Kết thúc 60 giờ vàng Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2023, dù chưa có con số thống kê nhưng chia sẻ từ một số doanh nghiệp cho biết, lượng sản phẩm bán ra đã tăng gấp 10 lần so với ngày thường.
Ghi nhận từ phía người tiêu dùng, chị Phạm H. A. (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết “Tôi đã chốt được rất nhiều đơn hàng, từ thực phẩm cho đến quần áo. Giá rất rẻ và quan trọng là sản phẩm chính hãng, đảm bảo chất lượng nên chỉ cần thấy sale là chốt luôn.”
Anh Quách M. T. (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ “Những năm trước, tôi thường chỉ mua được đồ cho mẹ hoặc bạn gái vì chủ yếu là các sản phẩm thời trang nữ. Năm nay tôi đã “săn” được quần áo và cả đồ công nghệ.”
Chương trình 60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023 đã diễn ra từ 0 giờ ngày 01/12/2023 đến 12 giờ ngày 03/12/2023 đã thu hút hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia, cung cấp trên 300.000 mặt hàng với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Người tiêu dùng có thể mua được nhiều sản phẩm chỉ từ 1.000 đồng.
Không chỉ thu hút người tiêu dùng bằng khuyến mại rất sâu, Chương trình năm nay có sự cam kết của các doanh nghiệp, nhà cung cấp, sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thương mại điện tử.
Mục tiêu năm nay của Chương trình là tiếp cận 1 tỷ lượt xem trên các nền tảng và đạt con số 3 triệu đơn hàng thành công.
Trước đó, Lễ kích hoạt giờ vàng Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2023 đã diễn ra tối ngày 1/12/2023, tại phố đi bộ Hồ Gươm. Tại khoảnh khắc nghi thức bấm nút kích hoạt Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến 2023, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng thực hiện Lễ bấm nút kích hoạt tại các điểm cầu của các địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã yêu cầu Chương trình phải quán triệt một số yếu tố.
Một là, sản phẩm phải rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, chính hãng, đảm bảo mang lại được niềm tin của người dân, người tiêu dùng khi tham gia giao dịch.
Hai là, cần nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng, giúp người dân hiểu rõ tham gia. Tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ trong đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến.
Ba là, ứng dụng thuận tiện các giải pháp công nghệ số trên nền tảng Internet và mạng viễn thông thể thúc đẩy giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử hiệu quả và đảm bảo an toàn an ninh thông tin.
Bốn là, cần phát huy vai trò của hàng Việt Nam trong các hoạt động truyền thông, quảng bá trên môi trường trực tuyến.
Năm là, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cần tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có, đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng, đón bắt nhu cầu của người tiêu dùng dịp cuối năm.
Cuối cùng là, cần thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng đồng bộ các giải pháp hỗ trợ thương mại điện tử như: thanh toán trực tuyến, chuyển phát thông minh, tiếp thị liên kết, các nền tảng mạng xã hội,... nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, dịch vụ ứng dụng thương mại điện tử, tăng trưởng doanh số và phát triển bền vững.