Điều tra thực trạng, đề xuất các giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo lớp học tình thương trên địa bàn tỉnh Bình Dương

ThS. TRẦN KIM SANG (Galaxy Language Center)

TÓM TẮT:

Việc phản ánh về thực trạng lớp học tình thương (LHTT) trên địa bàn tỉnh Bình Dương chỉ mới dừng lại ở những bài báo mà chưa có công trình nghiên cứu, điều tra cụ thể nào về vấn đề giáo dục trẻ LHTT. Đề tài lấy đại diện là nơi tập trung khu công nghiệp đang phát triển, thu hút nguồn lao động ngoài tỉnh như TX. Dĩ An, TX. Thuận An và TP. Thủ Dầu Một. Điều tra đã tập trung làm rõ phương pháp và những yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng, quá trình dạy và học, điều kiện học tập tại các LHTT. Từ đó, tác giả đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi học tập của các đối tượng LHTT, như cần thống nhất về cơ cấu tổ chức bộ máy nhân sự và vận hành chương trình; quy định chương trình LHTT, cũng như chuẩn đầu ra cho các đối tượng học sinh làm điều kiện xét và cấp giấy chứng nhận hoàn thành các cấp bậc LHTT, tập huấn đội ngũ giáo viên và thanh niên tình nguyện tham gia LHTT. Nghiên cứu nhằm phục vụ công tác quản lý giáo dục, vận động chính sách của chính quyền địa phương nhằm thực hiện bình đẳng trong giáo dục cho mọi trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ thiệt thòi.

Từ khóa: Quản lý giáo dục, bình đẳng giáo dục, lớp học tình thương, tỉnh Bình Dương.

1. Đặt vấn đề

Một đất nước chỉ đạt được sự văn minh khi an sinh xã hội của nước đó được quan tâm và thực hiện triệt để. Theo đó, trẻ em là mối quan tâm hàng đầu của thế giới và nhân loại, khi tình hình chính trị, xã hội càng phức tạp và hỗn loạn, thậm chí trẻ em được sử dụng như công cụ để phục vụ cho mục đích phi đạo đức, thì giáo dục càng trở nên quan trọng và cấp thiết giúp con người xa rời hành vi và ý nghĩ lệch lạc dẫn đến bị tha hóa, đặc biệt là giáo dục trẻ nhỏ, giáo dục chuyên biệt. Hiện nay, có rất nhiều mạnh thường quân, các nhà hoạt động xã hội, hoạch định chính sách giáo dục, tổ chức, doanh nghiệp và đoàn thể quan tâm đến vấn đề này. Nhận thấy được sự cấp thiết của vấn đề nêu trên, được sự quan tâm của Ban lãnh đạo Galaxy, tác giả đã tập trung thực hiện nghiên cứu điều tra về giáo dục trẻ em LHTT trên địa bàn tỉnh Bình Dương, lấy đại diện nơi tập trung khu công nghiệp đang phát triển và thu hút nguồn lao động nhập cư là TX. Dĩ An, TX.Thuận An và TP. Thủ Dầu Một. Điều tra sẽ tập trung làm rõ phương pháp và những yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng, quá trình dạy và học, điều kiện học tập. Từ đó, tác giả có cái nhìn toàn diện hơn vấn đề trọng yếu mà trẻ gặp phải ở đây là gì, đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi học tập của các em LHTT.

1.1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Đối tượng: Thực trạng ở các LHTT và các khía cạnh liên quan đến chất lượng giáo dục tại LHTT trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm tìm ra giải pháp giúp trẻ tiếp cận giáo dục nhiều hơn. Trong đó, cụ thể là Cụm 1 (TP. Thủ Dầu Một: 268 em, 10 cơ sở), Cụm 2 (TX. Thuận An: 263 em, 5 cơ sở), Cụm 3 (TX. Dĩ An: 245 em, 6 cơ sở).

Phương pháp nghiên cứu: Sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu, trong đó phương pháp định tính là phương pháp chủ đạo. Bên cạnh đó, để khai thác thông tin tối đa phục vụ cho nghiên cứu, tác giả kết hợp phương pháp có tham gia các cuộc phỏng vấn và phiếu khảo sát, tìm hiểu thêm từ nguồn tài liệu trên các phương tiện thông tin như: báo, tạp chí, internet, v.v.

2. Kết quả nghiên cứu

2.1. Thực trạng lớp học

2.2. Thời gian học

Qua khảo sát cho thấy, thời lượng học của từng cơ sở khác nhau (Bảng 2.2) do phần lớn các em phải phụ giúp gia đình nên thời gian LHTT chỉ diễn ra vào các buổi tối trong tuần. Việc không đồng nhất về thời gian, thời lượng học đã ảnh hưởng đến tiến độ học tập, chương trình giảng dạy và chất lượng lớp học. Theo đa số cán bộ quản lý lớp được tác giả phỏng vấn thì mỗi địa điểm tổ chức lớp sẽ tự quy định thời gian học tập riêng vì hiện chưa có quy định nào về thời gian học. Đây cũng là điểm khác biệt trong hoạt động giữa các LHTT với nhau nói riêng và với hệ thống giáo dục nói chung.

2.3. Đối tượng tham gia lớp học

Tham gia LHTT là các em nhà nghèo có hoàn cảnh gia đình không trọn vẹn, trẻ mồ côi; có em bị dị tật không thể xin hoặc tham gia học các trường công lập. Kết quả khảo sát tại 3 cụm với số phiếu điều tra 776 phiếu, thu về 544 phiếu cho thấy độ tuổi tham gia lớp học từ 5-28 tuổi, phổ biến nhất từ 9, 10, 11, 12 tuổi (12.5%; 15.8%; 14.2%; 15.7%); bậc học trẻ tham gia học nhiều nhất là lớp 1 (49.8%), kế đến là lớp 2 (25%). Kết quả ghi nhận: 66.7% trẻ đang sống cùng cả cha và mẹ; cô/chú/người thân (10.5%); ba (9.9%), mẹ (5.9%), ông/bà (2.4%), mái ấm dòng Phalo (4.6%). Để nắm bắt tình hình đời sống của các hộ nhập cư ở các cụm khảo sát, tác giả tiến hành thực hiện khảo sát trên đối tượng là cha/mẹ, người thân của trẻ đang sống cùng. Số phiếu phát ra là 776 phiếu, thu về 393 phiếu (chiếm hơn 50%). Sở dĩ số phiếu thu về giảm 1/2 là do nhiều nguyên nhân như không biết chữ, đổi chỗ ở, làm thất lạc,… Kết quả đã ghi nhận được 73.4% trẻ LHTT thuộc hộ dân nhập cư với đủ các nghề, phổ biến nhất là công nhân (59.2%), trong đó có 9.6% trẻ không biết người thân làm nghề gì. Thực tế cho thấy, 62.6% có công việc ổn định, số lần thay đổi công việc mới thường là 2 lần/2 năm và không thay đổi chỗ ở (76%). Bên cạnh đó, tình trạng hôn nhân/người thân trẻ LHTT ghi nhận: kết hôn (69.6%), ly hôn (22.8%), ly thân (7.7%). Trong số 393 phiếu thu về, có 111 phiếu xác nhận mức thu nhập hiện tại, kết quả ghi nhận được thu nhập trung bình mỗi tháng phổ biến nhất từ 3 triệu đến 5 triệu. Mức: 3 triệu (24.3%), 4 triệu (18%), cao nhất là 8 triệu (1.8%), thấp nhất là 900 ngàn (0.9%).

Kết quả ở bảng 2.3 cho thấy phần lớn trẻ đang tham gia lớp học trên 2 năm, đáng chú ý là có 29.9% trẻ đã học trên 5 năm vẫn chưa có cơ hội tiếp cận được bậc giáo dục cao hơn dù sự tiến bộ của trẻ được điều tra ghi nhận đạt ở mức 81.5%.

2.4. Chương trình đào tạo

Kết quả khảo sát cho thấy Toán và Tiếng Việt là hai môn học chính của LHTT. Từ tháng 02/2016, LHTT đưa thêm môn Tiếng Anh vào dạy thí điểm bởi các sinh viên năm 4 khoa sư phạm trường Đại học Thủ Dầu Một. Một số cơ sở LHTT áp dụng các môn Anh văn, đạo đức, tâm sinh lý, bơi, kỹ năng dưới dạng chủ đề để phù hợp với hoàn cảnh của từng cụm. LHTT An phú (cụm 2) được học bơi do khu vực này ở gần hồ bơi. Hoặc ở lứa tuổi 13-15, trẻ bắt đầu có những thay đổi về tâm sinh lý và cơ thể nên việc giáo dục tâm sinh lý, giới tính, cung cấp cho các em thông tin cần thiết để trẻ tự bảo vệ mình là rất cần thiết, đặc biệt là trẻ em gái. Tuy nhiên, môn Anh văn ở LHTT được dạy chung cho tất cả khối lớp trong cùng một lớp học.


Nguồn: Tác giả

Bảng 2.5 và Biểu đồ 2.1 cho thấy tình hình nhân khẩu tạm trú tại 3 cụm có chiều hướng tăng rất mạnh. Cụ thể, ở cụm 1 ghi nhận 13,263 khẩu năm 2011 thì 5 năm sau, con số này là 19,276 khẩu (2015), tương ứng ở cụm 2 là 22,103 khầu (2011), 298,261 khẩu (2015) và cụm 3 là 705 khẩu (2011); 67,110 khẩu (2015). Đáng chú ý, ở thời điểm 10/2014, số lượng dân tạm trú giảm rất mạnh ở cụm 2 là do ở thời điểm công nhân biểu tình phản đối Trung Quốc, dẫn đến việc công nhân thất nghiệp và chuyển địa bàn cư trú, học sinh LHTT ở cụm 2 tại thời điểm này cũng giảm khá mạnh do phải theo ba/ mẹ/ người thân. Điều này cho thấy số lượng dân nhập cư trên địa bàn có tương quan đến sự tăng/ giảm của trẻ LHTT. Khảo sát ghi nhận trẻ em theo gia đình di cư, làm việc ở các khu công nghiệp đã phải bỏ học tạm thời hoặc nghỉ học lâu dài. Ngoài ra, công việc và nơi ở không ổn định của các gia đình di cư cũng ảnh hưởng bất lợi đến việc học tập của trẻ.

2.5. Cơ sở hạ tầng của trường học

Rào cản liên quan đến cơ sở hạ tầng trường học bao gồm số lượng và chất lượng của trường học, phòng học, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ giáo dục hòa nhập cho trẻ em còn nghèo nàn; khoảng cách đến trường xa và thiếu phương tiện giao thông. Vì vậy, cơ hội đi học và duy trì việc học ít nhất là đến khi hoàn thành cấp học, đến điều kiện học tập bị ảnh hưởng và làm tăng các thách thức đối với tình trạng trẻ em ngoài nhà trường (Unicef, 2013, p.84). Kết quả khảo sát ý kiến trên 393 đối tượng là cha/mẹ, ông/ bà, người thân của trẻ chỉ có 29.5% đánh giá cơ sở vật chất đáp ứng việc học; trong khi đó 69.7% cho rằng tình trạng hiện tại thiếu thốn, cần phải trang bị và đầu tư thêm như bàn ghế, phòng học chật hẹp, bóng đèn lớp học, sách vở, nhà vệ sinh, v.v.

2.6. Kết quả học tập

Kết quả học tập của trẻ LHTT ở cụm 1 và cụm 3 chưa được công nhận, điều này cũng cho thấy chưa có sự thống nhất trong hệ thống quản lý giáo dục LHTT trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm khảo sát, số học sinh LHTT học ở trường TH công lập và bậc cao hơn như cụm 1 (Phú Mỹ: 5 trẻ học tiếp bậc cao hơn), cụm 2 (5 trẻ), cụm 3 (Đông Hòa: 03 trẻ học tiểu học Đông Hòa).

2.7. Nguồn lực tham gia giảng dạy

Kết quả tổng hợp từ số liệu của Thành đoàn TP. Thủ Dầu Một và Thị đoàn Thuận An, Dĩ An (bảng 2.6) cho thấy cụm 1 có nguồn lực nhân sự cao nhất do có sự tham gia thực tế hoạt động xã hội của sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một tại các lớp trên địa bàn cụm 1, tuy nhiên, số lượng này giảm đáng kể khi sinh viên kết thúc thực tập. Tình trạng thiếu SV-TNTN và giáo viên có nghiệp vụ sư phạm của các LHTT tại cụm 2, cụm 3 và một số lớp khác thuộc cụm 1 đang trong giai đoạn báo động đỏ. Khó khăn chính hiện nay là trình trạng “thiếu giáo viên”, “giáo viên chưa đạt yêu cầu” và giáo viên nâng cao trình độ trong quá trình giảng dạy. Trên thực tế, một giáo viên quản lý từ 40-50 em với đủ các khối lớp.

2.8. Quản trị xã hội và năng lực, công tác quản lý

Hiện tại mỗi cơ sở lớp học ở 3 cụm khảo sát tự tổ chức công tác quản lý lớp học. Trong những năm gần đây do tình hình nhập cư tăng nên số lượng học sinh LHTT trên địa bàn cũng tăng. Theo số liệu Cục Thống kê, hiện Thuận An là cụm dẫn đầu lượng nhân khẩu tạm trú dưới 6 tháng (298,261 khẩu); trong khi đó, Dĩ An lại chiếm số lượng khẩu tạm trú trên 6 tháng cao nhất trong 3 cụm khảo sát là 180,203 khẩu. Hiện tại, LHTT chỉ tập trung và dừng ở mức độ xóa mù chữ cho trẻ (biết đọc chữ, tính toán) nên trẻ phần lớn chỉ học 2 môn cốt lõi là môn Toán và Tiếng Việt, trong khi các môn kỹ năng, khoa học và xã hội, tiếng anh, tin học chưa được quan tâm và phát triển. Thêm vào đó, vấn đề nan giải nhất là thiếu đội ngũ giáo viên chất lượng lâu dài gắn bó với lớp và đặc biệt là cán bộ nồng cốt quản lý chương trình LHTT của tỉnh.

2.9. Công tác thông tin và truyền thông

Trong hệ thống giáo dục và đào tạo các ngành nghề ở các bậc đại học, cao đẳng, trung cấp… thông tin truyền thông luôn được xem là sự lựa chọn thông minh để truyền tải đến các học sinh phổ thông và các bậc phụ huynh trong việc hướng nghiệp cho con em mình (Nguyễn Văn Dững, 2011). Đặc biệt, nó càng trở nên quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động giúp các hộ nhập cư tiếp cận được LHTT, hiểu hơn về tầm quan trọng của giáo dục.

Kết quả ở bảng 2.7 cho thấy, 68.8% LHTT được biết đến là từ bà con, lối xóm (trọ) chỉ. Do đó, kênh thông tin nhà trọ, các câu lạc bộ nhà trọ đối với LHTT cần được quan tâm hơn. Do chưa có quy định nào về việc chủ nhà trọ phải có nghĩa vụ thông báo địa điểm LHTT nên phần lớn chủ nhà trọ sẽ hướng dẫn cho đối tượng nào quan tâm hỏi. Trong 3 cụm điều tra, cụm 1 là cụm có công tác thông tin và truyền thông được thực hiện tốt hơn. Trong 20 địa chỉ LHTT, phường Hiệp Thành có biển hiệu địa điểm tiếp nhận học sinh LHTT với đầy đủ thông tin về lớp học, lịch học, v.v.

3. Kết luận và khuyến nghị

Từ kết quả điều tra, nắm bắt những thực tế tồn tại, tác giả khuyến nghị như sau:

- Cơ cấu bộ máy tổ chức nhân sự quản lý và vận hành chương trình LHTT thống nhất trên toàn địa bàn tỉnh.

- Thành lập Ban chỉ đạo quản LHTT trên toàn địa bàn tỉnh.

- Tập huấn kỹ năng giảng dạy cho TN-GVTN nhằm thống nhất phương pháp giảng dạy; đề ra chính sách rõ ràng dành cho giáo viên, TNTN.

- Triển khai chương trình đăng ký hoạt động tình nguyện giảng dạy đối với toàn bộ giáo viên bậc tiểu học. Bên cạnh đó, việc kết nối giáo viên bậc tiểu học đã về hưu tham gia chương trình vì cộng đồng nên được quan tâm nhiều hơn.

- Quy định chương trình học LHTT, cũng như chuẩn đầu ra cho các đối tượng này để làm điều kiện xét và cấp chứng nhận hoàn thành các cấp bậc LHTT.

- Triển khai thống nhất chương trình đào tạo có tăng cường các môn học khoa học xã hội, kỹ năng và ngoại ngữ, công tác quản lý trên toàn tỉnh. Thực hiện giám sát chặt chẽ công tác kiểm tra chất lượng lớp học, công tác thông tin truyền thông, quản lý học sinh, quy định đối với học sinh chặt chẽ hơn.

- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng việc dạy và học cho LHTT.

- Mở rộng mạng lưới LHTT trên nhiều địa bàn. Song song thiết kế trang web quản lý lớp học giúp thông tin LHTT đến với cộng đồng nhiều hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Lê Thị Ánh (2015). Vấn đề giáo dục cho trẻ em nghèo tại Trường Tình thương Bà Mười.

2. Nguyễn Văn Dững (2011). Báo chí Truyền thông hiện đại, từ hàn lâm đến đời thường, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” ban hành theo Quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 04/05/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Luật Giáo dục của nước CHXHCN ViệtNam (2005). NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội.

5. Niên giám Thống kê giáo dục, Trung tâm thông tin Giáo dục, Hà Nội, (2006, 2012).

6. Niên giám Thống kê tỉnh Bình Dương (2014).

7. Uniceft. Báo cáo Trẻ em ngoài nhà trường (2013). Bộ Giáo dục và Đào tạo.

INVESTIGATE THE CONDITIONS AND PROPOSE

SOME SOLUTIONS IN MANAGEMENT SO

AS TO ENHANCE CHARITABLE CLASSROOMS ‘

QUALITY IN BINH DUONG PROVINCE

MA. TRAN KIM SANG

Galaxy Language Center

ABSTRACT:

For the time, charitable classrooms status has been only reported by newspaper articles not by specific investigation or researches regarding the education of children and adults in these classes. This study takes reprsentative samples in the areas of developing industrial parks and immigration workers such as Di An, Thuan An Town, and Thu Dau Mot City. It elaborates the methodologies and factors affecting quality of teaching and learning. Thereon, the author proposes various measures to ensure learning rights of these children and adults including the agreements of staff management and curriculum operations; curriculum regulations of its class and graduate standard of students as the basis for issuing certificates of completion at all levels; teachers and youth volunteers training to participate in. This study is to serve education management, call for local authoritys policies of equality in education of every children and adults, especially, of those in disadvantaged groups.

Keywords: Education management, disadvantaged children, educational equality, charitable classroom.


Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây