Các yếu tố đặc trưng xác định khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam

TS. NGUYỄN THỊ THU HIỀN (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Khả năng sinh lời là chỉ báo quan trọng về sự tồn tại và phát triển bền vững của ngân hàng. Nghiên cứu sử dụng phân tích mô hình hồi quy nhằm nhận diện các yếu tố bên trong ảnh hưởng đến ROA và ROE của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam giai đoạn 2006-2015. Kết quả cho thấy, cho vay trên tổng tài sản, dự phòng rủi ro tín dụng trên cho vay, chi phí trả lãi trên nợ phải trả và thu nhập phi lãi trên tài sản ảnh hưởng cùng chiều với khả năng sinh lời của ngân hàng (NH). Trong khi đó, nợ xấu, chi phí hoạt động trên thu nhập và quy mô hội đồng thành viên có tương quan nghịch với khả năng sinh lời. Nghiên cứu chưa tìm thấy bằng chứng có ý nghĩa thống kê về ảnh hưởng của các biến đại diện cho quản trị rủi ro thanh khoản, cấu trúc nguồn vốn, kiểm soát chi phí và quy mô.

Từ khóa: ROA, ROE, ngân hàng thương mại Việt Nam, khả năng sinh lời.

1. Đặt vấn đề

Khả năng sinh lời là một trong các đo lường quan trọng đánh giá kết quả tài chính của các NHTM, được xem xét trên cơ sở kết hợp kết quả kinh doanh và nguồn lực sử dụng. Khả năng sinh lời là nền tảng quan trọng giúp các NH đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm, từ đó kinh doanh hiệu quả. Chính vì vậy, việc đánh giá khả năng sinh lời của ngân hàng cũng như xem xét các yếu tố ảnh hưởng là đề tài không mới, nhưng luôn được quan tâm bởi các nhà nghiên cứu, quản trị và điều hành hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu trước thường đồng thời đưa vào mô hình xem xét các yếu tố bên trong, ngành và vĩ mô. Trong đó, các nghiên cứu về khả năng sinh lời của NHTM Việt Nam chưa xét yếu tố quản trị công ty. Nghiên cứu này tập trung vào phân tích dữ liệu liên quan đến các NHTM Việt Nam giai đoạn 2006-2015 nên môi trường chung của ngành Ngân hàng và điều kiện kinh tế vĩ mô giữa các NH khảo sát là như nhau. Việc không đưa các biến ngành, vĩ mô vào mô hình nghiên cứu như các nghiên cứu trước, hơn nữa đưa vào biến đại diện cho quản trị công ty (Corporate governance) nhằm xác định rõ hơn trong điều kiện môi trường như nhau yếu tố đặc trưng nào của từng NH quyết định khả năng sinh lời. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chú ý sử dụng kỹ thuật phân tích hồi quy thích hợp với dữ liệu bảng để ước lượng hiệu quả nhất. Kết quả thực nghiệm này không chỉ gợi ý cho các nhà quản trị NH điều hành ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, mà còn giúp cho các nhà đầu tư vào ngân hàng có thêm cơ sở ra các quyết định liên quan.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Tổng quan nghiên cứu trước và lý thuyết cơ bản

2.1.1. Lý thuyết cơ bản

* Lý thuyết ủy nhiệm

Lý thuyết ủy nhiệm được khởi xướng bởi Jensen và Macking nghiên cứu mối quan hệ giữa bên ủy nhiệm (cổ đông), bên được ủy nhiệm (nhà quản trị) và được dựa trên cơ sở phát sinh chi phí ủy nhiệm từ sự tồn tại thông tin bất cân xứng và mâu thuẫn lợi ích giữa bên ủy nhiệm, bên được ủy nhiệm (Levinthal, 1988). Nhiều nghiên cứu trước đã sử dụng lý thuyết ủy nhiệm nhằm giải thích sức sinh lời của ngân hàng trong mối quan hệ giữa bên ủy nhiệm và được ủy nhiệm (Bikker và Bos, 2005). Nhu cầu của bên ủy nhiệm (chủ sở hữu: CSH) và bên được ủy nhiệm (nhà quản trị) là khác nhau, nguyên tắc thị trường vốn có thể làm mạnh hơn với việc kiểm soát của CSH đối với nhà quản trị, từ đó đem lại động cơ của nhà quản trị đảm bảo kinh doanh hiệu quả. Trong đó, việc giám sát của CSH thường thông qua hội đồng quản trị. Do vậy, các nghiên cứu đã sử dụng lý thuyết này giải thích mối quan hệ giữa các yếu tố phản ánh quản trị công ty với khả năng sinh lời của NH.

* Lý thuyết tín hiệu

Lý thuyết tín hiệu do Spence khởi xướng năm 1973 nhằm giải thích tính bất cân xứng thông tin trên thị trường lao động và đã được nhiều nghiên cứu sử dụng lý giải đặc điểm này của thông tin giữa nhà quản trị với nhà đầu tư, điều hành (Obamuyi, 2013). Các nghiên cứu của Beaver và Engel (1996) cho thấy, các ngân hàng tăng dự phòng rủi ro tín dụng để phát tín hiệu ra thị trường về việc cải thiện luồng tiền trong tương lai. Nếu không có điều hành, giám sát thì hoạt động NH sẽ tối đa hóa lợi nhuận và mang lại rủi ro nhiều hơn mức độ lý tưởng, chấp nhận được đối với người gửi tiền. Vì vậy, nhà điều hành quy định tỷ lệ vốn tối thiểu nhằm hạn chế tối đa hóa lợi nhuận của NH nhằm đối phó với rủi ro với cấu trúc vốn. Lý thuyết tín hiệu gợi ý rằng mức vốn chủ sở hữu cao là dấu hiệu tích cực tới thị trường về giá trị của ngân hàng (Ommeren, 2011). Nghiên cứu kỳ vọng lý thuyết tín hiệu giúp giải thích yếu tố dự phòng rủi ro tín dụng và hệ số an toàn vốn ảnh hưởng đến khả năng sinh lời.

2.1.2. Tổng quan các nghiên cứu trước

Các nghiên cứu về kết quả hoạt động và khả năng sinh lời của ngân hàng bắt đầu thập niên 1960s với nghiên cứu đầu tiên là của Hester và Zoellner (1966) và sau đó các nghiên cứu của Short (1979) và Bourke (1989) được nhiều nghiên cứu sau này sử dụng để tham chiếu. Trong khi Short (1979) chú trọng yếu tố tập trung của thị trường thì Bourke (1989) còn quan tâm đến các yếu tố bên trong là chi phí nhân viên, vốn chủ sở hữu và thanh khoản. Từ đó, các nghiên cứu thực nghiệm cố gắng xác định các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng sinh lời các ngân hàng theo hướng phân tích giữa các quốc gia hay một quốc gia. Các nghiên cứu gần đây về khả năng sinh lời các NH trong một quốc gia cho kết quả như sau:

Athanasoglou và cộng sự (2008) đã xét các yếu tố bên trong, ngành và vĩ mô ảnh hưởng đến ROA và ROE của các ngân hàng Hy Lạp. Kết quả cho thấy trừ biến quy mô, các biến phản ảnh đặc trưng ngân hàng là an toàn vốn, rủi ro tín dụng, sức sản xuất, quản trị chi phí và quy mô đều có ảnh hưởng đến khả năng sinh lời.

Jafari (2014) nghiên cứu các yếu tố xác định khả năng sinh lời NHTM Syria và cho thấy bên cạnh biến an toàn vốn còn có các biến rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, quản trị chi phí cũng quan trọng trong xác định ROA.

Nghiên cứu của Béjaoui và Bouzgarrou (2014) chứng minh được các yếu tố đặc trưng của ngân hàng gồm an toàn vốn, hiệu quả hoạt động, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản là quan trọng trong nhận diện khả năng sinh lời NHTM Tunisia.

Osuagwu (2014) được cho là nghiên cứu sớm nhất xem xét khả năng sinh lời các NHTM tại quốc gia đang phát triển, cụ thể là Nigeria. Kết quả cho thấy, các yếu tố đặc trưng ngân hàng là quan trọng để xác định khả năng sinh lời các ngân hàng, yếu tố ngành ảnh hưởng không đáng kể còn các yếu tố vĩ mô không vượt qua được kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến.

Gần đây xuất hiện các nghiên cứu khám phá riêng mối quan hệ giữa quản trị công ty với kết quả hoạt động và khả năng sinh lời của ngân hàng như nghiên cứu của Nyamang & Temesgen (2013) và Chaarani (2014).

Nyamang và Temesgen (2013) khám phá mối quan hệ giữa quản trị công ty (quy mô hội đồng, giám đốc độc lập và vai trò kép của CEO) đến ROA và ROE các NHTM Kenya. Kết quả chứng minh quy mô hội đồng có tương quan nghịch còn vai trò độc lập của CEO ảnh hưởng tích cực đến khả năng sinh lời, nhưng không tìm thấy bằng chứng về tác động của vai trò kép CEO. Với các biến đại diện quản trị công ty tương tự, nghiên cứu của Chaarani (2014) cũng cho thấy vai trò độc lập của CEO tác động tích cực, nhưng vai trò kép của CEO tác động ngược lại đến khả năng sinh lời NHTM tại Li Băng.

Hai năm gần đây tiếp tục có các nghiên cứu về khả năng sinh lời của NHTM tại các quốc gia khác nhau, như Topak và Talu (2016), Narwal và Pathnejia (2016), Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2015), Nguyễn Phạm Nhã Trúc và Nguyễn Phạm Thiên Thanh (2016).

Nghiên cứu của Topak và Talu (2016) tìm thấy bằng chứng tương quan thuận của các yếu tố an toàn vốn và thu nhập lãi trên chi phí lãi, tương quan nghịch của chi phí hoạt động trên tài sản và quy mô đến khả năng sinh lời các NHTM Turkey. Khi xem xét khả năng sinh lời các NHTM India, nghiên cứu của Narwal và Pathnejia (2016) chỉ ra quy mô tác động ngược chiều, nhưng thu nhập phi lãi trên tài sản và quy mô hội đồng lại có tương thuận với biến phụ thuộc.

Với phương pháp GMM, nghiên cứu của Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2015) tập trung vào yếu tố đa dạng hóa thu nhập kết hợp các biến đặc trưng ngân hàng như cấu trúc tài sản, chất lượng tài sản, an toàn vốn, cấu trúc nợ, hiệu quả hoạt động, quy mô và biến vĩ mô là GDP khi phân tích khả năng sinh lời các NHTM Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu cho thấy các biến đa dạng hóa thu nhập, cho vay trên tài sản, tỷ lệ tiền gửi khách hàng, lạm phát đều có tương quan thuận, trong khi đó nợ xấu, vốn chủ sở hữu trên tài sản và chi phi hoạt động trên thu nhập có tương quan nghịch đến khả năng sinh lời. Nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng về tác động của quy mô tài sản và tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Gần đây hơn, nghiên cứu của Nguyễn Phạm Nhã Trúc và Nguyễn Phạm Thiên Thanh (2016) đã sử dụng mô hình OLS với phương sai chuẩn mạnh (robust standard errors) để kiểm soát ảnh hưởng của phương sai thay đổi (heteroskedasticity) cho kết quả không hoàn toàn thống nhất với nghiên cứu về NHTM Việt Nam nói trên. Theo nghiên cứu này, quy mô và chi phí hoạt động trên tài sản ảnh hưởng cùng chiều, trong khi đó hệ số an toàn vốn ảnh hưởng ngược chiều đến khả năng sinh lời của NH.

Từ các tổng kết trên cho thấy, hầu hết ban đầu các nghiên cứu tập trung vào các nước phát triển và những năm gần đây đã chuyển sang các nước đang phát triển. Tuy nhiên, dù cố gắng nhưng từ kết quả của nhiều nghiên cứu đều cho thấy bằng chứng về ảnh hưởng đến sức sinh lời của các ngân hàng thương mại đối với các yếu tố ngành và yếu tố vi mô là rất giới hạn, không rõ ràng, hay ảnh hưởng yếu. Các biến bên trong ngân hàng trong hai nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cũng cho kết quả không hoàn toàn thống nhất, có thể một phần do các nghiên cứu sử dụng các mô hình ước lượng khác nhau. Bên cạnh đó, quản trị công ty được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, nhưng cả hai nghiên cứu tại Việt Nam chưa xem xét, cũng như các nghiên cứu trước chưa đề cập nhiều. Chính vì vậy, nghiên cứu này tập trung vào các biến phản ánh đặc trưng của ngân hàng bao gồm biến đo đại diện cho yếu tố quản trị công ty cùng với phương pháp ước lượng phù hợp để đi tìm thêm bằng chứng thực nghiệm tại quốc gia đang phát triển như Việt Nam, góp phần bổ sung cho lý thuyết.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Từ khảo lược kết quả các nghiên cứu trước, nghiên cứu này tiến hành phân tích định lượng nhằm tìm ra mối quan hệ giữa yếu tố quản trị công ty cùng các yếu tố đặc trưng ngân hàng với khả năng sinh lợi của các NHTM Việt Nam. Nghiên cứu cũng chú trọng lựa chọn mô hình ước lượng thích hợp với dữ liệu bảng để đưa ra kết quả tốt hơn so với ước lượng OLS.

Trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu trên, tác giả tìm hiểu tác động của các yếu tố đặc trưng cho mỗi ngân hàng đến khả năng sinh lời của NHTM ở Việt Nam trong khoảng thời gian dài 2006-2015.

2.2.1. Mô hình nghiên cứu

Mô hình của nghiên cứu được xác lập dựa vào các nghiên cứu trước của Osuagwu (2014), Narwal và Pathnejia (2016) với các nhân tố bên trong ngân hàng được lựa chọn thích hợp với việc xác định khả năng sinh lời và có thể đo lường dễ dàng cho mục đích phân tích thống kê.

Yit = α + β1Lo_TAit - β2LLPit - β3NPLit - β4LA_Deit + β5De_TAit - β6IE_Lit - β7CAit + β8NII_TAit - β9OE_TAit - β10OE_TIit + β11SIZEit+ β12BDIZEit β2BDFit + uit

Trong đó, biến phụ thuộc Yit chính là khả năng sinh lời của NH, được đo bởi lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA) và lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm thứ t của ngân hàng i. Các biến độc lập bao gồm:

Lo_TA: Tỷ số dư nợ cho vay trên tài sản. Biến này phản ánh chiến lược sử dụng tài sản của NH, khi biến này cao thể hiện NH càng tập trung nhiều cho hoạt động tín dụng. Hầu hết các nghiên cứu trước cho rằng việc tập trung vào hoạt động tín dụng nhiều hơn góp phần tăng khả năng sinh lời. Vì vậy, giả thuyết của nghiên cứu là tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản có mối quan hệ thuận chiều với khả năng sinh lời của NH.

LLP: Tỷ số dự phòng rủi ro tín dụng trên dư nợ cho vay. Biến này thường được sử dụng để đánh giá quản trị rủi ro tín dụng của NH. Nhiều nghiên cứu trước tìm thấy bằng chứng về ảnh hưởng của biến này đến khả năng sinh lời, tuy nhiên xu hướng ảnh hưởng khá khác nhau. Khi tỷ số này tăng tương ứng sẽ tăng chi phí nên làm giảm lợi nhuận của NH. Chính vì vậy, nghiên cứu kỳ vọng LLP ảnh hưởng ngược chiều đến khả năng sinh lời của NHTM.

NPL: Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay. Biến này phản ánh chất lượng tài sản cho vay của ngân hàng. Các nghiên cứu trước cho kết quả yếu tố này có tác động nghịch với khả năng sinh lời (Ayanda và cộng sự (2013), Osuagwu(2014)). Nghiên cứu này dự đoán tỷ lệ nợ xấu có tương quan nghịch với khả năng sinh lời.

LA_De: Tỷ số tài sản thanh khoản cao trên tiền gửi. Tỷ số này đại diện cho quản trị rủi ro thanh khoản của NH. Khi tỷ số này càng cao thể hiện khả năng thanh khoản của NH càng tốt, tuy nhiên sẽ làm giảm lời nhuận do các tài sản này không sinh lời hoặc rất thấp. Do vậy, nghiên cứu dự đoán LA_De ảnh hưởng ngược chiều với khả năng sinh lời.

De_TA: Tỷ số tiền gửi trên tổng tài sản. Biến này phản ánh cấu trúc nguồn vốn và đánh giá khả năng huy động vốn thường xuyên của NH. Tiền gửi luôn là nguồn vốn quan trọng của NH với chi phí thấp và tạo cơ hội gia tăng các hoạt động dịch vụ phi tín dụng. Nghiên cứu kỳ vọng tỷ số này ảnh hưởng cùng chiều với khả năng sinh lời.

IE_L: Tỷ số chi phí trả lãi trên tổng nợ phải trả. Biến này phản ánh quản trị nợ phải trả của NH. Khi tỷ số này cao làm tăng chi phí của NH, khiến lợi nhuận giảm, vì vậy dự đoán tác động nghịch với khả năng sinh lời.

CA: Tỷ số vốn chủ sở hữu trên tài sản. Đây là chỉ tiêu về hệ số an toàn vốn của NH. Hầu hết các nghiên cứu trước đều đưa biến độc lập này vào mô hình, nhưng đem lại kết quả khác nhau. Ngược lại với biến De_TA, nên khi tỷ số này càng cao sẽ làm giảm lợi nhuận, vì vậy biến này được kỳ vọng ảnh hưởng ngược chiều với khả năng sinh lời của NH.

NII_TA: Tỷ số thu nhập phi lãi trên tài sản. Biến độc lập này thể hiện chiến lược kinh doanh của NH, khi tỷ số này cao thể hiện nhà quản trị chú trọng hơn vào các hoạt động phi tín dụng. Các hoạt động này được đánh giá mang lại hiệu quả cho NH hơn hoạt động tín dụng một phần do không đòi hỏi phải sử dụng nhiều vốn và không chịu rủi ro tín dụng. Do vậy, nghiên cứu dự đoán tỷ số này ảnh hưởng tích cực đến khả năng sinh lời của NH.

OE_TA: Tỷ số chi phí hoạt động trên tài sản. Chi phí hoạt động bao gồm chi phí nhân sự, quản lý hành chính, khấu hao… Tỷ số này đánh giá việc kiểm soát chi phí của NH. Nếu biến này càng cao thể hiện kiểm soát chi phí của NH không tốt, làm giảm hiệu quả. Do vậy, nghiên cứu này dự đoán OE_TA sẽ có quan hệ tương quan nghịch với khả năng sinh lời của NH.

OE_TI: Tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập. Biến này phản ánh chất lượng quản trị chi phí. NH nào quản trị chi phí tốt, tức một đồng chi phí mang lại nhiều thu nhập cho NH hơn sẽ làm tăng lợi nhuận. Nghiên cứu dự đoán ảnh hưởng ngược chiều của tỷ số này đến khả năng sinh lời của NH.

SIZE: Logarit của tổng tài sản. Biến độc lập này phản ánh quy mô của NH, khi quy mô NH càng lớn tạo điều kiện trang bị được công nghệ hiện đại hơn để có thể dạng hóa dịch vụ. Kết quả nghiên cứu của Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành(2015) cho thấy có bằng chứng đa dạng hóa thu nhập ảnh hưởng thuận chiều với khả năng sinh lời. Vì vậy, nghiên cứu này cũng dự đoán SIZE ảnh hưởng tích cực đến biến phụ thuộc.

Các biến quản trị công ty gần đầy mới được đưa vào các nghiên cứu về sức sinh lời của NHTM. Tuy nhiên rất ít nghiên cứu cho kết quả thể hiện sự ảnh hưởng của yếu tố này đến sức sinh lời của NH. Các biến đo lường thuộc nhóm này thường là quy mô hội đồng thành viên, vai trò kép của CEO, tỷ lệ giám đốc độc lập, số lượng nữ là thành viên hội đồng. Tuy nhiên do hạn chế của việc thu thập được dữ liệu, nên nghiên cứu này đưa vào hai biến đo lường là số lượng thành viên hội đồng (BDSIZE) và số lượng thành viên nữ (BDF). Trong đó, dựa vào kết quả của Chaarani và cộng sự (2014), nghiên cứu này dự đoán quy mô hội đồng quản trị và số lượng thành viên Hội đồng là giới nữ có tác động thuận chiều với khả sinh lời của NH.

2.2.2. Dữ liệu

Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu được thu thập từ BCTC đã kiểm toán và báo cáo thường niên từ 2006-2015 trên trang web của 22 NHTM trong danh sách ở Bảng 1.

2.2.3. Phương pháp nghiên cứu

Để xác định mối tương quan giữa biến độc lập và các biến phụ thuộc, nghiên cứu ước lượng tham số hồi quy cho mô hình các nhân tố tác động với hai bước: (i) Lựa chọn mô hình hồi quy thích hợp bằng cách so sánh giữa hai mô hình tác động cố định (FEM) và mô hình tác động ngẫu nhiên (REM) với kiểm định Hausman (sau khi loại trừ mô hình Pooled OLS); (ii) Phân tích hồi quy mô hình các nhân tố tác động đến ROA và ROE. Để thực hiện các hồi quy dữ liệu dạng bảng dễ dàng, nghiên cứu sử dụng phần mềm Stata-E.

Trước khi chính thức phân tích, nghiên cứu đã thực hiện kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến qua hệ số tương quan từng cặp biến độc lập với kết quả không có hệ số tương quan cặp vượt quá 0,7. Ngoài ra, kiểm tra nhân tử phóng đại phương sai cho thấy hệ số VIF là 2,16 nên hiện tượng đa cộng tuyến không hoàn hảo có thể bỏ qua. Sau khi thực hiện bước thứ nhất cho thấy, với ROA mô hình REM là thích hợp còn mô hình thích hợp với ROE là FEM. Ngoài ra, đối với ROA không có hiện tượng phương sai thay đổi, nên bước tiếp theo thực hiện chính thức phân tích hồi quy biến phụ thuộc này với mô hình REM. Với ROE, kết quả kiểm định hiện tượng phương sai thay đổi cho thấy có hiện tượng này, vì vậy tiến hành phân tích hồi quy bởi mô hình FEM với phương sai chuẩn mạnh (robust standard errors) để kiểm soát ảnh hưởng.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Kết quả nghiên cứu

- Thống kê mô tả:

Bảng 2 phản ánh thống kê mô tả tất cả các biến trong mô hình. Tất cả các biến đếu có trung bình và độ lệch chuẩn dương. Độ xiên của hầu hết các biến, đặc biệt cả hai biến phụ thuộc đều dương, chứng tỏ các biến này có phân phối lệch phải. Hay nói cách khác, phần lớn các NHTM có giá trị các biến này dưới trung bình. ROE có mức trung bình là 9,99%%, mức thấp nhất là 0,07% (NCB năm 2012), mức cao nhất là 36,72% (VCB năm 2006). ROA có trung bình đạt 1,02%, trong đó NCB năm 2012 có mức thấp nhất là 0,01% và SGB năm 2010 có mức cao nhất là 6,35%. Các kết quả này tương đương với hai nghiên cứu về Việt Nam nói trên. Ngoài ra, giá trị thấp nhất của biến độc lập thu nhập phi lãi trên tài sản bằng 0 là tập trung ở một số NH trong nhũng năm nhất định có thu nhập phi lãi âm do kinh doanh chứng khoán bị lỗ (như MBB năm 2011) hay kinh doanh vàng bị lỗ (ACB năm 2012). Bên cạnh đó, khá nhiều NH trong nhiều năm không có giới nữ tham gia vào hội đồng quản trị, nên biến này cùng có giá trị thấp nhất bằng 0.

- Kết quả hồi quy:

4. Kết luận

Nghiên cứu định lượng nhằm kiểm định lý thuyết thực hiện trong điều kiện kinh tế, xã hội khác biệt, cũng như thực hiện trong các khoảng thời gian khác nhau nhằm góp phần khẳng định áp dụng các lý thuyết nền trong nghiên cứu về khả năng sinh lời của các NHTM với trường hợp tại Việt Nam. Tuy nhiên, các kết quả của nghiên cứu khi so sánh với các nghiên cứu trước đây cần được xem xét thận trọng trong bối cảnh của Việt Nam.

Dự phòng rủi ro tín dụng trên cho vay làm tăng ROA là ngược lại với dự kiến ban đầu. Tỷ số này phụ thuộc vào việc xét đoán, lựa chọn chính sách kế toán về lập dự phòng rủi ro tín dụng trong NHTM. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Hiền và Phạm Đình Tuấn (2013) đã chỉ ra rằng có bằng chứng về chủ nghĩa cơ hội trong việc lựa chọn chính sách kế toán liên quan đến dự phòng rủi ro tín dụng của nhà quản trị ngân hàng tại Việt Nam. Như vậy, sự khác biệt ở đây có thể phát sinh từ bất cập do chính sách kế toán về phân loại nợ cũng như các xét đoán trong lập dự phòng rủi ro tín dụng tại các NHTM. Từ đây cho thấy, NHNN cần trong thời gian tới triển khai, vận dụng hướng dẫn của chuẩn mực quốc tế về tổn thất các khoản cho vay nhằm đảm bảo các dữ liệu liên quan so sánh được giữa các NHTM.

Theo kết quả của nghiên cứu, mối quan hệ tương quan nghịch giữa biến quy mô hội đồng và khả năng sinh lời là chưa ủng hộ lý thuyết ủy nhiệm là khi số lượng thành viên hội đồng tăng lại làm giảm lợi nhuận. Kết quả này có thể xuất phát từ hạn chế của nghiên cứu về biến đại diện cho quản trị công ty chưa thích hợp. Hạn chế này cũng là gợi ý cho hướng nghiên cứu tiếp theo là cần bổ sung xem xét các biến đại diện khác cho yếu tố quản trị công ty.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Alpera và Anbar(2011), "Bank Specific and Macroeconomic Determinants of Commercial Bank Profitability: Empirical Evidence from Turkey", Business and Economics Research Journal, Vol2 No2, pp.139-152.

2. Athanasoglou, Brissimis và Delis(2008), "Bank-specific, industry-specific and macroeconomic determinants of bank profitability", Int. Fin. Markets, Inst. and Money 18 (2008) 121-136.

3. Ayanda et al (2013), "Detarminants of banks'profitability in a developing economy: Evidence from Nigerian banking industry", Interdisciplinary journal of contemporary research in business, Jan 2013, Vol 4, No 9, Pp 155-182.

4. Beaver and Engel(1996), “Discretionary behavior with respect to allowances for loan losses and the behavior of security prices”, Journal of Accounting and Economic, 22,177-206.

5. Béjaoui and Bouzgarrou(2014), "Determinants of Tunisian bank profitability", The International Journal of Business and Finance Research, Vol 8, No 4, 2014, PP 121-133.

6. Bikker & Bos (2005), "“Trends in competition and profitability in the banking industry: A basic framework”, SUERF – The European Money and Finance Forum Vienna 2005, ISBN 3-902109-27-0.

7. Bourke(1989), "Concentration and other determinants of bank profitability in Europe, North America and Australia", Journal of Banking & Finance. 1989, Vol. 13 Issue 1, p65-79.

8. Chaarani(2014), "The impact of corporate governane on the performance of Lebanese banks", The International Journal of Business and Finance Research, Vol ,8 No 5, 2014, Pp 35-46.

9. Hashem(2016), "Determinants of Egyptian Banking Sector Profitability: Time-Series Analysis from 2004-2014", International Journal of Business and Economic Sciences Applied Research 9(2): 73-78.

10. Hồ Thị Hồng Minh & Nguyễn Thị Cành (2015), " Đa dạng hóa thu nhập và yếu tố tác động đến khả năng sinh lời các NHTM Việt Nam", Tạp chí Công nghệ Ngân hàng, số 106+107 , Tháng 1+2/2015.

11. Jafari (2014), "Determinants of Bank Profitability: Evidence from Syria", Journal of Applied Finance & Banking, vol. 4, no. 1, 2014, 17-45.

12. Leventis et al(2012),“Signalling by banks using loan loss provisions: the case of the European Union”, Journal of Economic Studies,39(5),604-618.

13. Narwal and Pathneja(2016), "Effect of bank-specific and governance-specific variables on the productivity and profitability of banks", International Journal of Productivity and Performance Management, Vol. 65 Iss 8 pp. 1057 - 1074.

14. Nyamongo and Temesgen(2013), "The effect of governance on performance of commercial banks in Kenya: A panel study", Corporate governance, Vol. 13 No. 3, 2013, pp. 236-248.

15. Nguyễn Phạm Nhã Trúc & Nguyễn Phạm Thiên Thanh (2016), "Các nhân tố tác động đến khả năng sinh lời hệ thống NHTM tại Việt Nam", Kinh tế Phát triển số 228 tháng 6/2016, Pp 52-60.

16. Nguyễn Thị Thu Hiền & Phạm Đình Tuấn (2014). Factors affecting the loan loss provision in Vietnamese system of commercial banks, Journal of economic development, ISSN 1859-1116, No222, Oct, 2014, Pp 89-106.

17. Obamuyi(2013), "Detarminants of banks'profitability in a developing economy: Evidence from Nigeria", Organizations and markets in emerging economies, 2013, VOL. 4, No. 2(8), Pp97-112.

18.Ongore(2013), "Determinants of Financial Performance of Commercial Banks in Kenya", International Journal of Economics and Financial Issues, Vol. 3, No. 1, 2013, pp.237-252.

19. Osuagwu(2014), "Determinants of Bank Profitability in Nigeria", International Journal of Economics and Finance; Vol. 6, No. 12; 2014, Pp 46- 64.

20. Short(1979), "The relation between commercial bank profit rates and banking concentration in Canada, Western Europe, and Japan", Journal of Banking and Finance 3 (1979) 209-219.

21. Sufian and Chong(2008), "Detarminants of banks'profitability in a developing economy: Empirical evidence from the Philippines", Management journal of accounting and finance Vol. 4, No. 2, 91-112.

22. Sufian(2009), "Determinants of Bank Profitability in a Developing Economy: Empirical Evidence from the China Banking Sector", Journal of Asia-Pacific Business, 10:281-307.

23. Sufian and Habibullah(2009), "Detarminants of banks'profitability in a developing economy: Empirical evidence from Bangladesh", Joumal of Business Economics and Management. 2009, 10(3): 207-217.

24. Topak-Talu(2016), "Internal Determinants Of Bank Profitability: Evidience From Turkish Banking Sector", International Journal of Economic Performance Management, Vol. 65 Iss 8 pp. 1057 - 1074.

THE FACTORS THAT DETERMINE THE PROFITABILITY

OF VIETNAMESE COMMERCIAL BANKS

PhD. NGUYEN THI THU HIEN

School of Accounting - University of Economics, Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Profitability is an important indicator of the viability and sustainability of the bank. The research used regression model analysis to identify internal factors affecting ROA and ROE of Vietnams commercial banks in 2006-2015. The results show that total asset lending, credit risk provision on loans, interest expenses on loans and non-interest income on assets affect the likelihood of a bank's profitability. Meanwhile, bad debt, operating expenses on income and member board size are negatively correlated with profitability. The study found no statistically significant evidence of the effects of variables representing liquidity risk management, capital structure, cost control, and scale.

Keywords: ROA, ROE, commercial banks in Vietnam, profitability.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây