng hoá, dịch vụ làm mát. Nguồn cung các mặt hàng luôn đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, giá tương đối ổn định, một số mặt hàng có lượng xuất, nhập khẩu lớn với thị trường nước ngoài, giá biến động theo giá thế giới.

Bảo đảm bình ổn giá nguồn cung hàng và hoá tại thị trường trong nước
Quý II/2024, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm, giá tương đối bình ổn

Trong quý I/2024, thị trường chủ yếu tập trung cho công tác phục vụ Tết, với việc chỉ đạo sớm của Chính phủ, các Bộ, địa phương và việc triển khai tích cực việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường của các doanh nghiệp, thị trường hàng hóa luôn được bình ổn, nguồn cung hàng hóa Tết đáp ứng tốt nhu cầu tăng và đa dạng của người dân.

Từ Quý II, thị trường tập trung cho việc cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm, giá tương đối bình ổn, riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn cung giảm trong một số giai đoạn nên giá có biến động tăng, tuy nhiên, do có nhiều mặt hàng thực phẩm thay thế nên giá thịt lợn không tăng đột biến. Các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá biến động theo giá thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 6/2024 ước đạt 522.502 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước, trong đó mức tăng chủ yếu từ các nhóm hàng may mặc, văn hóa phẩm, giáo dục, phương tiện đi lại và du lịch, dịch vụ (mức tăng từ 1,7-3,4%), các nhóm còn lại chỉ tăng từ 0,1-1,1%.

6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ ước đạt 3.098.692 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ 6 tháng đầu năm, các nhóm có đóng góp lớn cho mức tăng chung là lương thực, thực phẩm, văn hoá phẩm giáo dục, đồ dùng trang thiết bị gia đình, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống với mức tăng từ 10,4-37,1%; các nhóm khác như hàng may mặc, phương tiện đi lại, dịch vụ khác chỉ tăng từ 2,4-9,6%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 5,7%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm ước đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Sau 6 tháng đầu năm, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu ở mức 11,63 tỷ USD.

Thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nước đã được thực hiện quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng. Từ ngày 15/12/2023 đến 14/6/2024, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 35.567 vụ, phát hiện, xử lý 25.816 vụ vi phạm, thu nộp Ngân sách nhà nước gần 287 tỷ đồng.

Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, bình ổn thị trường

Dự báo trong thời gian tới, với các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, tiêu thụ một số mặt hàng vật liệu xây dựng sẽ được cải thiện. Các mặt hàng thiết yếu khác, cung cầu không có biến động lớn nên thị trường sẽ tương đối bình ổn.

Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2024, trong đó có nhiều giải pháp góp phần đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phân kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới, chủ động thực hiện/đề xuất các biện pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong công tác điều hành giá xăng dầu theo quy định.

Huyền My