Giải pháp phát triển đầu tư tác động

Nghiên cứu "Giải pháp phát triển đầu tư tác động" do ThS. Nguyễn Thị Thanh Thuý (Khoa Tài chính Ngân hàng và Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật - Công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

Việt Nam là thị trường tiềm năng cho hoạt động đầu tư tác động. Theo khảo sát đối với các nhà đầu tư tạo tác động năm 2020 của tổ chức Global Impact Investing Network (GIIN), ước tính quy mô đầu tư thị trường tạo tác động có thể lên đến 715 tỷ USD. Bài viết đề cập đến các nhân tố tác động tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư tác động nói riêng nhận thức các nhân tố nội tại, khắc phục những vướng mắc về chuyên môn, kỹ năng, quản lý và kiểm soát thông tin trước – trong - sau đầu tư, nhằm phát huy tối đa hiệu quả, giảm áp lực, tạo ra tác động của đầu tư, đồng thời có kinh nghiệm tìm kiếm các khoản đầu tư trong tương lai, song hành với giá trị hoạt động cốt lõi.

Từ khóa: đầu tư tác động, nhà đầu tư, xã hội.

1. Đặt vấn đề

Đầu tư tác động được hiểu là những khoản đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, hay các công ty quản lý quỹ, không chỉ nhằm mục đích đạt được lợi nhuận, mà còn đạt được những mục đích khác như xã hội, hay môi trường.

Ước tính của GIIN về quy mô đầu tư tác động toàn cầu năm 2019 cho thấy, có khoảng 1.720 tổ chức tham gia đầu tư, với tổng giá trị đầu tư khoảng 715 tỷ USD. Tuy vậy, tại khu vực ASEAN hiện mới chỉ tiếp nhận 6% tổng vốn đầu tư toàn cầu. Tại Việt Nam, khoảng 70% doanh nghiệp tác động xã hội của Việt Nam có lãi, 18% hòa vốn và 12% lỗ trong quá trình hoạt động, theo số liệu từ tổ chức Social Enterrprice UK (SEUK) trong khi tại Anh chỉ có 51% doanh nghiệp tác động xã hội báo lãi, trong khi con số hòa vốn và lỗ chiếm lần lượt là 20% và 29%. Còn tại Maylaysia, có tới 51% doanh nghiệp tác động xã hội báo lỗ. Điều này cho thấy, đầu tư tác động xã hội là một xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam.

2. Các nhân tố góp phần phát triển đầu tư tác động

Một là, sự chuyên môn trong việc thiết kế, thực hiện và quản lý đầu tư tác động.

Trên thực tế, không có phương pháp chính thức để một nhà đầu tư thông thường trở thành nhà đầu tư tác động phù hợp. Điều này ảnh hưởng bởi một số yếu tố. Thứ nhất, bất kỳ tổ chức và cá nhân không chuyên nào cũng đều có thể trở thành nhà đầu tư tác động: doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình, quản lý quỹ, tổ chức tài chính phát triển, ngân hàng, quỹ hưu trí và bảo hiểm, tổ chức phi chính phủ,… Thứ hai, đầu tư tác động không phải là một ngành nghề đặc thù với những phương pháp đào tạo chính quy mà đầu tư tác động là một cách tiếp cận mới của lĩnh vực đầu tư nói chung. Chính vì vậy, các nhà đầu tư thường ngần ngại về chuyên môn trong hình thức đầu tư này. Việc thiếu chuyên môn cũng là nguyên nhân tác động đến yếu tố tâm lý, hành vi của các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm thực tiễn thường gắn liền mức ngại rủi ro cao. Một bộ phận các nhà đầu tư dựa vào cảm tính, sự tín nhiệm đối với thị trường để đưa ra quyết định. Mặc dù thiếu chuyên môn, các nhà đầu tư vẫn có thể căn cứ vào những đặc thù của khoản đầu tư đó.

Hai là, lợi ích từ các khoản đầu tư tác động.

Bản chất của đầu tư là các khoản lợi ích. Điểm khác biệt ở đầu tư tác động so với các hình thức đầu tư khác đó là mục đích bản chất gắn liền với khoản lợi ích nhà đầu tư mong muốn nhận về. Không chỉ dừng lại ở khái niệm, các nhà đầu tư cần hiểu rõ về tính đặc thù của đầu tư tác động so với các hình thức đầu tư khác. Có thể hiểu, đầu tư tác động chỉ giữ lại nền tảng lợi nhuận tài chính của đầu tư truyền thống; Đầu tư tác động chủ động hơn khi (thay vì sàng lọc khoản đầu tư tiêu cực) tích cực tìm kiếm khoản đầu tư liên quan tới môi trường và xã hội so với đầu tư có trách nhiệm (SRI - Socially Responsible Investing); Đầu tư tác động vượt ra yếu tố quản trị doanh nghiệp (G-Governance trong “ESG”) so với đầu tư bền vững (Sustainable investing).

Lợi nhuận trong đầu tư tác động có thể chia thành 2 nhóm chính: Lợi ích tài chính và lợi ích phi tài chính. Lợi ích tài chính của khoản đầu tư thường được nhà đầu tư cân nhắc dựa trên thu thập, đánh giá thông tin của nội bộ tổ chức về rủi ro đầu tư, lợi nhuận, tăng trưởng vốn trong tương lai thông qua mô hình thu nhập, kỹ năng kinh doanh của đơn vị tiếp nhận đầu tư,… cũng như nhận định tổng quan về các chỉ số vĩ mô của thị trường đầu tư như cán cân thương mại, tỷ lệ lạm phát,… Kỳ vọng về lợi ích tài chính không chỉ tác động trực tiếp đến việc lập kế hoạch đầu tư mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các khoản đầu tư thực tế (Nicola Gennaioli và cộng sự, 2015). Lợi ích phi tài chính không phải là mục đích riêng biệt của đầu tư tác động mà song hành bên cạnh yếu tố lợi ích tài chính. Nhà đầu tư chú trọng tạo ra các lợi ích này khi các khoản đầu tư có thể đáp ứng được mục tiêu hoạt động và giá trị cốt lõi, đặc biệt với nhà đầu tư tác động là các giá trị hướng đến môi trường và xã hội.

Lợi ích phi tài chính như truyền thông thương hiệu ít được đề cập bởi danh tiếng nhà đầu tư thường có giá trị sau kết quả của quá trình đầu tư. Trong khi đó, khía cạnh lợi ích xã hội - giá trị trong số các lợi ích phi tài chính được đề cao bởi nó xuất phát từ mục đích đầu tư. Lợi ích xã hội cũng gắn liền với yếu tố đạo đức. Thuyết hành vi có hoạch định cho rằng nhận thức về chuẩn mực và nghĩa vụ đạo đức có thể thay đổi hành vi của các cá nhân. Trong lĩnh vực đầu tư, nhân tố này đã được kiểm nghiệm có giá trị tại Malaysia bởi Adam và Shauki (2014). Beal, D. J., và cộng sự (2005) đưa ra quan điểm rằng bên cạnh động lực tạo ra thay đổi tích cực trong xã hội, yếu tố đạo đức trong đầu tư còn quay lại thúc đẩy đạt được lợi nhuận tài chính, tuy nhiên còn thiếu những dẫn chứng thực tế.

Ba là, sự thuận lợi và khó khăn trong việc đo lường lợi ích từ các khoản đầu tưtác động.

Nếu như các lợi ích đề cập trên là mục tiêu của đầu tư tác động thì việc đo lường lợi ích thu về đặc biệt quan trọng nhằm đánh giá và minh chứng hiệu quả đầu tư tác động. Lợi ích hay lợi nhuận tài chính là giá trị dễ dàng đo lường được, đơn giản và truyền thống nhất đó là dựa trên các chỉ số hiệu quả tài chính mà nhà đầu tư quan tâm như tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu hay lợi nhuận thặng dư. Trong khi đó, việc đo lường lợi nhuận xã hội lại được coi là khó khăn đối với nhà
đầu tư tác động tại Đức, bởi không có khả năng định giá đầy đủ lợi nhuận, thiếu công cụ đo lường hiệu quả và đứng trước sức ép của các bên liên quan về bằng chứng lợi nhuận xã hội.

Việc đo lường “tác động” hiện nay chưa có khung mẫu chung thống nhất. Một số công cụ hỗ trợ đo lường tác động được đề xuất tiêu biểu như: IRIS - hỗ trợ báo cáo tác động căn cứ trên việc cung cấp các chỉ số mẫu với những nguyên tắc phân loại (tổ chức, sản phẩm, hiệu quả tài chính, hiệu quả hoạt động,…); PULSE - công cụ quản trị danh mục đầu tư, phát triển dựa trên IRIS; GIIRS - công cụ phân tích và đánh giá tác động môi trường, xã hội, đưa ra dữ liệu làm điểm chuẩn (benchmark) căn cứ trên các định nghĩa của IRIS. Tuy nhiên việc ứng dụng các công cụ còn phụ thuộc nhiều vào khả năng đáp ứng của lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư hay chính độ tin cậy của công cụ,… Theo Ivy So và cộng sự (2016), “tác động” không chỉ ở là khâu đánh giá sau đầu tư mà còn được biểu thị dưới 4 bước của vòng tròn đầu tư: ước lượng tác động, hoạch định tác động, kiểm soát tác động và đánh giá tác động. Mỗi giai đoạn đều gợi ý phương pháp lý thuyết, còn công cụ cụ thể hóa các phương pháp này phần lớn được xây dựng bởi nội bộ các tổ chức/quỹ đầu tư độc lập.

Bốn là, hệ sinh thái khả thi hóa đầu tư

“Enable X ecosystem” (tạm dịch: khả thi hóa hệ sinh thái X) là cụm từ xuất hiện thường xuyên, đặc biệt hướng tới đối tượng X là doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội hay doanh nghiệp đổi mới (Philip E. Auerswald, 2014; Philip E. Auerswald, 2015; OECD, 2015; Mario Biggeri và cộng sự, 2017; Mario Biggeri và cộng sự, 2018; PwC, 2018). Có thể hiểu khả thi hóa hệ sinh thái doanh nghiệp là xây dựng một cấu trúc hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy, tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, phát huy các nguồn lực trong và ngoài môi trường ngành. Trong đầu tư tác động, các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp đổi mới được coi như đối tượng tiếp nhận đầu tư. “Hệ sinh thái khả thi hóa đầu tư” (“the enabling ecosystem”) được Intellecap Advisory Services analysis mở rộng dựa trên ứng dụng bộ công cụ chuẩn đoán hệ sinh thái doanh nghiệp đề cập tới 7 thành tố trong hệ sinh thái đầu tư tác động, bao gồm: văn hóa doanh nghiệp; đổi mới, nghiên cứu và phát triển; hạ tầng công cộng; chính sách; thị trường; vốn con người; hỗ trợ doanh nghiệp.

3. Giải pháp phát triển đầu tư tác động

Một là, phát triển chính sách hỗ trợ thành lập quỹ đầu tư tác động

Các quỹ đầu tư tác động trên thế giới cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển. Xây dựng cơ quan chuyên trách cấp phép thành lập quỹ đầu tư tại mỗi địa phương giúp tối ưu hóa, giảm thiểu thời gian xử lý quy trình thủ tục ở cấp cao hơn. Thủ tục cấp phép đầu tư 3 tiếng (Three-hour investment licensing facility) tại Indonesia đã được kiểm chứng có hiệu quả và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Các quốc gia khác có thể phát triển những chính sách thúc đẩy phù hợp, định kỳ khảo sát, thu thập ý kiến đóng góp của nhà đầu tư tác động về quy trình đăng ký đầu tư và đánh giá quy trình thành lập quỹ sau khi đưa vào thử nghiệm. Thay vì các quỹ đầu tư tác động của cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế, nhà nước có thể thành lập các quỹ từ ngân sách quốc gia nhằm đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư tác động trong nước. Bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu phát triển xã hội, các quốc gia nên thực hiện ưu đãi thuế đối với nhà đầu tư cấp vốn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xã hội nói riêng. Đồng thời, các quốc gia nên khuyến khích các quỹ đầu tư quốc tế hoạt động trong nước, kết nối các quỹ đầu tư thực hiện dự án xuyên quốc gia.

Đơn vị tiếp nhận đầu tư tác động tiềm năng - doanh nghiệp xã hội (DNXH) tại Việt Nam đang được nhận nhiều chính sách khuyến khích phát triển. DNXH hoạt động trong lĩnh vực xã hội và môi trường có thể hưởng các chính sách ưu đãi về xã hội hóa theo Nghị quyết 05/NQ-CP và Nghị định 69/NĐ-CP của Chính phủ trong đó có Chính sách về cơ sở hạ tầng và đất đai; Chính sách về ưu đãi thuế (Điều 20, thông tư 78/2014/TT-BTC của Chính phủ quy định thời gian miễn giảm thuế với mức miễn giảm, thời gian miễn giảm, lĩnh vực và phạm vi hoạt động); Chính sách ưu đãi về tín dụng (được vay vốn tín dụng đầu tư hoặc hỗ trợ sau đầu tư theo quy định về tín dụng đầu tư của nhà nước). Tuy nhiên, về phía nhà đầu tư tác động, quy trình thành lập quỹ đầu tư còn gặp nhiều vướng mắc. Hiện nay, Việt Nam chưa quy định thành lập quỹ cho nhà đầu tư tác động, mà quỹ đầu tư được quy định chủ yếu dựa trên đối tượng đầu tư.

Hai là, xây dựng mạng lưới hỗ trợ đầu tư

Mạng lưới hỗ trợ đầu tư là nơi kết nối nhà đầu tư có quy mô vốn đa dạng với nhu cầu cung cấp vốn đầu tư tác động với các đơn vị tiếp nhận đầu tư cần huy động vốn. Mạng lưới nên tập hợp các nhà đầu tư đã thành công, chưa thành công và mong muốn tham gia vào lĩnh vực đầu tư tác động chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, tạo dựng cơ hội mở rộng liên kết. Đối với các đơn vị tiếp nhận đầu tư, các tổ chức ươm mầm (incubator) và thúc đẩy (accelerator) trong mạng lưới đẩy mạnh công tác cố vấn đào tạo, nâng cao chuyên môn cho các doanh nghiệp nhằm đảm bảo các doanh nghiệp có chuyên môn, không ngừng đổi mới sáng tạo, hình thành văn hóa doanh nghiệp, đáp ứng khả năng tiếp nhận đầu tư tương đồng quy mô vốn đa dạng. Hoạt động trên quy mô toàn thế giới. Để nhà đầu tư trên toàn thế giới hòa nhập vào mạng lưới, cần có những liên kết chặt chẽ hơn trong khu vực và châu lục, đặc biệt tại khu vực đầu tư tác động mới nổi như châu Á.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp, số 59/2020/QH14.
  2. UNDP, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2018), Thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam.
  3. GIIN (2012), Core Characteristics of Impact Investing.
  4. GIIN (2019),Impact Investing Trends Report.
  5. GIIN (2019),IRIS, access to https://iris.thegiin.org/
  6. GIIN (2020),Annual Impact Investor Survey.

Solutions for facilitating the impact investing

Master. Nguyen Thi Thanh Thuy

Faculty of Finance, Banking and Insurance, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Vietnam is a potential market for impact investing. According to GIIN’s survey about impact-investing investors in 2020, it is estimated that the market size of impact investing can be up to US$ 715 billion. This paper points out the factors of impact investing which create opportunities for investors in general and impact-investing investors in particular. The paper is expected to help investors understand internal factors, overcome problems in terms of expertise, skills, and information management during the investment process in order to maximize efficiency, reduce pressure creating from the impact investing process. In addition, this paper can help investors gain more experience in finding future investments in parallel with core values and activities.

Keywords: impact investing, investors, society.  

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8  tháng 4 năm 2023]

Tạp chí Công Thương