Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor mới đưa ra nhận định, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam sẽ đạt khoảng 33 triệu USD vào năm nay và hơn 38 triệu USD vào năm 2020, tăng khoảng 16%. Cơ sở cho Euromonitor dự báo dựa trên 3 nền tảng:
Thứ nhất, Việt Nam đang trong thời kỳ đô thị hóa với tốc độ nhanh nhất ở Đông Nam Á. Năm 2020 dân số đô thị đạt khoảng 44 triệu người, chiếm 45% dân số cả nước, năm 2025 dân số đô thị khoảng 52 triệu người, chiếm 50% dân số cả nước. Đây là những khách hàng chủ yếu của dịch vụ giao đồ ăn.
Thứ hai, sự bùng nổ của hàng loạt ứng dụng công nghệ thông tin cho điện thoại thông minh và mạng internet, trong khi hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh, hơn 60% sử dụng internet. Đáng chú ý là thời gian sử dụng Internet trung bình của người Việt lên tới gần 7 tiếng/ngày. Điều này chứng minh rằng người Việt Nam đã dành lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng để phục vụ các nhu cầu khác nhau.
Thứ ba, nhiều doanh nghiệp nhảy vào thị trường này đã có tốc độ tăng trưởng khả quan. Một nghiên cứu mới được GCOMM công bố, 6 ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến được biết đến nhiều nhất ở thị trường Việt Nam gồm GrabFood, Foody/Now.vn, GoFood, Lala, Vietnammm và Lixi. GrabFood triển khai dịch vụ giao nhận thức ăn từ tháng 6/2018, đến nay chưa đầy 1 năm đã mở rộng hoạt động ra 15 tỉnh thành, số lượng đơn hàng bình quân hàng ngày tăng trưởng gấp 250 lần so với thời điểm chính thức ra mắt. Ra mắt vào tháng 9/2018 tại TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian ngắn Go-Viet đã có 6 triệu đơn hàng, và đầu tháng 4 năm nay mở rộng hoạt động ra Hà Nội. Now có khoảng 10.000 đơn hàng mỗi ngày…
Tới đây, thị trường giao đồ ăn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn do nhu cầu tăng lên nhanh chóng, đặc biệt trong giới trẻ và nhân viên văn phòng. Theo khảo sát của Havas Riverorchid có đến 80% người tham gia phỏng vấn cho biết họ đã từng sử dụng các dịch vụ giao đồ ăn. Thời gian chủ yếu tập trung vào các bữa ăn trưa, ăn tối trong tuần với các món ăn phổ biến như: gà rán, Pizza, mỳ Ý,… và đồ ăn Việt.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng Việt Nam có thói quen tìm kiếm dịch vụ này thông qua trang web hoặc đặt đồ ăn từ những nhà hàng đã quen biết trước. Nhu cầu lớn nhất người dùng là cải thiện các yếu tố như thời gian giao hàng nhanh hơn, chất lượng thức ăn ngon và đảm bảo, giá thành hợp lý vì không cần sử dụng không gian nhà hàng.
Yếu tố thời gian đã tạo lợi thế cho Grab, Go-Việt - với đội ngũ đối tác tài xế đông đảo chính giúp tốc độ giao hàng nhanh chóng. Tốc độ giao nhận một đơn hàng của GrabFood trung bình mất 25 phút và hãng này đang cam kết cắt giảm còn 20 phút.
5 tiêu chí quan trọng nhất được khách hàng xem xét khi quyết định lựa chọn dịch vụ đặt món:
1. Tốc độ giao hàng nhanh chóng (65%);
2. Món ăn được đóng gói gọn gàng, sạch sẽ (58%);
3. Món ăn được giao đến với chất lượng đảm bảo (56%);
4. Món ăn được giao chính xác theo đơn hàng đã đặt (50%);
5. Có nhiều món ăn với giá cả phải chăng (45%).