TÓM TẮT:
Từ ngày 01/01/2024, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% có hiệu lực. Theo đánh giá của các chuyên gia, mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ gây ra nhiều mối lo về xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư, cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia, cũng như chiến lược thu hút FDI nếu chậm chân ứng phó. Do đó cần có giải pháp nhằm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Bài viết này phân tích những tác động của thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam, đồng thời đề xuất một số giải pháp áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: thuế tối thiểu toàn cầu, FDI, lợi nhuận.
1. Đặt vấn đề
Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Hiện 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào. Đến nay, hầu hết các quốc gia thuộc liên minh châu Âu như Thụy Sĩ, Anh. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Hong Kong (Trung Quốc), Australia xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Nhiều ý kiến cho rằng việc đánh thuế tối thiểu toàn cầu là tất yếu nhưng cần lưu ý đến việc xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để ổn định đầu tư. Một số ý kiến khác cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề như: bao nhiêu thuế bổ sung sẽ thu thêm được dùng để hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nào sẽ được hưởng ưu đãi này, cũng như mức hỗ trợ tính toán trên cơ sở chi phí nào và mức bao nhiêu là phù hợp.
2. Tác động của thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam
Nội dung thuế tối thiểu toàn cầu
Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu quy định cho phép quốc gia có công ty mẹ tối cao đặt trụ sở chính được đánh thuế công ty mẹ tối cao đối với thu nhập của công ty con ở các quốc gia khác đang chịu thuế thực tế ở dưới mức thuế tối thiểu 15%. Mức thực tế là mức thuế tính cho công ty con hoặc nhóm các công ty con hoạt động tại một nước nhận đầu tư gộp lại (sau khi bù trừ lãi, lỗ giữa các công ty) và được điều chỉnh theo quy định.
Quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu: Trường hợp quốc gia của tất cả các công ty mẹ chưa áp dụng Quy định IIR thì các quốc gia có công ty trung gian thuộc tập đoàn có quyền đánh thuế công ty mẹ trung gian ở quốc gia đó đối với thu nhập của công ty con ở các quốc gia khác đang chịu thuế ở dưới mức thuế tối thiểu 15%.
Quy định thuế khấu trừ tại nguồn tối thiểu cho phép quốc gia nơi phát sinh thu nhập (lãi tiền vay, tiền bản quyền và một số khoản thanh toán khác) được quyền đánh thuế ở mức thuế suất tối thiểu 9% đối với các khoản thanh toán thu nhập nêu trên cho bên liên kết chịu thuế ở dưới mức thuế suất tối thiểu 9% này. Để thực hiện quyền này, các nước phải tham gia ký Hiệp định đa phương sửa đổi quy định tại các hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa các nước.
Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT): Theo quy định mẫu của OECD, các nước có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế thấp hơn 15% được quyền ban hành quy định pháp luật để thu thuế bổ sung theo Quy định QDMTT. Việc ban hành các quy định này phải bảo đảm “đạt tiêu chuẩn” theo hướng dẫn của OECD. Các nước nhận đầu tư được quyền ưu tiên thu thuế QDMTT trước khi nước đầu tư áp dụng thuế tối thiểu 15%. Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (thường dành cho nước nhận đầu tư) là một loại thuế tối thiểu được quy định tại nội luật của một nước, theo đó:
- Xác định các khoản thu nhập chịu thuế tối thiểu (sau khi giảm trừ các khoản thu nhập cơ bản gắn với tài sản hữu hình và lao động) của các công ty thành viên tại một nước (thu nhập chịu thuế tối thiểu nội địa) theo cách tính tương đương với quy định thuế tối thiểu toàn cầu;
- Quy định nhằm tăng nghĩa vụ thuế nội địa đối với thu nhập chịu thuế tối thiểu nội địa lên mức tối thiểu tính cho các công ty thành viên tại nước đó trong năm tài chính;
- Được thực hiện và quản lý sao cho tương ứng với kết quả được quy định theo các quy định thuế tối thiểu toàn cầu và tài liệu diễn giải, với điều kiện là nước đó không quy định cho các công ty được hưởng bất kỳ lợi ích nào liên quan trực tiếp đến các quy định về thuế thu nhập bổ sung.
Tác động của quy định thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam
Với quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, một công ty đa quốc gia sẽ bị đánh thuế thu nhập 15% đối với các khoản lợi nhuận tạo ra tại các quốc gia, kể cả một quốc gia nào đó không đánh thuế thu nhập hoặc thuế suất thuế thu nhập thấp hơn mức tối thiểu) thông qua cơ chế đánh thuế bổ sung, không chấp nhận tính chi phí hoặc thuế khấu trừ tại nguồn với mức thuế suất hiệu lực (ETR) tối thiểu. Trong kỳ tính thuế, nếu thuế suất hiệu lực của một công ty con thấp hơn thuế suất tối thiểu được thỏa thuận toàn cầu thì công ty mẹ phải nộp thuế bổ sung trên phần thu nhập tương ứng trong thu nhập của công ty con đã bị đánh thuế thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu cho quốc gia nơi đặt trụ sở (quốc gia mẹ/quốc gia cư trú). Trong một số trường hợp nhất định, khoản thuế bổ sung sẽ chuyển sang một hoặc nhiều thành viên khác của công ty đa quốc gia. Do vậy, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra một hệ thống thuế có sự phối hợp của nhiều quốc gia, nhằm đảm bảo các công ty đa quốc gia phải trả mức thuế tối thiểu đối với thu nhập phát sinh tại mỗi nước/khu vực mà công ty đa quốc gia đó hoạt động.
Bằng việc áp dụng quy định thuế tối thiểu, quy tắc này sẽ ngăn chặn việc liên tục hạ thuế suất thuế thu nhập công ty phổ thông, cũng như áp dụng các mức thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia. Khi thực hiện quy định thuế tối thiểu, các quốc gia phải điều chỉnh lại hệ thống thuế nội địa của mình để đảm bảo nguồn thu thuế của mình đối với lợi nhuận của các công ty đa quốc gia. Điều này cũng định hình lại các yếu tố cạnh tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Các quốc gia cũng được lựa chọn áp dụng nguyên tắc đánh thuế gộp đối với các công ty đa quốc gia đóng trụ sở chính tại quốc gia đó ngay cả khi chưa đến ngưỡng 750 triệu EUR. Trong trường hợp này, khi thuế tối thiểu trong nước đáp ứng các điều kiện của thuế bổ sung nội địa đạt tiêu chuẩn thì bất kỳ khoản thuế nào của một công ty chi trả sẽ được khấu trừ toàn bộ đối với bất kỳ nghĩa vụ thuế nào theo quy tắc của GloBE. Điều này có nghĩa, thuế bổ sung nội địa đạt tiêu chuẩn sẽ thay đổi thứ tự mà các khu vực tài phán được quyền tính thuế bổ sung khi thuế suất thực tế của một đối tượng bị điều chỉnh bởi quy tắc GloBE giảm xuống dưới mức tối thiểu toàn cầu
3. Giải pháp áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam
Một là, nghiên cứu thay đổi chính sách ưu đãi đầu tư thay thế chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sang chính sách hỗ trợ đầu tư mang lại hiệu quả thực cho nhà đầu tư. Do ảnh hưởng của việc áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam sẽ khiến cho số thuế phải đóng bổ sung này bị chuyển về quốc gia nơi đặt trụ sở công ty mẹ tối cao của các doanh nghiệp đa quốc gia. Nói cách khác, lợi nhuận của các công ty đa quốc gia có được tại Việt Nam sẽ bị cơ quan thuế của một quốc gia khác mà không phải Việt Nam thu về, thông qua việc thực hiện quyền thu thuế đối với số lợi nhuận này. Điều này khiến năng lực đầu tư của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam bị giảm sút. Chính phủ Việt Nam cần xây dựng những chính sách ưu đãi đầu tư mới nhằm hỗ trợ khôi phục khả năng cạnh tranh đã bị giảm sút đó. Nói cách khác, cần áp dụng chính sách hỗ trợ thay thế cho những ưu đãi về thuế TNDN đã bị ảnh hưởng 35 bởi quy tắc của Trụ cột 2, qua đó duy trì năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, đồng thời giúp các doanh nghiệp này có thể tiếp tục hoạt động dự án của mình lâu dài hơn nữa.
Hai là, các giải pháp hỗ trợ cần được nghiên cứu ban hành có thể bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường. Để thực hiện được chương trình hỗ trợ, Nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường
đầu tư.
Ba là, đối với các dự án đầu tư vào Việt Nam trước ngày 01/01/2024. Theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD, nhằm tạo một mặt bằng tối thiểu về thuế TNDN trên toàn cầu, nếu doanh nghiệp không nộp phần thuế bổ sung này ở nước nhận đầu tư (nếu có số thuế nộp thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15%) thì sẽ nộp ở nước có Công ty mẹ đóng trụ sở chính. Do vậy, việc áp dụng Quy định thuế TNDN theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15%) đối với phần thuế TNDN chênh lệch từ thuế tối thiểu toàn cầu (15%) so với mức thực tế của doanh nghiệp đã và đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì khả năng xảy ra sự kiện liên quan đến việc bảo hộ đầu tư đối với các ưu đãi về thuế TNDN đang được hưởng là không cao. Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp đề nghị đảm bảo đầu tư thì căn cứ Luật Đầu tư để giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể.
Bốn là, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của đại biểu tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo. Báo cáo cần bao quát hết các vấn đề phát sinh để đề xuất, kiến nghị các giải pháp thật phù hợp trong thời gian tới, đồng thời báo cáo phải được bố cục chặt chẽ, rõ ràng hơn, theo đó tập trung nêu bật các vấn đề cốt lõi sau: (i) Quá trình hình thành và nội hàm Thuế suất tối thiểu toàn cầu; (ii) Khẳng định rõ việc Việt Nam cần hay không cần, nên hay không nên tham gia; (iii) Làm rõ hơn chính sách thuế của ta trong thời gian vừa qua; (iv) Phân tích đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam, trong đó tập trung đánh giá tác động đến: ngân sách nhà nước; nhà đầu tư; thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam; (v) Giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là giải pháp đối với những đối tượng bị tác động cần cụ thể rõ ràng, phân tích kỹ tác động.
Năm là, cần sớm rà soát, cập nhật và thay đổi phù hợp qui định pháp luật liên quan (như Luật thuế TNDN, Luật NSNN, Luật Đầu tư, Luật thuế VAT...), có thể xem xét một luật sửa nhiều luật; và cơ chế, chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các vấn đề về thể chế (lưu ý chất lượng và thực thi thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, năng suất lao động, cải cách thủ tục hành chính, giảm mạnh chi phí không chính thức...), vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định kinh doanh của nhà đầu tư, thay vì áp dụng các ưu đãi về thuế như hiện nay; tiếp tục thực thi hiệu quả những định hướng, mục tiêu, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 50 ngày 20/08/2019 của Bộ Chính trị và Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 2/6/2022 về Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030. Trước mắt, khi xem xét tiếp nhận đăng ký các dự án đầu tư mới, cần hết sức lưu ý các quy định và hướng dẫn về ưu đãi thuế, trong bối cảnh Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2024.
4. Kết luận
Có thể nói, việc đánh thuế tối thiểu toàn cầu là tất yếu nhưng cần lưu ý đến việc xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để ổn định đầu tư. Chính phủ Việt Nam cần đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề như: bao nhiêu thuế bổ sung sẽ thu thêm được dùng để hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nào sẽ được hưởng ưu đãi này, cũng như mức hỗ trợ tính toán trên cơ sở chi phí nào và mức bao nhiêu là phù hợp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ngô Thế Chi (2013), Giải pháp hạn chế các thủ thuật chuyển giá trong điều kiện hiện nay của các công ty đa quốc đang hoạt động tại Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Bộ Tài chính.
- Vũ Nhữ Thăng (2017), Gói hành động về xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS): Khả năng áp dụng tại Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Bộ Tài chính.
- Bộ Kế hoạch và đầu tư (2022), Báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2022 RT, FT, CNBC (2021), Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, Gần 140 quốc gia đồng ý mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương. Truy cập tại https://moit.gov.vn/tin-tuc/bao-chi-voi-nguoi-dan/gan-140-quoc-gia-dong-y-muc-thue-doanh-nghiep-toan-cau-toi-thieu.html
Solutions for the implementation of the global minimum corporate tax rate in Vietnam
Master. Dang Thi May
Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries
Abstract:
The global minimum corporate tax rate of 15 percent will be applied from January 1, 2024. According to experts, this tax policy will cause many concerns about the changes in investment approaches of multinational companies and FDI attraction strategies of many countries. As a reuslt, it is necessary for Vietnam when the global minimum corporate tax rate is implemented. This study analyzes the impacts of the global minimum corporate tax rate in Vietnam, and proposes some solutions for Vietnam in the coming time.
Keywords: global minimum corporate income tax, FDI, profit.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8 tháng 4 năm 2023]