Với nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, các chương trình bình ổn thị trường được triển khai tích cực, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, đã góp phần ổn định thị trường chung của cả nước.
Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện.
Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, góp phần bình ổn giá cả trên thị trường, đảm bảo đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát thông qua việc gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc.
Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng cao, chiếm tỷ trọng trên 90% đối với hệ thống phân phối do doanh nghiệp trong nước làm chủ (Co.opmart: 90 - 93%, Satra: 90 - 95%, Vinmart: 96%...) và trên 70% tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài tại Việt Nam (Lotte, Big C: 90%, AEON, Citimart: 82 - 85%...).
Hạ tầng thương mại phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo hệ thống phân phối, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập.
Hệ thống hạ tầng thương mại đã từng bước góp phần hình thành nên kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh hiện đại, áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường.... phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.
Đặc biệt, có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (như chợ) sang hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại (siêu thị và trung tâm thương mại).
Hệ thống chợ truyền thống được quy hoạch lại, nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, nhất là các chợ nông thôn, hạn chế được tình trạng tự phát tại các địa phương.
Các hình thức hạ tầng bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại có sự tăng trưởng nhanh chóng trong vòng 4 năm trở lại đây, thu hút mạnh vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, đầu tư nước ngoài và tập trung chủ yếu ở các đô thị, đặc biệt là sự hình thành của các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi theo mô hình thương mại bán lẻ của các nước tiên tiến trên thế giới.
Mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng trở thành kênh bán lẻ hàng hóa quan trọng. Ngoài ra, còn hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đang phát triển nhanh, được phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn.
Đến năm 2020, cả nước đã có 94 chợ đầu mối; 8.500 chợ truyền thống; 1.085 siêu thị; 240 trung tâm thương mại; 69 trung tâm logistics và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi, tạo chuỗi lưu thông phân phối hàng hóa thông suốt, thuận lợi trên cả nước.
Cơ cấu chủ sở hữu hệ thống hạ tầng thương mại ngày càng đa dạng với sự xuất hiện của khu vực ngoài nhà nước, trong đó có sự xuất hiện của hệ thống các doanh nghiệp FDI và sự lớn mạnh nhanh chóng của một số doanh nghiệp lớn trong nước đã góp phần hiện đại hóa ngành bán lẻ.
Các thương hiệu bán lẻ trong nước cũng đã và đang phát triển mạnh mẽ, đáng ghi nhận là sự phát triển nhanh với quy mô lớn của một số doanh nghiệp trong nước như Saigon Co.op, Hapro, Satra, Vingroup… với tốc độ phát triển nhanh chóng.