TÓM TẮT:
Hiểu và vận dụng đúng về cung cấp thông tin bộ phận theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán là cần thiết đối với doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin cho đối tượng sử dụng. Vì thế, trong bài viết này, tác giả làm rõ về nội dung của chuẩn mực kế toán về báo cáo bộ phận trên thế giới và tại Việt Nam, đồng thời so sánh sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và thế giới về trình bày báo cáo bộ phận.
Từ khóa: Thông tin bộ phận, báo cáo tài chính, thị trường chứng khoán.
1. Đặt vấn đề
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường như hiện nay, không thể phủ nhận vai trò của báo cáo tài chính (BCTC) trong việc cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng thông tin, là điều kiện tiên quyết để phát triển thị trường chứng khoán (TTCK). Để TTCK thực sự phát triển yêu cầu đặt ra là phải hoàn thiện một cách toàn diện nhiều các yếu tố, trong đó cần phải chú trọng đến việc công khai thông tin của các công ty niêm yết trên TTCK. Xem xét về vấn đề này theo quy định và cả thực tiễn, mức độ công bố thông tin của các công ty niêm yết là hạn chế dẫn đến làm suy giảm lớn đến vấn đề minh bạch, công khai thông tin trên thị trường và đe dọa tính bền vững của TTCK trong quá trình phát triển ở Việt Nam. Trong đó phải kể đến việc trình bày thông tin bộ phận theo Chuẩn mực kế toán số 28-Báo cáo bộ phận (BCBP).
2. Chuẩn mực kế toán về báo cáo bộ phận trên thế giới
BCBP đã thực sự gây được sự chú ý của các nhà xây dựng chuẩn mực (Edwards và Smith, 1996). Nguồn gốc của BCBP bắt đầu tại Hoa Kì. Năm 1976, Ban Chuẩn mực kế toán tài chính (FASB) của Hoa Kì ban hành chuẩn mực BCTC SFAS 14 - Financial Reporting for Segments of a Business Enterprise. Chuẩn mực SFAS 14 được sử dụng cho các doanh nghiệp ở Mỹ trong suốt cuối những năm 70 cho tận đến những năm đầu những năm 90. Yêu cầu chuẩn mực này đặt ra là các doanh nghiệp trình bày BCBP chi tiết theo sản phẩm hoặc dịch vụ hoặc nhóm các sản phẩm/dịch vụ tương tự nhau mà doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng đóng góp trong việc tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp hoặc trình bày riêng rẽ theo từng khu vực địa lý. Tháng 6/1997, FASB ban hành chuẩn mực BCBP mới SFAS 131 thay thế cho SFAS 14. Theo SFAS, 131 quy định bộ phận được báo cáo ra bên ngoài là các bộ phận được các nhà quản trị bên trong doanh nghiệp sử dụng để báo cáo nhằm phục vụ việc xem xét các quyết định trong việc thường xuyên quản lý doanh nghiệp.
Vào tháng 8/1981, Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC) ban hành IAS 14 - Báo cáo bộ phận (Segment Reporting). Quy định về công bố thông tin bộ phận kinh doanh của IAS 14 giống với SFAS 14. IAS 14 được sửa đổi (IAS 14R-Revised) lần 1 vào năm 1997 và sửa đổi lần 2 vào năm 2003. Theo IAS 14R thì một công ty phải xác định được sản phẩm kinh doanh hoặc khu vực địa lý nào của công ty tạo ra lợi nhuận cũng như rủi ro chính của công ty, từ đó nhà quản trị của công ty phải xác định trình bày BCBP chính yếu và thứ yếu dựa trên sản phẩm kinh doanh hoặc lĩnh vực địa lý. Gần đây nhất, vào tháng 11/2006, Chuẩn mực BCTC quốc tế IFRS 8 - Operating Segments được Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) ban hành nhằm thay thế IAS 14 và yêu cầu các doanh nghiệp áp dụng từ ngày 1/1/2009. IFRS 8 thay đổi cách thức doanh nghiệp xác định để lập BCBP. Đối tượng phải tuân thủ yêu cầu của chuẩn mực cũng như định nghĩa về bộ phận hoạt động và nội dung bộ phận cần cung cấp của IFRS 8 và IAS 14 có sự khác biệt cơ bản (Sabrina và Loris, 2012).
Sự khác biệt về đối tượng áp dụng chuẩn mực giữa IAS 14R và IFRS 8 đó là IAS 14R yêu cầu doanh nghiệp công khai trao đổi chứng khoán và doanh nghiệp đang có chứng khoán phát hành trên TTCK mà không áp dụng IFRS 8 phải lập BCBP. Trong khi đó, IFRS 8 áp dụng cho BCTC riêng của một công ty hoặc BCTC hợp nhất của những đơn vị mà có chứng khoán trao đổi trên TTCK tại những quốc gia trở thành thành viên của IASB và áp dụng chuẩn mực IFRS 8 kể từ ngày có hiệu lực.
Sự khác biệt về cách thức xác định bộ phận giữa IAS 14R và IFRS 8, IAS 14R yêu cầu doanh nghiệp trình bày thông tin bộ phận theo lĩnh vực kinh doanh hoặc lĩnh vực địa lý bởi IAS 14R tiếp cận theo hai cách thức là cách thức quản lý (management approach) và cách thức rủi ro/lợi ích (risk/reward approach). Mặt khác theo IAS 14R, doanh nghiệp phải lập BCBP chính yếu và thứ yếu. Trong khi đó, IFRS 8 quy định về bộ phận được báo cáo dựa trên cách nhìn của các nhà quản lý bên trong doanh nghiệp, cụ thể BCBP căn cứ theo báo cáo nội bộ sử dụng cho việc quản trị doanh nghiệp, điều này là tương đồng với SFAS 131, giúp cho hài hòa giữa chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Mỹ.
Sự khác biệt về những thông tin cần báo cáo giữa IAS 14R và IFRS 8 là khoản mục thông tin mà doanh nghiệp phải cung cấp trên BCBP. IAS 14R bắt buộc doanh nghiệp phải trình bày thông tin về những khoản mục sau: doanh thu, kết quả, tài sản, nợ phải trả, khấu hao, chi phí không bằng tiền khác, khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, mà không quan tâm đến thông tin sử dụng để quản trị nội bộ doanh nghiệp. Ngược lại, IFRS 8 yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin đo lường các chỉ tiêu lãi/lỗ, tổng tài sản cho từng bộ phận và các yếu tố bộ phận khác như: doanh thu bán hàng cho bên ngoài hoặc nợ phải trả, nếu như những khoản mục này thường xuyên được trình bày để phục vụ cho việc ra quyết định bên trong doanh nghiệp.
Nhìn chung, sự thay đổi từ IAS 14R sang IFRS 8 chủ yếu nhằm mục đích căn cứ vào thông tin BCBP được cung cấp giúp cho các đối tượng sử dụng thông tin có cách nhìn nhận doanh nghiệp “theo cách nhìn nhận của nhà quản trị doanh nghiệp” một cách tốt hơn (Sabrina P. & Loris L., 2012). Theo IASB, tinh thần chính của IFRS 8 là yêu cầu các doanh nghiệp phải trình bày các thông tin để giúp cho các đối tượng sử dụng BCTC có được các thông tin tương tự như thông tin mà các nhà quản trị bên trong doanh nghiệp sử dụng để đánh giá bản chất và ảnh hưởng tài chính của các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như các môi trường kinh doanh mà doanh nghiệp tham gia. Thêm vào đó, cách tiếp cận theo cách nhìn của nhà quản lý doanh nghiệp như IFRS 8 sẽ hiệu quả về mặt chi phí trong việc lập BCBP vì thông tin để lập BCBP đã được thu thập sẵn để lập báo cáo nội bộ của doanh nghiệp.
3. Chuẩn mực kế toán Việt Nam về báo cáo bộ phận
Năm 2005, Chuẩn mực kế toán số 28 - Báo cáo bộ phận chính thức được ban hành. Mục đích của chuẩn mực là quy định các vấn đề liên quan đến các bộ phận thông tin cần được cung cấp trên thuyết minh BCTC bao gồm các lĩnh vực khác nhau theo lĩnh vực kinh doanh và khu vực địa lý của doanh nghiệp. Nhờ đó mà các đối tượng sử dụng BCTC nhìn nhận đúng về rủi ro cũng như lợi ích kinh tế của doanh nghiệp theo từng hoạt động và do vậy đánh giá đúng hơn về doanh nghiệp hoạt động ra sao.
Nhìn chung VAS 28 khá tương đồng với IAS 14 về đối tượng áp dụng, cách thức xác định bộ phận cần báo cũng như nội dung cần trình bày trên BCBP. Vì thế so sánh với IFRS 8, VAS 28 bên cạnh những điểm giống nhau thì có nhiều khác biệt. Bảng tổng hợp so sánh điểm giống nhau và điểm khác nhau giữa VAS 28 và IFRS 8 được tổng hợp ở Bảng 1.1.
4. Kết luận
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng chất lượng thông tin bộ phận đã được thay đổi đáng kể khi thay đổi áp dụng chuẩn mực BCBP từ IAS 14 R sang IFRS 8. Lý do chính là vì IFRS 8 tiếp cận theo hướng thông tin quản lý doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp dễ dàng và chủ động hơn khi cung cấp thông tin bộ phận. Trong khi đó, VAS 28 lại cứng nhắc hơn trong quy định lập BCBP, yêu cầu doanh nghiệp phải lập BCBP theo lĩnh vực kinh doanh và lĩnh vực địa lý. Các doanh nghiệp không lập BCBP tìm cách chống chế biện minh rằng chỉ có duy nhất một lĩnh vực kinh doanh và hoạt động tại duy nhất một khu vực địa lý. Tìm hiểu thông tin này, từ đó thiết nghĩ để cải thiện số lượng cũng như chất lượng BCBP của các doanh nghiệp niêm yết, Bộ Tài chính cần xem xét đến vấn đề thay đổi chuẩn mực kế toán BCBP từ VAS 28 sang hướng tiếp cận mới theo IFRS 8 ■
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Crawford L., Extance H., Helliar C. V. & Power D. (2012), Operating Segments: the usefulness of IFRS 8, Endinburgh: ICAS.
2. Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 28 “Báo cáo bộ phận”.
3. Chuẩn mực kế toán IFRS 8 “Operating Segments”.
4. Edwards P. & Smith R. A. (1996), Competitive disadvantage and voluntary disclosures: The case of segmental reporting, Bristish Acccouting Review, 28(2), pp. 155-172.
5. Epstein B. J and Jermakowicz E. K. (2009), “IFRS Converges to U.S. GAAP on Segment Reporting”, Journal of Accountancy, April. Pp. 50.
6. Kang H. & Gray S. (2013), Segment Reporting Practices in Australia: Has IFRS 8 made a difference, Australian Accounting Review, 26, pp. 27-45.
7. KPMG (2010), The Application of IFRS: Segment Reporting, từ http:/www.kpmg.com/CN/en/IssuesAndInsights /ArticlesPublication/Documents/IFRS-segment-reporting-O-201009.pdf
8. Manuela L. & Ferdinando D. C (2013), An analysis of Segment Disclosure under IFRS 8 and IAS 14R: Eviedence from Italian Listed Companies.
9. Nichols N. B., Street D. L. & Cereola S. J. (2012), “An analysis of the impact of adopting IFRS 8 on the segment disclosures of European blue chip companies”, Journal ofof International Accounting, Auditing and Taxation Iss. 21. pp 79-105.
10. Pisano S. & Landriana L. (2012), The determinants of Segment Disclosure: An empirical analysis of Italian Listed Companies, Financial Reporting, 1(2012), pp.113-132
11. Sabrina P. &Loris. L (2012), The determinants of segment disclosure: an empirical analysis on Italian listed conpanies, Financial Reporting, Vol 1.
ACCOUNTING STANDARDS FOR DIVISION REPORTING:
WORLD AND VIETNAM
● MA. DAM THI KIM OANH
School of Accounting and Auditing, National Economics University
ABSTRACT:
Understanding and correctly applying the supply of required parts information by the accounting standards is necessary for the enterprise to provide information to the users. Thus, in this article the author clarifies the content of accounting standards on segment reporting in the world and in Vietnam, and compares the difference between Vietnamese accounting standards and international standard onpresentation department report.
Keywords: Segment information, financial reports, stock market.