TÓM TẮT:
Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung của thế giới về tăng trưởng xanh và tiêu dùng sản phẩm xanh. Nghiên cứu này nhằm mục đích xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn mua xăng sinh học E5 (1 loại sản phẩm xanh) của khách hàng cá nhân trên địa bàn thành phố Cà Mau theo lý thuyết giá trị tiêu thụ là giá trị chức năng (chất lượng, giá), giá trị xã hội, giá trị cảm xúc, giá trị điều kiện, giá trị tri thức, và mức độ quan tâm đến môi trường.
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng để kiểm định mô hình nghiên cứu bao gồm nghiên cứu định tính và định lượng. Nghiên cứu định tính thông qua kỹ thuật thảo luận nhóm, sau đó phỏng vấn, trao đổi trực tiếp với những người có kiến thức về xăng sinh học E5 để góp ý điều chỉnh thang đo cho phù hợp với thực tiễn và văn phong Việt Nam. Sản phẩm của nghiên cứu định tính là bảng câu hỏi hoàn chỉnh sau khi đã tiến hành phỏng vấn thử để đánh giá mức độ phù hợp và dễ hiểu của bảng câu hỏi. Nghiên cứu định lượng được thực hiện dựa trên số liệu với cỡ mẫu n = 238 người, kiểm định các giả thuyết, mô hình nghiên cứu thông qua phương pháp phân tích tương quan, hồi qui tuyến tính.
Từ khóa: Sản phẩm xanh, giá trị chức năng, xăng sinh học, xu thế chung của thế giới.
1. Giới thiệu
Môi trường là một vấn đề quan trọng trên toàn thế giới và hằng ngày có rất nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông đề cập đến tình trạng ngày càng xấu đi của môi trường hiện nay. Ở nhiều nơi, mọi người cũng dần nhận ra được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo vệ những nguồn lực hạn chế như một trách nhiệm đạo đức, và họ ý thức được rằng bất kỳ thiệt hại nào đối với môi trường tự nhiên đều có thể gây ra những hậu quả thảm khốc. Theo tài liệu biên dịch “Nóng, Phẳng, Chật” của Nguyễn Hằng (2009) từ sách “Hot, Flat, and Crouded” của Friedman (2008) cho thấy “hệ quả của quá trình toàn cầu hóa, đang góp phần tạo ra một hành tinh nóng bức, bằng phẳng và chật chội. Và chỉ một vài năm nữa, mọi chuyện sẽ là quá muộn, không thể chữa nổi, trừ phi có một nỗ lực trên toàn thế giới để thay thế phương thức sử dụng năng lượng hoang phí, kém hiệu quả hiện nay bằng một chiến lược năng lượng sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả và bảo vệ môi trường”.
Để hướng đến một sự phát triển bền vững hơn, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã khởi động và triển khai các chương trình nghiên cứu tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, đặc biệt là các dạng năng lượng có thể tái tạo và thân thiện với môi trường như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối hay còn gọi là Nhiên liệu sinh học (NLSH). Trong đó, các dạng năng lượng tái tạo nói trên, NLSH được đa số các quốc gia trên thế giới quan tâm và lựa chọn để phát triển do có thể sản xuất ở quy mô công nghiệp và nguồn nguyên liệu khá phong phú, đặc biệt là các quốc gia có lợi thế nông nghiệp như Việt Nam.
2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Theo Fabien và cộng sự (2010), tổng hợp các định nghĩa theo quan điểm công nghiệp, một sản phẩm xanh là một sản phẩm mà tuân thủ đặc điểm "3R": "giảm (reduce)", "tái sử dụng (re-use)" và "tái chế (recycle)"; được chứng nhận bởi một thực thể chính thức; và không được thử nghiệm trên động vật. Phân hủy sinh học cũng là một thành phần chính của một sản phẩm xanh. Định nghĩa theo quan điểm của người tiêu dùng, được lấy khảo sát trên quan điểm về sản phẩm tẩy rửa gia dụng xanh, thì khách hàng cho rằng một sản phẩm xanh là: (1) không độc hại đối với thiên nhiên; (2) tốt cho sức khỏe; (3) có trách nhiệm xã hội; và (4) tốt cho hành tinh. Trong đó, bảo vệ môi trường và tốt cho sức khỏe là yếu tố quan trọng, trong khi yếu tố về chứng nhận thì không được xem là một phần của định nghĩa sản phẩm xanh.
XSH E5 là hỗn hợp gồm 5% thể tích cồn sinh học ethanol và 95% thể tích xăng truyền thống (xăng A92). Thành phần 5% ethanol có trong xăng thực chất là cồn công nghiệp. Loại ethanol này chủ yếu được chiết xuất từ các sản phẩm sinh học như ngô, sắn,… Sau quá trình sản xuất sẽ thu được ethanol 99.5% trở lên (gần như là cồn nguyên chất) (Lê Tùng, 2012).
Có sự khác biệt lớn giữa 2 chất: methanol và ethanol. Methanol là chất cực độc cho con người trong quá trình sử dụng, khi hít phải hơi có methanol hoặc tiếp xúc với da. Nhiệt trị của methanol thấp hơn ethanol nên hiệu quả năng lượng của methanol thấp hơn ethanol. Đặc biệt, vấn đề ăn mòn kim loại và gây biến đổi gioăng trong hệ thống phun xăng là nguyên nhân chính dẫn đến các nhà sản xuất ôtô không chấp nhận việc sử dụng methanol trong xăng với bất kỳ tỷ lệ nào. Còn đối với xăng pha ethanol, các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho thấy xăng pha 5% Ethanol hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến độ bền và tuổi thọ của động cơ (Hồng Quân, 2012).
Theo kết quả thảo luận nhóm với đội ngũ nhân viên đi khảo sát thị trường các cơ sở đang kinh doanh xăng E5, tôi đã thống nhất mô hình nghiên cứu dựa trên 7 yếu tố ảnh hưởng đến người tiêu dùng khi sử dụng xăng sinh học E5:
Trong nghiên cứu của Lin và Huang (2012) về xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi lựa chọn sản phẩm xanh thì cho thấy có sự khác biệt ý nghĩa giữa sản phẩm có giá cao và sản phẩm giá thấp trong hành vi lựa chọn của người tiêu dùng. Như vậy, từ các nghiên cứu trên cho thấy rằng, cả giá trị chức năng về giá và giá trị chức năng về chất lượng đều thể hiện sự ảnh hưởng đến hành vi lựa chọn sản phẩm xanh của người tiêu dùng. Do đó, giả thuyết H1, H2 được đặt ra như sau:
Giả thuyết H1: Giá trị chức năng về chất lượng ảnh hưởng tích cực đến hành vi lựa chọn xăng sinh học E5 của người tiêu dùng tại thành phố Cà Mau.
Giả thuyết H2: Giá trị chức năng về giá ảnh hưởng tích cực đến hành vi lựa chọn xăng sinh học E5 của người tiêu dùng tại thành phố Cà Mau.
Theo Lin và Huang (2012), giá trị tri thức của sản phẩm xanh có một tác động tích cực lên hành vi lựa chọn của người tiêu dùng, dẫn đến khách hàng có sự tò mò, khát vọng kiến thức sẽ mang lại khả năng cao hơn để chọn sản phẩm xanh. Như vậy, giá trị tri thức có thể hiểu là các lợi ích tiêu dùng với khuynh hướng thỏa mãn các mong muốn về kiến thức và tìm kiếm sự mới lạ của người tiêu dùng. Do đó, Giả thuyết H3 được đặt ra như sau:
Giả thuyết H3: Giá trị tri thức ảnh hưởng tích cực đến hành vi lựa chọn xăng sinh học E5 của người tiêu dùng tại thành phố Cà Mau.
Giá trị điều kiện là một nhân tố ảnh hưởng lên hành vi lựa của khách hàng, với sự kết nối quan trọng đối với đặc tính sản phẩm, có tác động tích cực lên hành vi lựa chọn. Hai khía cạnh gắn với giá trị này là sự đe dọa và cảnh báo trên toàn cầu về môi trường (Lin và Huang, 2012). Như vậy, trong ngữ nghĩa của nghiên cứu này thì giá trị điều kiện có thể hiểu là các giải pháp hữu ích cho người tiêu dùng phụ thuộc vào một tình huống cụ thể. Do đó, giả thuyết H4 được đặt ra như sau:
Giả thuyết H4: Giá trị điều kiện ảnh hưởng tích cực đến hành vi lựa chọn xăng sinh học E5 của người tiêu dùng tại thành phố Cà Mau.
Nghiên cứu của Lin và Huang (2012) cho thấy rằng, giá trị cảm xúc tác động tích cực đến hành vi lựa chọn sản phẩm xanh của người tiêu dùng. Người tiêu dùng xem hành động chọn mua sản phẩm xanh như một hành động giúp bảo vệ môi trường trải qua những cảm xúc tích cực về làm một điều tốt cho chính bản thân họ và cho xã hội nói chung. Như vậy, trong ngữ nghĩa của đề tài này, giá trị cảm xúc được xem là thước đo của những cảm xúc của người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm xanh. Do đó, Giả thuyết H5 được đặt ra như sau:
Giả thuyết H5: Giá trị cảm xúc ảnh hưởng tích cực đến hành vi lựa chọn xăng sinh học E5 của người tiêu dùng tại thành phố Cà Mau.
Theo Beyzavi và Lotfizadeh (2014), yếu tố xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định các hành vi ứng xử đúng, những gì mọi người phải làm và những gì họ đang dự kiến sẽ làm. Cuối cùng, những quy tắc định hình từ giá trị xã hội và hành vi mà các thành viên trong một tầng lớp xã hội, nghề nghiệp cần phải làm theo.
Giả thuyết H6: Giá trị xã hội ảnh hưởng tích cực đến hành vi lựa chọn xăng sinh học E5 của người tiêu dùng tại thành phố Cà Mau.
Theo Lin và Huang (2012), người tiêu dùng có sự quan tâm đến môi trường cao sẽ ủng hộ sản phẩm xanh nhiều hơn và cũng thể hiện sự sẵn lòng lựa chọn tiêu dùng sản phẩm xanh nhiều hơn. Do đó, Giả thuyết H7 được đặt ra như sau:
Giả thuyết H7: Mức độ quan tâm đến môi trường ảnh hưởng tích cực đến hành vi lựa chọn xăng sinh học E5 của người tiêu dùng tại thành phố Cà Mau.
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Phương pháp nghiên cứu định tính
Nghiên cứu định tính thông qua kỹ thuật thảo luận nhóm với các chuyên gia là những người có kiến thức về xăng sinh học E5 để góp ý điều chỉnh thang đo cho phù hợp thực tiễn tại Việt Nam. Sản phẩm của nghiên cứu định tính là bảng câu hỏi hoàn chỉnh sau khi đã tiến hành phỏng vấn thử để đánh giá mức độ phù hợp và dễ hiểu của bảng câu hỏi.
3.2. Phương pháp nghiên cứu định lượng
Thực hiện thống kê và phân tích dữ liệu như: thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy của thang đo, phân tích nhân tố khám phá, phân tích tương quan, hồi quy nhằm làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến giả thuyết của nghiên cứu. Kết quả thống kê, phân tích sẽ giúp tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn mua xăng sinh học E5 của khách hàng cá nhân trên địa bàn thành phố Cà Mau.
4. Kết quả nghiên cứu
Bằng phương pháp thuận tiện, nhóm tác giả đã phát ra 250 bảng cho khách hàng ngay sau khi họ mua đổ xăng E5 ở các cây xăng có bán xăng E5 trên địa bàn thành phố Cà Mau. Kết quả thu về có 238 bảng câu hỏi đạt yêu cầu đưa vào nghiên cứu để kiểm định các giả thuyết, mô hình nghiên cứu thông qua phương pháp phân tích tương quan, hồi qui tuyến tính.
Sử dụng phần mềm SPSS 23.0 để hỗ trợ phân tích, kết quả ước lượng mô hình nghiên cứu theo từng bước được trình bày:
Bước 1: Kiểm định độ tin cậy của thang đo.
Độ tin cậy của thang đo được đánh giá thông qua hệ số Cronbach Alpha và hệ số tương quan biến tổng. Hệ số a của Cronbach là một phép kiểm định thống kê về mức độ chặt chẽ mà các mục hỏi trong thang đo tương quan với nhau. (Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008). Hệ số này càng cao, thang đo càng đáng tin cậy. Nunnaly (1978) đã chỉ ra rằng 0.7 là một hệ số tin cậy chấp nhận được nhưng trong một số nghiên cứu mới hệ số a thấp hơn đôi khi cũng được sử dụng.
Tuy nhiên hệ số này sẽ không cho biết mục hỏi nào cần được bỏ đi và mục hỏi nào cần được giữ lại. Để làm được điều đó, cần dựa vào hệ số tương quan biến tổng. Hệ số tương quan biến tổng là hệ số cho biến mức độ liên kết giữa một biến quan sát trong nhân tố với các biến còn lại. Nó phản ánh mức độ đóng góp vào giá trị khái niệm của nhân tố của một biến quan sát cụ thể. Tiêu chuẩn để đánh giá một biến có thực sự đóng góp giá trị vào nhân tố hay không là hệ số tương quan biến tổng phải lớn hơn 0.3. Nếu biến nào có hệ số này nhỏ hơn 0.3 thì phải loại nó ra khỏi nhân tố đánh giá vì không có giá trị đo lường dẫn đến người trả lời không hiểu rõ và như vậy câu trả lời không đáng tin cây.
Bước 2: Phân tích nhân tố khám phá EFA
Phân tích nhân tố là tên chung của một nhóm các thủ tục được sử dụng chủ yếu để thu nhỏ và tóm tắt dữ liệu. Trong nghiên cứu, chúng ta có thể thu thập được một số lượng biến khá lớn và hầu hết các biến này có liên hệ với nhau và số lượng của chúng phải được giảm bớt xuống đến một số lượng mà chúng ta có thể sử dụng được (Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008).
Phương pháp trích hệ số được sử dụng là Principal components với phép quay Varimax. Số lượng nhân tố được xác định dựa vào chỉ tiêu Eigenvalue > 1. Trong đó, hệ số Kaiser-Meyer-Oklin (KMO) là chỉ số dùng để xem xét sự thích hợp của phân tích nhân tố. Trị số của KMO lớn (giữa 0.5 và 1) là điều kiện đủ để phân tích nhân tố là thích hợp, còn nếu trị số này nhỏ hơn 0.5 thì phân tích nhân tố có khả năng không thích hợp với các dữ liệu. Ngoài ra, còn có một số tiêu chuẩn khác khi phân tích nhân tố khám phá EFA như hệ số tải nhân tố Factor loading lớn hơn 0.5 và có tổng phương sai trích > 50%.
Bước 3: Phân tích tương quan và hồi quy.
Sau khi phân tích EFA thu được 8 nhân tố bao gồm: (1) Giá xăng E5 (2) Sự quan tâm môi trường, (3) Nhận thức tiêu dùng, (4) Nhận thức rủi ro, (5) Khuyến cáo của NSX, (6) Truyền thông (7) Tính dễ tiếp cận, tình huống, (8) Quy chuẩn chủ quan. Các nhân tố này sẽ được sử dụng làm biến độc lập trong phân tích hồi quy với biến phụ thuộc là Mức độ chấp nhận sử dụng xăng E5. Tuy nhiên, trước khi đưa các biến này vào phân tích hồi quy, cần xem xét lại các mối quan hệ tuyến tính bằng cách tiến hành phân tích tương quan giữa các biến độc lập với nhau và giữa từng biến độc lập với biến phụ thuộc.
Kiểm định Pearson cho thấy đa số biến độc lập có quan hệ tương quan tuyến tính dương với biến phụ thuộc.
Bảng 1. Hệ số tương quan
Bước 4: Kết quả kiểm định T-test và ANOVA.
Giá trị F = 22.841 với giá trị Sig. = 0.000 nhỏ hơn mức ý nghĩaα= 0.05 nên ta bác bỏ giả thuyết cho rằng tất cả các hệ số hồi quy bằng 0 hay nói cách khác mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng có ý nghĩa thống kê.
Bảng 2. Hệ số hồi quy trong mô hình
Ghi chú: Dependent Variable: Mức độ chấp nhận xăng E5
Nguồn: Phân tích từ dữ liệu thu thập bằng phần mềm SPSS 25.0
Hệ số hồi quy của các yếu tố Truyền thông, Giá xăng, Chuẩn chủ quan, Nhận thức hiệu quả tiêu dùng đều có ý nghĩa về mặt thống kê với mức ý nghĩa 5% khi giá trị Sig. của chúng đều rất nhỏ, cao nhất cũng chỉ bằng 0.03. Riêng yếu tố Sự quan tâm môi trường, Khuyến cáo của NSX xe, Tính dễ tiếp cận, Nhận thức rủi ro lại không có mối quan hệ nào với Mức độ chấp nhận xăng E5, tức là chúng không có ý nghĩa về mặt thống kê vì có giá trị Sig > 0.05.
5. Kết luận và hàm ý quản trị
5.1. Kết luận
Giá trị ý nghĩa: họ chỉ thấy có cảm xúc chung chung khi quyết định chọn mua xăng sinh học E5, vì thấy vui, vì góp phần bảo vệ môi trường, vì cũng có cảm nhận được mọi người xung quanh đánh giá cao nhưng nếu tách bạch ra lựa chọn sản phẩm, vì được xã hội ghi nhận thì chưa hoàn toàn là như vậy.
Vì vậy nghiên cứu này giúp tìm hiểu những suy nghĩ bên trong khi đưa ra quyết định lựa chọn xăng sinh học E5 để giúp các doanh nghiệp hiểu hơn về khách hàng tiềm năng của mình kỳ vọng điều gì khi lựa chọn một loại xăng được gọi là thân thiện với môi trường, phải chăng là giá và chất lượng quyết định mọi thứ. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả sẽ đưa ra một hàm ý quản trị với mục tiêu thúc đẩy việc tiêu thụ xăng sinh học E5 tại Việt Nam nói chung và trên địa bàn thành phố Cà Mau nói riêng.
5.2. Hàm ý quản trị
Yếu tố giá trị ý nghĩa ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc chọn mua xăng sinh học E5, vì vậy thông điệp và hình ảnh quảng cáo phải truyền tải giúp cho mỗi cá nhân khi xem các thông điệp này cảm nhận được bản thân cũng sẽ mua xăng E5 và hành động tuyên truyền mọi người xung quanh tiêu dùng xăng này để chung tay bảo vệ Trái Đất và cuộc sống của chính mỗi người.
Yếu tố chất lượng tác động mạnh đến việc chọn mua xăng sinh học E5, vì vậy, ở góc độ doanh nghiệp nên có những bài chia sẻ, trên nhiều phương tiện truyền thông để khách hàng hiểu rõ công dụng các tính năng và tác động của xăng sinh học đối với động cơ, sự tương thích với các loại xe khi sử dụng lâu dài, cũng như cung cấp thêm các kiến thức về việc bảo vệ môi trường khi sử dụng xăng sinh học E5 như thế nào so với các sản phẩm truyền thống.
Riêng đối với xăng sinh học E5, đa số khách hàng chọn mua xăng sinh học E5 có phản hồi rằng thấy giá xăng như vậy là phù hợp. Vì vậy, nếu chỉ giải pháp là giảm giá xăng để thu hút thì chưa chắc đã hiệu quả, nếu người tiêu dùng vẫn chưa thỏa mãn được hiểu biết về chất lượng của xăng và dễ dàng mua xăng E5 ở nhiều nơi.
Khi đã có nhận thức về xăng sinh học, đồng thời được Nhà nước khuyến khích, sẽ tạo ra trong tâm trí khách hàng về sự tò mò về sản phẩm. Tại thời điểm khách hàng đang tò mò, muốn trải nghiệm, hãy giúp khách hàng có điều kiện được trải nghiệm tốt nhất, thuận tiện nhất, như quà tặng, dùng thử,…
Sau khi người tiêu dùng có nhận thức về xăng E5, nhưng cái khó là tìm mua các sản phẩm này ở đâu. Theo Lin và Huang, (2012), tác giả cũng đồng ý rằng quá ít nơi cung cấp sản phẩm xanh. Đồng nghĩa với việc khó tìm sản phẩm xanh sẽ gây bất lợi đến người tiêu dùng nếu đã quen sử dụng sản phẩm. Điều này là hợp lý, nên các doanh nghiệp muốn khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sử xăng E5 thì phải để cho họ thấy xăng E5 có nhiều ưu việt và chọn mua sử dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Hoàng Thị Hương Thảo, (2013). Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sĩ Kinh tế.
- Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. TP. Hồ Chí Minh: NXB Hồng Đức.
- Lê Công Hào, (2015). Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng chọn mua xăng sinh học E5 tại TP. Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tài chính - Marketing.
- Nguyễn Đình Thọ và cộng sự, (2011). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. Hà Nội: NXB Lao động Xã hội.
- Philip Kotler, (2001). Quản trị Marketing. Hà Nội: NXB Thống kê.
- Trần Vũ Quỳnh Trang, (2017). Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua sản phẩm rau an toàn của cư dân đô thị tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sĩ Kinh doanh.
FACTORS AFFECTING THE DECISION
ABOUT PURCHASING E5 BIOFUEL OF INDIVIDUAL
CUSTOMERS IN CA MAU CITY
• PHAM NGOC DUONG
University of Finance - Marketing
•HUYNH THANH GIAU
Dong Tam Bus Station - Truck Terminal - Van Loi Petroleum
Limited Liability Company
•HUYNH QUOC DOANH
Hoan My Minh Hai General Hospital
ABSTRACT:
This study is to determine the factors affecting the decision about purchasing E5 biofuel (a green product) of individual customers in Ca Mau City. According to the theory of consumption values, these factors are functional value (qualitty and price), social value, emotional value, condition value, knowledge value, and level of environment concern. In order to test the proposed research model, qualitative and quantitative researches were employed with the sample size n = 238 people. Hypotheses and research models were tested with correlation and linear regression analysis techniques.
Keywords: Green product, functional value, biofuel, global megatrend.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 29+30, tháng 12 năm 2020]