Kết quả khảo sát xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2021, dự báo quý I/2022 do Tổng cục Thống kê thực hiện mới đây cho thấy, có tới 75,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) quý IV/2021 so với quý III/2021 tốt lên và giữ ổn định (44% đánh giá tốt lên và 31,1% cho rằng giữ ổn định), chỉ có 24,9% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.
Dự báo quý I/2022, tình hình tiếp tục khả quan hơn so với quý IV/2021 khi có tới 81,7% doanh nghiệp nhận định tình hình SXKD của doanh nghiệp tốt hơn và giữ ổn định (45,6% dự báo tốt hơn; 36,1% dự báo sẽ giữ ổn định), tỷ lệ doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn chỉ có 18,3%.
Sản xuất kinh doanh khởi sắc trở lại
Trong quý IV/2021, mặc dù dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, hoạt động SXKD của các doanh nghiệp đã bắt đầu khởi sắc trở lại.
Về khối lượng sản xuất, có 76,2% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên so với quý III/2021 (45,7% tăng; 30,5% giữ nguyên); 23,8% doanh nghiệp đánh giá giảm.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan nhận định khối lượng sản xuất quý IV/2021 so với quý III/2021 tăng cao nhất với 58%, ngược lại, ngành sản xuất sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị dự báo khối lượng sản xuất giảm nhiều nhất với 34,3%.
Dự báo về khối lượng sản xuất quý I/2022 so với quý IV/2021, có 82,6% doanh nghiệp cho rằng sẽ tăng và giữ nguyên (45,4% tăng; 37,2% giữ nguyên); 17,4% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.
Bên cạnh đó, công suất sử dụng máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp tăng lên đáng kể. Cụ thể, trong quý IV/2021, công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo là 73,8% (tăng so với mức 66,2% của quý III/2021). Trong đó 47,7% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng máy móc, thiết bị trong khoảng từ 70% đến dưới 90%; 24,8% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 50% đến 70%; 19,4% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 90 đến dưới 100% và 8,1% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng dưới 50%.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất sản phẩm thuốc lá có công suất sử dụng máy móc thiết bị cao nhất với 79,4%. Ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị với 66,5% là ngành có công suất sử dụng máy móc thiết bị thấp nhất.
Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2021 cũng có dấu hiệu phục hồi so với quý III/2021. Trong đó ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý IV/2021 so với quý III/2021 tăng cao nhất với 39,4%. Dự báo sử dụng lao động quý I/2022 so với quý IV/2021 khả quan hơn với 88,2% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (20,3% tăng; 67,9% giữ nguyên); chỉ có 11,8% doanh nghiệp dự kiến lao động sẽ giảm.
Số lượng đơn hàng mới tiếp tục tăng
Về giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý IV/2021 so với quý III/2021 tăng và giữ nguyên là 91,6% (22,3% tăng; 69,3% giữ nguyên), 8,4% doanh nghiệp nhận định giảm.
Theo ngành kinh tế, doanh nghiệp ngành sản xuất kim loại nhận định giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý IV/2021 so với quý III/2021 tăng cao nhất với 38,8%, ngược lại, ngành sản xuất phương tiện vân tải khác dự báo giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm giảm nhiều nhất với 13,9%.
Giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý I/2022 so với quý IV/2021, có 92,3% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (20,4% tăng; 71,9% giữ nguyên); 7,7% doanh nghiệp dự báo giảm.
Một tín hiệu tích cực nữa trong hoạt động SXKD của doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo là số lượng đơn đặt hàng mới khả quan hơn. Kết quả khảo sát cho thấy có tới 76,6% số doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới trong quý IV/2021 tăng và giữ nguyên so với quý III/2021 (39,3% tăng; 37,3% giữ nguyên), 23,4% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất thiết bị điện có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng mới quý IV/2021 so với quý III/2021 tăng cao nhất với 48,3%; ngược lại, ngành sản xuất đồ uống có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với 30,6%.
Dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý I/2022 so với quý IV/2021 tiếp tục tăng với 83,2% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (41,4% dự báo tăng; 41,8% dự báo giữ nguyên), 16,8% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu mới, trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có 77,4% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV/2021 tăng và giữ nguyên so với quý III/2021 (34% tăng; 43,4% giữ nguyên), tỷ lệ doanh nghiệp nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 22,6%.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất thiết bị điện có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV/2021 so với quý III/2021 tăng cao nhất với 48%; ngược lại, ngành sản xuất đồ uống có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhiều nhất với 40,7%.
Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2022 khả quan hơn với 83,3% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý IV/2021 (37,2% tăng; 46,1% giữ nguyên); 16,7% doanh nghiệp dự báo giảm.