TÓM TẮT:
Bài nghiên cứu xác định các nhân tố tác động đến sự lựa chọn phần mềm kế toán tại các doanh nghiệp - Trường hợp nghiên cứu tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy có 5 nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn phần mềm kế toán, gồm: yêu cầu của người sử dụng, nhà cung cấp phần mềm kế toán, tính năng phần mềm, chi phí sử dụng phần mềm kế toán, ảnh hưởng của xã hội. Từ đó, bài nghiên cứu đề xuất một số kiến nghị giúp cho các nhà quản trị về sự quan trọng của việc lựa chọn phần mềm kế toán tại doanh nghiệp (DN).
Từ khóa: phần mềm kế toán, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, TP. Hồ Chí Minh, kế toán.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc vận dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các DN đã mở ra cơ hội cho Việt Nam gia nhập quốc tế với môi trường sản xuất - kinh doanh cạnh tranh gay gắt, các DN nhận thấy những ưu điểm của việc ứng dụng CNTT giúp tăng hiệu suất hoạt động. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số DN sử dụng cách xử lý dữ liệu thủ công, làm tốn khá nhiều thời gian và nhân lực. Do vậy, thách thức đặt ra là DN cần phải nhạy bén thay đổi cho phù hợp nhất. Nhằm giúp các DN ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung tìm được chỗ đứng trong cạnh tranh toàn cầu, vấn đề là phải hướng đến việc áp dụng CNTT nhằm nâng sức cạnh tranh của các DN này.
Việc lựa chọn sử dụng phần mềm kế toán thích hợp sẽ giúp công tác ứng dụng phần mềm kế toán tại đơn vị thỏa mãn được nhu cầu hỗ trợ thông tin kịp thời cho nhà quản trị ra các quyết định quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động.
Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhiều nhà cung cấp trên thị trường đã cho ra mắt các sản phẩm phần mềm kế toán đáp ứng công tác kế toán. Chính vì vậy, để lựa chọn một phần mềm kế toán đáp ứng nhu cầu, khiến người sử dụng phần mềm hài lòng không phải là một quyết định không dễ dàng, đặc biệt là đối với DN có quy mô nhỏ.
Do vậy, bài viết nghiên cứu “Các nhân tố tác động đến sự lựa chọn phần mềm kế toán tại các DN - trường hợp nghiên cứu tại TP. Hồ Chí Minh” nhằm giúp các DN ở địa bàn TP. Hồ Chí Minh có thể lựa chọn PMKT thích hợp, đồng thời các nhà cung cấp phần mềm kế toán có thể tạo ra các PM hữu dụng hơn, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
2. Mô hình và phương pháp nghiên cứu
2.1. Mô hình nghiên cứu đề xuất
Qua lý thuyết nền và một số nghiên cứu liên quan, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1.
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Các giả thuyết nghiên cứu:
Giả thuyết H1: Yêu cầu của người sử dụng có tác động cùng chiều đến sự lựa chọn phần mềm kế toán.
Giả thuyết H2: Tính năng của phần mềm kế toán có tác động cùng chiều đến sự lựa chọn phần mềm kế toán.
Giả thuyết H3: NCC phần mềm kế toán có tác động cùng chiều đến việc chọn phần mềm kế toán.
Giả thuyết H4: Chi phí sử dụng phần mềm kế toán có tác động cùng chiều đến sự lựa chọn phần mềm kế toán.
Giả thuyết H5: Ảnh hưởng của xã hội có tác động cùng chiều đến sự lựa chọn phần mềm kế toán.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
- Bước1: Thu thập và tìm hiểu tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài.
- Bước 2: Xây dựng mô hình và các giả thuyết nghiên cứu.
- Bước 3: Tiến hành nghiên cứu định tính - tham vấn ý kiến chuyên gia, thông qua 3 giai đoạn: 1) định hình bảng hỏi và thang đo chính thức, 2) phát khảo sát đến các DN để thu thập dữ liệu, 3) xử lý dữ liệu thông qua thống kê mô tả số liệu, phân tích EFA, phân tích Cronbach’s Alpha và phân tích hồi quy.
- Bước 4: Thực hiện nghiên cứu định lượng, thu thập các thông tin và dữ liệu dưới dạng số học, số liệu có tính chất thống kê về đối tượng nghiên cứu nhằm phục vụ mục đích thống kê, phân tích.
- Bước 5: Kết quả.
3. Kết quả
3.1. Thống kê mô tả
Nghiên cứu phát ra 150 phiếu khảo sát và thu về 138 phiếu đáp ứng các yêu cầu đề ra. Kết quả như sau:
Về giới tính, nữ giới chiếm số lượng lớn hơn nam giới với 96 người (chiếm tỷ lệ 69,6%), nam giới có 42 người (chiếm 30,4%).
Về độ tuổi, nhiều nhất trong độ tuổi từ 26-35 với 57 người (chiếm 41,3%), tiếp đến là trong độ tuổi từ 36-45 với 39 người (chiếm 28,3%), từ 18-25 tuổi với 35 người (chiếm 25,4%), cuối cùng là trên 45 tuổi có 7 người (chiếm 5,1%).
Về trình độ học vấn, trình độ đại học có 106 người, nhiều nhất trong số lượng khảo sát (chiếm 76,8%), là trình độ cao đẳng với 19 người (chiếm 13,8%), trình độ sau đại học là 8 người (chiếm 5,8%), cuối cùng là trình độ trung cấp với 7 người (chiếm 5,1%).
Về chức vụ, số lượng nhân viên kế toán là lớn nhất với 96 người (chiếm 69,6%), kế toán trưởng với 19 người (chiếm 13,8%), thứ ba là phó giám đốc với 12 người (chiếm 8,7%) và cuối là vị trí giám đốc với 11 người (chiếm 8%).
Về loại hình công ty, phần lớn các DN ở khu vực TP. Hồ Chí Minh là loại hình công ty TNHH với 78 công ty (chiếm 56,5%), công ty cổ phần có 41 công ty (chiếm 29,7%), DN tư nhân có 17 công ty (chiếm 12,3%) và cuối là loại hình khác với 2 công ty (chiếm 1,4%).
Về quy mô nguồn vốn, các công ty ở TP. Hồ Chí Minh có quy mô dưới 10 tỷ đồng là nhiều nhất với 105 công ty (chiếm 76,1%), từ 10-25 tỷ đồng có 26 công ty (chiếm 18,8%), từ 25-50 tỷ đồng có 5 công ty (chiếm 3,6%) và trên 50 tỷ đồng có 2 công ty (chiếm 1,4%).
Về sản phẩm phần mềm kế toán, chủ yếu các DN đều sử dụng phần mềm mua ngoài với 114 lựa chọn (chiếm 82,6%) do tính linh hoạt thỏa mãn được nhu cầu khi dùng của DN, khắc phục những hạn chế vốn có, mang lại lợi ích và các tính năng phù hợp với đặc điểm, quy mô của từng loại hình công ty cụ thể. Bên cạnh đó, phần mềm thuê viết và loại phần mềm khác chiếm giữ tỷ lệ lần lượt là 15,2% (với 21 lựa chọn) và 2,2% (với 3 lựa chọn).
3.2. Kiểm định và đánh giá thang đo Cronbach’s Alpha
Kết quả kiểm định cho thấy giá trị Cronbach’s Alpha của tất cả các nhân tố (yêu cầu người sử dụng, nhà cung cấp phần mềm kế toán, tính năng phần mềm, chi phí sử dụng phần mềm kế toán, ảnh hưởng của xã hội, sự lựa chọn phần mềm kế toán) lần lượt là: 0,831; 0,875; 0,893; 0,890; 0,897; 0,860 đều lớn hơn 0.6; và hệ số tương quan biến tổng đều lớn hơn 0,3 nên thang đo cho các nhân tố đều đạt được độ tin cậy.
Riêng thang đo NCC2 của nhân tố “nhà cung cấp phần mềm kế toán” có Cronbach's Alpha nếu loại biến = 0,877 có hệ số lớn hơn hệ số tương quan biến tổng = 0,875, tuy nhiên chênh lệch này quá bé (0,002) nên vẫn giữ lại trong mô hình.
Thang đo TN5 của nhân tố “Tính năng phần mềm” có Cronbach's Alpha nếu loại biến = 0,908 có hệ số tương quan biến tổng = 0,893, tuy nhiên hệ số tương quan biến tổng = 0,552 khá nhỏ so với hệ số tương quan biến tổng = 0,893 và khá gần với 0,3, nên vẫn giữ lại trong mô hình.
Thang đo LC2 của nhân tố “Sự lựa chọn PMKT” có Cronbach's Alpha nếu loại biến = 0,870 có hệ số lớn hơn hệ số tương quan biến tổng = 0,860, tuy nhiên chênh lệch này bé (0,01) nên vẫn giữ lại trong mô hình.
3.3. Phân tích nhân tố khám phá (EFA)
3.3.1. Phân tích nhân tố khám phá EFA cho các biến độc lập
Bảng 1. Kiểm định KMO và Bartletts của các biến độc lập
Nguồn: Tác giả
Bảng 1 cho thấy hệ số kiểm định KMO là 0,720 (thỏa điều kiện 0,5 < KMO < 1). Điều này cho thấy 22 biến quan sát của 5 biến độc lập được đưa vào mô hình là phù hợp và có ý nghĩa với số liệu khảo sát.
Với kiểm định Bartlett's Test có hệ số Chi-Square ≈ 2.420,547 và mức ý nghĩa Sig. = 0,000 < 0,05. Chứng tỏ các thông tin dữ liệu dùng trong phân tích nhân tố khám phá EFA là hoàn toàn phù hợp, đồng thời các biến có mối tương quan tuyến tính với nhau.
Phân tích Tổng phương sai trích của các biến độc lập cho kết quả Eigenvalues = 1,842 > 1, nên trích ra được 5 nhân tố với tổng phương sai trích = 74,582% (thỏa điều kiện > 50%).
Kết quả ma trận nhân tố sau khi xoay cho thấy các biến quan sát của từng nhân tố thể hiện sự tập trung rất rõ ràng, với hệ số tải nhân tố > 0,5, thể hiện mức độ quan trọng cũng như sự chặt chẽ của thang đo ban đầu. Sau khi xoay nhân tố, các biến quan sát theo từng nhóm biến vẫn không thay đổi và được xếp chung với nhau. Như vậy, cả 5 nhân tố nghiên cứu đều tác động đến biến phụ thuộc “sự lựa chọn phần mềm kế toán” và không làm thay đổi mô hình nghiên cứu ban đầu, nên vẫn giữ nguyên tên nhân tố ban đầu.
3.3.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA cho các biến phụ thuộc
Bảng 2. Kiểm định KMO và Bartletts của các biến phụ thuộc
Nguồn: Tác giả
Bảng 2 cho thấy hệ số kiểm định KMO là 0,813 > 0,5 và hệ số Chi-Square của kiểm định Bartlett đạt giá trị ≈ 277,646 với mức ý nghĩa Sig. = 0,000 < 0,05. Kết luận dữ liệu này hoàn toàn phù hợp để phân tích nhân tố khám phá EFA và có mối tương quan giữa các biến với nhau.
Phân tích Tổng phương sai trích của các biến phụ thuộc cho kết quả: giá trị Eigenvalues = 2,866 > 1 thể hiện sự biến thiên được giải thích bởi từng nhân tố với tổng phương sai trích là 71,640% (thỏa điều kiện > 50%).
Mức độ hội tụ và phân tán của từng nhân tố từ Ma trận nhân tố xoay của biến phụ thuộc cho thấy tất cả các biến quan sát từ LC1 đến LC4 đều có hệ số tải > 0,5, giá trị tương ứng từ 0,741 đến 0,906. Như vậy, biến phụ thuộc đã đạt giá trị hội tụ với 5 biến độc lập theo như lý thuyết và nghiên cứu ban đầu.
Kết luận: thang đo và mô hình ban đầu không cần hiệu chỉnh.
3.4. Phân tích hồi quy
- Phân tích tương quan: Kết quả cho thấy 5 biến độc lập YC, NCC, TN, CP, AH có mối liên quan chặt chẽ với biến LC trong mô hình với mức ý nghĩa 1%. Kết quả trong mối tương quan với từng biến độc lập cho thấy mức ý nghĩa Sig. < 0,05. Hệ số tương quan với các biến độc lập lần lượt là 0,349, 0,137, 0,407, 0,239, 0,346 và có mức độ tương quan không khác biệt đáng kể giữa các biến với nhau. Do vậy, tất cả các biến độc lập đều có thể đưa vào mô hình hồi quy nhằm giải thích cho việc chọn phần mềm tại các công ty ở khu vực TP. Hồ Chí Minh.
- Phân tích hồi quy đa biến: Kết quả tại Bảng 3 cho thấy R2 hiệu chỉnh = 0,464, có nghĩa mô hình hồi quy đa biến phù hợp với dữ liệu nghiên cứu ở mức 46,4% hay sự lựa chọn PMKT được giải thích bởi 5 biến độc lập. Đồng thời, kiểm định F cho thấy Sig. ≈ 0,000 < 0,01 và có thể kết luận mô hình hồi quy hoàn toàn phù hợp với các dữ liệu nghiên cứu với mức ý nghĩa 1%.
Bảng 3. Kiểm định sự phù hợp cho mô hình hồi quy
Bảng 4. Kết quả kiểm định ANOVA
Nguồn: Tác giả
- Phân tích ANOVA: Kết quả tại Bảng 4 cho giá trị F = 24,672 và kết quả phương sai trích với giá trị Sig. ≈ 0,000 < 0,01 nên các biến độc lập phù hợp với nguồn dữ liệu khảo sát.
- Phân tích hồi quy các nhân tố: Kết quả cho thấy hệ số hồi quy các biến độc lập đưa vào mô hình có ý nghĩa Sig. đều nhỏ hơn 0,05. Do vậy, có thể kết luận 5 biến độc lập có mối quan hệ tương quan với biến phụ thuộc. Hệ số VIF < 2 cho thấy không có hiện tượng đa cộng tuyến giữa 5 biến độc lập tham gia hồi quy.
Bảng 5. Kết quả phân tích hồi quy của các nhân tố
Nguồn: Tác giả
Như vậy, ta có phương trình hồi quy bội như sau:
LC = 0,407TN + 0,349YC + 0,346AH + 0,239CP + 0,137NCC
Trong đó: LC là sự lựa chọn phần mềm kế toán, TN là tính năng phần mềm, YC là yêu cầu của người sử dụng, AH là ảnh hưởng của xã hội, CP là chi phí sử dụng phần mềm kế toán, NCC là Nhà cung cấp phần mềm kế toán.
Kết quả trên thể hiện mức độ quan trọng của nhân tố tính năng phần mềm là cao nhất và sự chênh lệch giữa các nhân tố không quá lớn. Đồng thời, cả 5 nhân tố đều có tác động đến nhân tố sự lựa chọn phần mềm kế toán tại các DN tại TP. Hồ Chí Minh như sau:
- Nhân tố tính năng phần mềm - TN có tác động nhiều nhất đến nhân tố sự lựa chọn PMKT (β = 0,407). Có thể hiểu, nếu các nhân tố khác không thay đổi, nhân tố TN tăng lên 1 đơn vị thì nhân tố LC sẽ tăng thêm 0,407 đơn vị.
- Nhân tố tác động thứ hai là nhân tố yêu cầu của người sử dụng - YC (β = 0,349). Hay, nếu các nhân tố khác không thay đổi, nhân tố YC tăng lên 1 đơn vị thì LC sẽ tăng thêm 0,349 đơn vị.
- Nhân tố tác động thứ ba là nhân tố ảnh hưởng của xã hội - AH (β = 0,346). Hay, nếu các nhân tố khác không thay đổi, nhân tố AH tăng lên 1 đơn vị thì nhân tố sự lựa chọn phần mềm kế toán sẽ tăng thêm 0,346 đơn vị.
- Nhân tố tác động thứ tư là nhân tố chi phí sử dụng phần mềm kế toán - CP (β = 0,239). Có thể hiểu, nếu các nhân tố khác không thay đổi, nhân tố CP tăng lên 1 đơn vị thì nhân tố sự lựa chọn phần mềm kế toán sẽ tăng thêm 0,239 đơn vị.
- Nhân tố ít tác động nhất là nhân tố nhà cung cấp phần mềm kế toán - NCC (β = 0,137). Hay, nếu các nhân tố khác không thay đổi, nhân tố NCC tăng lên 1 đơn vị thì nhân tố sự lựa chọn phần mềm kế toán sẽ tăng thêm 0,137 đơn vị.
- Kiểm định giả thuyết nghiên cứu: Từ các phân tích và kiểm định đã đề cập ở trên có thể kết luận, cả 5 biến độc lập đều có tác động cùng chiều đến sự lựa chọn phần mềm kế toán tại các công ty trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, cả 5 giả thuyết đều được chấp nhận.
- Kiểm định các giả định cần thiết trong hồi quy tuyến tính: Giả định không có hiện tượng đa cộng tuyến: Hệ số VIF dùng để kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến được trình bày tại Bảng 5 đều nhỏ hơn 2 và không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra hay các biến độc lập trong mô hình hồi quy bội không có tương quan với nhau.
4. Kết luận
Thông qua nghiên cứu tổng quát các nghiên cứu trước đó trên thế giới và Việt Nam có liên quan đến đề tài, thảo luận với các chuyên gia, khảo sát bảng câu hỏi, nhóm nghiên cứu đã xác định 5 nhân tố phù hợp với mô hình nghiên cứu, đó là: yêu cầu của người sử dụng, nhà cung cấp phần mềm kế toán, tính năng phần mềm, chi phí sử dụng phần mềm kế toán, ảnh hưởng của xã hội đều tác động đến sự lựa chọn phần mềm kế toán.
Từ kết quả nghiên cứu, bài viết đề xuất các khuyến nghị đến các DN nhằm giúp các nhà quản lý DN nhận rõ tác động của phần mềm kế toán đến hiệu quả hoạt động của các DN tại TP. Hồ Chí Minh, cụ thể:
Thứ nhất, đẩy mạnh sự hỗ trợ của ban quản lý để nâng cao chất lượng phần mềm kế toán.
Thứ hai, chú trọng công tác huấn luyện và đào tạo. DN cần đào tạo nhân viên khi mới được tuyển dụng vào công ty, thường xuyên cập nhật các kiến thức về kế toán một cách nhanh chóng cho nhân viên. Bên cạnh đó, các DN cần đẩy mạnh chương trình đào tạo nhân viên bằng những khóa huấn luyện bởi tổ chức bên ngoài các tổ chức giáo dục đào tạo trong đào tạo và bồi dưỡng nhân viên.
Thứ ba, chú trọng tăng cường ứng dụng giải pháp CNTT. DN cần tìm phần mềm kế toán đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng: phần mềm phải cung cấp được các kết xuất đầu ra đáp ứng yêu cầu pháp luật về kế toán, cung cấp được các kết xuất đầu ra mong muốn. Phần mềm phải hỗ trợ tốt nhất cho người dùng trong quá trình sử dụng thông qua những báo lỗi, hướng dẫn sửa lỗi, tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ trực tuyến, thân thiện và dễ sử dụng.
* Nội dung bài báo công bố dựa trên kết quả nghiên cứu thuộc đề tài “Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường năm học 2022 – 2023” của Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Wan Ahmad Wan Omar (2016). Accounting information system (AIS) and organizational performance: Moderating effect of organizational culture. International Accounting Information Jounral, 4(2), 45-52.
- Siyanbola, Trimisiu Tunji; Maduemem, Nkemjika Salome; Ogbebor, Peter Ifeanyi & Sanyaolu, Wasiu Abiodun (2019). Accounting information systems and small/medium scale enterprises (SMES) performance. Journal of Information Systems, 3(1), 5-12.
- Rogers, E. M. (1995). Diffusion of Innovations. New York: The Free Press.
- Vũ Thị Thanh Bình, Trần Minh Nhật, Đỗ Minh Thành, Nguyễn Thị Hồng Nga (2020). Quy mô doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh và chất lượng hệ thống thông tin kế toán: Bằng chứng từ Việt Nam. Tạp chí Tài chính, 1(3), 57-63.
- Nguyễn Quỳnh Trang (2020). Nghiên cứu tác động của chất lượng thông tin kế toán đến quá trình ra quyết định của doanh nghiệp Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
FACTORS AFFECTING THE ACCOUNTING SOFTWARE
SELECTION PROCESS OF ENTERPRISES IN HO CHI MINH CITY
• Senior Lecturer, Ph.D VU QUOC THONG1
• TRUONG THI NGOC TRAM2
• NGUYEN NGOC GIA HAN2
• NGGUYEN PHAM THUY TRANG2
• VO NGUYEN MINH ANH2
• NGUYEN THI QUYNH ANH2
1Faculty of Accounting, Ho Chi Minh City Open University
2School of Advanced Studies, Department of Accounting,
Ho Chi Minh City Open University
ABSTRACT:
This study identifies the factors affecting the accounting software selection process of enterprises in Ho Chi Minh City. The study finds out that there are five factors affecting this selection process, namely: user requirements, software provider, software features, cost of using technical software, and social influence. Based on the study’s findings, some recommendations are made to help managers better understand the importance of choosing accounting software at their enterprises.
Keywords: accounting software, business performance, Ho Chi Minh City, accountant.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2023]