Thành phố Đà Nẵng là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, là nơi được lựa chọn để tổ chức nhiều lễ hội, sự kiện thu hút số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm. Vì vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường luôn được triển khai một cách quyết liệt nhằm mục tiêu xây dựng và duy trì một môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Thu nộp Ngân sách nhà nước hơn 5,1 tỷ đồng
Năm 2023, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao lực lượng Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã thường xuyên tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, vận chuyển hàng hóa trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tăng cường thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Kết quả trong năm 2023, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng (Cục QLTT Đà Nẵng) đã tổ chức kiểm tra hơn 1.800 vụ, xử lý 1.517 vụ (đạt 82,26% trên số vụ kiểm tra); thu nộp Ngân sách nhà nước hơn 5,1 tỷ đồng; tịch thu và buộc tiêu hủy gần 6.000 đơn vị hàng hóa vi phạm có trị giá hơn 900 triệu đồng.
Thời gian qua, cùng với sự phát triển của công nghệ, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng với các hình thức tinh vi, phức tạp hơn. Hàng hóa bị làm giả, xâm phạm quyền không chỉ là hàng hóa của các thương hiệu nước ngoài, thương hiệu nổi tiếng mà ngay chính những sản phẩm trong nước cũng trở thành mục tiêu của các đối tượng.
Chủng loại hàng hóa bị làm giả, xâm phạm quyền rất đa dạng, từ hàng may mặc, thời trang, tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm, phụ tùng xe máy,... đến những sản phẩm có giá trị cao như máy tính, điện thoại, xe máy,... Lập doanh nghiệp, mở cửa hàng kinh doanh và trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền để tiêu thụ; lợi dụng thương mại điện tử để tiêu thụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là những hành vi vi phạm điển hình hiện nay.
Chính vì vậy, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền luôn được Cục QLTT Đà Nẵng thực hiện thường xuyên, liên tục. Ngay từ đầu năm, Cục QLTT Đà Nẵng đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để triển khai thực hiện động bộ trong toàn lực lượng.
Trong năm 2023, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng kinh doanh thường xuyên bị làm giả trên thị trường với chủ trương từng bước hạn chế và đẩy lùi tình trạng bày bán hàng giả công khai trên thị trường, đặc biệt là môi trường thương mại điện tử.
Kết quả trong năm 2023, Cục QLTT thành phố Đà Nẵng đã phát hiện, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với 196 tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi vi phạm về buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Qua đó đã thu nộp Ngân sách Nhà nước 1.575.000.000 đồng; tịch thu và buộc tiêu hủy hơn 4.500 đơn vị sản phẩm hàng hóa như áo quần, giày dép, túi xách, ví cầm tay, mắt kính, đồng hồ, phụ kiện điện thoại, nước hoa, bột giặt,… có gắn dấu hiệu giả mạo các thương hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam như CHANEL, GUCCI, NIKE, ADIDAS, LOUIS VUITTON, ROLEX, HERMES, APPLE, OMO,… có trị giá hơn 822 triệu đồng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Song song với công tác kiểm tra thị trường, Cục QLTT Đà Nẵng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức thực hiện việc ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng về việc không kinh doanh hàng giả, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phổ biến các quy định của pháp luật, các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong buôn bán, kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, Cục QLTT Đà Nẵng cũng đã thực hiện thông báo số điện thoại đường dây nóng trên website của đơn vị và các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận, giải quyết những thông tin phản ánh của người tiêu dùng, kịp thời tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm. Ngoài ra, thực hiện trưng bày gian hàng Hàng thật - Hàng giả tại hội chợ Xuân và hội chợ Hàng Việt - Đà Nẵng nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân trong việc nhận biết hàng thật, hàng giả.
Bên cạnh đó, Cục QLTT Đà Nẵng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tích cực tham gia các Đoàn liên ngành của địa phương để kiểm tra, xử lý vi phạm.
Có thể nói công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, sự nỗ lực đấu tranh và tích cực phối hợp của các lực lượng chức năng; cùng với nhận thức đúng đắn của người kinh doanh, người tiêu dùng đối với vấn nạn này; đặc biệt là sự đồng thuận của xã hội thì nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ được thực hiện hiệu quả.
Qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, cùng sự phát triển thị trường thành phố Đà Nẵng nói riêng và đất nước nói chung.