TÓM TẮT:
Nghiên cứu nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến sự gắn kết của sinh viên tại Trường Đại học Duy Tân. Thông qua nghiên cứu, tác giả đã xác định 4 nhóm nhân tố có ảnh hưởng tới sự gắn kết của sinh viên, gồm: mục đích cuộc sống, giá trị dịch vụ cảm nhận, tính bền bỉ và khả năng hấp thu. Trên cơ sở của nghiên cứu, nhóm tác giả cũng đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao sự gắn kết của sinh viên tại Trường Đại học Duy Tân.
Từ khóa: nhân tố, sự gắn kết, sinh viên, Trường Đại học Duy Tân.
1. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
1.1. Cơ sở lý thuyết
Sự gắn kết của sinh viên: Sự gắn kết như là một tiến trình tâm lý dễ “uốn nắn”, thay đổi về mức độ và dễ dàng phản ứng với môi trường (Fredricks và cộng sự, 2004; Kahu, 2013) nên khi nghiên cứu về sự gắn kết nếu đặt trong các bối cảnh khác nhau thì mức độ ảnh hưởng của môi trường cũng khác nhau. Yusof và cộng sự (2017) cho rằng đó là một cấu trúc đa bậc giải thích cách sinh viên cư xử, cảm nhận và suy nghĩ ở trường qua 3 thành phần gồm gắn kết hành vi, gắn kết cảm xúc và gắn kết nhận thức. Fredricks và cộng sự (2004) khẳng định sự gắn kết gồm 3 thành phần là gắn kết hành vi, gắn kết cảm xúc và gắn kết nhận thức. Sự gắn kết hành vi (behavioral engagement) là việc tham gia công việc/nhiệm vụ trong các hoạt động học tập, các hoạt động cơ bản của nhà trường và thực hiện một cách tích cực (Fredricks và cộng sự, 2004); Sự gắn kết cảm xúc (emotional engagement) liên quan đến những phản ứng cảm xúc của sinh viên đối với bạn cùng lớp, giảng viên hoặc nhà trường và sự thích thú với việc học hoặc cảm giác thân thuộc ở trường (Fredricks và cộng sự, 2004; Yusof và cộng sự, 2017); Sự gắn kết nhận thức (cognitive engagement) dựa trên ý chí của sự đầu tư, kết hợp giữa việc suy ngẫm và sẵn sàng thực hiện các nỗ lực cần thiết cho toàn bộ ý tưởng phức tạp và làm chủ các kỹ năng khó (Lamborn và cộng sự, 1992).
Giá trị dịch vụ cảm nhận: Theo Oliver & DeSarbo (1988): Giá trị cảm nhận/nhận thức có nguồn gốc từ thuyết công bằng, giúp giải thích việc xem xét tỷ lệ đầu ra/đầu vào của khách hàng so với tỷ lệ này của nhà cung cấp dịch vụ. Chính vì vậy, giá trị dịch vụ cảm nhận được xem như một khái niệm phức tạp và đa khía cạnh (multi-faceted), thể hiện cụ thể ở nhiều cách giải thích (interpretations), sai biệt (biases) và sự nhấn mạnh (emphases) (Hu và cộng sự, 2009). Giá trị dịch vụ cảm nhận là sự đánh giá chung của sinh viên về những tiện ích/hữu ích của dịch vụ giáo dục do nhà trường cung cấp thông qua sự nhận thức về những gì họ bỏ ra và những gì nhận lại được trong quá trình sử dụng dịch vụ (Yuan và cộng sự ,2018)
Khả năng hấp thu: Khả năng hấp thu đề cập đến khả năng nhận biết, đồng hóa, tích hợp, chuyển hóa và áp dụng kiến thức bên ngoài để nâng cao khả năng cạnh tranh. Khả năng hấp thu của sinh viên là khả năng mà sinh viên khai thác kiến thức từ các trường kinh doanh, bao gồm nhận ra giá trị của kiến thức, đồng hóa nó, kết hợp với kiến thức hiện có và áp dụng vào công việc hàng ngày của họ (Cohen & Levinthal, 1990). Cohen và Levinthal (1990) nhận thấy khả năng hấp thu là quy trình bao gồm ba thành phần tương ứng với ba khả năng được thực hiện trong từng giai đoạn: nhận diện, đồng hóa và áp dụng.
Mục đích cuộc sống: Kashdan và McKnight (2009) xác định mục đích là trung tâm các mục tiêu tự tổ chức cuộc sống; nó tổ chức và khuyến khích các mục tiêu, quản lý hành vi, và cung cấp nhận thức có ý nghĩa, từ đó tạo ra khuôn khổ hành vi hàng ngày lên mục đích cuộc sống, cụ thể hơn là sự theo đuổi hoặc sống có ý nghĩa vĩnh viễn; đặc biệt, mục đích là phần cốt lõi đặc trưng của con người, như một la bàn - định hướng đi đến trong cuộc sống, khi đó các mục tiêu hiện tại liên tục được thực hiện cho mục tiêu mong muốn sau này. Mục đích cuộc sống được định nghĩa xuất phát từ các mục tiêu có giá trị, chúng rất quan trọng giúp thúc đẩy sinh viên hành động và duy trì việc gắn kết học tập ở trường đại học. Kashdan và McKnight (2009) nhận định mục đích bao gồm ba thành phần quan trọng là phạm vi, sức mạnh và nhận thức. Phạm vi đề cập đến mức độ phổ biến của mục đích trong cuộc sống, thể hiện cụ thể qua mức độ ảnh hưởng của mục đích đến hành động theo bối cảnh và điều kiện khác nhau. Sức mạnh như là xu hướng của mục đích cuộc sống ảnh hưởng đến hành động, suy nghĩ và cảm xúc liên quan đến phạm vi của nó. Nhận thức phản ánh mức độ mà một người biết rõ mục đích của mình.
Tính bền bỉ: Ngoài khả năng nhận thức, một danh mục các thuộc tính các cá nhân có khả năng đã được tìm thấy, bao gồm: sự sáng tạo, thông minh, uy tín, tự tin và những phẩm chất tích cực khác. Lý do đầu tiên có thể giải thích rằng có một số đặc điểm quan trọng hơn những thứ khác trong từng nghề nghiệp cụ thể (ví dụ như sự hướng ngoại có thể là nền tảng cho nghề nghiệp kinh doanh hơn là công việc viết lách. Do đó mà sự bền bỉ có khả năng dự đoán thành tích trong các lĩnh vực với yếu tố thách thức vượt qua/mạnh hơn các biện pháp tài năng (Duckworth & Quinn, 2009). Trong định nghĩa của tính bền bỉ có nói đến yếu tố quan tâm/sở thích và sự nỗ lực. Chúng đã trở thành yếu tố đặc trưng và vô cùng quan trọng đối với sự bền bỉ. Vì thế mà việc duy trì sở thích và kiên trì nỗ lực là những thành phần đo lường sự bền bỉ (Duckworth và cộng sự, 2009).
1.2. Mô hình nghiên cứu
Trên cơ sở các nhóm nhân tố có tác động đến sự gắn kết của sinh viên được các tác giả trước chỉ ra, cùng với đặc điểm của các sinh viên tại Trường Đại học Duy Tân, nhóm tác giả đưa ra mô hình nghiên cứu đề xuất như Hình 1.
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Các giả thuyết nghiên cứu:
- Khi một sinh viên càng đánh giá cao về các giá trị của dịch vụ giáo dục mang lại, thì nhận thức về thỏa mãn trong nhu cầu tâm lý cơ bản càng lớn, điều này thúc đẩy sinh viên thực hiện các hành vi có liên quan đến việc tham gia (hay gắn kết) với quá trình học tập của họ. Chính vì vậy, giả thuyết H1 được đặt ra là:
H1: Giá trị dịch vụ cảm nhận (GTDV) tác động dương đến sự gắn kết của sinh viên ở trường.
- Khi sinh viên vừa mới tiếp nhận kiến thức và kỹ năng từ người hướng dẫn như thầy, cô hoặc bạn bè thì họ luôn có những biểu hiện cơ bản của sự gắn kết nhận thức và cảm xúc về việc yêu thích và sự suy ngẫm về tính hữu ích/cần thiết của chúng, nhưng đây chỉ là sự gắn kết ở mức độ thấp. Sinh viên có khả năng hấp thu càng cao thì họ càng cảm thấy thích thú và bị hấp dẫn bởi kiến thức được giảng dạy nên có nhiều biểu hiện của sự gắn kết cảm xúc ở trường hơn. Giả thuyết H2 được đặt ra là:
H2: Khả năng hấp thu (KNHT) có tác động dương đến sự gắn kết của sinh viên.
- Với một bản chất tích cực, phát triển theo định hướng tự chủ hơn, con người luôn có thiên hướng tự trị; theo đó, động cơ tự trị càng cao thì họ càng kiểm soát tốt cuộc sống của chính mình, bản thân được thúc đẩy bởi động cơ tự trị thay vì các tiêu chuẩn của người khác hoặc các nguồn bên ngoài, và xác định hành động dựa trên các giá trị/mục tiêu của chính mình. Với sự tự chủ này, sẽ giúp mỗi cá nhân đặt mục tiêu cho cuộc sống của chính mình và rồi chính động cơ tự trị sẽ thôi thúc họ tự giác và nỗ lực thực hiện/tham gia các hoạt động giúp họ đạt được mục đích cuộc sống, từ đó thỏa mãn nhu cầu tâm lý cơ bản vốn có trong mỗi cá nhân. Vì vậy, giả thuyết H3 được đặt ra là:
H3: Mục đích cuộc sống (MDCS) tác động dương đến sự gắn kết của sinh viên.
Trải nghiệm học tập tại trường đại học của sinh viên là một quá trình dài vất vả, thách thức, cần duy trì nỗ lực và sự quan tâm với mục tiêu thành công là đạt được bằng cấp. Nếu quá trình trải nghiệm hành vi này của sinh viên được thúc đẩy từ động cơ bên trong hoặc động cơ bên ngoài đã được tích hợp, sinh viên sẽ hành động một cách tự trị hơn, thể hiện sự bền bỉ hơn và chất lượng kết quả hành vi cao hơn. Nói cách khác, khi sự yêu thích/quan tâm và nỗ lực càng cao thì sinh viên càng gắn kết với các hoạt động trong quá trình học tập tại trường để đạt được sự thành công như mong muốn. Chính vì thế, giả thuyết H4 là:
H4: Tính bền bỉ (TBB) có tác động dương đến sự gắn kết của sinh viên.
2. Phương pháp nghiên cứu
Để giải quyết được mục tiêu đề ra, nhóm sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp (định tính kết hợp với định lượng). Theo đó, nghiên cứu được thiết kế theo phương pháp hỗn hợp, bước tiếp cận đầu tiên là phương pháp tổng hợp, đánh giá, phân tích nghiên cứu các tài liệu cũng như các công trình nghiên cứu đi trước, nhằm nghiên cứu các nhân tố tác động và mức độ tác động của các nhân tố đến sự gắn kết của sinh viên. Trong nghiên cứu này, nhóm đã tiến hành phỏng vấn chuyên gia để chọn được các nhân tố ảnh hưởng tới mô hình và đánh giá sơ bộ thang đo lường thông qua hệ số tin cậy Cronbach’alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích hồi quy đa biến (MRA).
Mẫu khảo sát: Nhóm tác giả tiến hành điều tra 250 sinh viên thuộc 30 ngành đào tạo tại Trường Đại học Duy Tân từ giai đoạn tháng 01/2021 - 02/2021. Sau khi xử lý, làm sạch mẫu, còn 200 kết quả đạt chuẩn được đưa vào kiểm định ở mô hình.
3. Kết quả nghiên cứu
* Kiểm định độ tin cậy của thang đo:
Để kiểm tra độ tin cậy của thang đo, tác giả sử dụng kiểm định Cronbach's Alpha. Sau khi phân tích Cronbach’s Alpha, 24 biến quan sát thuộc 5 nhóm nhân tố đều thỏa mãn tiêu chuẩn kiểm định và được đưa vào để phân tích nhân tố.
* Kiểm định tính thích hợp của EFA:
Bảng 1. Kiểm định về tính thích hợp
của phương pháp và dữ liệu thu thập
(KMO and Bartlett's Test)
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Hệ số KMO = 0,835, thỏa mãn điều kiện: 0,5 < KMO < 1, phân tích nhân tố khám phá là thích hợp cho dữ liệu thực tế. Kiểm định Barlett có Sig. ≤ 0,05, nghĩa là các biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện.
* Kết quả của mô hình EFA: Sử dụng phương pháp xoay nguyên góc (Varimax) các nhân tố. Kết quả các lần xoay nhân tố gom thành 4 nhóm GTDV, MDCS, TBB, KNHT.
* Kiểm định tương quan từng phần của hệ số hồi quy:
Bảng 2. Kiểm định tương quan từng phần của các hệ số hồi quy (Coefficientsa)
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bảng 2 cho thấy: Tất cả các biến đều có Sig. < 0,01. Như vậy, Giá trị dịch vụ cảm nhận (X1), Khả năng hấp thụ (X2), Mục đích cuộc sống (X3), Tính bền bỉ (X4) tương quan có ý nghĩa với sự gắn kết của sinh viên với độ tin cậy 99%. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự gắn kết của sinh viên tại Trường Đại học Duy Tân được thể hiện qua phương trình hồi quy tuyến tính:
SGK = 0.324 + 0.204SGTDV + 0.112KNHT + 0.672MDCS + 0.245TBB
* Kiểm định mức độ phù hợp của mô hình:
+ Mức độ giải thích của mô hình:
Bảng 3. Kiểm định mức độ giải thích của mô hình (Model Summaryb)
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bảng 3 cho thấy, R2 Hiệu chỉnh (Adjusted R Square) là 0,692. Như vậy, 69,2% thay đổi sự gắn kết của sinh viên được giải thích bởi 4 biến độc lập.
+ Mức độ phù hợp:
Bảng 4. Kiểm định mức độ phù hợp của mô hình (phương sai - ANOVA)
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bảng 4 cho thấy, Sig. < 0,01, có thể kết luận rằng mô hình đưa ra phù hợp với dữ liệu thực tế. Các biến độc lập có tương quan tuyến tính với biến phụ thuộc với mức độ tin cậy 99%.
4. Kết luận
Kết quả kiểm định đã chỉ ra rằng có 4 nhân tố có ảnh hưởng đến sự gắn kết của sinh viên Đại học Duy Tân gồm: Giá trị dịch vụ cảm nhận, khả năng hấp thụ, mục đích cuộc sống, tính bền bỉ, trong đó:
- Tác động mạnh nhất đến Sự gắn kết của sinh viên ĐH Duy Tân mục đích cuộc sống (Beta = 0,694). Nhân tố này rất quan trọng, vì nó giúp sinh viên trong việc tiếp nhận kiến thức nơi giảng đường. Khi sinh viên xác định rõ mục đích cuộc sống của mình thì sự gắn kết của sinh viên sẽ được tăng lên.
- Quan trọng thứ hai là Giá trị dịch vụ cảm nhận (Beta = 0,299). Đây được xem là yếu tố bên trong tác động rõ nét nhất đến việc sự gắn kết sủa sinh viên như thế nào. Một sinh viên càng đánh giá cao những giá trị của dịch vụ giáo dục do trường đại học cung cấp thì họ càng có xu hướng gắn kết về nhận thức và cảm xúc đối với các hoạt động xoay quanh nhiệm vụ học tập tại trường.
- Thành phần thứ ba là Tính bền bỉ (Beta = 0,297). Tính bền bỉ là yếu tố thúc đẩy sinh viên gắn kết với trường. Tính bền bỉ của sinh viên thực sự tốt thì sự gắn kết của sinh viên càng mạnh. Tính bền bỉ của sinh viên càng kém thì sự gắn kết sinh viên càng thấp.
- Cuối cùng là thành phần Khả năng hấp thu (Beta = 0,129). Đây là nhân tố nền tảng ban đầu của sinh viên trong việc gắn kết với trường. Khả năng hấp thu là yếu tố cơ sở và cũng là mong muốn của trường khi tăng sự gắn kết trong sinh viên. Điều này nghĩa là một sinh viên có khả năng hấp thu càng cao thì tác động vào sự gắn kết của sinh viên ở trường càng cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tiếng Việt
- Diệp Thanh Tùng, Võ Thị Ngọc Yến (2017). Các nhân tố tác động đến sự hài lòng và gắn kết của sinh viên thông qua việc đánh giá chất luợng dịch vụ đào tạo Trường Đại học Trà Vinh. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Trà Vinh, 22/7/2017, 1-9.
- Nguyễn Đình Thọ (2013). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, Hà Nội: Nhà xuất bản Tài chính.
Tiếng Anh
- Cohen, W. M., & Levinthal, D. A. (1990). Absorptive capacity: A new perspective on learning and innovation. Administrative Science Quarterly, 35(1), 128-152.
- Duckworth, A. L., & Quinn, P. D. (2009). Development and validation of the Short Grit Scale (GRIT-S). Journal of Personality Assessment, 91(2), 166-174.
- Fredricks, J. A., Blumenfeld, P. C., & Paris, A. H. (2004). School engagement: Potential of the concept, state of the evidence. Review of Educational Research, 74(1), 59-109
- Hair, J. F., Anderson, R., Tatham, R., & Black, W. (1998). Multivariate Data Analysis (5th ed.). NJ: Pearson Prentice Hall.
- Hu, H.-H., Kandampully, J., & Juwaheer, T. D. (2009). Relationships and impacts of service quality, perceived value, customer satisfaction, and image: an empirical study. The Service Industries Journal, 29(2), 111-125.
- Kahu, E. R. (2013). Framing student engagement in higher education. Studies in Higher Education, 38(5), 758-773.
- Kahu, E. R., & Nelson, K. (2018). Student engagement in the educational interface: understanding the mechanisms of student success. Higher Education Research & Development, 37(1), 58-71.
- Kashdan, T. B., & McKnight, P. E. (2009). Origins of purpose in life: Refining our understanding of a life well lived. Psihologijske teme, 18(2), 303-313.
- Lamborn, S., Newmann, F., & Wehlage, G. (1992). The significance and sources of student engagement. Student Engagement and Achievement in American Secondary Schools (11-39). NY: Teachers College Press.
- Marks, H. M. (2000). Student engagement in instructional activity: Patterns in the elementary, middle, and high school years. American Educational Research Journal, 37(1), 153-184.
- Mosher, R., & MacGowan, B. (1985). Assessing Student Engagement in Secondary Schools: Alternative Conceptions, Strategies of Assessing, and Instruments. USA: University of Wisconsin, Research and Development Center. (ERIC Document Reproduction Service No. ED 272812).
- Oliver, R. L., & DeSarbo, W. S. (1988). Response determinants in satisfaction judgments. Journal of Consumer Research, 14(4), 495-507.
- Parsons, S. A., Malloy, J. A., Parsons, A. W., Peters-Burton, E. E., & Burrowbridge, S. C. (2018). Sixth-grade students engagement in academic tasks. The Journal of Educational Research, 111(2), 232-245.
- Patrick, H., Ryan, A. M., & Kaplan, A. (2007). Early adolescents' perceptions of the classroom social environment, motivational beliefs, and engagement. Journal of Educational Psychology, 99(1), 83.
- Pekrun, R., & Linnenbrink-Garcia, L. (2012). Academic emotions and student engagement. In Handbook of research on student engagement (259-282). New York: Springer.
FACTORS AFFECTING THE STUDENT ENGAGEMENT:
CASE STUDY OF DUY TAN UNIVERSITY
• Ph.D HO TUAN VU
Dean, Faculty of Accounting, Duy Tan University
• Master. NGUYEN THI QUYNH GIAO
Lecturer, Faculty of Accounting, Duy Tan University
• Ph.D NGUYEN HOANG PHUONG THANH
Department of Finance, Vietnam General Confederation of Labour
• LE TRAN TUONG VY
Faculty of Accounting, Duy Tan University
ABSTRACT:
This study is to identify the factors affecting student engagement at Duy Tan University. The study finds out that there are four groups of factors affecting the student engagement including life purpose, perceived service value, persistence and absorption. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to improve the student engagement at Duy Tan University.
Keywords: factor, engagement, student, Duy Tan University.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2021]