Tóm tắt:
Những năm gần đây, các tranh chấp trong khuôn khổ WTO về việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đang có xu hướng gia tăng. Các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ngày càng chủ động áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường nội địa. Vì lý do này, một số nước đang phát triển đã trở thành bị đơn trong các vụ tranh chấp liên quan đến các biện pháp này. Trước tình hình đó, cơ quan quản lý thương mại của Việt Nam cần xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực xử lý tranh chấp quốc tế, nhằm đảm bảo việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tuân thủ quy định của WTO và giảm thiểu rủi ro pháp lý. Do đó, bài viết này đề xuất những định hướng cho Việt Nam cần có những biện pháp chiến lược để bảo vệ lợi ích quốc gia và tránh rơi vào thế bị động trước các biến động của thương mại quốc tế.
Từ khóa: phòng vệ thương mại, trợ cấp, bán phá giá, WTO, tranh chấp.
1. Khái quát về các biện pháp phòng vệ thương mại
Phòng vệ thương mại (PVTM) là những biện pháp tạm thời mà một quốc gia áp dụng để bảo vệ nền sản xuất trong nước trước hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu. Mục tiêu của các biện pháp này để đảm bảo sự cân đối trong thương mại, bảo vệ lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng trong nước (Brown, 2005).
Theo Điều 67 Luật Quản lý ngoại thương 2017, các biện pháp PVTM bao gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ. Các biện pháp này do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trong những trường hợp cụ thể.
![phòng vệ thương mại](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/12/dinh-huong-cho-viet-nam-truoc-xu-huong-gia-tang-tranh-chap-ve-ap-dung-bien-phap-phong-ve-thuong-mai_67ac2027821f2.jpg)
Việc áp dụng các biện pháp PVTM phải phù hợp với những nguyên tắc Việt Nam đã cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhìn chung, để áp dụng các biện pháp này, một nước thành viên WTO phải tuân thủ những quy định hết sức nghiêm ngặt về điều tra và đánh giá thông tin. Chỉ khi cơ quan quản lý thương mại của một nước thành viên có bằng chứng rõ ràng về hành vi bán phá giá của doanh nghiệp nước ngoài, hành vi trợ cấp của chính phủ nước ngoài hoặc sự gia tăng nhanh của khối lượng nhập khẩu, gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước thì mới tiến hành áp dụng các biện pháp này. Các biện pháp được phép áp dụng bao gồm thuế nhập khẩu, hạn ngạch nhập khẩu hoặc các biện pháp khác. Việc áp dụng các biện pháp này chỉ mang tính chất tạm thời nhằm khôi phục quan hệ cạnh tranh và tính ổn định của thị trường nội địa.
2. Xu hướng gia tăng tranh chấp về áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong WTO
Một xu hướng quan trọng là số lượng tranh chấp liên quan tới việc áp dụng các biện pháp PVTM có sự gia tăng đáng kể trong các năm gần đây. Theo thống kê của tác giả dựa trên danh mục tranh chấp được WTO công bố, tính đến tháng 8/2024, trong số 30 tranh chấp gần nhất (mang số hiệu DS600-DS629), số vụ kiện liên quan tới các biện pháp phòng vệ thương mại là 13/30 vụ.
Đơn cử một số hiệu vụ tranh chấp và vấn đề tranh chấp chính được liệt kê như sau:
- DS601: Nhật Bản kiện Trung Quốc về biện pháp chống bán phá giá với các sản phẩm thép không gỉ
- DS602: Úc kiện Trung Quốc về biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với rượu vang
- DS603: Trung Quốc kiện Úc về biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với một số sản phẩm
- DS605: Costa Rica kiện Cộng hòa Dominica về biện pháp chống bán phá giá đối với thanh thép sóng
- DS606: Saudi Arabia kiện Liên minh Châu Âu (EU) về thuế chống bán phá giá tạm thời đối với mono-ethylene glycol
- DS614: Argentina kiện Peru về các biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với dầu sinh học
- DS616: Indonesia kiện EU về thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội phẳng
- DS617: Argentina kiện Hoa Kỳ về biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa ống dầu từ Argentina
- DS618: Indonesia kiện EU về thuế chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu dầu sinh học
- DS622: Indonesia kiện EU về biện pháp chống bán phá giá đối với axit béo
- DS623: Trung Quốc kiện Hoa Kỳ về một số khoản tín dụng thuế theo Đạo luật giảm lạm phát
- DS626: Trung Quốc kiện EU về thuế chống trợ cấp tạm thời đối với xe điện chạy bằng pin mới
- DS628: EU kiện Trung Quốc về việc khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu một số sản phẩm từ sữa
Xét về nguyên nhân, sự gia tăng tranh chấp liên quan tới việc áp dụng các biện pháp PVTM trong những năm gần đây bắt nguồn từ một số nhóm nguyên nhân chính sau đây:
Nhu cầu chống bán phá giá và chống trợ cấp
Việc gần một nửa số tranh chấp gần đây tại WTO liên quan đến các biện pháp PVTM cho thấy sự gia tăng nhu cầu sử dụng các công cụ chính sách này. Việc áp dụng các biện pháp này cho thấy các nước đang tập trung bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. Đặc biệt, biện pháp chống trợ cấp là công cụ hiệu quả để ngăn chặn các sản phẩm được chính phủ nước ngoài hỗ trợ, tạo ra lợi thế không chính đáng cho sản phẩm xuất khẩu trên thị trường quốc tế.
Vai trò của thuế quan suy giảm
Một yếu tố quan trọng khác dẫn đến gia tăng tranh chấp về PVTM là sự suy giảm trong vai trò của thuế quan truyền thống. Khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu trong WTO được áp dụng rộng rãi, mức thuế nhập khẩu bình quân đã giảm xuống đáng kể. Do đó, các quốc gia sẽ gặp khó khăn hơn trong việc bảo vệ ngành công nghiệp nội địa bằng thuế quan.
Trong xu hướng đó, nhiều nước đã chuyển sang áp dụng các biện pháp PVTM để lấp khoảng trống vốn vẫn còn dư địa chính sách. Trong nhiều trường hợp, đây là những biện pháp mang tính bảo hộ trá hình, cho phép các nước bảo vệ ngành sản xuất nội địa mà không vi phạm các cam kết cắt giảm thuế quan trong WTO hoặc các thỏa thuận song phương và khu vực.
Cạnh tranh trong các ngành chiến lược và công nghệ cao
Một xu hướng nổi bật trong số các tranh chấp trên là chúng liên quan nhiều đến các ngành công nghệ và sản phẩm chiến lược như xe điện và năng lượng tái tạo. Thí dụ, EU áp thuế tạm thời đối với xe điện từ Trung Quốc (DS626) với lý do xe điện Trung Quốc nhận trợ cấp làm thay đổi điều kiện cạnh tranh. Điều này phần nào cho thấy sự lo ngại của EU trước sức ép từ hàng nhập khẩu và tham vọng phát triển của Trung Quốc trong ngành công nghiệp xe điện.
Tương tự, Úc và Trung Quốc cũng liên tục nảy sinh mâu thuẫn trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng và nguyên liệu thô. Các tranh chấp này không chỉ xoay quanh lợi ích kinh tế mà còn là sự cạnh tranh quyền lực giữa các quốc gia về công nghệ và vị thế thị trường trong tương lai.
Bảo vệ ngành nông nghiệp và năng lượng tái tạo
Các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng sạch cũng là tâm điểm của nhiều tranh chấp thương mại. Trung Quốc tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp đối kháng đối với rượu vang của Australia (DS602) và các sản phẩm sữa từ EU (DS628). Tương tự, Peru và EU bị kiện vì áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với biodiesel nhập khẩu từ Argentina và Indonesia (DS614, DS618).
Xu hướng này phản ánh nỗ lực của các quốc gia trong việc bảo vệ thị phần và chuỗi cung ứng giữa bối cảnh thị trường nông nghiệp và năng lượng sạch đang ngày càng trở nên quan trọng. Việc bảo hộ các sản phẩm nông nghiệp không chỉ nhằm bảo vệ sản xuất trong nước mà còn để đảm bảo an ninh lương thực và kiểm soát nguồn năng lượng trong tương lai.
Căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh thương mại
Các tranh chấp gần đây cũng phản ánh rõ sự phức tạp của mối quan hệ địa chính trị giữa các quốc gia. Ví dụ, mâu thuẫn giữa Úc và Trung Quốc đã dẫn đến các cuộc điều tra và vụ kiện liên quan đến sản phẩm và nguyên liệu của nhau (DS602, DS603). Tương tự, EU đối phó với sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc vì quan ngại về chính sách trợ cấp của nước này (DS626).
Những tranh chấp này không chỉ là vấn đề thương mại đơn thuần mà còn mang yếu tố chính trị khi các quốc gia cố gắng sử dụng biện pháp thương mại như công cụ ngoại giao, gây sức ép lên đối thủ hoặc bảo vệ lợi ích chiến lược của mình.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 cũng đã góp phần làm gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại và tranh chấp thương mại quốc tế. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và kinh tế nội địa gặp nhiều khó khăn, nhiều quốc gia đã tăng cường sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Hậu quả là sự gia tăng các vụ kiện và tranh chấp tại WTO trong giai đoạn sau đại dịch, đặc biệt khi các quốc gia tìm cách phục hồi kinh tế bằng cách bảo vệ thị trường nội địa và ngăn chặn sự xâm nhập của hàng nhập khẩu giá rẻ.
3. Xu hướng các nước đang phát triển trở thành bị đơn trong các vụ kiện phòng vệ thương mại
Ngoài ra, dường như đang có sự chuyển dịch chuyển về vị trí của các bên tranh chấp. Từ trước tới nay, thông thường hàng hóa đến từ các nước đang phát triển dễ bị các nước phát triển áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp hoặc thuế tự vệ. Điều đó đồng nghĩa với việc các nước đang phát triển sẽ là nguyên đơn trong các vụ kiện về phòng vệ thương mại trong khuôn khổ WTO khi cho rằng các nước phát triển áp dụng các biện pháp này thiếu công bằng.
Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều vụ kiện về áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và các nước đang phát triển là bị đơn. Đơn cử, năm 2021, Nhật Bản đã khởi kiện Trung Quốc ra WTO về các biện pháp áp thuế chống bán phá giá mà Trung Quốc áp dụng đối với phôi thép không gỉ, thép cuộn cán nóng và thép tấm cán nóng từ Nhật Bản (DS601).
Cùng năm này, Australia khởi kiện Trung Quốc về biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Trung Quốc áp dụng đối với rượu đóng chai đựng trong thùng từ 2 lít trở xuống nhập khẩu từ Australia (DS602). Trung Quốc và Australia thậm chí có những vụ kiện qua lại liên quan đến vấn đề bán phá giá (DS602 và DS 603).
Việc các nước đang phát triển trở thành bị đơn trong các vụ kiện về áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho thấy các biện pháp này không chỉ còn là công cụ được sử dụng phổ biến bởi các nước phát triển nhằm bảo vệ thị trường nội địa. Trước đây, các nước phát triển thường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, như thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa khỏi hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Tuy nhiên, gần đây, nhiều quốc gia đang phát triển đã chủ động sử dụng chính các biện pháp này để bảo vệ thị trường nội địa, dẫn đến việc trở thành bị đơn trong các tranh chấp tại WTO. Ví dụ, Indonesia đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép từ EU, dẫn đến vụ kiện DS616.
Khi các nước đang phát triển gia tăng năng lực sản xuất và trở thành các nhà xuất khẩu lớn, họ gặp phải nhiều áp lực bảo vệ ngành công nghiệp nội địa khỏi các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ. Điều này khiến các nước này áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng các vụ kiện từ đối tác thương mại. Ví dụ, Trung Quốc, từ một quốc gia chủ yếu bị áp dụng biện pháp phòng vệ, hiện đã trở thành bị đơn vì các biện pháp thuế chống trợ cấp và bán phá giá đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU và Australia (DS602, DS628).
Một yếu tố khác là các nước đang phát triển học cách phản ứng với các biện pháp bảo hộ mà trước đây nước phát triển áp đặt lên họ. Những quốc gia này áp dụng các biện pháp tương tự để bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa đang nổi, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng tái tạo và công nghệ. Ví dụ, Trung Quốc điều tra và áp dụng thuế đối với các sản phẩm sữa từ EU trong vụ DS628, phản ánh nỗ lực cân bằng cạnh tranh thương mại quốc tế.
Ngoài ra, còn phải kể đến tác động của chiến lược nội địa hóa sản xuất. Trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển thúc đẩy chiến lược nội địa hóa, nhiều ngành công nghiệp nhận được trợ cấp và ưu đãi từ nhà nước. Điều đó dễ dẫn đến tranh chấp, vì các nước khác coi đây là hành vi cạnh tranh không công bằng. Ví dụ, Trung Quốc đang đối mặt với vụ kiện từ EU về trợ cấp xe điện (DS626) do lo ngại rằng các chính sách ưu đãi của Trung Quốc gây lũng đoạn thị trường. Như vậy, sự gia tăng vai trò của các nước đang phát triển trong việc áp dụng các biện pháp PVTM không chỉ là biểu hiện của năng lực sản xuất và xuất khẩu cải thiện, mà còn cho thấy những quốc gia này đã học cách sử dụng các biện pháp thương mại chiến lược. Điều này dẫn đến các tranh chấp PVTM trong đó nước đang phát triển là bị đơn ngày càng nhiều trong hệ thống WTO.
4. Định hướng cho Việt Nam
Trên thực tế, Việt Nam là một quốc gia liên quan đến nhiều vụ kiện về áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Tính đến nay, 4/5 vụ tranh chấp của Việt Nam trong khuôn khổ WTO liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại và trong tất cả các vụ kiện này, Việt Nam đều đóng vai trò nguyên đơn. Điều đó cho thấy hàng hóa của Việt Nam dễ trở thành đối tượng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi xuất khẩu sang một số thị trường, đặc biệt là Hoa Kỳ. Gần đây nhất, Hoa Kỳ đã điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong và thuế chống trợ cấp đối với tôm xuất khẩu từ Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng nhập khẩu. Ví dụ, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với đường có xuất xứ từ Thái Lan theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15/6/2021, với tổng mức thuế là 47,64%, bao gồm 42,99% thuế chống bán phá giá và 4,65% thuế chống trợ cấp. Các biện pháp này có hiệu lực trong vòng 5 năm, đến ngày 15/6/2026. Ngoài ra, theo Quyết định số 691/QĐ-BCT ngày 21/3/2023, sản phẩm thép dài nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục bị áp thuế tự vệ từ ngày 22/3/2023 đến ngày 21/3/2026, với mức thuế tự vệ khởi điểm 6,3% và giảm dần còn 6,2% và 6,1% vào các năm tiếp theo.
Việt Nam có nguy cơ trở thành bị đơn trong các vụ kiện tại WTO, nếu các quốc gia xuất khẩu cho rằng biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam vi phạm các quy tắc quốc tế. Để giảm thiểu rủi ro pháp lý, Bộ Công Thương cần thận trọng rà soát các quy định của WTO trong quá trình điều tra và ra quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ. Việc tham gia các vụ kiện tại WTO với tư cách bên thứ ba cũng là cách để tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị cho tình huống bị khởi kiện trong tương lai.
Khi đối mặt với nguy cơ bị đơn trong các vụ kiện phòng vệ thương mại, Việt Nam cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và theo dõi biện pháp phòng vệ của các đối tác thương mại. Cơ chế này sẽ giúp doanh nghiệp trong nước theo dõi những thay đổi chính sách của các nước nhập khẩu và điều chỉnh kịp thời hoạt động xuất khẩu để tránh trở thành đối tượng của các biện pháp chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp. Đồng thời, nâng cao năng lực pháp lý cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước là rất cần thiết. Việt Nam cần đào tạo chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực thương mại quốc tế và WTO nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với tranh chấp. Đầu tư vào đội ngũ chuyên gia sẽ giúp Việt Nam tự tin hơn khi tham gia cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO.
Việt Nam cũng cần tăng cường minh bạch và tuân thủ các cam kết quốc tế. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải được thực hiện một cách minh bạch và phù hợp với cam kết trong WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhằm giảm thiểu nguy cơ bị cáo buộc trợ cấp không công bằng. Chủ động hợp tác quốc tế và thúc đẩy ngoại giao thương mại cũng là một yếu tố quan trọng. Việt Nam có thể hợp tác với các nước đang phát triển khác để chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng mặt trận chung trong các tranh chấp tại WTO. Đồng thời, ngoại giao thương mại cần được đẩy mạnh để thương lượng và giải quyết tranh chấp thông qua con đường ngoại giao, trước khi phải nhờ đến cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.
Ngoài ra, Việt Nam còn cần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào một số thị trường chính. Việc mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ, mà còn tăng khả năng cạnh tranh và duy trì sự ổn định trong thương mại quốc tế. Những giải pháp này sẽ giúp Việt Nam không chỉ đối phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ thương mại mà còn củng cố vị thế trong hệ thống thương mại toàn cầu.
Cuối cùng, trong bối cảnh cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO gặp khủng hoảng, với nhiều tranh chấp bị đình trệ và các quốc gia đối mặt với khó khăn trong thi hành quyết định của cơ quan giải quyết tranh chấp, Việt Nam cần có những biện pháp chiến lược để bảo vệ lợi ích quốc gia và tránh rơi vào thế bị động trước các biến động của thương mại quốc tế.
5. Kết luận
Xu hướng gia tăng các tranh chấp về biện pháp phòng vệ thương mại trong WTO đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam, đòi hỏi sự chuẩn bị cẩn trọng. Để ứng phó hiệu quả, Việt Nam cần rà soát quy định nội luật, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và tăng cường minh bạch trong các biện pháp phòng vệ. Đồng thời, việc đào tạo chuyên gia và phát triển cơ chế cảnh báo sớm sẽ giúp doanh nghiệp chủ động đối phó với rủi ro thương mại. Hợp tác quốc tế và ngoại giao thương mại cũng là công cụ quan trọng để giải quyết tranh chấp, giảm thiểu căng thẳng. Những biện pháp này sẽ giúp Việt Nam không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn củng cố vị thế trong hệ thống thương mại toàn cầu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Lâm Hồng Loan Chi, Nguyễn Hoàng Thiện (2022), Pháp luật Việt Nam về chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện, Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế, Trường Đại học Tây Đô, số 15, tr. 154 - 165.
- Đăng Huy (2022), Tăng cường rà soát, hoàn thiện pháp luật về phòng vệ thương mại, Tạp chí Công Thương, truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tang-cuong-ra-soat-hoan-thien-phap-luat-ve-phong-ve-thuong-mai-102105.htm
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017). Luật Quản lý Ngoại thương.
- Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018). Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.
- Bộ Công Thương (2021). Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15/6/2021 quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ vương quốc Thái Lan.
- Bộ Công Thương (2023). Quyết định số 691/QĐ-BCT ngày 21/3/2023 quyết định gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép dài nhập khẩu.
- Bown, Chad P.. (2005). Trade Remedies and World Trade Organization Dispute Settlement : Why Are So Few Challenged?. Policy Research Working Paper; No. 3540. World Bank, Washington, DC.
- Trần Viết Long (2023). Pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Kỳ 2 (Số 393), tháng 11/2023.
NAVIGATING VIETNAM AMID GROWING DISPUTES OVER TRADE DEFENSE MEASURES
Dinh Khuong Duy
Faculty of Law, University of Economics Ho Chi Minh City
Abstract:
In recent years, disputes within the World Trade Organization (WTO)’s framework concerning the application of trade defense measures have significantly increased. Developing countries, including Vietnam, are increasingly employing trade remedies to safeguard their domestic industries, which has led to their involvement as respondents in related disputes. This trend underscores the urgent need for Vietnam's trade regulatory authorities to develop a robust framework and strengthen their capacity to manage international trade disputes effectively. Ensuring that Vietnam’s trade defense measures align with WTO regulations is crucial to minimizing legal risks and fostering a stable trade environment.
Keywords: trade remedies, susidies, anti-dumping, WTO, dispute.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22 tháng 10 năm 2024]