Theo đó, Bộ Tài chính nhận định chính sách thu lệ phí trước bạ hiện hành đã đạt được nhiều kết quả như tăng cường quản lý nhà nước đối với tài sản, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người có quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước;…
Đặc biệt, số thu lệ phí trước bạ ô tô đã tăng mạnh, chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số thu lệ phí trước bạ với tỷ trọng bình quân giai đoạn 2017-2020 khoảng 73%. Riêng năm 2020, số thu lệ phí trước bạ ô tô là 24.679 tỷ đồng, có sự giảm so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 làm hạn chế nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, trong năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP, theo đó quy định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp này, kích thích nhu cầu mua ô tô của người dân đồng thời góp phần ổn định nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng Nghị định 140/2016/NĐ-CP cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điểm để phù hợp với bối cảnh mới. Trong đó, cần bổ sung quy định về mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện chạy pin nhằm khuyến khích việc sản xuất và sử dụng loại xe này, góp phần giảm thiểu lượng khí thải của các phương tiện giao thông, bảo vệ môi trường sinh thái.
Cụ thể, đề xuất "ô tô điện chạy pin nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (tương đương 5% - 7,5%) trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị định này (Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành và nộp lệ phí trước bạ từ lần thứ 2 trở đi với mức thu bằng mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi".
Ngoài ra, mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ được đề xuất đối với xe máy là 2%, từ lần thứ 2 trở đi được áp dụng mức thu 1%; đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự mức thu là 2%. Riêng ô tô chở người 9 chỗ ngồi trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần đầu mức 10%. Ô tô pick-up chở hàng có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500kg và 5 chỗ ngồi trở xuống, ô tô VAN có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500kg nộp lệ phí trước bạ lần đầu bằng 60% mức thu lần đầu của ô tô chở người 9 chỗ ngồi trở xuống.
Mức thu lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với ô tô điện chạy pin, ô tô chở người 9 chỗ ngồi trở xuống, ô tô pick-up và ô tô VAN nói trên là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Ví dụ, so sánh trong cùng phân khúc xe ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi, nếu ô tô truyền thống chạy bằng xăng hiện đang chịu mức thu lệ phí trước bạ là 10% - 15% (tùy từng địa phương), thì nếu Dự thảo của Bộ Tài chính được thông qua, ô tô điện chạy pin sẽ chịu mức thu lệ phí trước bạ là 5% - 7,5%. Nếu chiếc ô tô có giá 600 triệu đồng thì người dùng sẽ chỉ phải nộp lệ phí trước bạ khoảng 30-45 triệu đồng thay vì 60-90 triệu đồng như mức thu hiện hành.
Dù vậy, Bộ Tài chính cũng nêu rõ phương án này sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước của địa phương, bởi lệ phí trước bạ hiện là khoản thu nguồn thu 100% ngân sách địa phương.
Tại Báo cáo đánh giá tác động của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã làm rõ hơn nguyên nhân đưa ra mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin, thay vì giữ nguyên như hiện hành hay miễn hoàn toàn.
Theo Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), lượng xe điện hóa đăng ký tính đến hết năm 2020 chỉ khoảng 1.000 chiếc, chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 0,16%) trong tổng số lượng xe ô tô đăng ký lệ phí trước bạ. Nếu thực hiện chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ với ô tô điện, nhu cầu sử dụng sẽ tăng chủ yếu ở những đô thị lớn nơi có hạ tầng giao thông phát triển nên số lượng ô tô điện thực tế sẽ tăng không quá lớn. Do đó, mức tác động cụ thể đến số thu ngân sách nhà nước của việc thực hiện ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô điện tại mỗi địa phương sẽ là khác nhau và còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.
Trong khi đó, giải pháp khác là miễn 100% lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin được cho là sẽ tác động rất lớn đến số thu lệ phí trước bạ, ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước của địa phương; còn giải pháp giữ nguyên như hiện hành (mức thu 10%) lại không thể khuyến khích tiêu thụ loại xe thân thiện với môi trường này.
Nói cách khác, thu 50% là phương án cân bằng được giữa số thu lệ phí trước bạ, hay chính là thu ngân sách nhà nước của địa phương, và quyền lợi của người dùng cũng như doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy pin.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP đang được Bộ Tài chính công khai lấy ý kiến góp ý tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Trên thế giới hiện nay, xe ô tô điện gồm 4 dòng chính là xe hybrid (HEV - Hybrid Electric Vehicle), xe hybrid sạc ngoài (PHEV - Plug-in Hybrid Electric Vehicle), xe điện chạy pin (BEV - Battery-powered Electric Vehicle) và xe điện nhiên liệu Hydro (FCEV - Fuel-cell Electric Vehicle). Năm 2020, xe ô tô điện chạy pin (BEV) chiếm 2/3 lượng xe ô tô điện đăng ký mới.