TÓM TẮT:
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Trung ương và địa phương (VFF-CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. Đây là công cụ giúp người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở, được tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. Năm 2020, khảo sát PAPI có sự tham gia của 14.732 người dân, số lượng đông nhất từ trước tới nay. Bài viết phân tích chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) - công cụ theo dõi, giám sát thực thi chính sách hiệu quả, đặc biệt trong năm 2020 vừa qua.
Từ khóa: PAPI, quản trị và hành chính công, cấp tỉnh.
1. Chỉ số PAPI - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân. Điều này được thực hiện bằng cách lấy ý kiến công chúng từ mẫu khảo sát đại diện, đảm bảo tính đa dạng nhân khẩu của dân số Việt Nam. Từ đó, Nhà nước và các cấp chính quyền nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền. Với cách tiếp cận như vậy, PAPI hy vọng đóng góp vào quá trình đổi mới thể chế và chính sách hướng tới xây dựng văn hóa “Nhà nước phục vụ” trong các cấp chính quyền, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạch định chính sách, quản lý nguồn lực công và cung ứng dịch vụ công có chất lượng.
Thời gian qua, chỉ số PAPI ngày càng được nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức trong và ngoài nước tham khảo, sử dụng. Đặc biệt, các cấp chính quyền tỉnh/thành phố trên toàn quốc ngày càng quan tâm tới chỉ số PAPI. Những tỉnh/thành phố ban hành quyết sách và kế hoạch hành động nhằm cải thiện những điểm còn yếu kém tiếp tục tăng lên. PAPI đo lường trải nghiệm của người dân với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền địa phương ở 6 nội dung chính:
(1) Thủ tục hành chính công: Đánh giá một số dịch vụ và thủ tục hành chính công được lựa chọn. Nội dung này xem xét việc thực hiện và hiệu quả của việc cung ứng dịch vụ, xử lý thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính địa phương dựa trên trải nghiệm thực tế của người dân khi đi làm các thủ tục hành chính và mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công.
(2) Cung ứng dịch vụ công: Đề cập tới các dịch vụ công được coi là đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện điều kiện sống của người dân như y tế, giáo dục, nước sạch và tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn khu dân cư.
(3) Tham gia của người dân ở cơ sở: Tập trung tìm hiểu mức độ hiệu quả của chính quyền địa phương trong việc huy động sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, qua đó đánh giá các cơ chế tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các quy trình quản trị và hành chính công. Các vấn đề chính được đề cập ở đây là hiểu biết của người dân về cơ hội tham gia của mình, kinh nghiệm trong bầu trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và mức độ hài lòng với chất lượng bầu cử vị trí trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và huy động người dân đóng góp tự nguyện cho các dự án công trình công cộng của xã/phường.
(4) Công khai, minh bạch: Đánh giá mức độ công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin của chính quyền địa phương tới người dân. Đặc biệt, nội dung này tập trung vào vấn đề nhận thức của người dân từ kết quả cung cấp thông tin của chính quyền cũng như mức độ công khai thông tin về các chính sách xã hội cho người nghèo, về các quy định pháp luật ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người dân, về thu chi ngân sách cấp xã/phường và về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đền bù đất bị thu hồi.
(5) Trách nhiệm giải trình với người dân: Về trách nhiệm giải trình với người dân tập trung đánh giá hiệu quả giải trình của cán bộ chính quyền về các hoạt động tại địa phương với cấp cơ sở. Nội dung này xem xét mức độ và hiệu quả tiếp xúc của người dân với các cá nhân và cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các vấn đề cá nhân, gia đình, hàng xóm, hoặc liên quan tới chính quyền địa phương; về khiếu nại, tố cáo của người dân; chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước các chương trình và dự án triển khai ở cấp xã/phường (như Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng).
(6) Kiểm soát tham nhũng: Đánh giá: mức độ tham nhũng; vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện, phản ánh các hành vi tham nhũng; nhận thức của người dân về quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng và hiệu quả của những nỗ lực chống tham nhũng của các cơ quan nhà nước.
2. Đánh giá chỉ số Hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh năm 2020
Theo bảng xếp hạng năm 2020, Quảng Ninh là tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng PAPI 2020 với tổng điểm 48,811. Tỉnh này đã dẫn đầu cả nước ở 3 tiêu chí về: Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định (6,499 điểm); Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (8,286 điểm) và Cung ứng dịch vụ công (7,713 điểm). (Hình 1)
Hình 1: Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh
Xét theo khu vực, hầu hết trong số 16 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất năm nay tập trung ở khu vực Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, nhóm 16 tỉnh, thành phố nằm trong nhóm thấp nhất tập trung tại Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
Quảng Ninh cũng nằm trong top đầu cả nước ở các tiêu chí: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (5,805 điểm), Thủ tục hành chính công (7,611 điểm), Quản trị môi trường (4,964 điểm) và Quản trị điện tử (3,14 điểm). Tỉnh này xếp vào nhóm trung bình cao ở tiêu chí Trách nhiệm giải trình với người dân (4,793 điểm).
Xếp thứ hai trong PAPI 2020 là Đồng Tháp với tổng số 46,961 điểm. Đồng Tháp dẫn đầu cả nước ở tiêu chí Quản trị môi trường với 5,202 điểm và tiếp đến là Thái Nguyên với 46,471 điểm. Thái Nguyên dẫn đầu cả nước ở tiêu chí Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (6,216 điểm).
Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nằm trong nhóm có xếp hạng thấp. Cụ thể, Thủ đô Hà Nội nằm trong nhóm 16 tỉnh, thành phố có xếp hạng thấp nhất cả nước, với 41,629 điểm; TP. Hồ Chí Minh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có xếp hạng trung bình thấp, với 41,985 điểm. TP. Hồ Chí Minh bị đánh giá thấp ở các tiêu chí Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (4,445 điểm), Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (6,363 điểm), Quản trị môi trường (2,82 điểm). Hà Nội có điểm số thuộc nhóm thấp nhất ở các tiêu chí Thủ tục hành chính công (7,169 điểm) và Quản trị môi trường (2,959 điểm). Ở nhóm tiêu chí Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân, Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và Cung ứng dịch vụ công, Hà Nội cũng chỉ đạt mức điểm trung bình thấp.
Về đánh giá trải nghiệm của người dân đối với hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền trong quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công, kể từ năm 2016 đến năm 2020, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công được cải thiện đáng kể qua từng năm. Nếu năm 2019, chỉ số này đạt 6,74/10 điểm, sang đến năm 2020 đạt 6,9/10 điểm. Tuy nhiên, kết quả khảo sát "về trải nghiệm thực tế của người dân với nhũng nhiễu khi sử dụng dịch vụ công" cho thấy một bức tranh kém tươi sáng hơn. Tỉ lệ người dân đã phải trả chi phí ngoài quy định để hoàn tất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục tăng trong năm 2020. Có hơn 32% cho biết họ đã phải trả thêm chi phí ngoài quy định mới làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình (cao hơn mức 22,3% trong năm 2019). (Hình 2)
Hình 2: Xu thế biến đổi ở 8 chỉ số nội dung PAPI qua 2
năm 2019 - 2020
Tuy nhiên, có 2 chỉ số nội dung đang chững lại, gồm “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định” và “Trách nhiệm giải trình với người dân” khi giữ nguyên tương ứng là 5,35/10 điểm và 4,91/10 điểm trong 2 năm 2019, 2020. Có hơn 32% cho biết họ đã phải trả thêm chi phí ngoài quy định mới làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình (cao hơn mức 22,3% trong năm 2019). Tuy nhiên, 2 chỉ số nội dung có xu hướng chững lại gồm “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định” và “Trách nhiệm giải trình với người dân” khi giữ nguyên tương ứng là 5,35/10 điểm và 4,91/10 điểm trong 2 năm 2019, 2020.
Đây là kết quả có được từ công tác cải cách thể chế, nâng cao chất lượng. Việc triển khai cơ chế “1 cửa”, “1 cửa liên thông” và mô hình Văn phòng phát triển kinh tế (EDO) tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả; các thủ tục hành chính được rà soát, thực hiện theo hướng cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Tổ chức bộ máy hành chính và chất lượng nguồn nhân lực trong bộ máy hành chính, sự nghiệp có chuyển biến tiến bộ; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Từng bước mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc phân cấp quản lý được quan tâm, tăng tính chủ động cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hành chính công.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục, đó là: Công tác cải cách hành chính chưa mạnh mẽ, chưa thật sự làm cải thiện căn bản tình hình, vẫn còn tình trạng chồng chéo, rườm rà trong thủ tục hành chính và trong chức năng quản lý giữa các ngành; tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính chưa cao; việc công khai, minh bạch thông tin có lúc, có nơi thực hiện chưa tốt; chất lượng dịch vụ công chưa đáp ứng yêu cầu; các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp còn hạn chế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Trung ương và địa phương (VFF - CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam (2020), Bảng xếp hạng kết quả chỉ số PAPI năm 2020.
- Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Trung ương và địa phương (VFF-CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam (2020), Báo cáo kết quả chỉ số PAPI của 63 tỉnh thành phố năm 2020.
- Trang web: org; papi.vn
The Vietnam Provincial Governance and Public Administration Performance Index (PAPI) - Tool for monitoring the implementation of policies
Master. Nguyen Thi Phuong
Faculty of Business Administration
University of Economics - Technology for Industries
ABSTRACT:
The Vietnam Provincial Governance and Public Administration Performance Index (PAPI) is developed by the Center for Community Support Development Studies (CECODES), the Center for Staff Training and Scientific Research under Vietnamese Fatherland Front, Real-time Analytics Company and United Nations Development Program (UNDP) in Vietnam. The PAPI is a useful tool to help people monitor the effectiveness of implementing policies at the grassroots level and the PAPI has been apply nationwide since 2011. In 2020, the number of people taking part in the PAPI survey reached the highest level of 14,732 people. This paper analyzes the use of PAPI over the past few years, especially in 2020.
Keywords: PAPI, governance and public administration, provincial level.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]