Đánh giá về công tác kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại Công ty Cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội

ThS. TRẦN THỊ NGỌC THÚY (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Doanh thu, lợi nhuận luôn là một trong những tiêu chí đánh giá tính hiệu quả của doanh nghiệp. Trong giai đoạn kinh tế thị trường phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu, cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng gay gắt hơn. Vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp trong nước là làm thế nào để giảm thiểu chi phí, tăng doanh thu và tối đa hóa lợi nhuận. Bài viết tập trung vào đánh giá kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại Công ty, từ đó đưa ra những giải pháp hoàn thiện phần hành kế toán này.

Từ khóa: Doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh, Công ty cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội.

I. Thực trạng kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại Công ty cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội

Công ty cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội có tiền thân là nhà máy chế tạo điện cơ, được thành lập vào ngày 15/01/1961. Năm 2009, Công ty đã thực hiện việc cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần theo Quyết định số 1531/QĐ-BCT ngày 25/03/2009 và Quyết định số 3013/QĐ-BCT ngày 15/06/2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trải qua hơn 55 năm nỗ lực và phát triển, đến nay, Công ty cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo động cơ điện, máy phát điện, máy biến áp và các thiết bị kỹ thuật điện khác.

1. Thực trạng kế toán doanh thu tại Công ty

Qua khảo sát về cơ bản tại Công ty, doanh thu và thu nhập đều xác định theo quy định tại chuẩn mực kế toán số 14 “Doanh thu và thu nhập” ban hành kèm theo Quyết định số 149/ QĐ- BTC ngày 31/12/2001, Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính.

Doanh thu phát sinh tại Công ty chủ yếu bao gồm: Doanh thu hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, doanh thu hoạt động tài chính và doanh thu khác.

Hiện tại, việc phân loại doanh thu của Công ty mới chỉ nhằm phục vụ cho yêu cầu của kế toán tài chính, chưa thực hiện phân loại doanh thu phục vụ cho yêu cầu của kế toán quản trị. Công ty chủ yếu thực hiện phân loại doanh thu theo tình hình hoạt động kinh doanh bao gồm doanh thu bán hàng hóa, doanh thu bán thành phẩm và doanh thu cung cấp dịch vụ.

Doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ là doanh thu chính của Công ty. Đây là số tiền đã thu từ việc bán các sản phẩm: Máy biến áp; động cơ điện; Tủ bảng điện; Bơm điện; Dịch vụ sửa chữa và bảo hành, thầu xây lắp điện...

Để theo dõi doanh thu hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, Công ty phân loại doanh thu theo tình hình hoạt động kinh doanh. Theo cách phân loại này, doanh thu hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ sẽ được phân thành ba loại: doanh thu bán hàng hóa, doanh thu bán thành phẩm và doanh thu cung cấp dịch vụ.

Doanh thu bán hàng hóa: Doanh thu này là số tiền đã thu được từ việc bán hàng hóa của Công ty.

Doanh thu bán thành phẩm: Doanh thu này là số tiền đã thu được từ việc bán thành phẩm: Máy biến áp; động cơ điện; Tủ bảng điện; Bơm điện.

Doanh thu cung cấp dịch vụ: Doanh thu này là số tiền đã thu được từ việc cung cấp dịch vụ sửa chữa và bảo hành…

2. Thực trạng kế toán chi phí tại Công ty

Kế toán giá vốn hàng bán: Qua khảo sát tại Công ty, công tác tập hợp và hạch toán giá vốn hàng bán tuân thủ tốt quy định hiện hành. Hiện nay, tại Công ty xác định trị giá vốn hàng xuất kho theo phương pháp thực tế đích danh, kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên. Các chứng từ bao gồm: Hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng, bảng kê phiếu mua hàng, PNK, biên bản kiểm nhận hàng hóa, phiếu chi, lệnh xuất vật tư sản phẩm hàng hóa, PXK... Ngoài ra, còn có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, biên lai thu thuế, phiếu tính giá thành sản phẩm, biên bản kiểm nghiệm vật tư sản phẩm, hàng hóa, PNK...

Kế toán chi phí bán hàng: Tại văn phòng, kế toán sử dụng TK 641 phản ánh chi phí bán hàng phát sinh. Tuynhiên chi phí bán hàng tại Công ty cổ phẩn Chế tạo Điện cơ Hà Nội không nhiều, do đặc thù của Công ty là kinh doanh các thiết bị điện chủ yếu cung cấp cho các công ty điện lực và nhà xưởng tiêu chuẩn. Các chi phí bán hàng bao gồm chi phí quảng cáo (in Cataloge, quảng cáo trên báo, đài…, chi phí bảo hành nhà xưởng và một số chi phí khác. Các chi phí cho từng loại hàng hóa, thành phẩm đem tiêu thụ được căn cứ vào các chứng từ để vào sổ chi tiết TK 641. Lấy số liệu này lập nhật ký chung rồi phản ánh lên sổ cái TK 641 vào cuối tháng. Từ sổ cái kết chuyển vào TK 911 phục vụ cho việc lập báo cáo kết quả kinh doanh cuối tháng.

Kế toán chi phí quản lý doanh nghiệp: Kế toán sử dụng tài khoản 642 phản ánh các chi phí quản lý chung của doanh nghiệp gồm chi phí về lương nhân viên ở bộ phận quản lý doanh nghiệp (tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp…), bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn của nhân viên quản lý doanh nghiệp; chi phí vật liệu văn phòng, công cụ lao động, khấu hao TSCĐ dùng cho quản lý doanh nghiệp, thuế môn bài, khoản lập dự phòng phải thu khó đòi; dịch vụ mua ngoài (điện, nước, điện thoại, fax, xăng, bảo hiểm tài sản, cháy nổ…); chi phí bằng tiền khác (hội nghị khách hàng…).

Tương tự như TK 641, mọi nghiệp vụ phát sinh đều được DN chi bằng tiền mặt hoặc tiền gửi ngân hàng trừ hai khoản trích khấu hao TSCĐ và phân bổ CCDC văn phòng là theo dõi trên Sổ chi tiết TK 214 và TK 2421. Sổ chi tiết TK 642 có dạng như sau:

Cuối tháng kế toán đối chiếu các phiếu chi, hoặc các giấy báo nợ do ngân hàng gửi về, với số liệu trên sổ chi tiết TK 642 rồi khóa sổ ghi vào NKC, sau đó phản ánh lên sổ cái TK 642. Tài khoản 642 không có số dư cuối kỳ.

3. Kế toán xác định kết quả kinh doanh

Công ty dùng TK 911 để xác định và phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác của doanh nghiệp trong kỳ kế toán. Kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm: Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả hoạt động tài chính và kết quả hoạt động khác. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh: Là số chênh lệch giữa doanh thu thuần và trị giá vốn hàng bán (Gồm cả sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư và dịch vụ,...), chi phi bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

- Kết quả hoạt động tài chính: Là số chênh lệch giữa thu nhập của hoạt động tài chính và chi phí hoạt động tài chính.

- Kết quả hoạt động khác: Là số chênh lệch giữa khoản thu nhập khác và các khoản chi phí khác và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cuối kỳ kế toán, kế toán công ty thực hiện các nghiệp vụ kết chuyển doanh thu bán hàng thuần, trị giá vốn hàng bán, doanh thu hoạt động tài chính và các khoản thu nhập khác; kết chuyển chi phí hoạt động tài chính và các khoản chi phí khác; kết chuyển chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại; kết chuyển chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, tính và kết chuyển số lợi nhuận sau thuế TNDN của hoạt động kinh doanh trong kỳ vào tài khoản 911 để xác định kết quả kinh doanh. Sau đó vào Nhật ký chung và Sổ Cái tài khoản.

4. Đánh giá về kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại Công ty cổ phần Chế tạo điện cơ Hà Nội

4.1. Những mặt đạt được

Thứ nhất: Về thời điểm ghi nhận và điều kiện ghi nhận doanh thu, chi phí.

Thời điểm ghi nhận doanh thu tại công ty ngay sau khi chuyển giao hàng hóa cho người mua. Công ty bán hàng có xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu, chi phí đảm bảo nguyên tắc phù hợp và GAAP.

Thứ hai: Về công tác kế toán doanh thu, chi phí, xác định kết quả kinh doanh.

Nhìn chung, công tác kế toán doanh thu, chi phí, xác định kết quả tại Công ty cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội được tổ chức một cách hợp lý, phù hợp với công tác quản lí hiện nay của doanh nghiệp. Mặc dù có nhiều nghiệp vụ kinh tế phát sinh nhưng việc hạch toán vẫn được hạch toán hợp lí, đầy đủ, kịp thời, chính xác vào chứng từ và sổ sách theo nguyên tắc kế toán Nhà nước đã ban hành.

Việc ghi nhận doanh thu của doanh nghiệp áp dụng đúng theo “Nguyên tắc ghi nhận doanh thu”, chi phí cũng được theo dõi một cách có hệ thống nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định kết quả của doanh nghiệp.

4.2. Tồn tại

Theo điều 5 trong hợp đồng kinh tế ghi rõ bên A (bên mua hàng) sẽ thanh toán khoản nợ trong vòng 30 ngày. Nếu bên A vi phạm thỏa thuận về thời gian thanh toán ghi rõ trong hợp đồng thì ngoài khoản tiền mua hàng bên A sẽ phải trả thêm số tiền phạt bằng 0.5 % giá trị thanh toán còn thiếu cho mỗi ngày chậm thanh toán.

Công ty không tiến hành lập bất cứ dự phòng nào liên quan đến các khoản nợ phải thu khó đòi. Một số khách hàng thường mua với số lượng và số tiền lớn mà thanh toán chậm, quá niên độ kế toán, nên những khoản nợ này Công ty cần xem xét, tính toán hợp lý vào chi phí quản lý kinh doanh. Để hạn chế rủi ro, Công ty cần lưu ý về việc lập dự phòng phải thu khó đòi.

II. Giải pháp hoàn thiện công tác kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại Công ty cổ phần Điện cơ Hà Nội

Công ty có số dư trên TK131 “Phải thu khách hàng” tương đối lớn, một số khách hàng nợ lâu qua nhiều năm, vì vậy, Công ty cần phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi bảo sự phù hợp giữa doanh thu và chi phí trong kỳ.

Khi lập dự phòng phải thu khó đòi phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, nội dung từng khoản nợ, số tiền phải thu của đơn vị nợ hoặc người nợ trong đó ghi rõ số nợ phải thu khó đòi.

Phải có đầy đủ chứng từ gốc, giấy xác nhận của đơn vị nợ, người nợ về số tiền nợ chưa thanh toán như là các hợp đồng kinh tế, các khế ước về vay nợ, các bản thanh lý về hợp đồng, các giấy cam kết nợ để có căn cứ lập các bảng kê phải thu khó đòi.

Phương pháp tính dự phòng nợ phải thu khó đòi theo công thức từ Thông tư số 228/2009/TT-BTC:

Số dự phòng phải thu khó đòi của khách = (Số nợ phải thu khó đòi của khách hàng i) x (Mức trích lập dự phòng)

Các khoản dự phòng phải thu khó đòi được theo dõi ở TK 2293 - Dự phòng phải thu khó đòi. Theo Thông tư số 228/TT-BTC mức trích lập được quy định như sau:

+ 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm.

+ 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm

+ 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm

+ 100% giá trị đối với khoản nợ thu từ 3 năm trở lên.

Đối với nợ thu chưa đến hạn thanh toán nhưng tổ chức kinh tế đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể, người nợ mất tích, bỏ trốn đang bị cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử hoặc đã chết thì công ty dự kiến mức tổn thất không thu hồi được để trích lập dự phòng.

Cách lập được tiến hành như sau: Căn cứ vào bảng kê chi tiết nợ phải thu khó đòi, kế toán lập dự phòng theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC:

Nợ TK 642:

Có TK 2293: Mức dự phòng phải thu khó đòi

Ở các kỳ kế toán sau sẽ xác định lại số dự phòng phải thu khó đòi. Nếu lớn hơn số đã lập kỳ này thì lập bổ sung số còn thiếu, nếu lớn hơn thì hoàn nhập số thừa ghi giảm chi phí:

Nợ TK 2293:

Có TK 642: (chi tiết hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi)

Đối với khoản nợ thất thu, sau khi xóa khỏi bảng cân đối kế toán mà Công ty lại thu hồi được thì kế toán hạch toán vào TK711 “Thu nhập khác” ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Báo cáo tài chính Công ty cổ phần Cơ điện Hà Nội năm 2015, 2016.

2. Luận văn Kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại Công ty cổ phần Cơ điện Hà Nội.

EVALUATE REVENUE AND COST ACCOUNTING

AND DETERMINE BUSINESS RESULTS AT HANOI

MECHANICAL MANUFACTURING JOINT STOCK COMPANY

● MA. TRAN THI NGOC THUY

Faculty of Accounting - University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Revenue and profit are always the criteria to evaluate the effectiveness of business. In the period of market economy development, international economic integration is indispensable trend, competition with foreign enterprises more and more fierce. The issue for domestic businesses is how to minimize costs, increase sales and maximize profits. The article focuses on revenue accounting, costing, and business performance measurement at the company, thereby providing solutions to complete this section of accounting.

Keywords: Revenue, cost, business results, Hanoi Electromechanical Manufacturing JSC.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 2 tháng 2/2018 tại đây