Tham dự buổi làm việc có các Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Đặng Hoàng An, Đỗ Thắng Hải, Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu, cùng lãnh đạo một số cơ quan ban ngành của tỉnh.
Tại buổi làm việc, thay mặt đoàn làm việc, đồng chí Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa thiên Huế đã báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa thiên Huế năm 2021 và định hướng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp – thương mại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2021 đạt 38.600 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2020; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 tăng 6,04%, trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,5%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,8%... Quý I/2022 ước tăng 9,9% so với cùng kỳ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 13 nhà máy thủy điện được bổ sung quy hoạch với tổng công suất 459,3MW và 02 dự án điện năng lượng mặt trời với tổng công suất 77MW.
Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội của tỉnh năm 2021 đạt 45.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 83%. Còn tính riêng trong quý I/2022 ước đạt 11.534 tỷ đồng, tăng 4,21%.
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong giai đoạn 2021- 2030 tỉnh định hướng phát triển lĩnh vực công nghiệp về chiều rộng và chiều sâu theo hướng phát triển công nghiệp sạch, có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Xây dựng ngành công nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh với các yếu tố đóng góp vào GRDP, tạo nguồn thu ngân sách và tạo việc làm, tập trung ưu tiên hình thành và phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như: Ngành công nghiệp chế biến, nông, lâm, thủy sản; Công nghiệp dệt may; Công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin; Công nghiệp cơ khí và luyện kim; Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thừa thiên Huế kiến nghị Ban cán sự Đảng bộ Công Thương quan tâm xem xét các vấn đề của Tỉnh.
Cụ thể, tạo điều kiện bổ sung dự án Nhà máy điện khí LNG Chân mây vào Quy hoạch điện VIII giai đoạn 2026-2030, không ảnh hưởng tới quy mô công suất đã được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kết luận tại thông báo 54/TB-VPCP, ngày 25/2/2022.
Đối với một số dự án phát triển ngành công nghiệp, Tỉnh cũng đề nghị Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo, xem xét về tiềm năng phát triển điện gió trên bờ khu vực ven biển huyện Phong Điền và huyện Quảng Điền với công suất 252MW.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Trung tiếp tục quan tâm triển khai dự án cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Tỉnh sau khi được phê duyệt. Bên cạnh đó, Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng bày tỏ mong muốn Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương chỉ đạo xem xét đưa Trung tâm Logistic tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô vào quy hoạch quốc gia.
Tỉnh cũng bày tỏ mong muốn được quan tâm và ủng hộ đề xuất xây dựng đề án “Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế”. Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế có tổng diện tích 1.081 ha, là khu công nghệ cao đa ngành, dạng mở, dựa vào nguồn lực nội sinh và ngoại sinh, là khu công nghệ cao quốc gia.
Lắng nghe báo cáo và những đề xuất kiến nghị của Tỉnh, Ban cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Tỉnh đạt được trong năm 2021 và trong quý I năm 2022.
Bất chấp tình hình dịch covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm giá xăng dầu, nguyên vật liệu leo thang đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh, hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ổn định và đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, các chỉ tiêu đều tăng cao hơn mức tăng chung của cả nước.
Các ý kiến của Ban cán sự đảng, tập thể Lãnh đạo Bộ đều nhấn mạnh trong thời gian tới, Tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm chất lượng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2035 phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch tổng thể Quốc gia, Quy hoạch Vùng và Quy hoạch ngành quốc gia.
Trong đó Tỉnh cần rà soát kỹ nội dung quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại, xác định vị trí, vai trò của Thừa Thiên Huế trong khu vực Bắc Trung Bộ cũng như cả nước, phát huy tiềm lực để tập trung phát triển các ngành thế mạnh của tỉnh để đưa vào tích hợp trong quy hoạch Tỉnh.
Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ với những đề xuất, kiến nghị của Tỉnh, đồng thời cho rằng, Thừa Thiên Huế vốn đã nổi tiếng là đất học nên sẽ có điều kiện để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cho Tỉnh mà cho cả vùng.
Theo đó, về định hướng phát triển công nghiệp và thương mại của Tỉnh trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế cần có định hướng lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao ít thâm dụng lao động, công nghiệp xanh, thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, Tỉnh cần tận dụng tốt các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới.
Tỉnh cũng nên nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm, quy hoạch các tuyến phố hoạt động ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tế để đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát triển thương mại hàng hóa, đẩy mạnh “xuất khẩu tại chỗ” mang lại nhiều giá trị và thu nhập cho địa phương. Nội dung này cần được rà soát đưa vào Quy hoạch tỉnh, Quy hoạnh thành phố để làm cơ sở thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế cần phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ trong việc kết nối với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu để quảng bá sản phẩm, giới thiệu và kết nối thị trường, đồng thời chú trọng phát triển thương mại điện tử, hạ tầng thương mại của các địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi.
Về những kiến nghị cụ thể liên quan đến quy hoạch phát triển năng lượng, mở rộng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, dịch vụ logistics…, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương nhất trí về những mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ và chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp và hỗ trợ Tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế của đất nước; tuân thủ định hướng và chỉ đạo của Chính phủ trong các lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng, công nghiệp, thương mại.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương sẽ xem xét các kiến nghị, đề xuất của tỉnh trên tinh thần nếu trong phạm vi giải quyết của Bộ, Lãnh đạo Bộ, các đơn vị chức năng Bộ sẵn sàng nỗ lực để tập trung giải quyết. Những nội dung không thuộc quyền hạn, chức năng của Bộ, Lãnh đạo Bộ sẽ phối hợp với các Bộ ngành, địa phương giải quyết. Với những nội dung vượt quá thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ và có những tham mưu, đề xuất cụ thể.