TKV nỗ lực vượt khó trong dịch bệnh
Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, 4 tháng đầu năm 2021, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt hơn 38.000 tỷ đồng, đạt 31% kế hoạch năm, bằng 89 % so với cùng kỳ 2020. Về sản xuất than, than nguyên khai đạt 13,62 triệu tấn, đạt 35% kế hoạch năm và bằng 96% so với cùng kỳ.
Tình hình tiêu thụ than Quý I/2021 cho điện thấp hơn so với các năm trước, chỉ đạt 8,3 triệu tấn, bằng 23,03% kế hoạch năm và bằng 80,02% so với cùng kỳ. Nguyên nhân đạt thấp chủ yếu do: Quý I có dịp Tết nguyên đán và số ngày làm việc ít nhất trong các Quý của năm; do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; nhu cầu huy động nhiệt điện than giảm, kéo theo khối lượng tiếp nhận than của các nhà máy nhiệt điện đốt than giảm theo.
Theo Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải, hiện nay hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV năm 2021 gặp nhiều khó khăn liên quan đến tiêu thụ than cho sản xuất điện, các dự án khai thác và chế biến sắt tại một số mỏ, vấn đề sử dụng đất sau khai thác, vấn đề tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…
Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, và dự báo tình hình cung cấp than cho điện năm 2021 có thể đạt ở mức thấp, do vậy TKV dự kiến thực hiện một số chỉ tiêu sản lượng chính năm 2021 theo hai phương án: kịch bản thấp và kịch bản cao.
Đối với việc triển khai dự án khai thác và chế biến sắt mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh), dự án Crommit Cổ Định, Thanh Hóa, dự án khai thác đất hiếm tại Lai Châu, TKV đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo để Tập đoàn sớm triển khai.
Đồng hành tháo gỡ khó khăn
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương đã thông tin về các giải pháp đã thực hiện, nhằm giúp TKV giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua; các Thứ trưởng đã đóng góp nhiều ý kiến cho sự phát triển của TKV trong giai đoạn sắp tới, phù hợp với tình hình phát triển mới.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý TKV trong công tác truyền thông, vì ngoài khai thác, kinh doanh than, TKV còn thực hiện quản lý, đầu tư, sản xuất điện, các loại khoáng sản… Bên cạnh đó, TKV cũng là một trong những trụ cột an ninh năng lượng quốc gia, có đóng góp lớn đối với một số địa phương, với ngành Công Thương và cả nền kinh tế - xã hội.
Bàn luận cụ thể về những thách thức TKV phải đối mặt, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, cần phải đánh giá và có giải pháp giải quyết 3 thách thức: Mô hình quản trị nhà nước đối với TKV theo hướng thị trường hay kế hoạch tập trung; Những tác động từ cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nhiệt điện than sẽ giảm trong tương lai gần, năng lượng tái tạo phát triển mạnh; Giải quyết vấn đề về người lao động và công đoàn.
Liên quan đến những khó khăn của các dự án của TKV, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ luôn ủng hộ chủ trương và rất quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ TKV trong việc tháo gỡ khó khăn vì đây cũng là công việc, nhiệm vụ của ngành. Tuy nhiên, có những vấn đề TKV cần phải chủ động hơn. Đơn cử như dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), TKV cần sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương. Hay việc khai thác các loại khoáng sản như đất hiếm, sản xuất điện nhôm cần nghiên cứu, tính toán thật kỹ để đánh giá, chứng minh hiệu quả đầu tư. Hoặc những vướng mắc ở dự án Cromit Cổ Định (Thanh Hoá), cần chủ động thảo luận, thương lượng, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên, tránh phát sinh khiếu kiện….
Về cấp than cho điện, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng chia sẻ những khó khăn mà TKV đang đối mặt. Song, những khó khăn này đều do điều kiện khách quan không mong muốn như ảnh hưởng của dịch bệnh, phụ tải điện không cao, năng lượng tái tạo vào nhiều…; vì vậy TKV cần bám sát tình hình, để có những giải pháp linh hoạt, hiệu quả hơn, sẵn sàng chuẩn bị trong trường hợp điện tăng trưởng cao; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và quản lý, sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tiếp tục làm tốt vấn đề an toàn, môi trường.
Về vấn đề thăm dò khai thác, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, cần sớm sửa lại quy định tài chính của TKV theo kinh nghiệm của ngành dầu khí, đảm bảo việc triển khai hiệu quả. Đối với việc cổ phần hoá công ty mẹ, mặc dù đề án đã được Chính phủ phê duyệt và đang triển khai nhưng với doanh nghiệp, ngành năng lượng mang tính đặc thù, liên quan đến an ninh năng lượng, TKV cũng cần đánh giá xem có tiếp tục cổ phần hoá công ty mẹ giai đoạn này hay không vì khoáng sản là tài sản nhà nước, mà quyền cấp quyền khai thác lại cấp cho công ty mẹ.
Tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng tính cạnh tranh
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của TKV. Bộ trưởng cho biết, mặc dù hoạt động sản xuất, tiêu thụ than của TKV gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, dịch Covid-19... tuy nhiên, TKV luôn phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh được giao, cung cấp đủ, ổn định than cho sản xuất trong nước theo hợp đồng đã ký (đặc biệt là than cho sản xuất điện), góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp, nhu cầu sử dụng than của các ngành kinh tế suy giảm, TKV đã nỗ lực vượt qua các khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng.
“Bộ Công Thương ghi nhận, biểu dương TKV và các đơn vị thành viên trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi phát triển, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra”, Bộ trưởng ghi nhận.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng những diễn biến của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, TKV cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tái cấu trúc tập đoàn từ bộ máy, công tác quản trị, đến những kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh hàng năm, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. Ngoài ra, đơn vị cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó tăng sức cạnh tranh cho TKV.
Về tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, Bộ trưởng đề nghị, TKV tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án đầu tư; rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư đối với các dự án trọng điểm; tăng cường phát huy nội lực và sự liên kết giữa các đơn vị trong nội bộ. Chủ động tích cực làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư.
Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất của TKV, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động bám sát công việc, phối hợp chặt chẽ với TKV để kịp thời xử lý giải quyết theo thẩm quyền với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Những vướng mắc khó khăn khác liên quan đến các Bộ ngành, các vụ chức năng sẽ tổng hợp để chuẩn bị cho các cuộc họp giữa Bộ Công Thương và các bộ, ngành trong thời gian tới. Các kiến nghị vượt thẩm quyền, Bộ sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cấp cao hơn.
Thay mặt Lãnh đạo Tập đoàn TKV, Chủ tịch HĐTV Lê Minh Chuẩn cam kết sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, các ý kiến đóng góp thiết thực của các Thứ trưởng và các Cục, Vụ chức năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.