Cà Mau: Nâng cao năng lực số, xây dựng thương mại điện tử an toàn và minh bạch

Ngày 20/5/2025, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau phối hợp với Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền về thương mại điện tử năm 2025, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Cà Mau tăng cường thực thi pháp luật, xây dựng thương mại điện tử an toàn và minh bạch
Ông Dương Vũ Nam - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, hội nghị sẽ góp phần nâng cao năng lực thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả và tuân thủ pháp luật cho các đơn vị kinh doanh trên nền tảng số (Ảnh: Báo Cà Mau)

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Vũ Nam - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết, đây là dịp cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cùng trao đổi, học hỏi, nâng cao năng lực thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả và tuân thủ pháp luật; góp phần xây dựng môi trường thương mại điện tử lành mạnh, minh bạch, an toàn tại địa phương.

"Các doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã, đơn vị sẽ được tiếp thu những kiến thức chuyên sâu, các kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử. Từ đó, ứng dụng thực tiễn vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh", ông Nam nhấn mạnh.

Cà Mau tăng cường thực thi pháp luật, xây dựng thương mại điện tử an toàn và minh bạch
Sự kiện khẳng định cam kết của tỉnh Cà Mau trong việc xây dựng một thị trường thương mại điện tử minh bạch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp địa phương (Ảnh: Báo Cà Mau)

Với chủ đề “Nâng cao kỹ năng thực thi pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử”, các đại biểu tham dự hội nghị đã được trang bị những thông tin giá trị từ các chuyên gia, giảng viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực. Nội dung hội nghị tập trung vào nhiều khía cạnh cốt lõi, từ việc cập nhật tổng quan và xu hướng phát triển của thương mại điện tử trong nước và quốc tế, cho đến việc phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật liên quan. Mục tiêu nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh nắm vững các quy định, từ đó hạn chế tối đa các rủi ro pháp lý và vi phạm trong quá trình hoạt động.

Bên cạnh đó, thủ tục thông báo website thương mại điện tử bán hàng và đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công Thương cũng là một trong những nội dung được chia sẻ tại hội nghị. Đây là một nội dung tuy không mới nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng và đầy đủ.

Việc hướng dẫn chi tiết các thủ tục sẽ giúp các đơn vị kinh doanh số hóa hoạt động một cách hợp pháp, tránh những vướng mắc không đáng có. Sự minh bạch trong việc đăng ký và thông báo website không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn tạo dựng niềm tin cho cộng đồng kinh doanh trực tuyến.

Cà Mau tăng cường thực thi pháp luật, xây dựng thương mại điện tử an toàn và minh bạch
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) chia sẻ về kỹ năng nhận diện các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật trên nền tảng số, nhất là trên mạng xã hội, livestream (Ảnh: Báo Cà Mau)

Đặc biệt, hội nghị còn đi sâu vào việc trang bị kiến thức và kỹ năng nhận diện các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật trên nền tảng số, với trọng tâm là các hoạt động trên mạng xã hội và livestream. Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển bùng nổ, các hình thức lừa đảo, buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng trở nên tinh vi hơn. Do đó, việc trang bị kỹ năng phân biệt thật giả, nhận diện các chiêu trò lừa đảo là vô cùng cần thiết, giúp các doanh nghiệp tự bảo vệ mình và người tiêu dùng.

Cùng với đó, hội nghị cũng giới thiệu những ứng dụng đột phá của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc, mở ra những cơ hội mới để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và nâng cao hiệu quả quản lý. AI không chỉ giúp tự động hóa quy trình, mà còn cung cấp khả năng phân tích dữ liệu chuyên sâu, từ đó hỗ trợ đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác hơn.

Thực tế cho thấy, thương mại điện tử đang là một kênh phân phối và tiếp cận thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt đối với các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, đi cùng với tiềm năng là những thách thức về mặt pháp lý và sự phức tạp của môi trường số. Do đó, việc trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng thực thi là cần thiết để các doanh nghiệp Cà Mau tự tin hội nhập, tận dụng tối đa lợi thế của nền kinh tế số. 

Ngọc Châm