Dấu ấn của Bộ Công Thương trong công tác cải cách hành chính năm 2018
Trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) tại Bộ Công Thương đã có những bước tiến đáng kể. Năm 2015, Bộ Công Thương đứng thứ 17/19 Bộ. Năm 2016 đứng thứ 12/19 Bộ. Năm 2017, Bộ Công Thương đạt 83.59 điểm, đứng thứ 5/19 các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tăng 7 bậc so với năm 2016.
Đây là thông tin được ông Đỗ Ngọc Hưng - Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương đưa ra trong buổi tập huấn phố biến nghiệp vụ công tác CCHC và nghiệp vụ Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) diễn ra ngày 18/12/2018.
Thông tin tại Hội nghị, ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết, trong năm qua, công tác chỉ đạo điều hành về CCHC được Bộ trưởng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao gắn liền với trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị và các đồng chí Thứ trưởng theo lĩnh vực phụ trách.
Cũng trong năm 2018, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về CCHC đảm bảo kịp thời, tạo cơ sở để các đơn vị trong ngành triển khai, đảm bảo đồng bộ hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch về CCHC.
Cụ thể, trong lĩnh vực cải cách thể chế, năm 2018, Bộ Công Thương phải trình/ban hành theo thẩm quyền là 59 văn bản (gồm 7 Nghị định, 2 quyết định của Chính phủ và 50 Thông tư). Trong đó bao gồm 5 Nghị định và 1 Quyết định thuộc Chương trình công tác của Chính phủ. Tính đến ngày 28/11/2018, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ 5 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành được 48 Thông tư (đạt tỷ lệ hoàn thành 93%).
Đặc biệt, trong công tác đơn giản hóa, cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh, ngày 27/4/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1408/QĐ-BCT bãi bỏ, đơn giản hóa 54 TTHC thuộc 10 lĩnh vực. Đến nay, Bộ đã hoàn thành thực thi đối với 52 TTHC/ tổng số 54 TTHC, đạt tỷ lệ hoàn thành 96%. Ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019-2020. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương, tương đương với việc hoàn thành 36%.
Ngoài ra, trong công tác kiểm tra CCHC, Bộ Công Thương luôn coi trọng công tác kiểm tra CCHC tại các đơn vị thuộc Bộ, trong đó tập trung vào các đơn vị có nhiều TTHC, phụ trách lĩnh vực nhạy cảm được dư luận quan tâm.
Cụ thể, tháng 10/2018, Bộ Công Thương đã thực hiện kiểm tra công tác tại 10/tổng số 30 đơn vị trực thuộc Bộ, đạt 33,3%. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện 08 vấn đề cần giải quyết, theo đó, các đơn vị đã rút kinh nghiệm, đưa ra những giải pháp khắc phục 06 vấn đề, 02 vấn đề vượt thẩm quyền, các đơn vị đã gửi kiến nghị lên lãnh đạo Bộ để xem xét, giải quyết.
Cũng trong tháng 10/2018, Bộ Công Thương đã trực, kiểm tra công tác kiểm soát TTHC tại 6 đơn vị theo kế hoạch. Thông qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện 04 vấn đề và yêu cầu các đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm để khắc phục.
Bên cạnh những thuận lợi để giúp công tác CCHC của Bộ đạt được những kết quả cao thì đi cùng với đó là những khó khăn. Bởi ngân sách nhà nước hàng năm dành cho hoạt động CCHC ở các Bộ, ngành, địa phương vẫn còn hạn hẹp ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ liên quan tại các Bộ, ngành. Bộ Công Thương là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống an sinh xã hội của các tổ chức và người dân nên việc thực hiện công tác CCHC cũng gặp nhiều khó khăn. Chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất liên quan đến công tác CCHC và kiểm soát TTHC còn nhiều, tần suất thực hiện dày đã ảnh hưởng đến các đơn vị trực tiếp thực hiện công tác này tại các Bộ, ngành, địa phương...
Nhấn mạnh đến mục tiêu về CCHC của Bộ Công Thương, ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết, đó là chất lượng công tác CCHC của Bộ Công Thương đo bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh. Phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện, gắn với công tác cải cách thể chế, cải cách TTHC ứng dụng CNTT.
“Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức theo Nghị định 98 năm 2017 của Chính phủ. Tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức đầu mối về CCHC của Bộ Công Thương. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử tại Bộ. Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, tổ chức, tăng cường kết nối các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao trên Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa Asean…”, ông Đỗ Ngọc Hưng nhấn mạnh.
Cải cách hành chính gắn liền với tính khoa học và nhân văn
Phát biểu chỉ đạo tại buổi tập huấn, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ, trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính tại Bộ Công Thương đã có những bước tiến đáng kể. Năm 2015, Bộ Công Thương đứng thứ 17/19 Bộ. Năm 2016 đứng thứ 12/19 Bộ. Năm 2017, Bộ Công Thương đạt 83.59 điểm, đứng thứ 5/19 các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tăng 7 bậc so với năm 2016.
Công tác chỉ đạo điều hành cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính đều ở vị trí cao trong Chính phủ: tài chính công đứng thứ 2/19 Bộ, hiện đại hóa hành chính đứng thứ 1/19 Bộ, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh đều đạt những kết quả tích cực.
Khẳng định lại quyết tâm của ngành Công Thương trong công tác CCHC, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, cải cách TTHC không chỉ ở các con số, cũng không phải thực hiện một lần, mà luôn luôn đi cùng với nó trong cả một hành trình dài không hồi kết. Bởi TTHC là cả vấn đề khoa học, vì là khoa học nên không có điểm cuối cùng, phải thường xuyên nghiên cứu cải tiến nó, biến nó thực sự trở thành khoa học trong công tác quản lý.
Nhấn mạnh về điều này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết “Hành chính là cái thiết kế ra đường đi để làm sao trong thời gian ngắn nhất với sức lực ít nhất chúng ta có thể giải quyết tốt nhất nhiệm vụ đặt ra”. Hành chính là khoa học nên tiếp cận nó cũng phải trên tinh thần khoa học.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho rằng, TTHC không chỉ là vấn đề khoa học mà còn là vấn đề nhân văn bởi đây là cách giao tiếp giữa con người và con người. Khi đã là mối quan hệ giữa con người và con người thì TTHC ở góc độ nào đó có thể coi là nhân văn. Một khi là nhân văn thì phải tìm mọi cách để biến nó thành một thủ tục, một sự liên hệ giữa người và người làm sao văn minh nhất” Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phân tích. Chính vì mang tính khoa học và nhân văn nên chúng ta phải luôn đặt ra mục tiêu làm cho thủ tục hành chính khoa học và nhân văn hơn nữa. Đó là cái gốc của CCHC.