Sự kiện Giờ Trái Đất 2021 sẽ được diễn ra vào 20h30 thứ Bảy, ngày 27/3. Đây là một trong những chiến dịch lớn nhất toàn cầu về môi trường, quy tụ hàng trăm triệu cá nhân, doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo khắp thế giới cùng tham gia, cùng hành động.
Giờ Trái Đất 2021 là sự kiện nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về mối liên hệ giữa các tác động của con người với thiên nhiên và nguyên nhân của dịch bệnh, đặc biệt đối với đại dịch Covid-19; khuyến khích các sáng kiến, ý tưởng xây dựng cộng đồng, nền kinh tế phát triển bền vững, hòa nhập với thiên nhiên (thuận thiên); bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, Giờ Trái đất năm 2021 do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương đồng tổ chức. Cùng với các quốc gia khác trên thế giới, Giờ Trái đất tại Việt Nam năm nay sẽ tập trung vào các hoạt động trực tuyến và mạng xã hội.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã có cuộc trao đổi nhanh với các cơ quan thông tấn, báo chí nhằm kêu gọi các cơ quan, tổ chức, địa phương, người dân tích cực hưởng ứng Chiến dịch bằng những hành động cụ thể trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cùng chung tay bảo vệ môi trường. Song song đó, Thứ trưởng cũng chia sẻ những chính sách, chương trình hành động của Bộ Công Thương về lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và thương mại trong thời gian tới.
Phóng viên: Chiến dịch Giờ Trái Đất 2021 có khẩu hiệu “Lên tiếng vì thiên nhiên”, vậy, thưa Thứ trưởng, khẩu hiệu này sẽ mang lại hiệu quả như thế nào cho xã hội?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An: Đây là năm thứ 13 Việt Nam tham gia, hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái Đất, Chiến dịch do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức, phát động.
Giờ Trái đất được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2009 với sự tham gia của 6 tỉnh/ thành phố. Tới nay, sau 12 năm tổ chức, 63/63 tỉnh/thành phố của Việt Nam đều tham gia.
Giờ Trái Đất 2021 với khẩu hiệu “Lên tiếng vì thiên nhiên” (Speak up for Nature) tập trung vào hai chủ đề: “Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính” và “Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên”.
Thông điệp kêu gọi tất cả mọi người suy ngẫm về mối liên kết giữa con người và Thiên nhiên, mối quan hệ tương sinh giữa các giống loài, để từ đó có những hành động và đóng góp cụ thể nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế tiêu thụ các chế phẩm nhựa dùng một lần, hướng tới đảm bảo mục tiêu mà Thoả thuận Khí hậu Paris đã đặt ra.
Tại Việt Nam, năm 2021, Chiến dịch Giờ Trái Đất nhận được sự đồng hành của Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng đông đảo các doanh nghiệp, các tổ chức và hàng triệu cá nhân khác.
Qua 12 năm tham gia Giờ Trái Đất, ngày càng có nhiều bạn trẻ, thanh niên tham gia, hưởng ứng nhiệt tình, đây là tín hiệu tốt để Việt Nam nâng cao nhận thức cộng đồng về mối liên hệ giữa các tác động của con người với thiên nhiên, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Phóng viên: Vâng, Thứ trưởng có vừa nhắc đến Thoả thuận Khí hậu Paris, vậy, xin Thứ trưởng cho biết, những chính sách, chương trình hành động của Bộ Công Thương về lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và thương mại trong thời gian tới nhằm hướng tới phát triển bền vững ngành năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận?
Thứ trưởng Đặng Hoàng An: Theo các cam kết của Việt Nam về thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Bộ Công Thương được Chính phủ giao xây dựng và tổ chức các chính sách về giảm khí thải nhà kính trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và thương mại.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, hiện nay Bộ Công Thương đã tập trung vào các giải pháp chính liên quan đến việc sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả và tăng phát triển năng lượng tái tạo.
Trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện tiết kiệm năng lượng hiệu quả và hiện nay, Bộ Công Thương đang thực hiện tới giai đoạn thứ 3, giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu sẽ giảm từ 8 đến 10% tổng năng lượng cuối cùng cho cả giai đoạn vào năm 2030, tương đương với 60-80.000.000 tấn dầu quy đổi. Tổng kinh phí thực hiện chương trình hiện nay là 4.400 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương đang tập trung vào việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực năng lượng. Mục tiêu dài hạn là đạt mức tổng cung năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia lên đến 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045 theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng 2 văn bản rất quan trọng, một là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII); hai là Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tất cả các mục tiêu này sẽ được cụ thể hóa trong hai Quy hoạch này và Bộ Công Thương sẽ tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương đang tổ chức thực hiện kế hoạch hành động của Chính phủ đối với việc phát triển năng lượng ngành công nghiệp. Mục tiêu lớn của chúng ta là chuyển đổi, thúc đẩy tái cơ cấu ngành công nghiệp từ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và lao động, chuyển sang các ngành công nghiệp khoa học công nghệ cao hơn và thân thiện hơn với môi trường.
Về lĩnh thương mại, Bộ Công Thương cũng tổ chức nhiều chương trình và mục tiêu chính là thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị điện. Hoạt động này nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cộng đồng các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trên cả nước. Bộ Công Thương tin rằng, những hành động thiết thực cùng những đường lối chỉ đạo của Bộ sẽ đóng góp vào việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn Thứ trưởng!
Năm 2021, Chiến dịch Giờ Trái Đất có sự đồng hành của Bộ Công Thương và Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
Đối với lĩnh vực của Bộ Công Thương, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tổ chức các hoạt động truyền thông Giờ Trái Đất theo hướng đổi mới, thiết thực, tập trung vào các sự kiện trực tuyến trên tinh thần đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tham gia, hưởng ứng Chiến dịch, Bộ Công Thương đã và đang tập trung vào hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tổ chức các hoạt động hưởng ứng bằng hình thức trực tuyến như thông qua trang web và fanpage của Chiến dịch Giờ Trái đất.
Bộ Công Thương kỳ vọng, thông qua các hoạt động trực tuyến, thông điệp, ý nghĩa và chủ đề của Chiến dịch Giờ Trái Đất 2021 sẽ được truyền tải đầy đủ đến đông đảo người dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể xã hội.
Chúng tôi hi vọng, Chiến dịch Giờ Trái Đất 2021 sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết với thế giới trong Thỏa thuận Paris về giảm thiểu phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống.
(Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững)