Vừa qua, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị tập huấn “Kỹ năng kinh doanh trên môi trường số và kiến thức livestream” tại Gia Lai.
Hội nghị có sự tham dự của ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (EcomViet), bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Chuyên gia về livestream; cùng sự tham gia của đại diện các Sở, ban, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố; các hội, hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Binh cho biết, Gia Lai là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng của vùng Tây Nguyên và tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn.
Tuy nhiên, Gia Lai cách xa các trung tâm kinh tế lớn, cảng biển; chưa có đường cao tốc, đường sắt; kết nối chủ yếu thông qua hệ thống đường bộ; do vậy, việc áp dụng phương thức kinh doanh mới trên nền tảng số để phát triển kinh tế là điều rất cần thiết.
Ngày nay, Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các nền tảng số đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong việc tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu và bán hàng.
Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh đã có bước phát triển nhất định, từ nhận thức đến việc thực hiện nhiều giải pháp trong xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, các giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội từng bước được cải thiện theo hướng nâng cao.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Binh, với xuất phát điểm còn nhiều hạn chế, nhất là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực về công nghệ thông tin nên hoạt động kinh doanh trên môi trường số tại Gia Lai phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
“Để tận dụng hiệu quả cơ hội của Cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0, sự phát triển Internet, các nền tảng số, Sở Công Thương Gia Lai nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung mong muốn tại Hội nghị tập huấn này, các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, hỗ trợ để trang bị cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh những kỹ năng mới, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.” Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai Phạm Văn Binh chia sẻ.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm EcomViet (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) đã giới thiệu Tổng quan về thương mại điện tử Việt Nam và Gia Lai; Một số hành vi vi phạm phổ biến và khuyến nghị đối với người bán và người mua trong lĩnh vực thương mại điện tử; Phân tích hành vi người tiêu dùng và kế hoạch kinh doanh trực tuyến phù hợp, hiệu quả.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Thành cũng đã giới thiệu về sàn thương mại điện tử hợp nhất Sàn Việt - Giải pháp chung tay của cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương quảng bá giới thiệu sản phẩm đặc sản vùng miền, thúc đẩy liên kết vùng qua thương mại điện tử.
Theo Giám đốc EcomViet, năm 2023, Sàn Việt đã kết nối được 07 sàn thương mại điện tử địa phương thuộc 4 vùng kinh tế, với 300 sản phẩm. Trong năm 2024, Trung tâm EcomViet đang kết nối sàn thương mại điện tử Bắc Ninh, Đồng Nai và Gia Lai với mục tiêu kết nối đủ 6 vùng kinh tế lên Sàn Việt, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử.
Chia sẻ với các học viên về ngành livestream, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Chuyên gia về ngành này nhấn mạnh, đây đang là hình thức được các nền tảng rất ưu tiên, giúp người bán tối ưu chi phí và tăng hiệu quả bán hàng. Vì thế, livestream có xu hướng ngày càng phát triển trong tương lai.
Tại buổi tập huấn, diễn giả đã chia sẻ với các học viên kinh nghiệm để buổi livestream thành công, theo đó, kịch bản cơ bản của từng phiên livestream thông qua các bước: Mở đầu, bán hàng, tương tác, kết thúc - phải giữ được “nhiệt”, níu chân được mọi người và có được nhiều “mắt xem” trong livestream.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung gợi ý, để giữ chân khách hàng cần giới thiệu sản phẩm một cách thu hút, thú vị, giới thiệu các ưu đãi; Tổ chức các minigame; Tạo môi trường thân thiện; Trả lời các câu hỏi của khách hàng; Đưa lời khuyên phù hợp cho khách hàng…
Hội nghị tập huấn kết thúc thành công tốt đẹp. Những chia sẻ bổ ích từ các chuyên gia cùng phần giải đáp cuối Hội nghị đã góp phần giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn nắm được những thao tác bán hàng trực tiếp, cách xây dựng các video quảng bá thương hiệu sản phẩm đơn giản mà hiệu quả, giúp gia tăng cơ hội kết nối giao thương và đẩy mạnh tiêu thụ những sản phẩm đặc trưng của Gia Lai trên môi trường trực tuyến.