Định vị nền sản xuất Việt Nam trong bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu

TS. ĐẶNG THỊ HUYỀN ANH (Bộ môn kinh tế - Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp cận nền sản xuất tiên tiến thế giới đối với các quốc gia nhỏ. Tuy nhiên, lợi ích từ GVC không chia đều cho tất cả các nước tham gia mà tùy thuộc vào đặc điểm vị trí mỗi nước trên bản đồ GVC. Bài viết tập trung xác định vị trí của Việt Nam trên bản đồ GVC từ phân tích các giải pháp định hướng nhằm gia tăng phần lợi ích GVC đem lại, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.

Từ khóa: Chuỗi giá trị toàn cầu, GVC, xuất khẩu, hệ số khoảng cách, mức độ tham gia GVC.

I. Đặt vấn đề

Chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) là một hệ thống liên kết các công đoạn được thực hiện tại các quốc gia khác nhau trong quá trình sản xuất ra các hàng hóa và dịch vụ hoàn chỉnh. Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đem lại cơ hội tiếp cận từ đó làm chủ một hoặc nhiều công đoạn trong dây chuyền sản xuất thế giới, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy vậy, xác định vị trí một quốc gia trong bản đồ GVC nhằm nhận thức rõ thực trạng cũng như định hướng phát triển sản xuất và thu hút đầu tư là vấn đề đặt ra đối với các nhà hoạch định vĩ mô.

Bài viết tập trung giải quyết hai mục tiêu: (1) tìm hiểu về bản đồ GVC và phân tích vị trí của Việt Nam trên bản đồ GVC, từ đó (2) xác định hướng đi của Việt Nam trên bản đổ GVC thực hiện mục tiêu gia tăng lợi ích thu được trong lộ trình gia nhập mạng lưới sản xuất toàn cầu.

II. Bản đồ GVC và sự phân phối giá trị gia tăng đối với các quốc gia

Xây dựng bản đồ giá trị toàn cầu và xác định vị trí các quốc gia là một câu hỏi đặt ra cho rất nhiều nghiên cứu trong nước và thế giới, đặc biệt là những nghiên cứu gần đây. Koene Backer (2013) đã xác định bản đồ GVC cho các nước OECD và một số quốc gia khác và khẳng định xu hướng phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng quan trọng của các chuỗi giá trị toàn cầu trong 2 thập kỷ gần đây. Tương tự, Erik van der Marel (2015) cũng xây dựng bản đồ GVC tổng thể cũng như phân tích vị trí các nước OECD trong một số ngành sản xuất cụ thể như: nông sản, may mặc, ô tô… Ramonette B. Serafica (2015) lại tập trung xây dựng bản đồ GCV tại các nước APEC và khẳng định vị trí của các chuỗi dịch vụ trong bản đồ GVC. Mặc dù các nghiên cứu phân tích các góc độ khác nhau và đặt trọng tâm quan tâm vào các quốc gia/ khối quốc gia khác nhau, các nghiên cứu gần đây đều sử dụng mô hình Inter Country Input Output (ICIO) và cho rằng bản đồ GVC cần được tiếp cận qua số liệu thương mại toàn cầu.

1. Các thước đo để định vị một quốc gia trong bản đồ gía trị toàn cầu

Theo hướng dẫn của OECD, 3 thước đo phổ biến nhằm xây dựng bản đồ GVC và định vị các quốc gia gồm:

- Mức độ tham gia GVC:

Chỉ tiêu này phản ánh quy mô hay mức độ mà nền sản xuất mỗi nước tham vào mạng lưới sản xuất toàn cầu trong tương quan với hoạt động xuất khẩu của quốc gia đó. Mức độ tham gia GVC trong tổng kim ngạch xuất khẩu được xác định từ tỷ lệ % trong tổng kim ngạch xuất khẩu của phần gía trị gia tăng của nhập khẩu đầu vào cho xuất khẩu (chính là giá trị liên kết trước) và phần giá trị sản phẩm trung gian sản xuất trong nước để xuất khẩu sang nước khác (giá trị liên kết sau). Chỉ số này không bao gồm các thành phẩm xuất khẩu mà không sử dụng đầu vào nhập khẩu.

- Hệ số khoảng cách tới sản phẩm cuối cùng:

Hệ số khoảng cách tới sản phẩm cuối cùng sẽ đo lường khoảng cách từ công đoạn được sản xuất tại một quốc gia tới khâu sản xuất cuối cùng ra sản phẩm hoàn chỉnh. Hệ số khoảng cách càng lớn, thể hiện hoạt động sản xuất của quốc gia này tập trung ở những khâu đầu tiên trong quá trình tạo ra sản phẩm như thiết kế, R&D.., và được gọi là giai đoạn “đầu chuỗi” - upstreamness. Ngược lại, chỉ số khoảng cách càng thấp thể hiện quốc gia chủ yếu sản xuất những khâu cuối như phân phối, chăm sóc khách hàng, bảo hành, hoặc cung ứng các sản phẩm dịch vụ…, được gọi là giai đoạn “cuối chuỗi” - downstreamness.

- Hệ số số công đoạn sản xuất trong GVC:

Bên cạnh đo lường mức độ tham gia GVC cũng như khoảng cách tới sản phẩm hoàn thiện, mức độ tham gia GVC của một quốc gia còn được đánh giá qua độ dài của phần GVC mà quốc gia đó tham gia, thể hiện qua số công đoạn sản xuất mà quốc gia đó đóng góp vào chuỗi sản xuất toàn cầu, được tính theo hệ số. Hệ số này phản ánh cơ hội mà mỗi quốc gia có khả năng khai thác cho giá trị gia tăng nội địa của hoạt động xuất khẩu.

2. Vị trí trên bản đồ GVC và sự phân phối giá trị gia tăng

Mặc dù xu hướng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu là tất yếu, đặc biệt đối với quốc gia nhỏ, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là việc trở thành một mắt xích trong mạng lưới sản xuất toàn cầu đem lại giá trị gia tăng như thế nào đối với mỗi quốc gia. Mỗi vị trí sản xuất khác nhau trong chuỗi giá trị sẽ đem lại một lượng giá trị gia tăng khác nhau, mối quan hệ này được mô tả qua một biểu đồ truyền thống, được gọi là biểu đồ dạng nụ cười (smiley shaped).

Hình 1. Mối quan hệ giữa các công đoạn sản xuất và giá trị gia tăng


Nguồn: WEF

Toàn bộ các khâu tạo giá trị trong một GVC có thể được phân chia thành 3 giai đoạn cơ bản:

- Giai đoạn R&D và cải tiến sản phẩm (đầu chuỗi): Gồm các công đoạn chuẩn hóa, nghiên cứu phát triển, thiết kế. Giai đoạn này có hệ số khoảng cách cao, sản xuất độc lập ít phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào. Đây là giai đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao

- Giai đoạn tạo sản phẩm: Gồm các hoạt động chế tạo và lắp ráp. Giai đoạn này nằm giữa công đoạn sản xuất, có hệ số khoảng cách trung bình, phần giá trị gia tăng đem lại cho các quốc gia tham gia vào khâu sản xuất này lại là thấp nhất.

- Giai đoạn phân phối và các dịch vụ hậu mãi (cuối chuỗi): Gồm các hoạt động logistic, marketing, phát triển thương hiệu và các dịch vụ sau bán hàng. Đây là các khâu có hệ số khoảng cách thấp và phần giá trị gia tăng thu được cao.

III. Phân tích vị trí của Việt Nam trong bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu

Biểu 2 mô tả diễn biến xuất khẩu và nhập khẩu đầu vào của Việt Nam thời gian qua. Nhìn chung, xuất khẩu được cải thiện đáng kể góp phần không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế, đóng góp của xuất khẩu trong GDP từ 50% năm 2002 đã tăng lên 89% GDP năm 2014. Bên cạnh đó, cơ cấu xuất khẩu cũng như đối tác xuất khẩu cũng có sự gia tăng đáng kể, với xu hướng vươn mạnh mẽ ra các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu - khẳng định năng lực sản xuất của Việt Nam đã phần nào được công nhận trên thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, nhập khẩu nói chung và nhập khẩu đầu vào sản xuất nói riêng cũng tăng liên tục trong những năm qua. Tỷ trọng nhập khẩu đầu vào cho sản xuất từ 38% GDP năm 2002 đã lên đến 60% GDP năm 2014. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng của xuất khẩu, nhập khẩu đầu vào có xu hướng tăng chậm hơn và chững lại từ năm 2007 đến nay với sự phát triển của công nghiệp phụ trợ thay thế cho nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu nhờ đóng góp của khu vực FDI. Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2011- 2015, sản xuất linh kiện phụ tùng kim loại đáp ứng 85% đến 90% nhu cầu sản xuất xe máy; 15% đến 25% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô-tô; 30 đến 35% nhu cầu linh kiện điện tử gia dụng và 20% đến 25% nguyên phụ liệu cho ngành Da giày.

Về vị trí của Việt Nam trên bản đồ GVC, mặc dù có 3 thước đo xác định đặc điểm tham gia GVC của mỗi quốc gia, thước đo thứ ba thường được sử dụng bổ trợ trong phân tích mở rộng, còn định vị 1 quốc gia trên bản đồ GVC được xây dựng qua 2 hệ số đầu: (1) hệ số quy mô tham gia GVC (2) hệ số khoảng cách tới sản phẩm cuối cùng.

Hình 2. Bản đồ GVC của các quốc gia

Nguồn: OECD, ECIPE, Erik van der Marel, 2015

Hình 2 cho thấy xu hướng tương quan dương giữa hệ số tham gia GVC và hệ số khoảng cách. Trên bản đồ GVC, góc trái dưới tập trung những nước có mức độ tham gia GVC và hệ số khoảng cách thấp. Khu vực này tập trung hai nhóm nước: (1) Những nền sản xuất lớn năng lực cạnh tranh cao, công nghệ tiên tiến và sự phát triển của công nghiệp phụ trợ khiến tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm hoàn thiện khá cao, điển hình là Mỹ, Pháp, Anh, Canada… và (2) Những nước có nền sản xuất nhỏ chuyên môn hoá chưa cao, hoặc tập trung vào các mặt hàng ít tham gia vào GVC như thủ công mỹ nghệ, nông sản hoặc du lịch, điển hình là Cambodia, Brazil, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ...

Khu vực giữa trên bản đồ GVC tập trung những nền sản xuất nhỏ, năng động với tỷ lệ tham gia GVC và hệ số khoảng cách lớn hơn do những nền kinh tế nhỏ cần tập trung nguồn lực để chuyên môn hóa sản xuất một hoặc một số công đoạn, liên kết chặt chẽ với các nước khác nhằm tạo ra sản phẩm hoàn thiện trong điều kiện phát triển của khoa học và công nghệ.

Các vị trí nằm trên đường khoảng cách trung bình là những quốc gia tham gia những công đoạn đầu chuỗi (upstreamness) như xây dựng tiêu chuẩn, thiết kế, nghiên cứu và phát triển. Một số nước châu Á mới nổi nằm trên đường trung bình với hệ số khoảng cách lớn là Trung Quốc, Malaysia và Singapore. Ngược lại, nằm dưới đường khoảng cách trung bình là những quốc gia tham gia vào công đoạn cuối chuỗi (downstreamness) như phân phối, bảo hành cũng như các quốc gia phát triển các ngành dịch vụ, khu vực này chủ yếu tập trung các nước OECD như Pháp, Island, Hà Lan…

Trên bản đồ GVC, Việt Nam nằm ở dưới đường xu hướng (nét đứt) với quy mô tham gia GVC trên 50 % giá trị xuất khẩu - cao hơn mức trung bình trên thế giới và hệ số khoảng cách xấp xỉ mức trung bình. Như vậy, nền sản xuất Việt Nam đã và đang có sự gia nhập khá mạnh mẽ vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực châu Á và ASEAN - khu vực năng động nhất với sự phát triển mạnh mẽ của các GVC, thì mức độ tham gia của Việt Nam khá thấp (Hình 1).

Vị trí nằm sát dưới đường xu hướng trung bình của Việt Nam cho thấy, trong điều kiện tham gia GVC hiện tại, hệ số khoảng cách tới sản phẩm cuối cùng của Việt Nam đạt cận ngưỡng trung bình. Như vậy, trong các chuỗi sản xuất sản phẩm, nền sản xuất Việt Nam chủ yếu tập trung vào các công đoạn giữa: gia công, lắp ráp (hình 2). Như phân tích, công đoạn giữa mặc dù đem lại sản phẩm tương đối hoàn chỉnh với giá trị cao, tuy nhiên đây lại là phần đem lại giá trị gia tăng nội địa thấp nhất trong toàn bộ các công đoạn tạo giá trị sản phẩm.

Thêm vào đó, nghiên cứu của IMF 2015 [4] chia các ngành sản xuất trong GVC chế tạo và sản xuất sản phẩm thành 2 nhóm: Công nghệ cao (hóa chất, máy móc thiết bị, giao thông vận tải…) và công nghệ thấp (nông sản, dệt may, giày da, giấy, gỗ…). Theo đó, các nước châu Á đều thu được giá trị gia tăng nội địa khá lớn so với các khu vực khác từ cả chuỗi giá trị công nghệ cao và công nghệ thấp. Tuy nhiên, giá trị gia tăng thu được từ các ngành công nghệ thấp là cao hơn các ngành công nghệ cao. Phần giá trị gia tăng từ GVC của Việt Nam trong nghiên cứu này hoàn toàn chỉ tập trung ở nhóm ngành công nghệ thấp và hệ số khoảng cách dù đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn rất nhỏ, bằng 1/4 Thái Lan và Singapore, 1/3 Phillipines và 1/5 Ấn Độ. Như vậy, nền sản xuất của ta đang tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp và phân phối những mặt hàng sử dụng công nghệ thấp. Tuy nhiên, đây là xu hướng đặc trưng và tương đối phù hợp lợi thế tương đối của nền sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ thấp, lao động rẻ tương đối so với khu vực châu Âu và châu Mỹ.

Để phân tích rõ hơn vị trí các nước trên bản đồ GVC, một tiêu chí bổ trợ thường được sử dụng là hệ số công đoạn sản xuất. Hình 3 mô tả số công đoạn sản xuất các quốc gia tham gia trong tương quan với mức độ tham gia GVC - bao gồm cả đường giá trị trung bình. Những quốc gia nằm trên đường trung bình có nghĩa là số lượng công đoạn sản xuất mà họ tham gia đang nhiều hơn kỳ vọng tương ứng với mức độ tham gia hiện tại; và ngược lại.

Hình 3. Hệ số các công đoạn sản xuất của mỗi quốc gia trong GVC

Nguồn: OECD, ECIPE, Erik van der Marel, 2015

Trên hình 3, vị trí của Việt Nam nằm ở khá cao so với đường giá trị trung bình. Như vậy, các công đoạn sản xuất mà chúng ta đóng góp vào GVC lớn hơn kỳ vọng tương ứng với quy mô tham gia GVC hiện nay. Đây là kết quả của nỗ lực phát triển ngành công nghiệp phụ trợ song song với các ngành công nghiệp chính, góp phần mở rộng phần giá trị gia tăng nội địa trong với sản phẩm xuất khẩu chính. Tuy nhiên, phát triển mở rộng các khâu sản xuất trong chuỗi GVC cần có chính sách thận trọng trong điều kiện nguồn lực có hạn. Mở rộng các ngành sản xuất có thể dẫn đến phân tán nguồn lực, bao gồm cả vốn, lao động và tài nguyên ảnh hưởng tới khả năng mở rộng quy mô các ngành sản xuất, chuyên môn hóa và phân công lao động. Đây cũng là một nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam không cao, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam vẫn ở mức khá thấp trong khu vực cũng như trên thế giới.

Tổng hợp các đặc điểm của Việt Nam trên bản đồ GVC cho thấy: Nền sản xuất đã có sự gia nhập đáng kể vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, tuy nhiên, mức độ tham gia còn thấp tương đối so với các nước trong khu vực. Đồng thời, với mức độ gia nhập hiện tại, nền sản xuất đang có xu hướng mở rộng trên mức cần thiết số lượng công đoạn có thể tham gia GVC, sản xuất tập trung vào khu vực chế tạo, gia công, phát triển sản xuất trong nhóm ngành công nghệ thấp: dệt may, giày da, nông sản…

IV. Hàm ý chính sách

Xác định vị trí mỗi quốc gia trên bản đồ GVC cho thấy với những đặc điểm khác nhau về mức độ gia nhập GVC cũng như hệ số khoảng cách, định hướng chính sách sẽ khác nhau giữa các quốc gia. Có những vị trí mà theo đó các quốc gia nên mở rộng mức độ tham gia GVC. Tuy nhiên có những vị trí lại đòi hỏi tập trung vào điều chỉnh hệ số khoảng cách trong chuỗi GVC. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu định hướng chính sách của Việt Nam trong quá trình gia nhập GVC nên được thiết lập như thế nào nhằm thu được giá trị gia tăng cao nhất? Nghiên cứu tập trung giải pháp vào 2 vấn đề chính:

+ Phát triển ngành sản xuất gì?

Phân tích vị trí và điều kiện của Việt Nam trong tương quan với khu vực và thế giới cho thấy việc phát triển các ngành sản xuất công nghệ cao chưa thực sự cần thiết và cũng không khả thi. Các chuỗi giá trị công nghệ thấp đang tập trung phát triển ở châu Á, nằm trong khu vực, Việt Nam nên xây dựng chiến lược phát triển phù hợp theo cụm khu vực nhằm tận dụng lợi thế về địa lý, văn hóa và đặc điểm kinh tế để dễ dàng gia nhập và khai thác lợi ích từ các GVC.

Như vậy, định phát triển các ngành mũi nhọn hiện nay như nông sản, dệt may, giày da… là hoàn toàn phù hợp. Bên cạnh đó, nên có chính sách hỗ trợ phát triển các ngành thực phẩm chế biến, khác như giấy, gỗ, in ấn xuất bản…

+ Định hướng phát triển các ngành sản xuất như thế nào nhằm khai thác giá trị gia tăng từ GVC?

Trong định hướng phát triển các ngành mũi nhọn xuất khẩu, để gia tăng lợi ích từ các GVC, có thể cân nhắc một số giải pháp sau:

- Phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như marketing, logistic, phát triển thương hiệu, phân phối… Giải pháp này góp phần cải thiện phần giá trị gia tăng thu được từ các GVC.

Do nền sản xuất Việt Nam đang tập trung ở công đoạn giữa trong chuỗi GVC, vì vậy phần giá trị gia tăng nội địa thu được khá nhỏ. Vì vậy, để gia tăng lợi ích từ xuất khẩu, có thể phát triển các hoạt động đầu chuỗi (R&D, thiết kế, phát minh sáng chế), hoặc cuối chuỗi (phân phối, dịch vụ hậu bán hàng, marketing và phát triển thương hiệu), di chuyển vị trí của Việt Nam lên trên hoặc xuống dưới trên bản đồ GVC. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, phát triển các dịch vụ cuối chuỗi như Logistic, marketing, các dịch vụ bảo hành, bào trì là phương án khả thi hơn, đây cũng là xu hướng phát triển thành công tại nhiều nước châu Á mới nổi. Như vậy, các chính sách khai thác FDI cũng như hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cần tập trung ưu tiên cho các ngành dịch vụ logistic và marketing quốc tế, từ đó hạ thấp hệ số khoảng cách và di chuyển vị trí của Việt Nam xuống dưới trên bản đồ GVC.

- Mở rộng mức độ tham gia GVC nhằm di chuyển sang phải trên bản đồ GVC. Trong điều kiện chấp nhận vị trí sản xuất của Việt Nam vẫn tập trung vào khâu chế tạo và lắp ráp, với hệ số khoảng cách mức trung bình, có thể gia tăng lợi ích từ việc mở rộng quy mô tham gia GVC thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu, đồng thời đẩy mạnh hội nhập KTQT qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Đây là giải pháp mở rộng về quy mô, mặc dù giải pháp này không trực tiếp cải thiện được phần giá trị gia tăng trên một đơn vị nhập khẩu đầu vào. Tuy nhiên, nghiên cứu của ECIPE [3] cho thấy tồn tại mối tương quan cùng chiều giữa mức độ tham gia GVC và khoảng cách tới sản phẩm cuối cùng. Vì vậy, mở rộng quy mô tham gia GVC cũng tạo cơ hội cải thiện khoảng cách tới sản phẩm cuối cùng của Việt Nam. Điều này là do cùng quá trình hội nhập, thu hút FDI và đẩy mạnh gia nhập các GVC, nền sản xuất Việt Nam có thể tiếp nhận nền sản xuất tiên tiến, từ đó tạo xung lực cải thiện năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh cũng như các hoạt động R&D trong nước.

III. Kết luận

Tổng hợp các đặc điểm của Việt Nam trên bản đồ GVC cho thấy xu hướng gia nhập đáng kể vào mạng lưới sản xuất toàn cầu dù mức độ tham gia còn thấp tương đối so với các nước trong khu vực. Đồng thời, nền sản xuất tập trung vào khu vực chế tạo, gia công, phát triển sản xuất trong nhóm ngành công nghệ thấp: dệt may, giày da, nông sản… Tuy nhiên, châu Á đang là khu vực đứng đầu trong phát triển các nhóm ngành này, vì vậy phát triển các ngành xuất khẩu mũi nhọn trong ngành đòi hỏi đầu tư công nghệ không lớn là hoàn toàn phù hợp với Việt Nam.

Để tiếp tục gia tăng lợi ích thu được từ GVC, Việt Nam nên xây dựng chiến lược phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như logistic, phân phối, marketing, các dịch vụ bảo hành bảo trì… Đồng thời, cần có định hướng mở rộng mức độ gia tăng GVC thông qua các giải pháp phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương… nhằm khai thác tốt nhất lợi thế tương đối của Việt Nam trong mạng lưới sản xuất toàn cầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. TS. Lê Xuân Sang, Nguyễn Thị Thu Huyền (2011), Chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, lý luận thực tiễn và định hương chính sách, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế, 2011.

2. Christophe Degain, Andreas Maurer, Steve Macfeely (2016), International trade in value added: some suggestions for improved and new indicatiors, Journal of Mathematics and Statistical Science, Volume 2016, 256-263

3. Erik van der Marel (2015), Positioning on the Global value chain map: where do you want to be? ECIPE occasional papers, February 2015.

4. Kevin Cheng, Sidra Rehman, Dulani Seneviratne, Shiny Zhang, Reaping the Benefits from Global Value Chains, IMF working paper, September 2015.

5. Koopman, R., W. Powers, Z. Wang and S.-J. Wei (2010). Give credit to where credit is due: Tracing value added in global production chains, NBER Working Papers Series 16426, September 2010.

6. Koene Backer, K. D. and Miroudot, S. (2013), Mapping Global Value Chains, OECD Trade Policy Papers, No. 159.

POSITIONING VIETNAMS PRODUCTION ON THE MAPS

OF GLOBAL VALUE CHAINS

Ph.D. DANG THI HUYEN ANH

Department of Economics, Banking Academy

ABSTRACT:

Participating in global value chains could help developing countries to boost their national exports and access modern production processes of developed countries. However, the fact is that benefits repating from global value chains are not equally delivered to participating countries. These benefits are usually distributed to participating countries based on positions of countries on the maps of global value chains. This study is to focus on identifying Vietnams positions on the maps of global value chains by analyzing approaches that could maximize benefits of global value chains for Vietnam in order to ensure the substainable development of Vietnam.

Keywords: Global value chain (GVC), export, distance factor, the level ò participating in the GVC.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây