Đổi mới đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm cho người lao động sau tác động của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam

ThS. LẠI QUANG HUY (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều thách thức. Đặc biệt, người lao động, cụ thể là những lao động yếu thế rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động hoặc giảm quy mô sản xuất. Điều này buộc phần lớn lao động phải hồi hương và doanh nghiệp đối mặt với bài toán thiếu lao động khi phục hồi sản xuất, kéo theo những hệ luỵ về sụt giảm năng suất lao động (NSLĐ). Hoạt động đào tạo nghề cho người lao động là thiết yếu để hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hướng tới sự phát triển bền vững.

Từ khóa: Covid-19, đào tạo nghề, năng suất lao động, người lao động, việc làm.

1. Đặt vấn đề

Đại dịch Covid-19 với những tác động tiêu cực đã làm thay đổi nhiều mặt đời sống xã hội tại Việt Nam, trong đó, đội ngũ người lao động tại các khu công nghiệp là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong giai đoạn giãn cách xã hội đã chứng kiến làn sóng người lao động rời bỏ các thành phố lớn để trở về quê do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong tình hình bình thường mới, các ngành sản xuất đang dần phục hồi trở lại thì các doanh nghiệp lại phải đối mặt với bài toán thiếu nhân lực, đặc biệt là công nhân sản xuất, nhất là lao động có tay nghề. Doanh nghiệp cũng không đủ lực để đầu tư quá nhiều để tuyển dụng và đào tạo được đội ngũ lao động mới.

Ngoài ra, người lao động sẽ chuyển đổi công việc mới sau hồi hương với tỷ lệ không nhỏ sẽ đòi hỏi tay nghề mới. Họ sẽ phải tốn kém thời gian, tiền bạc để được đào tạo lại trong khi các khu công nghiệp tại các thành phố lớn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực để phục hồi sản xuất - kinh doanh. Xuất phát từ thực tế trên, công tác đào tạo nhân lực, nhất là đào tạo tay nghề cho công nhân không chỉ cần thiết trong giai đoạn mở cửa và tái sản xuất, mà còn trong dài hạn để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động cũng như giải quyết tình hình việc làm cho người lao động.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

Nghiên cứu sử dụng một số khái niệm về lao động, đào tạo nghề cũng như sử dụng chỉ số PCI của VCCI. Chỉ số PCI đo lường 10 lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của kinh tế tư nhân. Trong đó, đào tạo lao động là chỉ số thành phần đánh giá về đào tạo nghề và phát triển kỹ năng cho người lao động do tỉnh triển khai nhằm hỗ trợ cho các ngành sản xuất - kinh doanh tại địa phương, cũng như tìm kiếm việc làm cho lao động tại địa phương chiếm đến 20% trọng số đánh giá. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đề cập đến vấn đề về NSLĐ tại Việt Nam.

Cụ thể, lao động là hoạt động có ý thức của con người, đó là quá trình con người sử dụng công cụ lao động, tác động lên đối tượng lao động cải biến nó tạo ra sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu của mình và xã hội. (Phạm Đức Thuận, Dương Ngọc Thành, 2015). Đào tạo nghề hay đào tạo tay nghề là hoạt động nhằm cung cấp cho người học những kỹ năng cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công việc được giao. (Theo tổ chức lao động quốc tế - ILO).

2.2. Dữ liệu nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu thứ cấp, nguồn dữ liệu chủ yếu được thu thập từ các tài liệu, báo cáo của VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam trong một số năm gần đây và báo cáo hội thảo NSLĐ ở Việt Nam được thực hiện năm 2021 và báo cáo Tổng cục Thống kê về tình hình lao động, việc làm trong các năm 2020, 2021.

2.3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng các phương pháp chính sau: (i) Phương pháp thu thập dữ liệu: sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp từ các nguồn tài liệu đã được công bố của VCCI, và Tổng cục Thống kê Việt Nam; (ii) phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết: tổng hợp các lý thuyết về lao động, đào tạo nghề cho người lao động, NSLĐ và phân tích nhằm phát hiện ra những xu hướng, những trường phải nghiên cứu của từng tác giả và từ đó chọn lọc những thông tin quan trọng phục vụ cho đề tài nghiên cứu.

3. Thực trạng về việc làm dưới tác động của đại dịch Covid-19 và đào tạo nghề cho người lao động tại Việt Nam hiện nay

3.1. Thực trạng về việc làm dưới tác động của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đến quý IV/2021, lực lượng lao động của Việt Nam (người từ 15 tuổi trở lên) có khoảng 50,7 triệu người, trong đó 49,1 triệu người có việc làm và 1,6 triệu lao động thiếu việc làm. Nếu so với năm 2020, tỉ lệ lao động thất nghiệp năm 2021 cao hơn so với năm 2020 là 0,93%. Điều này cho thấy, năm 2021, thị trường lao động Việt Nam chịu sự tác động tiêu cực mạnh hơn do làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 gây ra. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tại Việt Nam, năm 2021, tình hình dịch kéo dài và phức tạp hơn trong năm 2020. Trong tổng số trên 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất - kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết, họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập. Đi kèm theo đó là sự sụt giảm về NSLĐ bởi nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động hoặc phải hoạt động cầm chừng.

Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động cũng bị sụt giảm. Dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài với nhiều đợt giãn cách xã hội đã khiến đời sống của người lao động, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn. Điều này thể hiện rõ nét khi thu nhập bình quân năm 2021 giảm so với năm 2020. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý IV/2021 là 5,3 triệu đồng, tăng 139.000 đồng so với quý trước. Tuy nhiên, nếu so sánh cùng kỳ năm trước thì quý IV/2021 đã giảm 624.000 đồng so với cùng kỳ. Tính cả năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,7 triệu đồng, giảm 32.000 đồng so với năm 2020. Đây là mức thu nhập thấp nhất trong những năm gần đây, nhất là vào thời điểm giá cả các mặt hàng thiết yếu đang có chiều hướng gia tăng. Điều này gây áp lực lớn lên cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người lao động trong bối cảnh nền kinh tế bước vào giai đoạn tái mở cửa và phục hồi.

Xuất phát từ những vấn đề về việc làm và thu nhập của người lao động trong các năm 2020 - 2021, có thể nhận thấy, dịch Covid-19 xuất hiện và tác động xấu đến nền kinh tế đã phơi bày nhiều bất cập của thị trường lao động Việt Nam. Những năm qua, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài bằng lợi thế lao động giá rẻ nhằm tận dụng thời điểm dân số vàng. Mặc dù, lợi thế về lao động giá rẻ của Việt Nam là một yếu tố mang lợi thế chủ chốt trong thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế, nhưng đây không phải là nền tảng cho chiến lược phát triển mang tính lâu dài. vì vậy, lao động dồi dào, giá rẻ nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh sản xuất tại Việt Nam để hưởng lợi từ lợi thế này. Tuy nhiên, điểm bất hợp lý về thị trường lao động của Việt Nam hiện nay đa phần là lao động phổ thông, nhiều ngành thâm dụng lao động ở mức cao. Ví dụ, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có đến 87% lao động đang làm việc ở ngành Dệt may, Da giày và chủ yếu là những khâu gia công đơn giản, giá trị thấp.

Thực tế cho thấy, hàng triệu người lao động Việt Nam đang bỏ công sức lao động nhưng mức tiền lương chỉ đủ duy trì cuộc sống tối thiểu tại các nhà máy, xí nghiệp. Theo đánh giá, nhiều lao động tại các tỉnh miền Trung, miền núi phía Bắc tham gia làm việc các khu công nghiệp phía Bắc và Nam do cuộc sống sinh hoạt ở địa phương quá khó khăn.

Về phía doanh nghiệp, trước tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng bởi nguy cơ lây nhiễm cao. Một số doanh nghiệp áp dụng các phương án như “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”, làm việc từ xa để duy trì sản xuất - kinh doanh nhưng phải đối mặt với bài toàn chi phí tăng cao, bao gồm cả chi phí xét nghiệm và ăn ở cho người lao động. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp khi hoạt động trở lại sau giai đoạn giãn cách vẫn thiếu lao động trầm trọng, nhất là lao động có tay nghề bởi nhiều người lao động đã hồi hương do tình hình đời sống khó khăn. Các trung tâm công nghiệp tại các thành phố lớn thiếu nguồn nhân lực để phục hồi sản xuất sau đại dịch. Theo báo cáo của ILO, NSLĐ của công nhân Việt Nam đứng gần cuối bảng trong các nước ASEAN. Nếu giữ được mức tăng trưởng 5% - 6% như trước đại dịch, Việt Nam sẽ đạt trình độ tương đương với Phillippines vào năm 2038 và Thái Lan năm 2069. (Bảng 1)

Bảng 1. Tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam và

một số quốc gia

Quốc gia

1991-2000

2001-2010

2011-2017

1991-2017

Nhật Bản

0,99

0,79

0,51

0,79

Hàn Quốc

5,30

3,29

1,43

3,54

Trung Quốc

9,25

9,94

7,26

8,98

Singapore

3,95

1,91

1,91

2,66

Thái Lan

3,46

3,19

3,72

3,42

Philippines

1,26

1,95

4,47

2,34

Malaysia

3,92

2,61

2,28

3,01

Indonesia

2,47

3,29

3,51

3,04

Campuchia

3,72

4,06

4,93

4,16

Việt Nam

5,74

4,79

4,83

5,15

(Nguồn: Báo cáo năng suất lao động Việt Nam - VCCI 2021)

Năm 1991, NSLĐ của Việt Nam tương đương với NSLĐ của Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc đã đạt tốc độ bình quân tăng trưởng NSLĐ cao với 8,96% trong giai đoạn 1991-2017, đặc biệt trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI khi tăng trưởng đạt gần 10% mỗi năm. Kết quả là Trung Quốc đã tăng NSLĐ lên 9,4 lần từ năm 1991 đến năm 2017 trong khi Việt Nam chỉ tăng 3,7 lần.

Qua số liệu tại Bảng 1 cho thấy, NSLĐ của Việt Nam đang có vấn đề, đặc biệt là tại những doanh nghiệp thâm dụng lao động như khối FDI trong các lĩnh vực may mặc, giày dép, lắp ráp điện tử,… Các hoạt động này có giá trị gia tăng trong nước thấp và NSLĐ thấp. Khi dịch Covid-19 xuất hiện, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, doanh nghiệp thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, sản xuất đình trệ, thu hẹp quy mô lao động, giảm thời gian làm việc từ đó khiến NSLĐ giảm rõ rệt. Người lao động hồi hương cũng kéo theo nguy cơ về NSLĐ trong dài hạn do thiếu lao động có tay nghề. Trình độ kỹ năng hạn chế của lực lượng lao động Việt Nam sẽ cản trở việc tạo ra những công việc tốt. Người trẻ hiện nay có nền tảng kỹ năng tốt, nhưng nhìn chung lực lượng lao động vẫn ở mức có trình độ học vấn thấp và thiếu kỹ năng. Sự phát triển của hoạt động xuất khẩu có hàm lượng tri thức cao của ngành dịch vụ và tự động hóa sẽ bị cản trở bởi lực lượng lao động thiếu những kỹ năng phức tạp cũng như điều kiện để nâng cao kỹ năng. Vấn đề quan trọng là đảm bảo nguồn lao động có chất lượng, gia tăng giá trị sức lao động, giảm thiểu sự lệ thuộc vào lao động giản đơn nhằm cải thiện thu nhập cho người lao động và NSLĐ hướng tới cân bằng với các quốc gia lân cận.

3.2. Thực trạng về đào tạo nghề cho người lao động tại Việt Nam

Theo thống kê của Tổng cục nghề nghiệp, Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng với khoảng 50 triệu lao động, mặc dù vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,6%, chỉ số kỹ năng và chất lượng đào tạo nghề tuy tăng ấn tượng nhưng vẫn ở mức 97/140, còn ở khoảng cách xa so với các nước Đông Bắc Á và ASEAN. Điều này phản ánh đúng thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối FDI đang thâm dụng lao động giản đơn, có trình độ thấp.

Một trong những lý do gây ra tình trạng trên nằm ở chất lượng lao động. Và tình hình nếu không được giải quyết hiệu quả sẽ kéo theo những hệ luỵ lâu dài cho Việt Nam trong tương lai về thiếu hụt nguồn lao động có chất lượng khi mà trong 15 đến 20 năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già. Vấn đề lao động có tay nghề này sẽ được giải quyết nếu có sự kết hợp tốt giữa doanh nghiệp và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp để đào tạo người lao động có trình độ tốt hơn, hướng tới giảm thiểu lao động giản đơn.

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến năm 2020, cả nước có 1.940 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: có 397 trường cao đẳng; 512 trường Trung cấp và 1.031 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (1263 công lập, 670 tư thục và 7 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài) và trung bình mỗi năm có khoảng trên 2 triệu người theo học các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp. Trên cơ sở thực trạng tuyển sinh và đào tạo nghề cho thấy, tỷ lệ cao đẳng và trung cấp chỉ chiếm khoảng trên 25%, còn lại là sơ cấp và các hình thức đào tạo thường xuyên khác. Sự mất cân đối về số lượng người học ở các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp sẽ là rào cản đối với chủ trương đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và sự phát triển của đất nước. Theo báo cáo của VCCI về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh qua chỉ số PCI, chỉ số đào tạo lao động trung bình của Việt Nam trong 4 năm trở lại đây như sau: (Hình 1)

Xét trên thang điểm 10, chỉ số đào tạo lao động của Việt Nam theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI dao động ở mức trung bình. Kết quả phản ánh trong những năm gần đây, chỉ số đào tạo lao động đã có sự cải thiện nhưng chưa cao. Theo tính toán, để có lao động tay nghề cao cần ít nhất 5 năm hay 10.000 giờ làm việc và không dễ để đào tạo được một công nhân lành nghề. Để họ thạo việc, doanh nghiệp cần ít nhất một năm. Thực tế hiện nay cho thấy, đa phần các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI đều tuyển dụng lao động phổ thông, sau đó trích kinh phí hoạt động để tự tổ chức các lớp đào tạo tay nghề cho người lao động. Điều này phản ánh sự liên kết giữa doanh nghiệp và các trung tâm đào nghề của địa phương chưa được chặt chẽ. Thiếu nguồn cung lao động có tay nghề và được đào tạo từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tại các địa phương, chất lượng công tác đào tạo và giới thiệu việc làm trên địa bàn các tỉnh còn chưa tốt. Chất lượng dạy nghề còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp tại địa phương. Năng lực các cơ sở dạy nghề còn nhiều vấn đề, nguồn lực đầu tư cho dạy nghề chưa được đáp ứng thoả đáng. Sự tác động của đại dịch Covid-19 đã chứng kiến nhiều lao động chưa qua đào tạo bài bản, lao động phổ thông, kỹ năng chưa đáp ứng được sản xuất đã bị đào thải, do đó, rất nhiều người đã mất việc, thất nghiệp và phải đào tạo kỹ năng phù hợp để chuyển đổi việc làm. Bên cạnh đó, quy định giãn cách xã hội đã khiến hoạt động đào tạo nghề tại các cơ sở gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức dạy học, việc học tập trực tuyến không mang lại hiệu quả bởi tính chất đào tạo phải thực hành tay nghề liên tục. Do vậy để hướng tới quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch và sự phát triển bền vững, công tác đào tạo nghề cần phải được quan tâm đổi mới và đầu tư để xây dựng lực lượng lao động có chất lượng, cải thiện được NSLĐ của quốc gia nhằm tránh nguy cơ tụt hậu.

4. Một số giải pháp đổi mới đào tạo nghề nghiệp cho người lao động tại Việt Nam sau đại dịch Covid-19

Thứ nhất, hoạt động điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu việc làm cần được tiến hành từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và địa phương để có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động. Để làm tốt vấn đề này, các cơ quan chính quyền cần kết hợp với công tác tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp, thông tin đến mọi thành phần lao động về nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Thứ hai, cần củng cố lại hệ thống các trung tâm, trường đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để đáp ứng quy mô và chất lượng đào tạo. Đồng thời, cần đa dang hóa các hình thức đào tạo, mở rộng liên kết đào tạo với các doanh nghiệp hướng tới tạo công ăn việc làm ngay cho người lao động sau khi tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề.

Thứ ba, lực lượng lao động thanh niên, lao động trình độ thấp, lao động giản đơn là những đối tượng yếu thế, gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tìm kiếm công việc phù hợp khi bị tác động của đại dịch Covid-19. Đây là đối tượng cần được quan tâm hàng đầu trong đào tạo tay nghề. Họ cần có cơ hội được học tập, được tái đào tạo và trang bị kỹ năng để tìm kiếm việc làm trong các khu vực kinh tế có khả năng ứng phó khủng hoảng linh hoạt hơn. Việc mở những trường dạy công nhân trực tuyến là giải pháp khả thi trong điều kiện công nghệ phổ biến hiện nay, khi cách giáo dục nghề nghiệp truyền thống không thể chuyển đổi năng lực cho hàng triệu lao động có trình độ thấp. Nếu hoạt động này được thực hiện rộng rãi, người lao động có thể kích hoạt khả năng tự học, chủ động tiếp nhận nguồn kiến thức mới, kỹ năng mới, vừa có thể vừa học vừa làm.

Thứ tư, tăng cường đào tạo kỹ năng số và tự động hóa cho người lao động tại các cơ sở đào tạo nghề để doanh nghiệp tránh sự phụ thuộc vào lao động thủ công. Điều này sẽ giúp tăng cường tự động hóa các công đoạn sản xuất giúp nâng cao NSLĐ. Đây cũng coi như một biện pháp giảm phụ thuộc vào nguồn lực con người trong thời gian giãn cách xã hội. Người lao động cũng có thêm cơ hội để tiếp cận kiến thức mới có thể hỗ trợ cho chuyển đổi nghề nghiệp khi cần thiết.

5. Kết luận

Trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực có chất lượng là yếu tố then chốt cho sự phát triển của cả địa phương và quốc gia. Do đó, để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc, ngoài các vấn đề về đãi ngộ, họ cũng cần được đào tạo nâng cao tay nghề để thích ứng với điều kiện làm việc mới, đó cũng là chìa khóa để cải thiện bài toán NSLĐ của Việt Nam, cũng như giảm sự lệ thuộc vào lợi thế lao động giản đơn như hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Huỳnh Văn Duy (2017), Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số tháng 09/2017.
  2. VCCI (2021), Báo cáo năng suất lao động ở Việt Nam: Nguồn gốc và thách thức cho tăng trưởng.
  3. VCCI (2021), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam PCI 2020.
  4. WORLDBANK (2019), Tương lai việc làm Việt Nam: Khai thác xu hướng lớn cho sự phát triển thịnh vượng hơn.
  5. www.ilo.org.
  6. www.vnexpress.net.
  7. https://www.gso.gov.vn/

Innovating vocational training activities to help labourers get jobs after the COVID-19 pandemic in Vietnam

Master. Lai Quang Huy

Thuongmai University

Abstract:

Vietnam’s economy has faced many challenges arising from the COVID-19 pandemic. Workers, especially vulnerable workers, have encountered difficult situations when companies close or reduce their production, and social distancing orders are imposed. Many labourers return to their hometowns during the pandemic. As a result, many companies struggle with the labour shortage and the decrease in labor productivity problems when they restart business activities. Vocational training activities for workers are considered an essential solution to support workers to change their careers, and to improve the quality of human resources towards sustainable development.

Keywords: Covid 19, vocational training, labor productivity, labors, jobs.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2022]