Do sự bùng phát của đại dịch Covid-19, ngành du lịch bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngành du lịch đã ghi nhận những dấu hiệu phục hồi, ngay sau khi Chính phủ cho phép mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 15/3/2022.
Trong năm nay, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn gấp hai lần so với năm 2022 (3,5 triệu lượt khách). Đến tháng 8, mục tiêu này đã hoàn thành. Vì vậy, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phép điều chỉnh lại mục tiêu tăng lên 12 -13 triệu lượt khách quốc tế trong năm.
Đối với thị trường nội địa, ngành du lịch đặt mục tiêu năm 2023 sẽ phục vụ khoảng 105 triệu lượt khách. Đến tháng 11, con số đã đạt được là 103,2 triệu lượt khách. Dự kiến, cả hai mục tiêu của ngành du lịch sẽ được hoàn thành trong năm nay.
Ông Hoàng Hoa Quân, Phó Trưởng phòng Quản lý Lữ hành - Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, hơn 100 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến và đi, luân chuyển qua các tỉnh thành là một thị trường lớn để tiêu thụ các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Đối với ngành du lịch, có hai yếu tố tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh tế là xuất khẩu tại chỗ và tạo giá trị, động lực lan tỏa để kích thích phát triển kinh tế các địa phương.
Thứ nhất là việc xuất khẩu tại chỗ. Để tiêu thụ hàng hoá, thông thường sẽ phải trải qua rất nhiều công đoạn như cung cấp thông tin, marketing, xúc tiến thị trường, … Tuy nhiên, ngành du lịch có một lợi thế là người tiêu dùng tự đến với các thị trường cung cấp sản phẩm. Hàng hoá không cần xuất khẩu ra nước ngoài hay vận chuyển đến các địa phương, thay vào đó khách hàng từ các nơi khác chủ động đến với vùng miền để trải nghiệm, mua đặc sản. Đây chính là bản chất của ngành du lịch: xuất khẩu tại chỗ
Thứ hai là tạo giá trị, động lực lan tỏa để kích thích phát triển kinh tế các địa phương. Không chỉ mang tính thương mại đơn thuần, sản phẩm OCOP còn mang yếu tố văn hóa, tri thức bản địa. Những sản phẩm này tạo ra sức lan tỏa.
Cụ thể, khi nhắc đến sản phẩm chè, ngành du lịch còn khai thác vùng cảnh quan như đồi chè, những vùng xen kẽ giữa cây chè và ruộng bậc thang …, hoạt động sản xuất tại các làng chè có truyền thống lâu đời. Những giá trị cảnh quan của các vùng chuyên canh, dựa trên các tri thức bản địa, các giá trị văn hóa được lồng ghép trong các sản phẩm OCOP. Đây cũng là yếu tố tạo thêm động lực để phát triển kinh tế của các địa phương.
Có thể nói, sản phẩm OCOP chính là vật thể minh chứng cho những khám phá, trải nghiệm của khách du lịch, những câu chuyện tại mỗi vùng miền. Với hơn 100 triệu lượt khách, ngành du lịch có dư địa lớn để tiêu thụ các sản phẩm OCOP.
Sau đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch của khách du lịch quốc tế cũng như trong nước đã thay đổi khá nhiều. Hiện nay, nhu cầu đối với những tổ hợp du lịch - vui chơi - giải trí giảm. Thay vào đó, khách du lịch tự tìm hiểu các thông tin trên mạng, tự chia sẻ và tự tìm đến những điểm đến mới. Các địa điểm du lịch dần dịch chuyển dần về các vùng quê, đến những điểm đến mới, nơi khách du lịch tự khám phá và trải nghiệm.
Để phát huy được giá trị của các địa phương và nâng cao hơn nữa giá trị của các sản phẩm OCOP, ông Hoàng Hoa Quân đã đưa ra một số đề xuất.
Tthứ nhất, về thông tin của các sản phẩm. Hiện nay ngành du lịch, cụ thể là các doanh nghiệp du lịch, các hiệp hội du lịch, các địa phương chưa có nhiều thông tin về các sản phẩm OCOP. Khách du lịch có thể tìm kiếm sản phẩm qua internet, các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, họ không cảm nhận được nét đặc trưng như khi đi du lịch. Nếu như tại các điểm đến du lịch có các thông tin, tốt hơn nữa là có được một vài điểm trải nghiệm thì giá trị của các sản phẩm OCOP sẽ được tăng lên rất nhiều.
Thứ hai, hiện đã có hơn 10.000 sản phẩm OCOP tại tất cả các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên điểm tập trung giới thiệu các sản phẩm OCOP ở các địa phương chưa nhiều và đặc biệt để phục vụ được cho các đoàn khách du lịch lại càng ít. Để phục vụ cho khách du lịch, không nhất thiết phải có những tiêu chuẩn, quy định như khi bày bán trong các hệ thống siêu thị.
Tuy nhiên, phải có đủ điều kiện về hạ tầng cho các công ty du lịch dẫn được khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm như đường tiếp cận, bãi đỗ xe lớn, tập hợp đa dạng các sản phẩm, … Như vậy vừa có thể giới thiệu vừa kích cầu tiêu thụ các sản phẩm OCOP của địa phương.
Qua Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP”, ông Hoàng Hoa Quân kỳ vọng Chương trình OCOP sẽ được triển khai hiệu quả hơn nữa, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ các sản phẩm tốt, những giá trị tinh túy, tinh hoa đặc trưng của các vùng miền, đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.