TÓM TẮT:
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành nói riêng, là mục đích của chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bài nghiên cứu này chủ yếu đề cập khái quát kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế vĩ mô ở nước ta và gợi ý một số giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.
Từ khóa: Cơ cấu kinh tế, phát triển, kinh tế vĩ mô, Việt Nam.
1. Khái quát nhận thức về chuyển dịch cơ cấu và kết quả phát triển kinh tế vĩ mô
1.1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam “Cơ cấu kinh tế là tổng thể các ngành, các lĩnh vực, bộ phận kinh tế có quan hệ hữu cơ tương đối ổn định hợp thành". Như vậy, cơ cấu kinh tế không chỉ thể hiện ở tương quan tỷ lệ mà còn là mối quan hệ tác động qua lại giữa các bộ phận hợp thành nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế luôn thay đổi theo từng thời kỳ phát triển để phù hợp với môi trường và điều kiện phát triển thông qua quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu không chỉ xảy ra giữa các ngành, các khu vực mà còn bao gồm sự thay đổi trong nội bộ ngành, khu vực, thường là theo chiều hướng hiện đại hơn, ngày càng hoàn thiện hơn.
Để nhận thức rõ hơn quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế làm cơ sở hoạch định chính sách công nghiệp phù hợp, cần đo lượng thận trọng quá trình chuyển dịch này ở từng giai đoạn. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chịu tác động của nhiều yếu tố trong nước và ngoài nước.
Có 2 khía cạnh cơ bản phản ánh quá trình chuyển dịch:
Thứ nhất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một quá trình khách quan vận hành theo quy luật nội tại nghĩa là khi có đủ sự tích lũy về lượng sẽ có sự thay đổi về chất trong cơ cấu. Đây là quá trình đào thải và sàng lọc để lựa chọn được các bộ phận phát triển phù hợp với bản chất của cơ cấu mà cụ thể là sự thay đổi tỷ trọng của các bộ phận, thứ tự, mối quan hệ giữa các bộ phận trong cơ cấu cũng như sự vận hành của chúng. Sự chuyển dịch cơ cấu thường gắn với sự thay đổi của lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh, lợi thế theo quy mô và lợi thế sở hữu. Thứ hai, quá trình vận hành khách quan song lại được thực hiện bởi hàng loạt các chính sách tác động theo ý chí và nhận thức của các nhà hoạch định chính sách và bộ máy thực hiện. Theo khía cạnh này, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một quá trình chủ quan và về cơ bản phụ thuộc vào nhận thức của các nhà hoạch định về tính khách quan của cơ cấu vốn là một thực thể thống nhất hữu cơ. Việc phân kỳ chuyển dịch cơ cấu có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định các chính sách để đạt mục tiêu. Sự tách rời càng lớn giữa yếu tố khách quan và chủ quan là nguyên nhân của tính bất cân xứng trong cơ cấu kinh tế và bộc lộ tính phi hiệu quả của các chính sách điều chỉnh. Việc kiểm định mức độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo căn cứ đánh giá mức độ phù hợp của chính sách áp dụng và đề xuất giải pháp điều chỉnh. Các chính sách cần hướng vào việc tạo dựng và phát triển các lợi thế tự tạo để thúc đẩy chuyển dịch.
Quan điểm V.I. Lênin về chuyển dịch cơ cấu kinh tế khẳng định công nghiệp hóa là quá trình xây dựng một nền đại công nghiệp có khả năng cải tạo nông nghiệp. Lênin đã đưa ra mô hình tái sản xuất mở rộng mang tính giả định quan trọng. Kết luận về phương pháp luận trong xây dựng cơ cấu kinh tế là khu vực sản xuất tư liệu sản xuất để sản xuất tư liệu sản xuất phải tăng nhanh nhất, tiếp đến là sản xuất tư liệu sản xuất để sản xuất tư liệu tiêu dùng. Nói cách khác, các ngành sản xuất các yếu tố đầu vào cần phát triển nhanh nhất. Nếu một nền kinh tế vận hành theo đúng quy luật này thì mới có tái sản xuất mở rộng nghĩa là mới có tăng trưởng. Cũng theo quan điểm của V.I.Lênin, công nghiệp hóa là một quá trình cải biến toàn bộ xã hội. Đây là một quan điểm có tính khái quát hóa rất cao phản ánh mối quan hệ hữu cơ giữa hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc. Tuy nhiên, các học giả phương Tây cho rằng nhận định như vậy là hợp lý song lại khó lượng hóa, vì công nghiệp hóa trở thành một quá trình dường như không xác định được điểm kết thúc. Vấn đề là cần chia thành các thời kỳ để có chính sách phù hợp với từng giai đoạn và để nhận biết vào thời điểm kết thúc công nghiệp hóa.
Quan điểm của W.Rostow chỉ ra các giai đoạn công nghiệp hóa, song không dựa vào việc đánh giá sự chuyển dịch cơ cấu chủ yếu dựa vào quá trình thay đổi xã hội với tính ước lệ khá cao của 5 giai đoạn là xã hội truyền thống, tiền cất cánh, cất cánh, chín muồi và tiêu thụ hàng loạt. Về thực chất, đây là quá trình cải biến mang tính cách mạng công nghiệp, tức có sự thay đổi về chất trong hệ thống tư liệu sản xuất. Cũng theo W.Rostow quá trình công nghiệp hoá, về mặt thời gian, được thực hiện trong vòng từ 15-20 năm. Thực tế, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong công nghiệp hoá khác nhau ở các nước do điều kiện đặc thù và chính sách thực hiện.
Các cách tiếp cận gần đây chỉ ra quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chủ yếu thể hiện ở sự thay đổi quan hệ giữa vốn và lao động mà đặc biệt là việc tăng tỷ trọng vốn, công nghệ cao và giảm tỷ trọng lao động giản đơn với việc sử dụng hàm Cobb Douglas và năng suất tổng hợp các yếu tố (TFP) để phân tích. Trong cơ cấu xuất khẩu, tỷ trọng các mặt hàng chế biến, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao ngày càng tăng và giảm các mặt hàng chế biến thô hoặc xuất khẩu tài nguyên.
Đây là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu và để có sự chuyển dịch đó, cần đầu tư nhiều hơn vào vốn và công nghệ cao. Sản xuất nhiều hàng hóa có hàm lượng vốn và công nghệ hơn là hàng hóa sử dụng nhiều lao động giản đơn hoặc sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên. Nếu không có sự chuyển dịch như vậy, mức độ cải thiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế rất hạn chế và nền kinh tế dễ bị tụt hậu trong dài hạn.
Điều này chứng tỏ xu thế tiến bộ, phù hợp với hướng chuyển dịch cơ cấu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, nhằm góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và củng cố tiềm lực kinh tế đất nước, phát triển kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
1.2. Phát triển kinh tế vĩ mô và kết quả
Phát triển kinh tế vĩ mô là hoạt đông phát triển tổng thể các hoạt động của nền kinh tế, trong điều kiện xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân hiện nay ở nước ta đòi hỏi phát triển kinh tế vĩ mô gắn liền với các vấn đề xã hội, môi trường, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.
Tăng trưởng và phát triển kinh tế vĩ mô của mỗi quốc gia thường đi liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu ngành kinh tế (các cơ cấu kinh tế bao gồm: Cơ cấu kinh tế, cơ cấu kinh tế vùng/lãnh thổ, cơ cấu thành phần kinh tế... Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của nước ta chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy lợi thế so sánh ngành và vùng lãnh thổ. Nhờ đó, sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển dài hạn và bền vững.
Trong những năm gần đây, với tốc độ tăng cao liên tục và khá ổn định của GDP, chỉ số lạm phát và an sinh xã hội, cơ cấu ngành kinh tế đã có sự chuyển dịch, thay đổi đáng kể theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành Nông nghiệp đã giảm nhanh, tỷ trọng Công nghiệp trong GDP tăng nhanh, tỷ trọng Dịch vụ có những biến động theo hướng tích cực và có những dấu hiệu khởi sắc khả quan hơn so với những năm trước. Đến nay, đóng góp vào tăng trưởng của 2 ngành Công nghiệp và Dịch vụ chiếm khoảng 90% tăng trưởng toàn ngành kinh tế, cao hơn giai đoạn 2006 - 2010. Năm 2018, ngành Dịch vụ đóng góp hơn 40% vào tăng trưởng theo ngành và cao hơn nhiều so với giai đoạn 2006 - 2010 với mức đóng góp 40%. Thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình lên Chính phủ nêu rõ: Bình quân 3 năm 2016-2018, tăng trưởng GDP của cả nước đạt 6,57% - cao hơn tốc độ tăng bình quân 5,91%/năm của giai đoạn 2011-2015 và đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân ở mức thấp của Kế hoạch 5 năm 2016-2020 (từ 6,5 - 7%/năm).
Đóng góp vào kết quả tăng trưởng GDP 2016-2018 là tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 7,72%, dịch vụ đạt 7,26%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 2,52%. Theo dự kiến của Bộ KH&ĐT, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2019-2020 đạt 6,9%, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,5%; công nghiệp và xây dựng đạt 7,89%; dịch vụ đạt 7,39%. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,71%, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,91%; công nghiệp và xây dựng đạt 7,79%; dịch vụ đạt 7,31%.
Song song với đà tăng trưởng GDP được duy trì, quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng. Theo giá hiện hành, GDP năm 2016 đạt 4,5 triệu tỷ đồng (tương đương 205,3 tỷ USD); năm 2017 đạt 5 triệu tỷ đồng (223,7 tỷ USD); ước tính năm 2018 đạt trên 5,55 triệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD), gấp 1,33 lần quy mô GDP năm 2015, thấp hơn nhiều so với quy mô dự kiến đạt 6,03 - 6,17 triệu tỷ đồng năm 2018 trong kế hoạch đề ra. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành cũng liên tục tăng, từ 2.109 USD/người năm 2015 lên 2.215 USD/người năm 2016 (tăng 106 USD). Năm 2017, GDP bình quân đầu người đạt 2.389 USD/người (tăng 174 USD so với năm trước) và ước tính đạt 2.540 USD/người năm 2018 (tăng 151 USD so với năm 2017). Tuy GDP bình quân đầu người năm 2018 ước tăng gấp 1,21 lần năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu đạt 3.200 - 3.500 USD vào năm 2020.
Đánh giá về chất lượng tăng trưởng kinh tế, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh: Tăng trưởng kinh tế đã và đang dần dịch chuyển sang chiều sâu. Điều này thể hiện rõ ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn. Tính chung cả giai đoạn 2011-2015, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP là 33,58%; đóng góp của vốn là 51,2%; đóng góp của lao động là 15,22%. Trong 3 năm đầu của giai đoạn 2016 - 2020, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP tăng lên đáng kể, đạt 42,18% - tăng khoảng 8,6% so với giai đoạn 2011 - 2015.
Cơ cấu kinh tế cũng tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản, tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp, Xây dựng và Dịch vụ. Khu vực dịch vụ tăng từ 39,73% năm 2015 lên 41,26% năm 2017 và ước tính đạt 41,61% năm 2018. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm từ 10,02% năm 2015 xuống 10% năm 2017 và còn 9,95% năm 2018. Nếu tính cả thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (theo giá sản xuất), tỷ trọng khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản trong GDP giảm từ 17,4% năm 2015 xuống còn 15,7% năm 2017; các ngành Công nghiệp, Xây dựng và Dịch vụ tăng từ 82,6% lên 84,3% (trong đó, khu vực công nghiệp từ 38% lên 38,1%; khu vực dịch vụ từ 44,6% lên 46,2%), tiến sát mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm khoảng 85% GDP.
Điều này chứng tỏ xu thế tiến bộ, phù hợp với hướng chuyển dịch cơ cấu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế vĩ mô đất nước.
Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế vĩ mô hiện nay ở nước ta, còn những hạn chế và thách thức chủ yếu như sau:
Thứ nhất, Chất lượng tăng trưởng kinh tế vĩ mô chưa bền vững còn chịu những khó khăn, thách thức chủ yếu là: Tiến độ thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nhìn chung còn chậm; Việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế còn nhiều hạn chế; Chuyển biến cơ cấu nội bộ ngành, lĩnh vực chưa rõ nét và bền vững; Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Thứ hai, Vấn đề tăng năng suất lao động, các chỉ tiêu tăng trưởng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, sử dụng vốn tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các công trình trọng điểm… đang là những vấn đề đặt ra cấp bách cần có giải pháp tháo gỡ.
Thứ ba, Việc tổ chức thực hiện phân cấp và phối kết hợp trong quản lý vĩ mô nền kinh tế, giữa các bộ/ngành trung ương với chính quyền địa phương chưa nhịp nhàng và hiệu quả, còn lung túng và đùn đẩy trách nhiệm.
Thứ tư, Đảm bảo phát triển kinh tế vĩ mô với các vấn đề xã hội và môi trường chưa cân đối và nhất quán từ trung ương xuống địa phương, tình trạng “trên trải thảm đỏ”, “dưới dải đinh” vẫn xảy ra, dẫn đến hậu quả chưa thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển kinh tế.
2. Một số gợi ý nâng cao hiệu lực, hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế vĩ mô trong thời gian tới
Trong bối cảnh quốc tế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta có nhlều thuận lợi song cũng cố những thách thức đặt ra cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế vĩ mô. Có thể nêu lên một số gợi ý như sau:
Thứ nhất, Đổi mới và nâng cao chất lượng cơ cấu ngành Công nghiệp theo hướng thực chất, phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế tạo; Tăng mạnh năng suất nội bộ ngành, tăng hàm lượng công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm; Tập trung vào một số ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh và ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng nhanh, bền vững gắn kết với bảo vệ môi trường; Chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện, thúc đẩy một số mặt hàng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị, phân phối toàn cầu; Tạo điều kiện để doanh nghiệp đề xuất dự án đầu tư phục vụ mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế.
Thứ hai, Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ, duy trì tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP; Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, thực hiện chương trình phát triển du lịch quốc gia; Nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ du lịch; Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nhằm nâng cao tỷ trọng dịch vụ trong GDP.
Thứ ba, Phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các bộ, ngành trong phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương; đồng thời nâng cao hiệu quả phối kết hợp quản lý nhà nước giữa bộ/ngành với chính quyền địa phương trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.
Thứ tư, Đổi mới và hoàn thiện chính sách và nâng cao năng lực thực thi pháp luật về môi trường; Khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt quan tâm đến các khu vực trọng điểm; Giám sát và đối phó các vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đảm bảo phát triển kinh tế với kìm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô với an sinh xã hội.
Thứ năm, Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chương trình Quốc gia về thực hiện các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, trong đó đưa ra các yêu cầu, nhiệm vụ bắt buộc cho từng ngành kinh tế và chính quyền địa phương; Chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập kinh tế quốc tế và thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển kinh tế theo hướng bền vững hiện nay ở nước ta.
3. Kết luận
Với quyết tâm cao của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói riêng đã có những thay đổi về chất, đặc biệt là sự thay đổi cơ bản về cơ cấu. Để thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu và ổn định, cần chuyển dịch mạnh cơ cấu thông qua mở cửa nền kinh tế để đổi mới công nghệ, quản lý và đào tạo đội ngũ cán bộ chất lượng cao. Những thay đổi gần đây cho thấy cơ cấu kinh tế Việt Nam đã chuyển dịch đúng hướng: giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực công nghiệp và dịch vụ, tăng tỷ trọng các mặt hàng chế biến tinh và chế biến sâu, giảm các mặt hàng xuất khẩu thô, chú trọng nhập khẩu công nghệ hiện đại, tinh xảo và cải tiến chất lượng sản phẩm.
Việc giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp và đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân cũng đồng nghĩa với việc giảm yếu tố gây mất ổn định trong cơ cấu. Điều kiện tiên quyết để chuyển dịch mạnh cơ cấu là tạo được tốc độ tăng trưởng cao, thực chất là phát triển kinh tế vĩ mô, nhằm tạo đà huy động ban đầu các nguồn lực vào các ngành, trong đó ngành Dịch vụ phải tăng nhanh nhất, tiếp đến là ngành Công nghiệp và sau đó mới đến ngành Nông nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Báo Lao động thủ đô (2018), Nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức, ngày 28/09/2018.
- Cổng TTĐT - Báo Doanh nghiệp (2019), Thủ tướng Chính phủ nêu 5 động lực kinh tế Việt Nam tại WEF, ngày 17/06/2019.
- Cổng TTĐT Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng quan tình hình kinh tế Việt Nam 3 năm 2016 - 2018.
- Trung tâm Biên soạn từ điển quốc gia (1995): Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 1, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Trần Bình Trọng (2016). Giáo trình, Lịch sử các học thuyết kinh tế. NXB Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
ECONOMIC RESTRUCTURING AND MACROECONOMIC DEVELOPMENT OF VIETNAM
Senior Lecturer, Ph.D DAO DANG KIEN
Head of Faculty of State Management of Economic Affairs and Public Finance
National Academy of Public Administration Branch Campus
in Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
Economic restructuring in general and economic restructuring by sector in particular are the purpose of the industrialization and modernization policy. This article is to mainly present the result of Vietnam’s economic restructuring and macroeconomic development, and also suggest some solutions to improve the effectiveness and efficiency of our contrys economic restructuring and macroeconomic development in the coming time.
Keywords: Economic structure, developing, macroeconomic, Vietnam.