TÓM TẮT:
Tháng 8 năm 2020, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, toàn bộ phần về bảo hộ và giải quyết tranh chấp đầu tư được tách ra khỏi EVFTA trở thành Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) vẫn chưa được phía EU phê chuẩn. Mặc dù sự chậm trễ này bắt nguồn từ những mâu thuẫn và thủ tục phức tạp trong nội bộ EU, Việt Nam cũng nên có sự chuẩn bị phù hợp và tận dụng tối đa lợi thế từ vấn đề này.
Từ khóa: EVFTA, EVIPA, Bảo hộ đầu tư, Hiệp định thương mại, EU.
1. Mâu thuẫn về các FTA thế hệ mới trong nội bộ EU
Mâu thuẫn về các FTA thế hệ mới bắt nguồn từ chính Nguyên tắc Trao quyền (principle of conferral) là nền tảng của EU. Theo đó, các cơ quan của EU chỉ hoạt động trong khuôn khổ thẩm quyền được trao bởi các quốc gia thành viên. Các thẩm quyền này được chia thành 3 loại chính, trong đó có 2 loại quan trọng nhất là Thẩm quyền Riêng của EU (exclusive competence) và Thẩm quyền Chia sẻ (shared competence). Đối với các vấn đề thuộc Thẩm quyền Riêng, chẳng hạn như Chính sách Thương mại Chung, cạnh tranh, tiền tệ, EU có toàn quyền tự mình xây dựng và thông qua một văn bản có giá trị pháp lý bắt buộc các nước thành viên phải tuân thủ. Còn văn bản pháp lý quy định các vấn đề như Quản lý Thị trường, Môi trường, Năng lượng, Bảo vệ Người tiêu dùng,… sẽ thuộc Thẩm quyền Chia sẻ đồng thời phải được thông qua bởi cả các cơ quan EU và các quốc gia thành viên.
Trước khi Hiệp ước về Chức năng của Liên minh Châu Âu (TFEU) có hiệu lực pháp luật vào năm 2009, một FTA của EU thường không bao gồm bảo hộ đầu tư mà chỉ điều chỉnh về thuế và các nội dung thuần túy thương mại. Các vấn đề trên thuộc Chính sách Thương mại Chung của EU nên việc đàm phán và thông qua một hiệp định như vậy thuộc Thẩm quyền riêng của EU và không cần có sự phê chuẩn của từng thành viên. Trong khi đó, một thành viên EU vẫn giữ toàn bộ thẩm quyền Riêng của mình để phê chuẩn một hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) với một quốc gia ngoại khối mà không cần thông qua EU. Chẳng hạn như với Việt Nam, các thành viên EU đã kí kết tới 21 IPA và hầu hết vẫn đang có hiệu lực.[1]
Tuy nhiên, kể từ năm 2006 với chính sách thương mại “Châu Âu toàn cầu”, các FTA của EU mang nhiều tham vọng hơn và mở rộng về phạm vi điều chỉnh, không chỉ dừng ở các vấn đề thuần thương mại mà còn cả các vấn đề như cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, và đặc biệt là bao gồm cả bảo hộ đầu tư ở mức “cao nhất có thể”. Do đó, các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được các quốc gia thành viên EU chấp thuận đưa vào thêm vào Chính sách Thương mại Chung của EU. Vậy nên, ngay sau khi TFEU “luật hóa” chính sách trên, khi tiến hành đàm phán các FTA thế hệ mới với Canada (CETA) và với Singapore (EUSFTA) và sau này là Việt Nam (EVFTA), Ủy ban Châu Âu đã chủ động xây dựng các quy định bảo hộ đầu tư thành một chương hoàn chỉnh trong một FTA. Cả hai hiệp định CETA (chương 8) và EUSFTA (chương 9) đều có quy định bảo hộ đầu tư trực tiếp (FDI) và cả phi trực tiếp (non-direct foreign investment) giữa EU với một quốc gia ngoại khối, thậm chí là cả cơ chế Nhà đầu tư kiện Nhà nước (ISDS). Điều này đã gây ra những lo ngại lớn về sự chồng chéo giữa phạm vi điều chỉnh và quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại, đầu tư, và thương mại kèm đầu tư giữa EU với các thành viên. Các nghị viện của các quốc gia thuộc EU cho rằng thẩm quyền đối với đầu tư phi trực tiếp hay cơ chế ISDS chưa hề được trao cho EU và vẫn phải thuộc thẩm quyền Riêng của các quốc gia. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là việc 16 nghị viện các nước thành viên EU đồng gửi thư tới Ủy ban Thương mại EU giữa năm 2014 chất vấn về thẩm quyền thông qua các FTA thế hệ mới.
2. Ai có thẩm quyền phê chuẩn một FTA thế hệ mới?
Đối với các phần của FTA thế hệ mới quy định về đầu tư trực tiếp và phi trực tiếp nước ngoài, vấn đề cần làm rõ đầu tiên chính là định nghĩa về “đầu tư trực tiếp nước ngoài” (FDI). Do không được giải thích minh thị trong các Hiệp ước như TFEU, để xác định chính xác phạm vi thẩm quyền phê chuẩn của EU căn cứ vào định nghĩa này là không đơn giản. Mặc dù vậy, Tòa án Công lý Châu Âu (CJEU) đã giải thích thông qua án lệ C-446/04 và C-326/07, rằng FDI là “những khoản đầu tư được tiến hành dưới bất kỳ hình thức nào bởi một thể nhân hoặc pháp nhân, nhằm để xây dựng và duy trì những liên kết trực tiếp và lâu dài giữa những người cấp vốn và bên nhận vốn với mục đích tiến hành một hoạt động kinh tế”. Điểm khác biệt cơ bản nhất giữa FDI và đầu tư phi trực tiếp là ở tính “trực tiếp”, thể hiện qua việc chỉ FDI mới cho phép nhà đầu tư có thể quản trị điều khiển một công ty không qua trung gian và lâu dài. Vì vậy, những khoản đầu tư nào không bao gồm trong định nghĩa trên sẽ không phải là một FDI, và quy định về chúng sẽ không thuộc Chính sách Thương mại Chung theo Thẩm quyền Riêng của EU.[2] Việc sử dụng chính xác cụm từ FDI tại điều 207(1) của TFEU cũng phần nào cho thấy quan điểm tương đồng của người soạn thảo. Cách hiểu này hợp lý bởi nếu một nhà đầu tư ngoại khối tham gia vào việc quản lý điều khiển một công ty trong lãnh thổ EU, điều này có thể tạo ra ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức đối với hoạt động thương mại giữa EU và quốc gia đó, và vì lí do này nên EU mới cần can thiệp. Ngược lại, nếu như không điều khiển, không có “liên kết trực tiếp và lâu dài”, nhà đầu tư đó sẽ không thể tạo ảnh hưởng đáng kể lên hoạt động thương mại chung, nên EU cũng không cần can thiệp.
Những quan điểm ủng hộ các cơ quan của EU tiếp tục viện dẫn quy định tại điều 63 và 3(2) của TFEU để khẳng định rằng EU có Thẩm quyền Riêng Ngầm định (implied exclusive competence) với đầu tư phi trực tiếp. Theo đó, EU phải được trao quyền phê chuẩn một hiệp định nếu như việc phê chuẩn đó (i) ảnh hưởng tới các Quy tắc Chung (common rules) hoặc (ii) hạn chế phạm vi điều chỉnh của chúng”. Với vấn đề (i), chưa có định nghĩa minh thị về “Quy tắc Chung” và thông thường một quy tắc mà được áp dụng cho cả EU sẽ phải bao gồm tất cả các quy định pháp luật của EU, không phân biệt đó là cấp Hiệp ước (primary law) hay Thứ cấp (rules of secondary law). Cách hiểu này cũng đồng nhất với việc sử dụng từ ngữ tại tiêu đề Chương VII, Phần Ba của TFEU. Đối với (ii), việc phê chuẩn các vấn đề bảo hộ đầu tư sẽ có ảnh hưởng lớn đến khả năng bảo đảm “Tự do Luân chuyển Vốn giữa thành viên nội khối với các quốc gia ngoài EU” - một yêu cầu tại điều 63 TFEU. Chẳng hạn, nếu như một quốc gia ngoài EU tiến hành các biện pháp Quốc hữu hóa (expropriation) hoặc hạn chế chuyển tiền ra nước ngoài một cách phân biệt đối xử (discrimination), các nhà đầu tư từ EU sẽ không thể tự do luân chuyển vốn đầu tư trực tiếp hay phi trực tiếp ra khỏi các quốc gia đó. Do đó, để bảo đảm Tự do Luân chuyển Vốn, theo căn cứ tại các điều 63 và 3(2) của TFEU, các FTA thế hệ mới có các quy định bảo hộ đầu tư sẽ thuộc thẩm quyền Riêng của EU.[3]
Tuy nhiên, CJEU không chấp nhận căn cứ trên. Nếu “Quy tắc Chung” đó bao gồm cả các quy định cấp Hiệp ước (primary law), thì điều 63 TFEU nên phải được soạn thảo trực tiếp và đơn giản là EU có thẩm quyền Riêng với Luân chuyển Vốn. Trong khi đó, thậm chí điều 64.1 TFEU ngay sau điều 63 cũng chỉ cho EU có thẩm quyền với Luân chuyển Vốn thuộc dạng đầu tư trực tiếp. Một quy định thuộc cấp Hiệp ước như điều 63 TFEU cũng không thể được coi là một “Quy tắc Chung”, dựa trên Án lệ ERTA, bắt nguồn từ vụ Ủy ban v. Hội đồng Châu Âu 1971, mà theo đó, chỉ có các quy định Thứ cấp mới có thể được coi là một “Quy tắc Chung”. Cách hiểu này là nhằm phục vụ mục tiêu của điều 3(2) TFEU, đảm bảo việc EU có đầy đủ Thẩm quyền Riêng để giải quyết một vấn đề trong cả nội khối cũng như ngoại khối một cách đồng thời và có hiệu quả. Bên cạnh đó, một quy định cấp Hiệp ước như điều 63 TFEU cũng không thể bị “ảnh hưởng” hoặc “thu hẹp phạm vi áp dụng” bởi một hiệp định thương mại - được EU thông qua theo hình thức phê chuẩn một đạo luật Thứ cấp và không được ưu tiên áp dụng như cấp Hiệp ước. Thêm vào đó, để thay đổi “ảnh hưởng” tới một quy định cấp Hiệp ước thì phải tuân thủ thủ tục tại điều 48 TFEU và việc kí kết một hiệp định thương mại không thể tạo thành ngoại lệ. Vì vậy, EU không thể có thẩm quyền Riêng với một hiệp định bảo hộ khoản đầu tư phi trực tiếp.[2]
Đối với các phần của một FTA liên quan đến cơ chế ISDS, việc phê chuẩn cũng không thể thuộc thẩm quyền Riêng của EU. Bản chất cơ chế ISDS trong một hiệp định là để giải quyết các tranh chấp xảy ra liên quan đến việc thực hiện một quy định của hiệp định đó. Vì vậy, CJEU hiểu rằng, nếu tranh chấp phát sinh từ sự vi phạm một quy định thuộc một phần nội dung của một hiệp định, thì người có thẩm quyền phê chuẩn phần nội dung đó cũng phải đồng thời có quyền xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp nói trên, cũng như quyền phê chuẩn phần hiệp định quy định về cơ chế đó. Vì vậy, nếu như EU có thẩm quyền Chia sẻ đối với các nội dung trên, thì cũng phải có thẩm quyền Chia sẻ khi phê chuẩn cơ chế ISDS giải quyết tranh chấp cho các nội dung đó. Đồng thời, mặc dù EU có thẩm quyền Riêng trong việc xây dựng các cơ chế có tính chất hỗ trợ thực hiện các quy định nội dung của một hiệp định, nhưng cơ chế ISDS vượt ra ngoài thẩm quyền đó. Bởi lẽ, cơ chế ISDS cho phép một nhà đầu tư có quyền kiện một quốc gia EU ra trọng tài thay vì đưa ra tòa án của quốc gia nói trên; nghĩa là tước một phần thẩm quyền của tòa án của quốc gia đó. Vì thế, đây không thể được coi là một cơ chế hỗ trợ mà là một biện pháp có tính chất bắt buộc.[2] Do đó, mỗi thành viên EU cần thể hiện rõ sự đồng ý về vấn đề này, dẫn đến việc phần hiệp định có cơ chế ISDS phải thuộc thẩm quyền Chia sẻ.
3. Những hệ quả
Với việc các FTA thế hệ mới đều có những phần thuộc thẩm quyền Riêng của EU và có những phần thuộc thẩm quyền Chia sẻ, Ủy ban Châu Âu phải đưa ra một quyết định chiến lược là tách một FTA thế hệ mới thành hai hiệp định nhỏ. Hiệp định thứ nhất (FTA) chỉ tập hợp những phần nội dung thuộc Thẩm quyền Riêng của EU, bao gồm các nội dung của Chính sách Thương mại Chung truyền thống. Hiệp định này sẽ có hiệu lực thi hành ngay sau khi được các cơ quan Liên minh như Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu cũng như quốc gia đối tác thông qua. Hiệp định còn lại sẽ bao gồm các điều khoản bảo hộ và cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư giống như một (IPA) song phương giữa một thành viên EU và một quốc gia ngoại khối trước đây, và phải có đầy đủ sự phê chuẩn của cả EU lẫn quốc hội các thành viên theo Thẩm quyền Chia sẻ.[4] Kết quả sau đó là cả hai FTA giữa EU - Singapore và EU - Việt Nam đều được thống nhất tách thành hai cặp hiệp định riêng biệt: EUSFTA - EUSIPA và EVFTA - EVIPA.
Quyết định nói trên của Ủy ban Châu Âu rõ ràng là một nước đi khéo léo. Nếu muốn giữ nguyên tất cả các nội dung trong một văn kiện FTA như ban đầu, EU phải có được sự phê chuẩn của tất cả các quốc gia nội khối. Điều này khó để có thể đạt được trong thời gian ngắn, do thủ tục phê chuẩn tại từng quốc gia thành viên EU có nhiều điểm khác biệt và tốn rất nhiều thời gian, hoặc thậm chí bị từ chối. Lấy CETA làm một ví dụ: ngay khi có thông tin về việc Thẩm quyền Chia sẻ có thể được áp dụng cho hiệp định này, Bulgaria và Romania đã tận dụng quyền phủ quyết của mình để yêu cầu Canada phải gỡ bỏ một phần các quy định về việc cấp visa cho công dân của hai quốc gia này. Một ví dụ rắc rối hơn là vụ Nghị viện bang Wallonia thuộc Vương quốc Bỉ đã cản trở việc thông qua CETA vào năm 2016. Theo đó, hiến pháp Bỉ buộc CETA phải có được sự đồng thuận của toàn bộ bảy Nghị viện của 7 bang. Do vậy, dù Wallonia chỉ là một bang nhỏ với dân số khoảng 3,6 triệu, chỉ cần 46 thành viên Nghị viện của bang này là đủ để có thể đánh sập một hiệp định lớn đã đàm phán gần một thập kỉ, ảnh hưởng tới lợi ích của 445 triệu công dân EU. Vì lí do trên, với việc tách thành cặp hiệp định FTA - IPA và thông qua ngay FTA ở cấp EU, FTA đó có thể được thực thi ngay mà không phải chịu những vướng mắc kể trên. Trong khi chờ đợi phê chuẩn IPA chung của EU, các IPA cũ giữa thành viên EU và quốc gia ngoại khối (như 21 IPA với Việt Nam) vẫn tiếp tục có hiệu lực cho đến khi được thay thế.[5]
Tuy nhiên, việc tách cặp FTA - IPA riêng biệt làm giảm thẩm quyền thực tế của các cơ quan EU. Ngoại trừ FDI, hầu hết các phần còn lại của một IPA như các tiêu chuẩn bảo hộ đầu tư phi trực tiếp và cơ chế ISDS đều cần sự phê chuẩn của thành viên EU. Do đó, nếu EU tách riêng các quy định bảo hộ FDI ra khỏi một IPA rồi ghép vào một văn kiện FTA để thông qua nhanh chóng tại cấp EU thì điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tính thống nhất của một IPA và gây khó khăn cho cả quá trình đàm phán và thực thi. Nhưng nếu ghép đầu tư trực tiếp và phi trực tiếp trong cùng một IPA như hiện nay thì việc một thành viên EU không phê chuẩn IPA sẽ dẫn tới việc EU trên thực tế sẽ mất thẩm quyền Riêng của mình đối với phần về FDI đã ghép, ảnh hưởng tới việc thực hiện một nội dung thuộc Chính sách Thương mại Chung của EU.
Đồng thời, sự thay đổi này cũng khiến EU đánh rơi lợi thế đàm phán thương mại - đầu tư của mình. Kể từ thập niên 90 của thế kỉ trước, việc xây dựng hiệp định NAFTA đã mở ra một hướng mới: gắn liền bảo hộ đầu tư vào các FTA. Tính đến nay, đã có khoảng 450 FTA có cấu trúc như vậy và chúng dần thay thế vai trò của các IPA đơn thuần.[6] Sự phát triển này là hợp lý bởi trên thực tế, các điều khoản FTA mở cửa thị trường sẽ không hiệu quả nếu như các khoản đầu tư kéo theo sau đó không được hưởng những tiêu chuẩn bảo hộ cơ bản như không bị phân biệt đối xử, được xét xử công bằng, hoặc không bị quốc hữu hóa. Việc chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia được tiếp cận nguồn nhân công, nguyên liệu rẻ, được giảm thuế xuất nhập khẩu sẽ không có ý nghĩa nếu họ không được bảo hộ để yên tâm đầu tư số vốn lớn trong thời gian dài. Với việc ghép bảo hộ đầu tư cùng kí kết trong một FTA, EU thường yêu cầu các quốc gia ngoại khối phải nâng cao tiêu chuẩn bảo hộ doanh nghiệp EU trong pháp luật của các quốc gia này để đổi lấy quyền tiếp cận một trong những thị trường lớn và phát triển nhất thế giới.[6] Do đó, việc tách rời FTA và IPA sẽ khiến EU khó tận dụng việc kí kết các FTA để buộc các quốc gia khác thông qua ngay các tiêu chuẩn bảo hộ đầu tư cao hơn, ảnh hưởng tới việc bảo vệ các khoản đầu tư hiện hữu, cũng như thực hiện tham vọng xây dựng Tòa Đầu tư Đa biên (MIC) và chính sách “Châu Âu toàn cầu”. Việc Nhật Bản công khai thể hiện quan điểm cứng rắn và từ chối tham gia Tòa Đầu tư của EU được coi là hậu quả nhãn tiền khi EU không thể gắn liền lợi thế đàm phán FTA để đẩy mạnh cơ chế bảo hộ mới này.[7]
4. Các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam
Sáng ngày 8/6/2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn cả hai hiệp định EVFTA và EVIPA. Bởi vậy, các cam kết đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong EVFTA như giảm trên 85% số dòng thuế ngay trong năm đầu tiên và hầu hết những quy định quan trọng về sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ có thể được thực hiện ngay trong 1-2 tháng sau khi được hai bên trao văn kiện hoàn tất phê chuẩn.[8]
Ngược lại, với việc hiệp định EVIPA cần có sự phê chuẩn của các nghị viện thành viên EU, nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng được thông qua của hiệp định này. Với việc các nghị viện các quốc gia nội khối EU thường phải chịu những áp lực chính trị nhất định từ nhiều phía, để có được sự đồng ý của tất cả 27 nghị viện là không đơn giản, trong khi những trường hợp gần giống như vụ việc Nghị viện Wallonian cản trở CETA năm 2016 hoàn toàn có thể tái diễn. Việc phê chuẩn còn có thể bị đình trệ do các thủ tục phức tạp tại từng quốc gia. Ví dụ như việc Tòa án Hiến pháp Liên Bang Đức đã phải giải quyết một số Yêu cầu ban hành một Lệnh cấm Sơ bộ đối với việc phê chuẩn hiệp định CETA của đại diện Đức tại Hội đồng Châu Âu.[9] Dù các yêu cầu nói trên đều đã không được chấp nhận, nhưng với việc EVIPA bao gồm cả cơ chế ISDS tại Tòa Đầu tư, những lo ngại về một vụ Vattenfall v. Germany thứ ba có thể tiếp tục làm dấy lên một làn sóng những yêu cầu tương tự. Tất cả những yếu tố kể trên, độc lập hoặc kết hợp với nhau sẽ có thể kéo lùi thời điểm EVIPA có hiệu lực muộn hơn so với EVFTA trong nhiều năm nữa. Việc thông qua CETA có thể coi là một ví dụ: dù đã được phê chuẩn tại cấp EU từ tháng 9/2017 nhưng đến nay CETA mới chỉ được 14/27 thành viên EU phê chuẩn, và các quốc gia còn lại như Italia và Đức tiếp tục đặt ra nhiều khó khăn mới cho việc thông qua hiệp định này.
Việc kéo dài này sẽ đem lại một số lợi ích nhất định cho Việt Nam. Trên thực tế, trong khi các công ty EU đầu tư đến 2.375 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 25 tỷ USD, gấp gần 80 lần đầu tư ngược lại từ Việt Nam sang EU với 78 dự án tương đương 320 triệu USD. Đồng thời, chỉ có 21 IPA giữa thành viên EU với Việt Nam là đang có hiệu lực, tức là các nhà đầu tư từ 6 quốc gia EU chưa được bảo hộ tương ứng. Do đó, khả năng tận dụng các tiêu chuẩn cao trong EVIPA về bảo hộ đầu tư và cơ chế Tòa Đầu tư đối với Việt Nam là không quá quan trọng như đối với EU. Ngược lại, Việt Nam nên tận dụng việc kéo dài thời gian phê chuẩn hiệp định này để chuẩn bị thật kỹ cho việc thực thi, chẳng hạn như tăng cường rà soát lấp lỗ hổng pháp lý, xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, bồi dưỡng đội ngũ luật sư và đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm để đối mặt với những vụ kiện đầu tư lớn có thể xảy ra tại từ cơ chế Tòa Đầu tư theo điều 3 của EVIPA.[10] Việt Nam cũng cần sẵn sàng tham gia các phiên đàm phán về EVIPA có thể phát sinh trong trường hợp hiệp định này phải chịu những yêu cầu sửa đổi mới nhất đến từ nghị viện các quốc gia thành viên EU.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Delegation of the EU to Vietnam. ( 2019). Guide to the EU-Vietnam trade and investment agreements.
- Tòa án Công lý Châu Âu (16/05/2017), Ý kiến Tư vấn 2/15, ECLI:EU:C:2017:376.
- Thẩm phán Sharpston (21/12/2016), Quan điểm độc lập về Ý kiến 2/15, ECLI:EU:C:2016:992.
- Hội đồng Châu Âu (22/05/2018), Kết luận của hội nghị Hội đồng Châu Âu số 3618.
- Nghị viện và Hội đồng Châu Âu (12/12/2012), Quy định về những sắp xếp chuyển tiếp cho các hiệp định đầu tư song phương giữa thành viên EU và các quốc gia ngoại khối, số 1219/2012 (L 351/40).
- Ondrej Svoboda (2019), The Common Commercial Policy after Opinion 2/15: No Simple Way to Make Life Easier for Free Trade Agreements in the EU, 15 CYELP 189, 203.
- European Commission. (2018). A new EU trade agreement with Japan. Understanding Paper: EC.
- Bộ Công Thương (2020), Tổng quan về Hiệp định EVFTA, Cổng thông tin về EVFTA, Webstie Bộ Công Thương Việt Nam.
- Tòa Hiến pháp Liên Bang Đức (13/10/2016), Phán quyết 1368/16, 2016 - 2 BvR.
- Nguyễn Phương Linh (2018), Cơ chế tài phán đầu tư trong EVFTA và sự chuẩn bị của Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Đối ngoại, số 102/2018.
MAY EVIPA SINK INTO OBLIVION?
Master. DAO TRONG KHOI
Lecturer, FPT University Hanoi
ABSTRACT:
The EU-Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA) between Vietnam and the European Union (EU) came into effect in August 2020. However, all the parts regulating investment protection and dispute settlement which were moved out of the previous EVFTA to form the EU-Vietnam Investment Protection Agreement (EVIPA) has not been ratified by the EU. Although this delay is caused by certain internal conflicts and complex procedures of the EU, Vietnam should be prepared and take advantage of this interruption.
Keywords: EVFTA, EVIPA, investment protection, trade agreement, EU.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 19, tháng 8 năm 2020]