Giải pháp phát triển du lịch nông thôn tỉnh An Giang

TRẦN ĐĂNG NINH (Nghiên cứu sinh Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Những năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực tìm hướng phát triển để nâng tầm vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Tài nguyên du lịch của Việt Nam đa dạng, phong phú, trải dọc miền đất nước… mang đến cho nước ta lợi thế về du lịch vô cùng to lớn. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành Du lịch trong nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của nó. Sự trùng lặp trong các sản phẩm dịch vụ, yếu kém trong khả năng cung cấp các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc khiến cho ngành Du lịch Việt Nam không tạo được ấn tượng trong lòng khách quốc tế cũng như khách nội địa.

Nhằm mục tiêu vừa khai thác được thế mạnh, vừa đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững vùng nông thôn, An Giang đã bước đầu quan tâm đến hướng đi mới, đó là khai thác hoạt động du lịch vùng nông thôn trong những năm gần đây, với các loại hình như homestay, chợ nổi, làng bè, làng nghề truyền thống, du lịch sông nước, du lịch tâm linh,... Nhưng do là lĩnh vực mới nên cần phải được nghiên cứu nhiều hơn để việc triển khai trong thực tiễn đạt kết quả cao hơn. Vì vậy, bài viết tập trung vào phân tích, nhận định rõ thực trạng các hoạt động du lịch tại địa phương với những điểm mạnh, điểm yếu, cũng như phân tích các yếu tố ảnh hưởng, để từ đó đề ra các giải pháp phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới.

Từ khóa: giải pháp, phát triển du lịch, nông thôn, tỉnh An Giang.

1. Đặt vấn đề

Du lịch nông nghiệp đơn thuần chỉ là một loại hình du lịch. Du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa vào nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do vậy, tài nguyên của loại hình du lịch này là tất cả những gì phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Từ tư liệu sản xuất, đất đai, con người, qui trình sản xuất, phương thức tập quán kỹ thuật canh tác và sản phẩm làm ra,… đến những yếu tố tự nhiên có liên quan đến sản xuất nông nghiệp như thời tiết, khí hậu, canh tác,… đều là cơ sở tài nguyên cho du lịch nông nghiệp. Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp cho du khách là trang trại, đồng ruộng, vườn cây, rừng trồng đến cả những ao nuôi, cơ sở thuần dưỡng động, thực vật hoang dã,…

Tỉnh An Giang đang đứng trước những cơ hội và thách thức trong vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn lương thực cho đất nước và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo định hướng của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới. Thực trạng trên đòi hỏi các cơ quan chức năng, lãnh đạo tỉnh cần tìm hướng giải quyết.

2. Các loại hình du lịch nông thôn và các đối tượng tham gia, tác động đến du lịch nông thôn

2.1. Các loại hình du lịch nông thôn

Dựa vào tính chất kết hợp của du lịch nông thôn, có thể đưa ra 5 hình thức du lịch nông thôn chính như sau: Du lịch tự nhiên mang tính giải trí; Du lịch văn hóa, quan tâm tới văn hóa, lịch sử và khảo cổ của địa phương; Du lịch sinh thái, quan tâm tới việc bảo vệ nguồn lợi tự nhiên cũng như phúc lợi, giá trị văn hóa của người dân địa phương; Du lịch làng xã, trong đó du khách được hòa mình vào cuộc sống làng xã và dân làng được hưởng các lợi ích kinh tế do các hoạt động du lịch mang lại; Du lịch nông nghiệp, trong đó khách du lịch tham quan và tham gia các hoạt động nông nghiệp truyền thống, không phá hoại hay làm giảm năng suất cây trồng của địa phương.

2.2. Các đối tượng tham gia và tác động đến du lịch nông thôn

- An ninh chính trị: An ninh chính trị ổn định luôn là yêu cầu cốt yếu, là nền tảng của một quốc gia muốn phát triển nói chung. Các ngành trong toàn bộ nền kinh tế cũng vậy, luôn chịu sự chi phối mạnh của yếu tố an ninh chính trị. Đặc biệt, ngành Du lịch với đặc thù là phục vụ khách du lịch từ nơi khác đến một quốc gia, một tỉnh, một khu du lịch để tham quan thì việc bảo đảm môi trường an toàn luôn là điều kiện được xem xét đầu tiên.

- Kinh tế: Du lịch là một ngành trong nền kinh tế của một quốc gia, một địa phương nên việc phát triển ngành du lịch có mối quan hệ chặt chẽ với các ngành kinh tế khác. Một địa phương có kinh tế phát triển thì cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển tương xứng và là tiền đề để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển.

- Trình độ văn hóa: Cũng là một điều kiện để phát triển du lịch. Nhu cầu du lịch của con người có mối quan hệ tỷ lệ thuận với trình độ văn hóa. Một khi con người có trình độ cao thì mức độ nhận thức thưởng thức các giá trị vật chất và tinh thần ngày càng cao, trong đó nhu cầu tìm hiểu thêm cái mới, cái đặc sắc của từng vùng miền cũng tăng theo.

- Thu nhập và thời gian nhàn rỗi: Thu nhập là điều kiện vật chất quyết định việc lựa chọn đi du lịch của con người. Tuỳ vào mức thu nhập mà một người quyết định có đi du lịch hay không, chọn loại hình du lịch nào, địa điểm du lịch ở đâu sao cho phù hợp với khả năng chi trả của mình. Do đó, mức thu nhập càng cao thì con người tham gia hoạt động du lịch càng nhiều, ngành Du lịch ngày càng phát triển.

- Tài nguyên du lịch: Đây là tiền đề phát triển du lịch của một quốc gia, một địa phương. Muốn phát triển du lịch thì trước tiên phải có tài nguyên du lịch. Một khu vực với khí hậu khắc nghiệt, một môi trường tự nhiên bị ô nhiễm ảnh hưởng sức khoẻ con người thì không thể thu hút mọi người đến du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.

- Nguồn nhân lực ngành du lịch: Một đội ngũ người lao động trong ngành có trình độ chuyên môn cao hay thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, chất lượng hoạt động của ngành. Với tính chất là một ngành khai thác các tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, đòi hỏi nguồn nhân lực ngành du lịch phải đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng.

- Hệ thống cơ sở hạ tầng: Đây là cơ sở vật chất để triển khai được các hoạt động du lịch của một địa phương. Nó mang lại sự thuận lợi, cảm giác thoải mái, tiện nghi cho con người khi đi du lịch. Một người sẽ không chọn đi đến một điểm du lịch khi mà để đến đó phải đi qua một đoạn đường dài chật hẹp, lầy lội và không an toàn hoặc không có các tiện ích khác như nơi lưu trú, dịch vụ ăn uống, viễn thông, y tế,…

Các nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn du lịch nông thôn của khách du lịch gồm: sự hấp dẫn của các điểm tham quan; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; an ninh trật tự; tính chuyên nghiệp của nhân viên và thái độ tiếp đón của người dân địa phương; giá cả các dịch vụ du lịch. Từ đó, các nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư địa phương có cái nhìn cơ bản để tìm ra các giải pháp từng bước nâng cao sức thu hút đối với khách du lịch về với các điểm tham quan vùng nông thôn An Giang.

3. Một số giải pháp phát triển du lịch nông thôn tỉnh An Giang

Một là, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật.

Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, điện nước, mạng lưới thông tin liên lạc trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và đặc biệt là tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới đang triển khai. Việc hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ mang lại dáng vẻ mới cho nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch dễ dàng tiếp cận các điểm đến, rút ngắn thời gian chuyển giữa các điểm tham quan. Để các vùng nông thôn có tiềm năng du lịch có thể phát triển, cần đầu tư các tuyến đường trọng điểm và các tuyến đường đến trung tâm các xã, đến các điểm, khu du lịch đã và đang được xây dựng.

Hai là, nâng cao sức hấp dẫn của các điểm, khu du lịch vùng nông thôn.

Để duy trì và phát huy những giá trị du lịch nông thôn, một yêu cầu đặt ra cho ngành Du lịch nói chung ở Việt Nam và hoạt động du lịch nông thôn nói riêng là phải làm sao gìn giữ được môi trường thiên nhiên trong lành, phong cảnh thôn quê bình dị, gần gũi. Quy hoạch các vùng sản xuất để khai tốt lợi thế của từng khu vực, vừa tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, vừa tạo ra hệ thống các điểm đến có sự khác biệt, đa dạng, đáp ứng nhu cầu khám phá cái mới của khách tham quan. Trong đó, chú trọng hơn các dịch vụ hướng dẫn để du khách trải nghiệm quá trình sản xuất nông nghiệp như một sản phẩm phục vụ du lịch.

Nâng cao nhận thức của nhân dân về việc gìn giữ, các làng nghề cần được khuyến khích phát triển thông qua các chính sách hỗ trợ của địa phương. Nâng cao chất lượng phục vụ tại các điểm thưởng thức món ăn, đó có thể là quán ăn, nhà hàng hay tại hộ gia đình. Bên cạnh món ăn ngon, cần đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; không gian thưởng thức; sự khéo léo trong quá trình chế biến; sự thân thiện, cởi mở, hiếu khách trong thái độ tiếp đón và phục vụ. Tổ chức các sự kiện ẩm thực tại các điểm tham quan và vào các thời điểm thích hợp để thu hút khách, nhất là vào các dịp lễ hội.

Ba là, nâng cao chất lượng các dịch vụ.

- Dịch vụ lưu trú tại cộng đồng (Homestay)

Nếu dịch vụ lưu trú tại cộng đồng chưa thu hút được khách du lịch thì việc trải nghiệm của du khách về không gian văn hóa nông thôn sẽ không trọn vẹn. Do đó, trong thời gian tới, để có thể giữ chân khách, giúp du khách hiểu thêm về đời sống văn hóa của cộng đồng, dịch vụ lưu trú tại các khu, điểm đến của du lịch nông thôn phải được quan tâm đầu tư đúng mức, đáp ứng nhu cầu của du khách.

- Dịch vụ hướng dẫn du lịch trực tiếp tại địa phương

Hoạt động hướng dẫn du lịch tại chỗ do chính cộng đồng, người dân tại địa phương thực hiện chưa phát triển. Hiện chủ yếu là do các công ty lữ hành cung cấp dịch vụ hướng dẫn hoặc khách du lịch tự khám phá khi tham quan điểm đến. Đây có thể xem là một khoảng trống dịch vụ của du lịch nông thôn. Để khắc phục tình trạng này, trước hết các địa phương có phát triển du lịch nông thôn cần phải triển khai tổ chức mô hình điểm cung cấp dịch vụ hướng dẫn cho du khách dưới hình thức là trung tâm hoặc điểm dịch vụ thông tin du lịch tại địa phương.

Bốn là, đào tạo nguồn nhân lực.

Để góp phần vào sự phát triển của loại hình du lịch này trong thời gian tới, việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực là rất cần thiết. Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của ngành Du lịch nói chung và du lịch nông thôn nói riêng. Bên cạnh các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, ngành Du lịch cần có các giải pháp phát triển nguồn nhân lực riêng cho du lịch nông thôn. Đồng thời đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ quản lý tại địa phương để nâng cao nhận thức, nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch tại cộng đồng. Thông qua công tác quản lý góp phần tuyên tuyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch bền vững.

Năm là, tăng cường công tác quản lý và đảm bảo an ninh trật tự.

Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về du lịch, phân cấp rõ ràng từng ngành, từng địa phương để quản lý du lịch ngày càng đạt hiệu quả. Xây dựng văn bản pháp lý để quản lý chặt chẽ điều kiện kinh doanh cũng như có những chế tài phù hợp đối với các đơn vị kinh doanh du lịch, cơ sở lưu trú, ăn uống vi phạm.

Các ngành chức năng địa phương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ; vệ sinh môi  trường, an toàn vệ sinh  thực phẩm, an ninh trật tự và kiên quyết xử lý nghiêm các tệ nạn xã hội, nhằm xây dựng nếp sống văn minh, an  toàn và thân  thiện  tại  các khu, điểm  du  lịch. Cung cấp các hướng dẫn cần thiết cho du khách khi đến các điểm tham quan du lịch như: các điểm tham quan hấp dẫn, các điểm dịch vụ tài chính, y tế, đường dây nóng, đài phát thanh,… Đảm bảo tốt yếu tố môi trường tại các điểm đến, các khu du lịch. Áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường như xử lý nguồn nước thải, tổ chức thu gom xử lý rác thải hàng ngày,…

4. Kết luận

Du lịch nông thôn không chỉ gói gọn trong một loại hình du lịch nhất định, nó có thể bao gồm nhiều loại hình du lịch trong một không gian lãnh thổ của một vùng nông thôn thuộc địa phương nào đó và gắn với làng nghề truyền thống, du lịch gắn với hệ sinh thái sông, núi, rừng và đồng quê. Phát triển du lịch nông thôn là phải phát triển du lịch theo hướng chuyên môn sâu nhằm khai thác tối đa hiệu quả tài nguyên từ sản xuất nông nghiệp, cung cấp nhiều sản phẩm du lịch tốt nhất cho du khách trong một phạm vi quản lý thuộc một đơn vị tổ chức sản xuất nông nghiệp như hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã  hay doanh nghiệp nông nghiệp. Để phát triển loại hình du lịch nông thôn cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung các giải pháp xây dựng hình ảnh điểm đến vùng nông thôn thật sự hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ chất lượng và an toàn, đảm bảo mang lại sự hài lòng của du khách sau mỗi lần đến thăm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Thị Lan Hương (2010), Du lịch nông nghiệp và Du lịch nông thôn, Nội san năm 2010 (số 1) - Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2, tr.51-53.
  2. Mai Thị Yến Oanh (2011). Giải pháp phát triển du lịch sinh thái tỉnh An Giang, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Cần Thơ.
  3. Mai Thị Ánh Tuyết (2007). Phát triển du lịch tỉnh An Giang năm 2020, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. UBND tỉnh An Giang (2014), Quyết định số 1008/QĐ-UBND ngày 01 tháng 07 năm 2014, phê duyêt quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang từ năm 2014 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
  5. Bộ Chính trị (2017), Nghị quyết số 08-NQ/TW về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Solutions for the rural tourism development in An Giang province

Tran Dang Ninh

Ph.D student, University of Economics Ho Chi Minh City

Abstract:

In recent years, Vietnam has made efforts to find development directions to raise the country’s position on the world travel map. Viet Nam has great potential for developing tourism as it is endowed with favorable geographical location, climate and natural conditions. However, the development of tourism industry in Vietnam is still not  commensurate with its inherent potential. Vietnam’s tourism industry fails to make an impression on internantional and domestic tourists due to the lack of distinct and attractive tourism products and services.  

In order to both exploit its strengths and meet the requirements of sustainable development in rural areas, An Giang has initially paid attention to a new direction which is to explore rural tourism activities such as homestay, floating market, rafting village, traditional craft village, river tourism, and spiritual tourism, etc. However, the rural tourism is a new field and it is necessary for An Giang province to study more about the implementation of rural tourism to gain better benefits from this tourism type. This study analyzes the current situation of tourism activities in An Giang province, identifies strengths and weaknesses of these tourism activities, and explore influencing factors. Based on the study’s results, some solutions are proposed to help An Giang province develop its rural tourism in the coming time.

Keywords: solution, developing tourism, rural area, An Giang province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2022]