Sáng 12/4/2019, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị tổ chức Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2019 với chủ đề: “Đổi mới cách thức triển khai xúc tiến thương mại nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu”.
Diễn đàn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại, các nhà nghiên cứu kinh tế, các cơ quan quản lý trung ương và địa phương trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu hiệu quả.
Khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong những năm qua cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Cụ thể, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, vị thế nguồn cung sản phẩm của nước ta đang dần khẳng định trên thị trường khu vực và thế giới đã và đang tạo sức hút cho đầu tư nước ngoài và hoạt động ngoại thương giúp các doanh nghiệp có nhiều năng lực sản xuất và thúc đẩy kinh doanh xuất khẩu.
Để tận dụng và phát huy lợi thế cũng như các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động thích ứng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
“Các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi căn bản nhận thức về xúc tiến thương mại theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn. Xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu không chỉ là tham gia các Hội chợ, triển lãm, mà còn là là sự kết nối giữa người mua - người bán, thông tin thị trường, đối tác...” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề nổi cộm cần giải quyết trong công tác xuất khẩu chính là cách thức tiếp cận thị trường với hình thức xúc tiến thương mại qua môi trường thương mại điện tử; các chia sẻ về tiếp cận mới trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu.
Đưa ra quan điểm về xu hướng của thị trường thế giới và các vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để triển khai hiệu quả hoạt động xuất khẩu hiện nay, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, hiện nay, Việt Nam đã mở cửa thị trường không chỉ với một quốc gia mà là kết nối quốc gia khu vực và toàn cầu.
“Đừng nhìn xuất khẩu chỉ là thị trường. Trong xúc tiến xuất khẩu điều cơ bản nhất vẫn là đối tác. Đối tác không phải chỉ để cùng nhau xuất khẩu mà phải xúc tiến xuất khẩu, là tạo ra mạng lưới, tạo ra chuỗi giá trị và đầu vào.
Kinh tế thương mại ngày nay không còn chỉ lấy doanh nghiệp là trung tâm, mà thay vào đó là công chúng, là đại chúng, là người tiêu dùng... đây là những đặc trưng thay đổi căn bản trong sản xuất thương mại và xúc tiến xuất khẩu”, TS. Võ Trí Thành nêu rõ.
Cùng quan điểm trên, ông Jonas Grunder - Phó Giám đốc Quốc gia Văn phòng Hợp tác Thụy sĩ Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam cũng cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn nhiều thách thức lớn như: Rào cản hội nhập (Thủ tục hải quan, yêu cầu chất lượng, chứng nhận, thông tin thị trường, bao bì và ghi nhãn sản phẩm); Tiêu chuẩn bền vững…
Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa am hiểu sâu về luật pháp và thị trường nước ngoài với các quy tắc và quy định khác nhau, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuyển biến về tư duy và hành động theo mô hình xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị. Xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu trung và dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm và đẩy mạnh xúc tiến thương mại khai thác thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số”, ông Jonas Grunder khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam.
Báo cáo xuất khẩu của Bộ Công Thương cũng cho biết, năm 2018 tiếp tục được coi là một năm thành công của xuất nhập khẩu Việt Nam với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 480 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2017.
Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 243,5 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao và xuất siêu năm 2018 đạt con số kỷ lục gần 6,8 tỷ USD.
Việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và thặng dư cán cân thương mại trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, khó đoán định và xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng đã góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế cũng như cho thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành và của các doanh nghiệp trong sản xuất xuất khẩu.