Các yếu tố tác động đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường EU: Cách tiếp cận từ mô hình trọng lực

ThS. ĐỖ THỊ HÒA NHÃ (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu sử dụng mô hình trọng lực mở rộng để phân tích các yếu tố chính tác động đến xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường EU trong giai đoạn 2005-2015. Kết quả ước lượng cho thấy, các yếu tố: GDP bình quân đầu người, dân số, chỉ số công nghệ, chất lượng các chính sách của Chính phủ có tác động cùng chiều, còn chi phí vận chuyển (được đại diện bằng khoảng cách) có tác động ngược chiều tới kim ngạch xuất khẩu. Trên cơ sở đó, tác giả đã đề xuất một số giải pháp tương ứng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng này vào thị trường EU.

Từ khóa: Xuất khẩu, nông sản, mô hình trọng lực, Việt Nam, thị trường EU.

1. Đặt vấn đề

Trong giai đoạn 2005-2015, hoạt động xuất khẩu nông sản (XKNS) của Việt Nam vào thị trường EU đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. EU hiện là thị trường nhập khẩu nông sản lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đã tăng 3,78 lần, từ mức 669 triệu USD năm 2005 lên 2.531 triệu USD năm 2015 [7], tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân cả thời kỳ là 14,23%.

Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, XKNS của nước ta vào thị trường EU có sự chênh lệch lớn giữa các nhóm hàng. Chiếm tỷ trọng chủ yếu trong KNXK là nhóm hàng 0 và nhóm hàng 2, đặc biệt là nhóm hàng 0. Giai đoạn 2005-2015, tỷ trọng xuất khẩu của nhóm hàng 0 đều ở mức trên 80%, kết quả này còn có xu hướng gia tăng trong một số năm gần đây. Ngược lại, thị phần xuất khẩu của nhóm hàng 1 và nhóm hàng 4 rất thấp, phần lớn đều dưới mức 1% [7].

Nguyên nhân gây ra sự chênh lệch này là do hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta tại thị trường EU (bao gồm cà phê, trái cây và các loại hạt, gia vị) đều thuộc nhóm hàng 0 và 2 (Trong bài nghiên cứu, nông sản được phân loại theo Hệ thống Danh mục Tiêu chuẩn Ngoại thương, phiên bản 3 (gọi tắt là SITC Rev.3) của Liên Hợp quốc. Theo đó, nông sản bảo gồm: (SITC 0 + 1 + 2 + 4 - 03 - 27 - 28).

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, hoạt động XKNS cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa các nước thành viên. Những nước nhập khẩu lớn nhất của nước ta hiện nay là: Đức, Hà Lan, Italy, Anh, Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Ba Lan. Thời kỳ nghiên cứu, chỉ 8 quốc gia này đã chiếm tới trên 90% kim ngạch nhập khẩu nông sản của toàn liên minh. Các quốc gia còn lại có tỷ lệ nhập khẩu khá thấp, trong đó nhiều nước ở mức dưới 1%.

Ngoài ra, thị phần của hàng nông sản Việt Nam tại thị trường EU còn khá khiêm tốn, năm 2015, tỷ lệ này chỉ chiếm 0,5%.

Như vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động XKNS của Việt Nam vào thị trường EU vẫn còn một số hạn chế nhất định. Câu hỏi đặt ra là: Có các yếu tố nào tác động đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường EU trong giai đoạn hiện nay? Việc sử dụng mô hình trọng lực sẽ góp phần giải đáp vấn đề này.

2. Phương pháp nghiên cứu và nguồn dữ liệu của mô hình

2.1. Phương pháp nghiên cứu

Tinbergen (1962) và Poyhonen (1963) là các nhà kinh tế đầu tiên ứng dụng mô hình trọng lực (mô hình gravity) để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến dòng thương mại quốc tế. Mô hình ứng dụng định luật vạn vật hấp dẫn của Newton trong vật lý là lực hấp dẫn giữa hai vật thể có tỷ lệ thuận với khối lượng của chúng và tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa chúng. Do Thai Tri (2006) trích dẫn từ nghiên cứu của Krugman và cộng sự (2005) cho thấy mô hình trọng lực có dạng tổng quát như sau:

                   (1)

Trong đó: A là số không đổi; Tij là tổng mức lưu chuyển ngoại thương giữa quốc gia i và quốc gia j; Yi, Yj là quy mô kinh tế của 2 quốc gia i và j; Yi, Yj thường là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng sản phẩm quốc dân (GNP); Dij là khoảng cách địa lý giữa 2 quốc gia i và j.

Ban đầu, mô hình trọng lực đã bị phê phán trong một khoảng thời gian dài do thiếu nền tảng lý thuyết. Tuy nhiên, kể từ nửa sau thập kỷ 70 của thế kỷ XX trở lại đây, nhiều nghiên cứu như: Linneman (1966), Anderson (1979), Bergtrad (1985), Bergtrad (1989), Eaton và Kortum (1997), Deardorff (1998) và Mathur (1999), đã tập trung “lấp đầy khoảng trống” này. Phần lớn các nhà kinh tế đều xây dựng phương trình trọng lực từ nền tảng 3 lý thuyết thương mại quốc tế cơ bản là lý thuyết Ricardo, lý thuyết H-O và lý thuyết thương mại mới. Dựa trên những kết quả thực nghiệm này, bài nghiên cứu đề xuất mô hình trọng lực mở rộng để lượng hóa tác động của các yếu tố đến xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường EU như sau:

   (2)

Trong đó: i: Việt Nam (nước xuất khẩu); j: nước nhập khẩu (các thành viên EU); t = 2005, 2006,…, 2015; EXijt: kim ngạch xuất khẩu nông sản từ nước i sang nước j thời điểm t; PGDPit và PGDPjt: lần lượt là GDP bình quân đầu người của nước i và nước j tại thời điểm t; POPit và POPjt lần lượt là dân số của nước i và nước j tại thời điểm t; DISTij: khoảng cách địa lý giữa thủ đô nước i và nước j; AGRIAREAit và AGRIAREAit: lần lượt là tỷ trọng đất nông nghiệp của nước i và nước j tại thời điểm t; TECHNESSit và TECHNESSjt: lần lượt là chỉ số công nghệ của nước i và nước j tại thời điểm t; INFRASit và INFRASjt: lần lượt là chỉ số cơ sở hạ tầng của nước i và nước j tại thời điểm t; BURREGit và BURREGjt: lần lượt là chỉ số gánh nặng chính sách của nước i và nước j tại thời điểm t; uijt: sai số ngẫu nhiên của mô hình. Điểm lưu ý là phần lớn các biến độc lập của mô hình (2) được tính gộp chung kết quả của cả nước xuất khẩu và nước nhập khẩu. Ở Việt Nam, kỹ thuật gộp biến được nhiều nghiên cứu thực nghiệm sử dụng nhằm phản ánh rõ hơn tác động của các yếu tố tới KNXK.

2.2. Nguồn dữ liệu

Bài nghiên cứu phân tích hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường gồm 26 nước thành viên EU (Mặc dù sau sự kiện Brexit, nước Anh sẽ rời khỏi EU nhưng tác giả vẫn nghiên cứu nước Anh, bởi vì theo đánh giá của Vụ Chính sách Thương mại Đa biên - Bộ Công Thương thì khi nước Anh rời EU, các chính sách thương mại quốc tế của nước này về cơ bản sẽ không thay đổi nhiều. Do vậy, việc Anh sẽ rời khỏi EU sẽ không tác động lớn đến XKNS của Việt Nam vào quốc gia này. Tuy nhiên, tác giả không xét đến 2 thành viên EU là Croatia và Luxembourg vì Croatia mới gia nhập vào EU năm 2014, còn Luxembourg có trao đổi thương mại không đáng kể với Việt Nam). Dữ liệu trong mô hình được thu thập từ nhiều nguồn: Kim ngạch xuất khẩu từ UN Comtrade; GDP bình quân đầu người, dân số, tỷ trọng đất nông nghiệp từ World Bank; khoảng cách địa lý từ: http://www.timeanddate.com; các chỉ số: cơ sở hạ tầng, công nghệ và gánh nặng chính sách của Chính phủ từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Các kết quả kiểm định của mô hình

Để lựa chọn mô hình phù hợp, nghiên cứu sử dụng kiểm định Breusch-Pagan Lagrange Multiplier và kiểm định Hausman. Theo đó, mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên (REM) được lựa chọn, mô hình này có ý nghĩa thống kê vì giá trị p -value = 0,0000. Ngoài ra, kết quả kiểm định các khuyết tật cho thấy, mô hình có hiện tượng phương sai sai số thay đổi và tự tương quan. Tác giả sử dụng kiểm định “sai số chuẩn mạnh theo nhóm” để khắc phục đồng thời cả hai khuyết tật này.

3.2. Kết quả ước lượng mô hình

Kết quả ước lượng mô hình sau khi khắc phục các khuyết tật được thể hiện qua Bảng 1.

Kết quả ước lượng cho thấy, các yếu tố tác động có ý nghĩa thống kê tới KNXK nông sản là: GDP bình quân đầu người, dân số, khoảng cách địa lý, chỉ số công nghệ, chất lượng các chính sách của Chính phủ. Cụ thể như sau:

Một là, GDP bình quân đầu người gộp (PGDPit*PGDPjt) có tác động cùng chiều tới KNXK. Khi GDP bình quân đầu người gộp tăng 1% thì KNXK của Việt Nam vào thị trường EU tăng 0,419% (với điều kiện các yếu tố khác không đổi). Kết quả này là hợp lý vì PGDP đại diện cho cả sự dồi dào về tư bản trong sản xuất và thu nhập của người tiêu dùng. Trong giai đoạn 2005 - 2015, hệ số PGDP gộp có xu hướng tăng lên do sự gia tăng từ cả phía Việt Nam và các nước EU. Đối với Việt Nam, kết quả này cho thấy, gia tăng GDP bình quân đầu người, hay trực tiếp hơn là gia tăng nguồn vốn đầu tư vào sản xuất sẽ có tác động mạnh mẽ tới KNXK. Kết quả này một lần nữa tái khẳng định vai trò của nguồn vốn đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nước ta.

Hai là, chỉ số dân số gộp (POPit* POPjt) có tác động cùng chiều tới KNXK. Khi dân số gộp tăng 1% thì KNXK hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường EU tăng 1,163%. Tác động của dân số tới KNXK khá mạnh vì hệ số này đại diện cho cả quy mô lao động và quy mô thị trường. Giai đoạn nghiên cứu, dân số của cả Việt Nam và các nước EU đều tăng. Tuy nhiên, vì số lượng lao động nông nghiệp Việt Nam hiện đã tương đối ổn định nên để gia tăng KNXK, Việt Nam cần mở rộng xuất khẩu sang một số nước còn nhiều tiềm năng của EU.

Ba là, chỉ số khoảng cách địa lý (DISTij) có tác động ngược chiều tới KNXK. Kết quả này phù hợp với thực tế vì chi phí vận chuyển của nước ta thường cao hơn so với các nước khác. Hơn nữa, nông sản lại có giá thấp hơn và trọng lượng lớn hơn tương đối so với các hàng hóa khác. Trong dài hạn, nâng cao tỷ trọng hàng chế biến trong cơ cấu hàng nông sản xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm chi phí vận chuyển. Do nhóm hàng này có giá trị gia tăng cao nên khi KNXK tăng thì tỷ trọng của chi phí vận chuyển so với giá bán sẽ giảm xuống.

Bốn là, chỉ số sẵn sàng công nghệ gộp (TECHNESSit* TECHNESit) có tác động cùng chiều tới KNXK. Khi điểm số của chỉ số công nghệ gộp tăng 1% thì KNXK của Việt Nam vào thị trường EU tăng 1,376%. Giai đoạn nghiên cứu, chỉ số công nghệ gộp có xu hướng gia tăng, nguyên nhân chủ yếu là từ phía các nước EU, còn Việt Nam thay đổi không đáng kể. Mối liên hệ cùng chiều giữa chỉ số công nghệ gộp và KNXK có thể giải thích như sau: (1) Về phía Việt Nam, cải thiện công nghệ sẽ tạo điều kiện để gia tăng năng suất, chất lượng hàng nông sản, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu. (2) Về phía EU, mặc dù hiện đại hóa công nghệ có thể làm gia tăng quy mô sản xuất trong nước, từ đó giảm nhập khẩu. Tuy nhiên, thực tế thì nhập khẩu của EU lại tăng lên. Nguyên nhân có thể là do sự đặc biệt trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU, đó là có tính bổ sung cao, ít cạnh tranh. Đa số hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là các mặt hàng thiết yếu, có hàm lượng công nghệ lao động cao như nông sản. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chính từ EU các mặt hàng công nghệ cao. Do vậy, ngay cả khi chỉ số công nghệ của EU tăng nhiều hơn Việt Nam thì KNXK hàng nông sản nước ta vào thị trường này vẫn có thể gia tăng. Tuy vậy, kết quả này chỉ có ý nghĩa trong ngắn hạn, khi Việt Nam còn được hưởng lợi ích từ chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU dành cho các nước đang phát triển, còn các đối thủ cạnh tranh lớn của nước ta đã bị chấm dứt. Trong tương lai, khi GSP kết thúc và EU cũng tham gia vào Hiệp định Thương mại Tự do với nhiều quốc gia khác thì lợi thế này sẽ không còn nữa. Do vậy, nước ta cần mở rộng mô hình sản xuất ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên quy mô lớn để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt.

Năm là, gánh nặng trong quy định của Chính phủ (BURREGit*BURREGjt) có tác động cùng chiều tới KNXK. Khi điểm số về chất lượng của yếu tố này tăng 1% thì KNXK của Việt Nam vào thị trường EU sẽ tăng 0,886%. Kết quả này cho thấy, chính sách của Chính phủ hai bên có vai trò quan trọng đến hoạt động xuất khẩu. Về phía Việt Nam, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh là giải pháp cấp bách hiện nay. Liên quan đến chính sách quản lý của EU mà trực tiếp là các rào cản thương mại, nâng cao chất lượng hàng nông sản Việt là biện pháp pháp tối ưu để vượt qua rào cản khắt khe của thị trường này.

4. Kết luận

Bài nghiên cứu sử dụng mô hình trọng lực mở rộng để đánh giá tác động của các yếu tố đến xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường EU. Kết quả ước lượng cho thấy, các yếu tố có ảnh hưởng lớn đến KNXK là: GDP bình quân đầu người, dân số, khoảng cách địa lý, chỉ số công nghệ, chất lượng Chính sách của Chính phủ. Một số giải pháp tương ứng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường này là: Tiếp tục nâng cao nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng và hàm lượng chế biến của sản phẩm. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, đồng thời mở rộng xuất khẩu sang một số nước còn nhiều tiềm năng khác của EU.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Anderson J.E. (1979), “A Theoretical Foundation for the Gravity Equation”, The American Economic Review 69, pp. 106 -16.

2. Bergtrad J.H. (1985), “The Gravity Equation in International Trade: Some Microeconomic Fuondation and Empirial Evidence”, Review of Economics and Statistic 67, pp. 474 – 481.

3. Bergtrad J.H.(1989), “The Generalised Gravity Equation, Monopolistic Competition and the Fator Propotion Theory in International Trade”, Review of Economics and Statistic, pp.243 -153.

4. Deardorff A. (1998), “Determinants of Bilateral Trade: Does Gravity Work in a Classical World?”, The Regionalization of the World Economy, University of Chicago Press, Chicago.

5. Eaton J., Kortum S. (1997), “Technology and Bilateral Trade”, NBER Working Paper 6253, Cambridge.

6. Linneman, H. (1966), “An Econometric Study of International Trade Flows”, North - Holland Publishing Co., Amsterdam.

7. UN Comtrade Database

THE FACTORS AFFECTING VIETNAM'S AGRICULTURAL

EXPORTS TO THE EUROPEAN UNION:

A GRAVITY MODEL APPROACH

MA. DO THI HOA NHA

Faculty of Economic,

Thai Nguyen University of Economics and Business Administration

ABSTRACT:

The paper uses the augmented gravity model to analyze the main factors affecting Vietnam agricultural exports to the European Union (EU) over the period 2005 - 2015. Findings show that GDP per capita, population, technology index, burden of regulation government, has a positive effect, but transport costs (proxied by distance) has a negative effect on agricultural export revenue. Based on our findings, the author proposes major solutions to promote agricultural exports of Vietnam to the EU.

Keywords: Export, agricultural products, gravity model, Vietnam, European Union (EU).

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây