TÓM TẮT:
Truyền thông đa phương tiện là xu hướng phát triển mang tính khách quan đáp ứng nhu cầu thông tin của lớp công chúng mới. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghệ số, lĩnh vực truyền thông đa phương tiện đã phát triển thành xu thế tất yếu trong cuộc sống hiện đại, trở thành một trong những ngành nghề “thời thượng” được nhiều bạn trẻ quan tâm lựa chọn. Bài viết phân tích nhu cầu thực tiễn về nhân lực ngành Truyền thông đa phương tiện ngày càng cao, từ đó cho thấy việc cần thiết mở ngành đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện tại Khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang từ năm học 2021 - 2022.
Từ khóa: đào tạo ngành truyền thông đa phương tiện, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng, người lao động, cách mạng công nghệ số.
1. Đặt vấn đề
Trong một xã hội hiện đại với sự bùng nổ thông tin, công chúng ngày càng có những nhu cầu cao hơn đối với nội dung cũng như chất lượng thông tin. Phương thức truyền thông đa phương tiện cho phép công chúng thu nhận thông tin bằng cả hình ảnh, âm thanh, văn bản làm thay đổi cách tiếp cận thông tin của công chúng, nhất là đối với thế hệ trẻ, thế hệ nhạy bén nhất đối với khoa học và công nghệ tạo ra sự phát triển của một lớp công chúng mới của truyền thông. Trái lại, với các loại hình báo chí truyền thống, công chúng đang ngày càng bị phân tâm bởi nhiều hình thức cung cấp thông tin động, hấp dẫn, tiếp cận trên toàn bộ các giác quan, cảm quan như: đọc, nghe, nhìn, đối thoại, tham gia trực tiếp,… Internet phát triển với sự ra đời của vô vàn các trang tin điện tử, các kênh truyền hình, phát thanh trực tuyến (online) và các giao thức liên lạc (chatting) và thoại (voice) được tích hợp đã thỏa mãn tất cả các nhu cầu thông tin của công chúng, bao gồm cả nghe, nhìn, đọc, nói của công chúng. Sự phát triển của công nghệ truyền thông đã tạo cho báo chí một hướng đi mới - tích hợp các phương tiện truyền thông. Tính chất đa phương tiện được biểu hiện rõ ràng nhất qua sự tích hợp và xu hướng phát triển này là phù hợp với nhu cầu thông tin của xã hội, do vậy đi theo sự phát triển này là sự lựa chọn đúng đắn của các nhà truyền thông. Truyền thông đa phương tiện là xu hướng phát triển mang tính khách quan đáp ứng nhu cầu thông tin của lớp công chúng mới.
Là một trong những đơn vị tiên phong đào tạo bậc đại học chính quy ngành Quan hệ Công chúng, từ năm 2007 Trường Đại học Văn Lang được biết đến là trường đào tạo truyền thông mạnh, có quá trình phát triển bền vững và đã cho ra đời nhiều thế hệ sinh viên PR (Public Relation - quan hệ công chúng) đảm nhiệm nhiều vị trí công việc trong xã hội hiện nay, như: giảng viên, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên, MC, giám đốc các công ty truyền thông và truyền thông đa phương tiện,… Trên nền tảng phát triển vững mạnh đó, ngày 12/7/2021, tiến sĩ Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang đã ký ban hành Quyết định số 90 mở và tuyển sinh đào tạo trình độ đại học ngành Truyền thông đa phương tiện, mã ngành: 7320104 với khóa học đầu tiên bắt đầu từ năm học 2021 - 2022.
Theo học ngành Truyền thông Đa phương tiện tại Khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông, Trường Đại học Văng Lang, sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng về mỹ thuật, công nghệ thông tin, quảng cáo, PR, truyền thông, báo chí,... và còn được phát triển toàn diện các kỹ năng “mềm”, như: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng quan sát, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng. Ngoài ra, sinh viên của ngành này còn có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng đấu tranh bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, chống lại những âm mưu và hành động phá hoại chế độ của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; có ý thức tổ chức kỉ luật; nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp; tác phong nhanh nhẹn; say mê, nhiệt huyết với công việc. Cùng với đó, người học còn được đào tạo về viết kịch bản phim ngắn, đánh giá hoạt động truyền thông, thiết kế đồ họa, xử lý biên tập âm thanh, chỉnh sửa hình ảnh, ánh sáng, vận dụng kỹ thuật vẽ thiết kế 3D, 2D để thiết kế ấn phẩm truyền thông, quảng cáo, PR,… cũng như nhiều hoạt động khác phục vụ công việc.
Người học ngành Truyền thông đa phương tiện sau khi tốt nghiệp ra trường có thể làm các ngành nghề đa dạng, như: giảng viên, phóng viên, biên tập viên tại các tòa soạn Báo, Đài, chuyên viên truyền thông, chuyên viên PR, quảng cáo, xây dựng các nội dung báo chí, ấn phẩm tại các cơ quan báo chí, báo điện tử, nhà xuất bản; doanh nghiệp, viết, biên tập các đoạn phim quảng cáo, truyền thông tại các công ty truyền thông, truyền hình, quảng cáo,… trở thành các nhà sản xuất chương trình, quản lý nghệ thuật, chuyên gia thiết kế đồ họa,…
2. Nội dung
2.1. Đa phương tiện và ngành Truyền thông đa phương tiện
Đa phương tiện là thuật ngữ xuất phát từ cụm từ “Multimedia” trong tiếng Anh vào giữa thế kỉ XX. Cho đến nay, khái niệm này đã dần trở nên phổ biến để chỉ nhiều loại sản phẩm, phần mềm khác nhau trên máy vi tính và mạng internet. Khi internet ra đời, sự xuất hiện của World Wide Web vào năm 1992 đã cho phép thiết lập những trang web đơn giản được viết bằng ngôn ngữ siêu văn bản Hyper Text Markup Language. Tuy nhiên, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và trình độ lập trình đã giúp số lượng các phương tiện được tích hợp trên các trang web ngày càng phong phú và đa dạng. Đó là văn bản (text), hình ảnh tĩnh (still image), hình ảnh động (animation), đồ họa (graphic), âm thanh (audio), video, các chương trình tương tác (interactive programs) và các hình khối không gian trong hệ thống máy tính.
Đối với giới báo chí truyền thông, cụm từ “đa phương tiện” không còn xa lạ, nhất là trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0. Đa phương tiện là truyền thông tin, làm báo bằng nhiều phương tiện, như viết, nghe, nhìn, truyền tin trực tuyến (real time), đem lại sự sống động cũng như thông tin trung thực nhất.
Ngành Truyền thông đa phương tiện (MultiMedia Communication) không những là một trong những ngành nghề đang rất cần nguồn nhân lực cung cấp cho các chủ thể thực hiện nghiệp vụ đưa tin, đánh giá hoạt động sáng tạo, tổ chức sự kiện, thực hiện tạo ra các sản phẩm trong ngành, mà còn là các sản phẩm trong lĩnh vực truyền thông như truyền hình, phát thanh, báo điện tử, game, điện ảnh, hoạt hình và đặc biệt là các sản phẩm phim ảnh, ca nhạc, quảng cáo của Việt Nam.
2.2. Đặc trưng của ngành Truyền thông đa phương tiện
Truyền thông đa phương tiện (hay Multimedia) là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mang tính đa phương tiện và tương tác ứng dụng trong các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, giáo dục và giải trí. Không những thế, nó còn là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và nghệ thuật, trong đó máy tính là một công cụ chủ yếu cho việc sáng tạo của người nghệ sỹ. Thông qua công cụ này, các nghệ sỹ có thể tạo ra được những con khủng long như thật trong King Kong, hay những pha kỹ xảo đẹp mắt trong Harry Potter, hoặc đơn giản là những trang quảng cáo đầy màu sắc trên tạp chí.
Báo chí đa phương tiện có thể hiểu là 1 tòa soạn gồm nhiều loại hình báo chí, như: báo giấy, báo điện tử, media, phát thanh, clip. Phương thức truyền tải có nhiều thay đổi thích ứng với nhu cầu của độc giả, thì tòa soạn cũng phải có sự đổi mới như thực hiện tòa soạn hội tụ với nhiều phương tiện ứng dụng công nghệ mới so với làm báo truyền thống. Mô hình tòa soạn thay đổi, hội tụ về công nghệ, hội tụ về thông tin, thông tin nhanh và có sự tương tác. Trước những yêu cầu đó, đòi hỏi không chỉ thay đổi về mô hình, cơ cấu về tổ chức nhân sự, mà chất lượng của phóng viên cũng phải được nâng cao để đáp ứng những đòi hỏi của mô hình làm báo hiện đại này. Phóng viên phải chuyên sâu, thành thạo về nhiều nội dung, công nghệ và đặc biệt thuần thục quy trình làm báo.
Ngành Truyền thông đa phương tiện là ngành mới nhất của thiết kế mỹ thuật ứng dụng, thể hiện sự kết hợp giữa tính thẩm mỹ và tính ứng dụng của sản phẩm vào cuộc sống. Ngoài năng khiếu thẩm mỹ và tạo hình, sinh viên cần phải có khả năng sáng tạo, có đam mê, sự kiên trì và ý thức tìm tòi học hỏi để rèn luyện các kỹ năng, kỹ xảo về các phầm mềm thiết kế đồ họa chuyên nghiệp. Đồng thời, sinh viên cần tiếp cận với các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, vì đây là những công nghệ giúp cho công việc dễ dàng hơn và cung cấp cho sinh viên những công cụ để thực hiện các ý tưởng sáng tạo. Chính vì thế nên hiện nay, truyền thông đa phương tiện là một trong những ngành đang rất cần nguồn nhân lực cung cấp cho các đơn vị thực hiện nghiệp vụ đưa tin, đánh giá hoạt động sáng tạo, tổ chức sự kiện, thực hiện tạo ra các sản phẩm trong lĩnh vực truyền thông như truyền hình, phát thanh, báo điện tử, game, điện ảnh, hoạt hình và nhiều sản phẩm đem lại lợi nhuận cao.
2.3. Thực trạng ngành Truyền thông đa phương tiện trên thế giới và ở Việt Nam
Sự ra đời của mạng internet vào năm 1991 cùng với sự xuất hiện của các thiết bị di động thông minh đã ảnh hưởng vô cùng lớn tới sự phát triển của báo chí thế giới, trong đó có Việt Nam. Các loại thiết bị công nghệ này đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp cận thông tin của công chúng. Việc truyền tải thông tin mang tính đơn nhất bị phá vỡ; thay vì chỉ có thể nghe, xem hay đọc, hiện nay công chúng đồng thời cùng một lúc có thể hưởng thụ được cả 3 phương thức này, đó chính là phương thức truyền tải thông tin theo hướng đa phương tiện. Ví dụ, sản phẩm báo mạng điện tử, tùy thuộc vào nội dung và yêu cầu của từng tòa soạn mà việc sử dụng yếu tố đa phương tiện cũng khác nhau. Trong nhiều trường hợp, một thông tin có thể được truyền tải bằng nhiều phương tiện để người đọc tiếp cận và lựa chọn, nhưng nhiều trường hợp khác nhà báo sẽ quyết định hình thức truyền tải nào là phù hợp với nội dung thông điệp. Nhờ thế, các sản phẩm báo mạng điện tử ngày nay càng hấp dẫn, thu hút nhiều hơn sự quan tâm của công chúng.
Truyền thông đa phương tiện không những là xu hướng phát triển mang tính khách quan, đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả trong thế giới hiện đại, mà với với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, công chúng ngày càng có những nhu cầu cao hơn đối với nội dung và chất lượng thông tin, qua đó cho phép công chúng thu nhận thông tin bằng cả hình ảnh, âm thanh, văn bản, làm thay đổi cách tiếp cận thông tin của công chúng, nhất là đối với độc giả trẻ, thế hệ nhạy bén với khoa học và công nghệ.
Trong xu thế hội tụ công nghệ và dịch vụ hiện nay, xu hướng chung hoạt động của các cơ quan báo chí là chuyển dần sang mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện, thực hiện nhiều loại hình báo chí, cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của công chúng. Về công nghệ làm báo, nổi bật là xu hướng “báo chí công nghệ” và xu hướng sử dụng “trí tuệ nhân tạo”, cung cấp nội dung xuyên biên giới. Xu hướng “báo chí công nghệ” làm thay đổi thói quen người dùng, dịch chuyển từ đọc, nghe, xem theo phương thức truyền thống như qua tivi, báo giấy,... sang những lựa chọn khác như qua điện thoại di động, tivi thông minh, máy tính bảng,... Việc đọc, nghe, xem báo chí trực tuyến cũng đã dịch chuyển từ thụ động sang chủ động; hình thành xu hướng cung cấp, lan tỏa, kết nối thông tin dựa trên công nghệ, ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động báo chí, nhất là kéo theo sự sụt giảm báo in.
Báo cáo tại Hội nghị Báo chí Toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Thực hiện quy hoạch báo chí, trong năm 2020 cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019 và như vậy tính đến ngày 31/12/2020, nước ta có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo (Trung ương: 68, địa phương: 74, 112 báo có hoạt động báo điện tử); 612 tạp chí (Trung ương: 520, địa phương: 92, có 98 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử); 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập (9 báo điện tử và 16 Tạp chí điện tử). Đặc biệt có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình với 2 đài quốc gia (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam), 1 Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, 64 đài địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình (Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Công an Nhân dân, Truyền hình Quốc hội) với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Có 2 địa phương đã chuyển đổi sang mô hình tòa soạn hội tụ, đó là: Trung tâm truyền thông Quảng Ninh và Đài phát thanh, truyền hình và Báo Bình Phước.
Trong năm 2020, sự phát triển mạnh mẽ truyền thông xã hội trên không gian mạng cùng những khó khăn của kinh tế, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, số lượng phát hành và quảng cáo của nhiều cơ quan báo chí giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế báo chí. Sự phát triển chung của báo chí Việt Nam trong thời gian qua có phần đóng góp không nhỏ về phương thức truyền thông đa phương tiện. Việc ứng dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin đã gắn liền với việc phát triển và tích hợp tốt các loại hình sản phẩm báo chí, tạo ra hiệu ứng tốt cơ chế truyền thông và hiệu quả thông tin, góp phần “chú trọng và nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và của đất nước”. Các loại hình truyền thông đa phương tiện đã góp phần “phát triển và mở rộng việc sử dụng internet, đồng thời có biện pháp quản lý, hạn chế mặt tiêu cực, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động lợi dụng internet để truyền bá tư tưởng phản động, lối sống không lành mạnh”.
2.4. Nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành truyền thông đa phương tiện
Cùng với sự phát triển của công nghệ, lĩnh vực truyền thông dần vươn lên như một lẽ tất yếu. Ngày nay, các chiến dịch marketing, quảng bá thương hiệu hay truyền tải thông điệp đến người dùng không chỉ dừng lại trong khuôn khổ ngôn từ, mà thông qua hình ảnh, âm thanh cùng các hoạt động sôi nổi trên nhiều nền tảng mạng xã hội, thúc đẩy truyền thông đa phương tiện (Multimedia Communications) trở thành một trong những ngành học được yêu thích và là lựa chọn hấp dẫn của giới trẻ.
Thực tế tại Việt Nam, nhiều cán bộ, kỹ thuật viên, chuyên viên đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện phần lớn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo khác, không đúng chuyên môn, làm việc đa phần dựa trên kinh nghiệm, hoặc tự học thêm, không được đào tạo bài bản. Do đó, chất lượng, hiệu quả công việc của các cơ quan, tổ chức này chưa cao, do trình độ chuyên môn còn chưa phù hợp, còn nhiều hạn chế. Số lượng các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông ngày một tăng. Bên cạnh các công ty, tổ chức truyền thống như truyền hình, báo chí đa phương tiện, mỹ thuật, điện ảnh, tổ chức sự kiện, giải trí... còn có rất nhiều công ty, tổ chức chuyên về thiết kế Games, mô phỏng, kỹ xảo 3D,... Tốc độ tăng trưởng mạnh và môi trường cạnh tranh gay gắt khiến cho nhu cầu về nhân lực của ngành Truyền thông đa phương tiện ngày càng cao.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm sẽ cần đến 21.600 người trong nhóm ngành Truyền thông - Quảng cáo. Tuy nhiên, số lượng sinh viên đăng ký ngành này mỗi năm chỉ khoảng 5.000 - 6.000 thí sinh/năm. 92% số học viên ra trường có việc làm với mức thu nhập trung bình từ 300 đến 1.000 USD. Điều này đồng nghĩa với việc ngành Truyền thông đa phương tiện luôn trong tình trạng “khan hiếm” nhân lực, vì vậy sinh viên sau khi tốt nghiệp luôn được các doanh nghiệp chào đón. Còn theo thống kê của We Are Social năm 2019, Việt Nam có 64 triệu người sử dụng internet, chiếm 67% dân số, internet trở thành công cụ quảng bá các sản phẩm truyền thông nhanh nhất. Tín hiệu này cho thấy ngành Truyền thông đa phương tiện trong tương lai vẫn là một ngành thời thượng, có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn với giới trẻ năng động, đam mê đổi mới.
Ngành Truyền thông đa phương tiện cung cấp kiến thức, kỹ năng tổng hợp, đưa đến vị trí công việc đa dạng và nhiều hấp dẫn. Sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia thị trường lao động ở nhiều công ty, tổ chức, như: Các đài phát thanh, truyền hình; Công ty truyền thông quảng cáo; Công ty sản xuất phim, video; Xưởng phim hoạt hình; Công ty sản xuất trò chơi; Công ty sản xuất phần mềm, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm cho các công ty sản xuất, dịch vụ,…
Các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông nhận định, mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 20.000 nhân lực trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện như: thiết kế đồ họa 2D/3D, thiết kế hoạt hình, thiết kế Games, thiết kế/phát triển Web, thiết kế sản phẩm R&D, thiết kế giao diện, tư vấn và thiết kế quảng cáo, nội dung đa phương tiện, sản xuất phim điện ảnh và truyền hình kỹ thuật số,... Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực hiện đang làm việc vừa thiếu, vừa có kiến thức nền tảng yếu, do không được đào tạo một cách bài bản. Mặt khác, cũng tạo ra một xu hướng cạnh tranh tất yếu về chất lượng của nguồn nhân lực phục vụ các ngành nghề. Do vậy, cần thiết phải nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kĩ năng làm việc cho nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực ngành Truyền thông đa phương tiện. Vì vậy, một trong những tiêu chí cần thiết phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp cho các cán bộ làm việc trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện, đảm bảo nguồn nhân lực trong ngành Truyền thông đa phương tiện phải có trình độ công nghệ thông tin, am hiểu kiến thức về mỹ thuật, kiến trúc, báo chí, truyền thông.
2.5. Đào tạo ngành truyền thông đa phương tiện của Trường Đại học Văn Lang
Trên nền tảng phát triển vững mạnh của Khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang tiếp tục đưa vào chương trình đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện. Đây là ngành học thuộc nhóm ngành Quan hệ Công chúng - Truyền thông, mã ngành: 7320104, tuyển sinh theo tổ hợp: A00, A01, C00 và D01; thời gian đào tạo: 4 năm và văn bằng: Cử nhân Truyền thông đa phương tiện. Khác với ngành học Quan hệ Công chúng (PR), ngành Truyền thông đa phương tiện tại Đại học Văn Lang là sự kết hợp của truyền thông và công nghệ. Đứng trên đôi vai của “gã khổng lồ công nghệ”, ngành Truyền thông đa phương tiện cho phép người học phát triển những kế hoạch chiến lược mang hiệu quả cao hơn, tác động và hấp dẫn với người tiêu dùng đương đại thông qua nhiều yếu tố: ngôn từ, hình ảnh và âm thanh, nhằm nhanh chóng tiếp cận và lan tỏa trong cộng đồng.
Truyền thông đa phương tiện là chương trình đào tạo được xây dựng theo chuẩn AUN - QA, nội dung đào tạo chuyên biệt, được Nhà trường đầu tư trọng điểm, có hệ thống phòng thực hành hiện đại với đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn và linh hoạt trong phương pháp giảng dạy. Đặc biệt, còn có sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia trong ngành là các nhà báo, các biên tập viên và các chuyên gia truyền thông có tiếng trong nước từ Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Thanh niên, Báo Tuổi trẻ, Báo Người Lao động,… Chương trình được thiết kế với nội dung thiên về thực hành, phát triển kĩ năng. Ngoài những kiến thức và kĩ năng cơ sở, sinh viên ngành Báo chí Đa phương tiện sẽ được trang bị những kiến thức, kĩ năng cần thiết của nhà báo đa phương tiện tác nghiệp trong môi trường báo chí truyền thông hiện đại. Người học sẽ được trang bị những kiến thức nền tảng, kỹ năng vững chắc, mới mẻ nhất về ngành học, về mỹ thuật và công nghệ thông tin, kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thuần thục về báo chí, truyền thông. Bên cạnh đó, sinh viên còn được đào tạo về các công cụ, phần mềm thiết kế đồ họa 2D, 3D, kỹ thuật xử lý hình ảnh, âm thanh, video, phương pháp tạo ra các sản phẩm đồ họa đa phương tiện mang tính tương tác cao, như: kỹ xảo điện ảnh, phim hoạt hình, game, website, đồ họa mô phỏng,… để đáp ứng tốt những yêu cầu của nền công nghiệp sáng tạo và giải trí hiện đại.
Theo đề án mở ngành Truyền thông đa phương tiện của Trường Đại học Văn Lang, người học được đào tạo để nắm bắt khối kiến thức xã hội và nhân văn, kiến thức về truyền thông và truyền thông đa phương tiện, kỹ năng ứng dụng công nghệ trong truyền thông, để có thể lựa chọn công việc đa dạng, trở thành các chuyên viên truyền thông, quản trị nội dung các kênh truyền thông trực tuyến, chuyên viên đối ngoại và quan hệ công chúng tại các tổ chức,…
Khóa đầu tiên ngành Truyền thông đa phương tiện của Trường Đại học Văn Lang hiện áp dụng tuyển sinh bằng phương thức xét kết quả học tập Trung học phổ thông (học bạ) và xét điểm thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh ngành Truyền thông đa phương tiện, trong tháng 7/2021, Trường Đại học Văn Lang cũng thông báo mở rộng tuyển sinh các ngành Kinh doanh quốc tế và Thương mại điện tử, đa dạng hóa lựa chọn của người học.
Hiện nay, Trường Đại học Văn Lang có 56 ngành đào tạo bậc đại học chính quy Chương trình tiêu chuẩn, trong đó có 15 ngành Đào tạo đặc biệt nâng cao năng lực ngoại ngữ và rèn luyện kỹ năng công dân toàn cầu cho người học; 5 chương trình cử nhân liên kết với các trường đại học quốc tế.
3. Kết luận
Cùng với sự phát triển của công nghệ, lĩnh vực truyền thông dần vươn lên như một lẽ tất yếu. Ngày nay, các chiến dịch marketing, quảng bá thương hiệu hay truyền tải thông điệp đến người dùng không chỉ dừng lại trong khuôn khổ ngôn từ, mà thông qua hình ảnh, âm thanh cùng các hoạt động sôi nổi trên nhiều nền tảng mạng xã hội, thúc đẩy truyền thông đa phương tiện (Multimedia Communications) trở thành một trong những ngành học được yêu thích và là lựa chọn hấp dẫn của giới trẻ. Truyền thông đa phương tiện là một ngành mới ở Việt Nam nên hiện cả nước có hơn 10 trường, học viện đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện trình độ đại học. Điều này cho thấy số lượng nhân lực được đào tạo trong và ngoài nước trình độ đại học đúng ngành Truyền thông đa phương tiện hiện nay còn ít so với nhu cầu thực tế.
Căn cứ vào kết quả khảo sát và phân tích nhu cầu thực tiễn về nhân lực ngành Truyền thông đa phương tiện ngày càng cao đã cho thấy việc mở ngành đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện tại Khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang là thực sự cần thiết, nhằm đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực truyền thông đa phương tiện, một trong những ngành nghề phát triển mạnh mẽ những năm gần đây.
Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin, việc phát triển truyền thông đa phương tiện là xu hướng phát triển tất yếu của các cơ quan báo chí ở Việt Nam.
Trong điều kiện bị ảnh hưởng dịch bởi Covid-19, Nhà trường sẽ tăng cường tư vấn hướng nghiệp, cung cấp chính xác thông tin về ngành đào tạo, thông tin về tuyển sinh thông qua các chương trình tư vấn trực tuyến, hàng ngày trên fanpage của Trường và của Trung tâm tuyển sinh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Phạm Minh Hạc (2001). Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Lê Quốc Vinh (2021), Chuyển đổi số trong báo chí: Bắt đầu từ tư duy thị trường. Truy cập tại: https://ictvietnam.vn/chuyen-doi-so-trong-bao-chi-bat-dau-tu-tu-duy-thi-truong-20210615110403993.htm
- Trường Đại học Văn Lang (2021). Quyết định về việc mở ngành và tuyển sinh đào tạo trình độ đại học Ngành Truyền thông đa phương tiện - Mã số: 7320104 ngày 12/7/2021.
THE MULTIMEDIA COMMUNICATION PROGRAM OF
VAN LANG UNIVERSITY AND THE DEMAND FOR HUMAN RESOURCES
IN THE MULTIMEDIA COMMUNICATION FIELD
TRAN NHU HAI
Faculty of Public Relations and Communications, Van Lang University
ABSTRACT:
Multimedia communication is an objective development trend to meet the information needs of people. Especially, in the context of the digital technology revolution, the multimedia communication field has become an inevitable trend in modern life and has attracted many young people to take part in. This paper analyzes the increasing demand for human resources in the multimedia communication field, thereby showing the need for the Faculty of Public Relations and Communication, Van Lang University to launch the Multimedia Communication program.
Keywords: multimedia training and education, demand for high quality human resources, workers, digital technology revolution.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 20, tháng 8 năm 2021]