Phát biểu tại Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 15/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cơn bão số 3 có sức tàn phá khủng khiếp trong những ngày qua. Hoàn lưu của bão cũng đang gây hậu quả nặng nề đối với các địa phương miền Bắc nước ta, và tiếp tục đi vào các nước Lào, Myanmar.
Đến nay, vẫn chưa thể thống kê hết thiệt hại do bão và hoàn lưu bão gây ra, hơn nữa các thống kê mới chỉ thống kê được thiệt hại trực tiếp, còn các thiệt hại gián tiếp cũng rất nhiều.
“Tóm lại, thiệt hại là rất lớn, cần nhiều thời gian vật chất và nguồn lực của toàn hệ thống mới có thể khắc phục được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, so với một siêu bão giật cấp 16, 17, thì kết quả phòng chống bão và hoàn lưu của bão chúng ta đã đạt được cũng đã góp phần giảm thiểu nhiều thiệt hại.
Từ kinh nghiệm phòng chống bão và hoàn lưu bão, từ góc độ các Bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Công Thương rút ra một số bài học:
Thứ nhất, công tác dự báo về bão và hoàn lưu bão lần này là rất đúng, trúng và kịp thời. Thông tin được cập nhật thường xuyên, liên tục, phần nào giúp khắc phục được tâm lý lơ là, chủ quan của các cấp, các ngành, của địa phương và người dân.
Thứ hai, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nhất là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia đã rất kịp thời, sâu sát, quyết liệt, dứt khoát, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm cả về không gian và thời gian, nên đã giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.
Thứ ba, là sự vào cuộc rất đồng bộ, sâu sắc, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị chức năng trong lãnh đạo chỉ đạo, tạo điều kiện phối hợp trong công tác phòng chống bão, góp phần nâng cao năng lực phòng chống bão của các địa phương trong tâm bão, tâm lũ, vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
“Đặc biệt, qua cơn bão số 3, chúng ta thấy được người dân các vùng bão lũ đã khắc phục được việc chủ quan, chấp hành tốt hơn các chỉ đạo của cấp trên”, Bộ trưởng khẳng định.
Thứ tư, trong và sau bão lũ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời lãnh đạo chỉ đạo phát động các cuộc vận động để ủng hộ từ đồng bào trong và ngoài nước, người nước ngoài ở Việt Nam, bạn bè quốc tế. Đây là một trong những thành công của chúng ta trong việc huy động toàn lực lượng tham gia phòng chống bão lũ, thiên tai.
Thứ năm, qua cơn bão này, chúng ta đã thành công trong việc nâng cao cảnh báo cho toàn bộ người dân về thảm họa thiên tai.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngành Công Thương đã và đang nỗ lực rất cao, tập trung khắc phục để cung ứng đầy đủ điện, xăng dầu. Công tác phát điện đã phục hồi hoàn toàn cho tất cả các nhà máy điện tại khu vực Đông Bắc Bộ. Toàn bộ hệ thống truyền tải đến đường dây 35kV đã được khắc phục tương đối hoàn thiện, lưới điện cơ sở đang tiếp tục khắc phục. Cung ứng xăng dầu đã và đang bảo đảm, không có tình trạng thiếu, khủng hoảng hay gián đoạn.
Duy trì cung ứng tốt và đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm quản lý thị trường ổn định. Lực lượng quản lý thị trường đã triển khai công tác trong nhiều ngày qua, đã thành lập các tổ công tác tại địa phương.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo tiếp tục làm tốt công tác vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn sau bão lũ. Tiếp tục chỉ đạo để khôi phục sản xuất, duy trì phát triển thị trường trong nước và ngoài nước.
Qua đó, Bộ Công Thương kiến nghị một số giải pháp để khắc phục hậu quả của bão, phục hồi phát triển kinh tế:
Thứ nhất, đề nghị tập trung cao độ mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả của bão và hoàn lưu bão, nhất là việc vệ sinh môi trường, thống kê thiệt hại, làm cơ sở để hỗ trợ, đền bù. Khôi phục hạ tầng giao thông, điện, thông tin truyền thông, giáo dục, y tế và thương mại. Hỗ trợ ổn định cuộc sống người dân cả về lương thực, thực phẩm, chỗ ăn, chỗ ở, đi lại, tìm kiếm người mất tích và mai táng người xấu số.
Ban hành các cơ chế chính sách đủ mạnh và khả thi để khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra, phục hồi sản xuất và đời sống của người dân.
Thứ hai, tập trung các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kịp thời cập nhật kịch bản tăng trưởng lạm phát mới. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh mới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là một số mặt hàng có xu thế tăng giá trong thời gian sau bão như lương thực thực phẩm, vật tư nguyên liệu sửa chữa nhà cửa, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện kích cầu tiêu dùng để phát triển thị trường trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng. Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa trên nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Thứ tư, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Đẩy mạnh tận dụng các đơn hàng xuất khẩu sẵn có và cơ hội xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm và tiêu dùng. Khai thác tối đa các thị trường truyền thống và tiếp tục khai mở thị trường mới theo đề xuất của Bộ Công Thương.
Thứ năm, đẩy mạnh triển khai giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ việc giải ngân vốn FDI và thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước được khoanh/giãn/hoãn nợ, cho vay mới, giảm lãi suất, giãn/hoãn thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp.
Cuối cùng, triển khai hiệu quả chính sách an sinh xã hội, lao động việc làm, bảo đảm nâng cao đời sống của nhân dân.