Tính đến hết tháng 7/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,58 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ. Giá gạo bình quân 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu gạo đến nhiều thị trường truyền thống lẫn thị trường mới đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, như Indonesia (tăng 1.500%), Angola (tăng 600%), Trung Quốc (tăng 71%).
Dự kiến cả năm 2023, nước ta sẽ xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo và thu về khoảng 4,1 tỷ USD.
Xuất khẩu gạo được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng mạnh, trước thông tin Ấn Độ, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất vừa lần lượt đưa ra quyết định cấm xuất khẩu gạo tạm thời.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận định, bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, khó lường do tác động của nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước như Ấn Độ, UAE, Nga… cùng với đó là hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực, tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp (Nga tuyên bố rút khỏi Thoả thuận ngũ cốc Biển Đen),…
Triển khai nhiệm vụ điều hành xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2023, sáng 4/8/2023, tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị Triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì, dự kiến có sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương; đại diện Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương 25 tỉnh, thành phố nơi thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có trụ sở chính; lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Hội nghị sẽ tập trung sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023, bàn phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm 2023; đồng thời triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030.
Đặc biệt, tại Hội nghị, Bộ Công Thương sẽ lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan về dự thảo 2 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP mà Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Trước đó, ngày 31/7/2023, Bộ Công Thương đã có Công văn gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP về xuất khẩu gạo.
Theo đó, để góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hoá; bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước; đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, Bộ Công Thương đề nghị VFA và các thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.
Chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu; trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu gạo trên thị trường trong nước và quốc tế; đề xuất giải pháp phù hợp với Bộ, ngành liên quan.