TÓM TẮT:
Ngọc Lặc là huyện thuộc khu vực miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa có thiên nhiên phong phú và văn hóa đặc sắc để phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích SWOT để đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của các nhân tố đối với sự phát triển du lịch của huyện Ngọc Lặc. Kết quả của nghiên cứu đã chỉ rõ ưu thế của huyện Ngọc Lặc trong phát triển du lịch bao gồm các giá trị tài nguyên du lịch, chủ trương chính sách, khả năng liên kết. Bên cạnh đó, huyện cũng gặp phải những hạn chế về sự mai một của các giá trị văn hóa tộc người, trình độ của lao động, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu, thách thức về cạnh tranh.
Từ khóa: điều kiện phát triển, du lịch, SWOT, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
1. Đặt vấn đề
Du lịch là ngành kinh tế được ưu tiên phát triển của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như một động lực chính cho nền kinh tế. Phát triển du lịch của một lãnh thổ chịu ảnh hưởng tổng hợp của nhiều nhân tố về vị trí, tài nguyên du lịch và các yếu tố kinh tế - xã hội. Phân tích nhân tố ảnh hưởng tới phát triển du lịch là hướng nghiên cứu có bề dày và sớm được quan tâm của giới khoa học, đặc biệt ưu thế trong việc xác định các thế mạnh, hạn chế, cơ hội và thách thức của lãnh thổ.
Ngọc Lặc là một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa có điều kiện tự nhiên và văn hóa đa dạng. Huyện có diện tích tự nhiên rộng 490,99 km2 (chiếm 4,4% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Thanh Hóa) [2], là địa bàn sinh sống của 4 dân tộc chủ yếu gồm Mường, Kinh, Thái, Dao, cùng những giá trị văn hóa phong phú có thể trở thành tiềm năng hấp dẫn đối với sự phát triển du lịch. Huyện đã có những nỗ lực trong việc xây dựng chính sách, thu hút đầu tư và quảng bá hướng tới mục tiêu “khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương” “để tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của huyện”. Bởi vậy, xác định được những thuận lợi, khó khăn đối với du lịch của Ngọc Lặc là vấn đề đặt ra có tính cấp thiết. Nghiên cứu có mục tiêu phân tích các nhân tố ảnh hưởng (vị trí, tài nguyên, dân cư, lao động, hạ tầng, chính sách...) tới phát triển du lịch huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, làm cơ sở để khuyến nghị một số chính sách phát triển du lịch ở địa phương.
2. Cơ sở dữ liệu và phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu này sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp được thu thập từ UBND huyện Ngọc Lặc, Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó tham khảo các ấn phẩm sách, tạp chí, công trình nghiên cứu như đề tài, luận án, công bố khoa học… Trong bài viết, tác giả sử dụng các nhóm phương pháp nghiên cứu: phương pháp thu thập và xử lý thông tin, phương pháp phân tích, so sánh và tổng hợp tài liệu, phương pháp phân tích SWOT. Phương pháp phân tích SWOT được bài báo sử dụng để đánh giá Điểm mạnh (Strengths), Điểm yếu (Weaknesses), Cơ hội (Opportunities) và Thách thức (Threats) của các nhân tố đối với phát triển du lịch huyện Ngọc Lặc, từ đó làm căn cứ để kết hợp các yếu tố trong ma trận và đề xuất định hướng, giải pháp cho phát triển du lịch của địa phương.
3. Nội dung nghiên cứu
3.1. Khái quát đặc điểm lãnh thổ và thực trạng phát triển du lịch huyện Ngọc Lặc
Huyện Ngọc Lặc có 21 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn huyện lỵ và 20 xã); có vị trí tiếp giáp với các huyện Bá Thước, Lang Chánh, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Yên Định. Huyện nằm trên các trục giao thông: đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện dài 30,65 km); quốc lộ 15 (dài 15,33 km), quốc lộ 47C và hệ thống đường tỉnh [1], [2]. Dân số của huyện có 139.957 người (đứng thứ 13/27 huyện, thị của tỉnh Thanh Hóa năm 2023), trong đó khoảng 67% dân số là người dân tộc Mường [1]. Những năm gần đây, huyện Ngọc Lặc đã bước đầu thu hút sự quan tâm của du khách tới các điểm đến du lịch của địa phương. Năm 2023, du lịch Ngọc Lặc đón được khoảng 10 nghìn lượt khách đến, tổng thu 0,8 tỷ đồng. Số lượng cơ sở lưu trú trên toàn huyện là 56 cơ sở (gồm 36 khách sạn và nhà nghỉ; 20 homestay) [6]. Du lịch Ngọc Lặc hướng tới khai thác các loại hình có thế mạnh như du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch lễ hội; tiêu biểu là các điểm đến như: Khu di tích danh thắng Hang Bàn Bù, đền thờ Trung túc vương Lê Lai, Vườn Cò Xuân Liên. Đặc biệt, du khách gần đây rất quan tâm đến một số điểm đến du lịch cộng đồng ở xã Thạch Lập (Mường Lập, Đồi Hích) khai thác giá trị văn hóa Mường kết hợp với sinh thái vùng núi hoang sơ và khí hậu mát mẻ.
3.2. Phân tích các điều kiện phát triển du lịch huyện Ngọc Lặc
3.2.1. Xác định các nhóm điều kiện
Sự phát triển du lịch của một lãnh thổ chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố. Ở những góc độ khác nhau, các nhân tố được phân nhóm gồm: yếu tố bên ngoài (chính trị xã hội; các yếu tố kinh tế; xu thế xã hội; yếu tố công nghệ; dịch bệnh, thiên tai, thảm họa môi trường và biến đổi khí hậu; các yếu tố cầu du lịch); yếu tố nguồn lực phát triển du lịch (tài nguyên du lịch, nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực, nguồn lực tổ chức; nguồn lực chính sách) [3]. Nghiên cứu của Nguyễn Minh Tuệ (2010) xác định 3 nhóm nhân tố ảnh hưởng tới phát triển du lịch gồm: tài nguyên du lịch; sự phát triển của nền sản xuất xã hội và các ngành kinh tế; cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật [4].
Vận dụng quan điểm đánh giá nhân tố ảnh hưởng phát triển du lịch tới địa bàn huyện Ngọc Lặc, nghiên cứu này lựa chọn các nhân tố bên trong để phân tích điểm mạnh và hạn chế đối với phát triển du lịch huyện Ngọc Lặc (vị trí, tài nguyên du lịch, chính sách phát triển du lịch, lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật). Các yếu tố bên ngoài gồm: khả năng liên kết, chính sách du lịch của tỉnh và quốc gia, sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân Việt Nam, xu thế phát triển du lịch và khả năng cạnh tranh... là những nhân tố có tác động đến việc tạo ra cơ hội hoặc thách thức đối với phát triển du lịch ở huyện Ngọc Lặc.
3.2.2. Kết quả phân tích SWOT các nhân tố
* Điểm mạnh (Strengths)
Về vị trí địa lý, huyện Ngọc Lặc có vị trí địa lí gần như ở trung tâm của khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa và tiếp giáp với nhiều huyện [2]. Ở vị trí đó, huyện Ngọc Lặc có điều kiện hình thành hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và đa dạng; là những giá trị hấp dẫn du lịch của địa phương.
Về tài nguyên du lịch tự nhiên, địa hình của Ngọc Lặc khá đa dạng bởi sự xuất hiện của các hình thái bề mặt dạng núi thấp, đồi và thung lũng. Dạng địa hình cacxtơ (núi đá vôi) ở dãy núi Thúy Sơn - Ngọc Khê, dãy Ngọc Sơn, là nơi phân bố của nhiều hang động đẹp [2]. Tiêu biểu là các hang động như quần thể hang động làng Ngán (có hang Bàn Bù); hang Cộng Sản, hang Ngân Hàng; hang Nàng Ả Còm; hang Gió, hang Quăn, động Bàn Đáy... Thiên nhiên vùng đồi thấp còn thuận lợi để hình thành những không gian cho du lịch sinh thái - cộng đồng, du lịch nông thôn, tiêu biểu như Đồi Tô (xã Quang Trung), đồi Hích (xã Thạch Lập). Tài nguyên nước mặt dồi dào với hệ thống sông, hồ, suối, thác tạo ra những khung cảnh thiên nhiên hài hòa, phác thảo nên bức tranh “sơn thủy” gắn bó với đời sống văn hóa, tâm linh của người dân mỗi thôn, làng nơi đây. Các điểm khai thác tài nguyên nước có tiềm năng lớn ở Ngọc Lặc như Hồ Cống Khê (thị trấn Ngọc Lặc), suối Rùa (xã Quang Trung), suối Khe Cha (xã Thạch Lập)...[4]. Đặc biệt, ở Ngọc Lặc có mạch nước ngầm thuộc làng Ao (xã Ngọc Khê) được đánh giá tốt về chất lượng, có khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất nước khoáng và khai thác du lịch nghỉ dưỡng. Tài nguyên sinh vật phong phú của rừng nhiệt đới đai thấp cũng là thế mạnh của tự nhiên trên lãnh thổ Ngọc Lặc. Sự kết hợp hài hòa của thảm thực vật với đặc trưng địa hình và thủy văn đã tạo ra bầu không khí trong lành, cùng cảnh quan sinh thái hấp dẫn ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Ngọc Lặc. Điển hình là vườn cò ở thôn Xuân Liên, xã Kiên Thọ - nơi đã có 40 năm là “quê hương” của hàng nghìn con cò trắng.
Tài nguyên du lịch văn hóa là một điểm mạnh trong phát triển du lịch ở huyện Ngọc Lặc. Nơi đây đã từng tìm thấy dấu vết của cư dân từ thời đại đá mới, là địa bàn có vị trí chính trị quan trọng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi vào thế kỉ XV... cùng với những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số đã làm nên sự phong phú của tài nguyên du lịch văn hóa trên địa bàn huyện. Đó là những di tích lịch sử chứa đựng các minh chứng khảo cổ về sự cư trú của con người thời đại đồ đá mới (các Hang Mộc Trạch, hang Lộc Thịnh I và Lộc Thịnh II). Huyện có di tích đền Tép (thờ Trung túc vương Lê Lai) thuộc quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh cùng với nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh được công nhận cấp tỉnh như: danh thắng Bàn Bù, đền Lai, đền Mỹ Lâm, đền thờ Bà Chúa Chầm, đền Cọn... là tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của huyện.
Lễ hội gắn với đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Dao trên địa bàn huyện là thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng ở huyện Ngọc Lặc. Lễ hội truyền thống tiêu biểu ở huyện như: Lễ hội Văn hóa Du lịch hang Bàn Bù, Lễ hội Đền Tép; lễ hội Mường Lập... đã và đang thu hút rất đông du khách [2]. Bên cạnh đó, người Mường cư trú lâu đời ở Ngọc Lặc đã gắn bó và gìn giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể (nhà sàn, cồng chiêng, trang phục truyền thống,…) cũng như văn hóa phi vật thể (hát ru, diễn xướng xường giao duyên, phường chúc, mo mường,…). Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Trò diễn Pồn Pôông”, nghệ thuật diễn xướng Xường giao duyên, cùng nhiều phong tục, nghi thức tâm linh, trò chơi dân gian truyền thống... là tiềm năng rất có ý nghĩa đối với phát triển du lịch.
Huyện Ngọc Lặc sở hữu một số làng nghề thủ công với những sản phẩm nghề là đặc sản địa phương vừa mang lại giá trị thương mại, đồng thời trở thành những món quà ý nghĩa đối với khách du lịch; tiêu biểu là làng nghề dệt thổ cẩm ở xã Cao Ngọc, làng nghề miến dong Hương Ngọc ở xã Ngọc Liên... cùng một số sản phẩm được chứng nhận OCOP như Dưa vàng 369 Kiên Thọ, mật ong Thọ Phú Xanh, trà túi lọc rau má Đất Ngọc...
Về chính sách phát triển du lịch của huyện Ngọc Lặc được Ủy ban nhân dân huyện và các phòng chức năng liên quan đặc biệt quan tâm. Huyện chủ trương xây dựng đề án “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025”, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổ chức chương trình khai mạc bảo tồn, phục dựng, tái hiện Lễ hội Mường Lập năm 2022; mở các lớp bồi dưỡng đào tạo kiến thức, kỹ năng cho các lao động địa phương đã và sẽ phục vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng; quan tâm xúc tiến, quảng bá du lịch.
* Điểm yếu (Weaknesses)
Tài nguyên du lịch cũng có một số điểm hạn chế đối với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Ngọc Lặc. Với địa hình tương đối phức tạp, chia cắt mạnh, trong đó, hơn 40% diện tích lãnh thổ là đồi núi phân bố ở phía Tây, gây khó khăn cho việc phát triển hạ tầng ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận các điểm, khu du lịch trong huyện. Chế độ nước trên các sông, suối ở địa bàn phân hóa theo mùa ảnh hưởng đến khả năng tổ chức các hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện thường có quy mô nhỏ (trừ quần thể danh thắng Bàn Bù); nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng nặng; một số lễ hội bản địa bị mai một.
Trình độ và cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế trên địa bàn huyện Ngọc Lặc là những hạn chế của nguồn nhân lực, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của huyện. Kết quả điều tra lao động việc làm tỉnh Thanh Hóa năm 2021 cho thấy: tỉ lệ lao động đã qua đào tạo (có bằng sơ cấp trở lên) đang làm việc trong nền kinh tế (chỉ đạt 18,77%; đứng thứ 19/27 huyện, thị của tỉnh Thanh Hóa), cơ cấu lao động chậm chuyển dịch (khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm tỉ lệ cao, chiếm 47,44% tổng số lao động trong các ngành kinh tế năm 2020); trong khi trung bình toàn tỉnh Thanh Hóa là 39,47%) [5].
Hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng phục vụ du khách. Tính đến năm 2023, toàn huyện mới có khoảng 56 cơ sở lưu trú quy mô nhỏ, trong đó hơn 50% số cơ sở tập trung ở Thị trấn Ngọc Lặc; và một số cơ sở homestay ở khu vực Đồi Hích, xã Thạch Lập [6]. Đây là một hạn chế lớn về khả năng sẵn sàng đón khách của huyện Ngọc Lặc trong khai thác du lịch.
* Cơ hội (Opportunies)
Về khả năng kết nối phát triển du lịch, Ngọc Lặc nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh - trục giao thông huyết mạch ở phía Tây của đất nước qua địa phận các xã Quang Trung, Minh Sơn, Minh Tiến, Kiên Thọ và Thị trấn Ngọc Lặc [9]. Đường Hồ Chí Minh tạo cơ hội liên kết phát triển du lịch của huyện với các địa phương dọc tuyến (Thạch Thành, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Như Xuân, Thọ Xuân) và các tỉnh, các vùng khác trong cả nước. Huyện Ngọc Lặc có khoảng cách khá gần với các khu, điểm du lịch hấp dẫn của khu vực miền núi và Trung du của tỉnh Thanh Hóa như khu du lịch Pù Luông, suối cá thần Cẩm Lương, Khu du lịch Lam Kinh... tạo cơ hội kết nối các tuyến du lịch nội tỉnh.
Về chính sách phát triển du lịch quốc gia và tỉnh, ngành Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh Thanh Hóa nói riêng đang nỗ lực hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều thể chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch của Quốc gia và địa phương. Hướng tới thực hiện các Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Về trình độ phát triển của nền kinh tế và thu nhập dân cư nhiều thập niên gần đây đạt được những thành tựu đáng kể, tạo cơ hội lớn cho nhiều ngành kinh tế cũng như sự phát triển của xã hội, nâng cao mức sống của người dân. Điều này thúc đẩy nhu cầu du lịch cuối tuẩn của thị trường khách nội tỉnh, nhất là các điểm đến còn hoang sơ và mới được khai thác như ở huyện Ngọc Lặc.
* Thách thức (Threats)
Thách thức đối với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Ngọc Lặc là sự cạnh tranh từ các huyện khác trong tỉnh, nhất là các địa phương ở khu vực miền núi Thanh Hóa. Các huyện Bá Thước (có khu du lịch Pù Luông), huyện Thọ Xuân (có khu du lịch Lam Kinh), huyện Cẩm Thủy (có khu du lịch suối cá Cẩm Lương) đã sớm quan tâm đến phát triển du lịch và hiện đang sở hữu những điểm đến tiêu biểu của xứ Thanh. Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch đã và đang gây ra những thách thức không nhỏ đối với các địa phương vùng núi.
3.2.3. Ma trận SWOT nhân tố ảnh hưởng tới phát triển du lịch huyện Ngọc Lặc
Kết quả phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển du lịch của huyện Ngọc Lặc được tổng hợp và khái quát hóa theo Bảng 1.
Bảng 1. Ma trận SWOT các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển du lịch huyện Ngọc Lặc
Ma trận SWOT |
Yếu tố tích cực/thuận lợi |
Yếu tố tiêu cực/nguy cơ |
Các nhân tố bên trong |
Điểm mạnh (Strengths) |
Điểm yếu (Weaknesses) |
S1: Vị trí trung tâm của khu vực miền núi S2: Tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng: địa hình núi, hang động, suối, thác, sinh vật S3: Tài nguyên du lịch văn hóa phong phú với các giá trị văn hóa dân tộc Mường, Dao... S4: Chính sách phát triển của địa phương |
W1: Địa hình chia cắt, chế độ nước phân hóa theo mùa W2: Một số tài nguyên văn hóa xuống cấp, mai một W3: Trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn của lao động địa phương W4: Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch thiếu, yếu |
|
Các nhân tố bên ngoài |
Cơ hội (Opportunies) |
Thách thức (Threats) |
O1: Khả năng kết nối ngoại vùng của huyện O2: Chính sách phát triển du lịch Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa tạo cơ chế thuận lợi cho địa phương O3: Trình độ phát triển kinh tế và thu nhập của dân cư được cải thiện |
T1: Cạnh tranh về sản phẩm đặc trưng, chất lượng dịch vụ... T2: Xu hướng phát triển của khoa học công nghệ và kinh tế số |
Từ ma trận trên, chúng tôi sử dụng kết hợp của các yếu tố SO, WO, ST, WT để gợi ý một số phương án chiến lược định hướng phát triển du lịch huyện Ngọc Lặc, như sau:
- Chiến lược SO: Tận dụng tối đa mọi điểm mạnh để tạo ra cơ hội
+ S1,2,3 +O1,3: Phát huy và khai thác thế mạnh về vị trí, tài nguyên của huyện để gia tăng cơ hội kết nối du lịch với các điểm, khu trong tỉnh và trong cả nước; gia tăng lượng khách đến trước nhu cầu du lịch ngày càng cao.
+ S1,4 +O1,2: Phát huy thế mạnh vị trí và chính sách ưu tiên của huyện để tạo cơ hội tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ từ phía tỉnh, Trung ương cũng như gia tăng liên kết phát triển ngoại vùng.
- Chiến lược WO: Khắc phục điểm yếu để tận dụng cơ hội
+ W1,4 + O1,2,3: Phát triển và nâng cấp hạ tầng, đầu tư nâng cao chất lượng và khả năng đáp ứng của các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện.
+ W2,3+ O1,2,3: Tăng cường công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, văn hóa dân tộc; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ của lao động du lịch tại địa phương.
- Chiến lược ST: Tận dụng điểm mạnh để loại bỏ thách thức
+ S1,2,3,4 +T1,2: Phát huy nguồn lực chính sách, đặc thù về tài nguyên để thiết kế sản phẩm du lịch có lợi thể cạnh tranh.
+ S4 +T1: Tận dụng những hỗ trợ chính sách của địa phương để thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng truyền thông để quảng bá du lịch địa phương.
- Chiến lược WT: Giảm thiểu những hạn chế để đẩy lùi thách thức
+ W1,2,3,4 + T1,2: Đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình di tích lịch sử, bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa dân tộc để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch. Phát triển mạng lưới cơ sở vật chất kỹ thuật, chú trọng công tác bồi dưỡng nhân lực để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch địa phương.
3.3. Một số khuyến nghị về giải pháp phát triển du lịch huyện Ngọc Lặc
Trên cơ sở những thế mạnh, hạn chế, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển du lịch của huyện Ngọc Lặc, nghiên cứu khuyến nghị một số giải pháp nhằm phát triển du lịch trên địa bàn huyện như sau:
- Giải pháp về quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển các điểm du lịch trong huyện: nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng đề án phát triển du lịch huyện Ngọc Lặc đến năm 2030, từ đó làm căn cứ để triển khai quy hoạch chi tiết các khu, điểm, tuyến cũng như thu hút đầu tư.
- Giải pháp nghiên cứu và xây dựng sản phẩm mang tính đặc trưng và có khả năng cạnh tranh cao trên cơ sở phát huy tiềm năng vốn có của huyện về văn hóa lịch sử và bản sắc cộng đồng các dân tộc Mường, Dao, cũng như các tiềm năng tự nhiên; liên kết vùng phát huy lợi thế về vị trí của huyện.
- Giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng (giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước) và đầu tư phát triển cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở vui chơi giải trí trên địa bàn huyện.
- Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực du lịch của địa phương: Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho lao động trong các hộ kinh doanh nhằm nâng cao nhận thức về du lịch, kỹ năng dịch vụ (ăn uống, lưu trú, văn nghệ, hướng dẫn...
- Giải pháp về nghiên cứu, khôi phục và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng Mường, Dao, Thái trên địa bàn huyện. Đây là nhiệm vụ cần thiết không chỉ đối với công tác bảo tồn văn hóa mà có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa của địa phương.
- Giải pháp về xúc tiến, quảng bá du lịch: Tăng cường các hình thức truyền thông và hoạt động quảng bá hình ảnh thiên nhiên và con người Ngọc Lặc; chú trọng công tác sưu tầm, nghiên cứu, phát hành tư liệu tài nguyên du lịch Ngọc Lặc.
4. Kết luận
Nhân tố ảnh hưởng tới phát triển du lịch của huyện Ngọc Lặc rất đa dạng, gồm các nhóm: vị trí, tài nguyên du lịch, chính sách phát triển du lịch, lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật. Huyện sở hữu các giá trị tài nguyên tự nhiên đa dạng, tài nguyên văn hóa phong phú; có vị trí thuận lợi trong giao lưu, kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh; được sự quan tâm của chính quyền các cấp... là những thuận lợi và cơ hội để thúc đẩy phát triển du lịch ở huyện Ngọc Lặc. Bên cạnh đó, huyện cũng gặp những khó khăn về yếu kém của cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, trình độ của lao động cũng như sự cạnh tranh với một số địa phương khu vực miền núi Thanh Hóa. Kết quả từ việc xây dựng các chiến lược kết hợp ma trận SWOT (tận dụng cơ hội, điểm mạnh để đẩy lùi khó khăn, thách thức) là cơ sở để đề xuất những định hướng và giải pháp phát triển du lịch Ngọc Lặc trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1]. Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa (2023), Niên giám thống kê năm 2022. Nxb Thống kê.
[2]. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ngọc Lặc (2016), Địa chỉ huyện Ngọc Lặc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[3]. Trần Đức Thanh - Phạm Hồng Long - Vũ Hương Lan (đồng chủ biên), Nhập môn Du lịch. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
[4]. Nguyễn Minh Tuệ (2010), Địa lý du lịch Việt Nam. Nxb Giáo dục Việt Nam
[5]. UBND tỉnh Thanh Hóa (2021), Quyết định số 2056/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2021 về việc “Công bố kết quả điều tra lao động, việc làm và thu nhập bình quân đầu người cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
[6]. UBND huyện Ngọc Lặc (2023), Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình Phát triển du lịch năm 2023, đề xuất các nhiệm vụ triển khai thực hiện năm 2024, số 574/BC-UBND, ngày 13/9/2023.
ANALYSIS OF FACTORS AFFECTING DEVELOPMENT TOURISM IN NGOC LAC DISTRICT, THANH HOA PROVINCE
PH.D NGUYEN DINH THANH
Faculty of Economics And Management, Electric Power University
ABSTRACT:
Ngoc Lac is a district in the western mountainous area of Thanh Hoa province, characterized by rich natural beauty and unique cultural heritage. This makes it an ideal location for various types of tourism, including community tourism, cultural tourism, eco-tourism, and leisure tourism. This research employs the SWOT method to evaluate the strengths, weaknesses, opportunities, and challenges associated with the tourism development of Ngoc Lac district. The study's findings highlight several advantages, such as abundant natural tourism resources (caves, rivers, lakes, wildlife), cultural assets (historical sites, festivals, customs, and ethnic cultural values), supportive policy guidelines, market trends, and strong connectivity. However, the district also faces significant challenges, including the loss of ethnic cultural values, low labor qualifications, inadequate infrastructure and technical facilities, and competitive pressures.
Keywords: evelopment conditions, tourism, SWOT, Ngoc Lac district, Thanh Hoa province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15 tháng 6 năm 2024]