TÓM TẮT:
Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới trong một năm 2017 với số vốn đạt hơn 800.000 tỷ đồng. Làn sóng khởi nghiệp đã nhanh chóng lớn mạnh, phủ khắp các lĩnh vực và lan tỏa trên cả nước. Dự báo trong những năm tới, con số này sẽ được nhân lên với tốc độ ấn tượng hơn nữa và đạt được vô số những thành quả vượt trên cả mong đợi, kinh tế đất nước phát triển chắc chắn sẽ nhờ vào phần không nhỏ của sức trẻ, của công cuộc khởi nghiệp mang quy mô rộng lớn này.
Từ khóa: Khởi nghiệp, giải pháp, doanh nghiệp, kinh doanh, đầu tư.
I. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tác động đa chiều của toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ thế giới sẽ mang lại cơ hội, đồng thời là thách thức rất lớn cho các quốc gia đi sau như Việt Nam. Việc đàm phán gia nhập các hiệp định thương mai tự do đa phương như Hiệp định tư do thương mại với EU, EVFTA, Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC,... mở ra cơ hội thị trường rộng lớn, nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, sự phát triển dựa vào gia tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đã không còn là lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển đất nước nhanh và bền vững, thực hiện các mục tiêu chiến lược về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tất yếu chúng ta phải lựa chọn con đường phát triển dựa vào khoa học công nghệ mà lực lượng trung tâm là những người trẻ, những doanh nghiệp phát triển đi lên với những ý tưởng hoạt động táo bạo, nhưng vẫn vô cùng hấp dẫn, khả thi. Với chủ trương ấy, đất nước hiện nay rất cần những con người tài năng, trí tuệ có khả năng vươn lên mạnh mẽ để “khởi nghiệp”. Và không phụ những mong đợi và sự trợ giúp nhiệt tình từ Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, năm 2016 được đánh giá là năm khởi nghiệp của các doanh nhân trẻ.
II. Thành tựu khởi nghiệp năm 2016
Không phải ngẫu nhiên mà năm 2016 được coi là năm khởi nghiệp quốc gia, những thành tựu sau đây minh chứng cho điều này:
Thứ nhất, sự thay đổi rõ nét trong nhận thức khởi nghiệp của người trẻ đầy đam mê. Nói đến khởi nghiệp là nói đến thành công và thất bại. Do tâm lý các bạn trẻ lo sợ thất bại nên họ không dám thử sức. Nhưng theo khảo sát "Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015-2016” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện và công bố vào năm 2016 cho thấy: "Ý nghĩ lo sợ thất bại trong kinh doanh ở người Việt giảm dần xuống: năm 2014, tỷ lệ người trưởng thành sợ thất bại là 56,7%; năm 2015 là 50,1% và năm 2016 là 45,6%".
Thứ hai, sự quan tâm của Chính phủ đối với hoạt động khởi nghiệp. Năm 2016 là năm đầu tiên mà câu chuyện khởi nghiệp được nói nhiều tại nghị trường. Ngày 16/10/2016, trong bài phát biểu tại lễ phát động Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Cần phải đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần kinh doanh, khả năng sáng tạo, sự năng động của cả quốc gia, đặc biệt là thế hệ trẻ, để biến những ý tưởng mới, những sáng chế mới thành hàng hóa, từ đó tạo ra của cải vật chất mới cho xã hội" và "Coi kết quả các chương trình khởi nghiệp là thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo".Và Chính phủ đã và đang triển khai những chính sách lớn nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
Đầu tiên là sự ra đời của "Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp" tại Sở Khoa học và Công nghệ. Gần đây nhất là chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố với gói hỗ trợ tối đa 2 tỉ đồng cho mỗi dự án.
Tiếp theo là việc Chính phủ đã rà soát, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật; ban hành Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam; Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020… Đồng thời, Chính phủ đã đề ra rất nhiều giải pháp như chỉ đạo rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kiên quyết bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, có chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều cơ chế, công cụ cho vấn đề giám sát thực thi các nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, như yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ ít nhất 2 lần/năm tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp để nhận diện vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư tuân thủ tốt các quy định của pháp luật… với tinh thần lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
Đồng thời, thiết lập và công khai đường dây nóng điện thoại, website để trực tiếp nhận ý kiến phản ánh và giải đáp cho doanh nghiệp; ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Đó là một loạt những dẫn chứng mà Chính phủ thực thi để hỗ trợ doanh nghiệp hình thành, phát triển, chinh phục mục tiêu phát triển Việt Nam thành “quốc gia khởi nghiệp”.
Thứ ba, sự xuất hiện của các group khởi nghiệp trên Facebook- mạng xã hội có tầm ảnh hưởng lớn với giới trẻ. Không thể không kể đến các group được lập trên Facebook để chia sẻ những kiến thức về khởi nghiệp và quản trị. Tiêu biểu có thể kể đến Group Quản trị và Khởi nghiệp, Group Quản lý Doanh nghiệp... Các group này tập hợp những người quan tâm đến khởi nghiệp, người mới có, doanh nhân thành công có, trẻ có, già có... Họ cùng nhau chia sẻ về mọi thứ khởi nghiệp một cách cởi mở, thoải mái và chân tình. Người biết chia sẻ cho người chưa biết. Người có kinh nghiệm truyền đạt cho người chập chững bước vào kinh doanh.
Thứ tư, chương trình"Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam” (Vietnam Mentoiers Initiative - VMI) với mục đích kết nối các nhà cố vấn (Mentor)với các bạn trẻ khởi nghiệp chính thức được thành lập vào ngày 3/11/2016. Chương trình giúp những nhà khởi nghiệp trẻ trưởng thành hơn, đồng thời nguồn vốn từ các Angle Investors trở thành nguồn lực đệm giúp khởi nghiệp phát triển lên một giai đoạn mới. Đồng thời giải thưởng Rice Bowl Startup Awards (RBSA), lần đầu đến Việt Nam trong năm 2016. Đây là giải thưởng thường niên đầu tiên tại Đông Nam Á tôn vinh những dự án khởi nghiệp đột phá, sử dụng công nghệ một cách sáng tạo. RBSA có nhiều chuyên mục riêng biệt bao quát tương đối toàn diện hoạt động khởi nghiệp như: dự án mới tốt nhất, dự án đột phá của năm, người sáng lập của năm, nhà báo mảng dự án của năm...
Thứ năm, truyền thông báo chí đã dành nhiều đất hơn cho hoạt động khởi nghiệp. BáoThanh Niên có hẳn một trang viết về Khởi nghiệp; Vnexpress tổ chức một cuộc thi bình chọn startups tiêu biểu; Sài Gòn Book cũng tham gia với cuộc thi "Startup stories - Câu chuyện khởi nghiệp", Shark Tank - chương trình truyền hình thực tế chuyên dành cho khởi nghiệp cũng đã đến Việt Nam.
Chính những hoạt động trên đã góp giúp cộng đồng nhận thức đúng hơn về khởi nghiệp, đồng thời khuyến khích, tạo động lực, truyền cảm hứng khởi nghiệp.
Trước hết phải nhắc tới dự án “VeXeRe” - đạt giải quán quân cuộc thi khởi nghiệp năm 2016. Đó là ứng dụng đi động triển khai đến tất cả hãng xe trên toàn quốc, tạo nên một kho vé trực tuyến đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng. Việc công nghệ hóa sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả hành khách và doanh nghiệp. Nhờ có ứng dụng di động mà hành khách có thể biết trong thời gian thực xe nào đang có ghế trống, vị trí, giá vé, thời gian, hành trình... Từ đó, giá vé được bán minh bạch, việc đi lại tiện lợi hơn.
Hay ứng dụng học tiếng Anh “Monkey Junior” - sản phẩm tâm huyết của anh Đào Xuân Hoàng, kỹ sư Công nghệ trường Đại học Kỹ thuật Sydney.Ứng dụng đã giành giải nhất cuộc thi Sáng kiến toàn cầu (GIST Tech-I 2016) được tổ chức tại thung lũng Silicon (Mỹ), vượt qua 1.075 hồ sơ đến từ 104 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ứng dụng này xây dựng nhiều nội dung đa phương tiện: hình ảnh, video và âm thanh vui nhộn, ngộ nghĩnh và quen thuộc, nhằm giúp trẻ hiểu bài học nhanh. Nó là các phương pháp học ngoại ngữ cuốn hút thiếu nhi dựa trên nghiên cứu đặc điểm phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ và hợp tác với nhiều chuyên gia đầu ngành về giáo dục.
Sau cùng có lẽ phải kể đến hiện tượng “DesignBold” - một ứng dụng thiết kế trực tuyến giúp người dùng không chuyên có thể tự thiết kế các loại ấn phẩm theo những mẫu có sẵn trên kho tài nguyên với hàng triệu hình ảnh, hàng trăm phông chữ, hơn 50 định dạng tài liệu và bộ sưu tập layout chuyên nghiệp. DesignBold là một nhóm startup đạt vị trí Quán quân của cuộc thi Creative Business Cup Vietnam 2016 và đại diện cho Việt Nam tham dự vòng chung kết Creative Business Cup toàn cầu 2016 tại Copenhagen, Đan Mạch.
Trên đây chỉ là một vài trường hợp điển hình của những dự án khởi nghiệp thành công, vẫn còn rất nhiều dự án đạt những giải thưởng quốc tế, những dự án đạt thành công nhất định. Nhưng bên cạnh đó, hoạt động khởi nghiệp trong năm 2016 vẫn còn nhiều mặt hạn chế.
Một là, nhiều người sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp còn thiếu kỹ năng, chưa có kinh nghiệm kinh doanh, thành ra chưa có cái nhìn thấu đáo. Kinh doanh trong lĩnh vực bản thân chưa thật sự hiểu thấu đáo hoặc không thích, nhưng vì sinh lời cao là ngộ nhận mà nhiều người trẻ mắc phải. Thành ra, họ lao vào kinh doanh khi chưa tìm hiểu kỹ lĩnh vực mà mình định khởi nghiệp. Không tìm hiểu kỹ thị trường cùng những biến động khó lường của thị trường mà vội vàng đầu tư với niềm tin “người ta làm được thì mình cũng làm được” rất dễ thất bại. Bằng chứng rõ ràng nhất là trong năm 2016 có đến hơn 60.000 doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản hoặc tạm dừng hoạt động, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2015.
Hai là, giáo dục chưa khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Ở bậc đại học, sinh viên được đào tạo theo chuyên môn hẹp. Trong khi đó, khởi nghiệp đòi hỏi các nhà sáng lập phải có năng lực đa ngành, đa lĩnh vực. Chẳng hạn: Khi khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, nhà sáng lập không chỉ phải nắm vững kiến thức chuyên ngành mà cần có những hiểu biết và tư duy cơ bản về thị trường, kinh doanh, tài chính, nhân sự...
Ba là, Nhà nước Việt Nam cần có nhiều chính sách mạnh hơn nữa để thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc khởi nghiệp. Trong những năm gần đây, Nhà nước đã từng bước thừa nhận vai trò to lớn của doanh nghiệp vừa và nhỏ tư nhân nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng đối với sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do thiếu chính sách và quy định pháp luật, sự ủng hộ của Nhà nước đối với phong trào khởi nghiệp mới chỉ dừng lại ở ý chí và mong muốn, với hàng loạt phát biểu cấp cao và các sự kiện mang tính chất cổ vũ tinh thần.
III. Giải pháp tạo động lực khởi nghiệp mạnh mẽ
Một là, Chính phủ cần xây dựng chính sách, pháp luật kết hợp chặt chẽ, hài hòa với khu vực tư nhân trong đầu tư. Đồng thời áp dụng nhiều chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy, tạo điều kiện và môi trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hai là, nâng cao tinh thần học hỏi. Việc học hỏi không ngừng sẽ bổ sung kiến thức cho các nhà sáng lập để tránh đi vào sự thất bại như ở phần hạn chế 2. Đồng thời nó giúp người trẻ tránh được những sai lầm của những người đi trước, rút kinh nghiệm từ những sai lầm thì mới có thể đạt được thành công như mong đợi.
Ba là, xây dựng một đội ngũ cốt lõi toàn diện về năng lực. Người trẻ có ý tưởng, xây dựng thành công dự án nhưng nếu họ phải đi thuê những người không hiểu dự án, không có tâm với dự án thì xác suất thất bại khi thực hiện là rất cao. Bởi vậy ngay từ khi khởi nghiệp, dự án phải có một nhóm thành viên chủ chốt am hiểu về dự án của họ thì mới có thể dốc lòng và dốc sức vì dự án.
Bốn là, chấp nhận thay đổi theo thị trường. Trước khi bắt đầu khởi nghiệp, những thống kê đều là dự báo (và thường là những con số “đẹp”). Tuy nhiên, việc đưa ra thị trường một sản phẩm, một dịch vụ nghĩa là chúng ta phải đối mặt với con số thực và so với dự đoán thì kết quả luôn thấp hơn trong giai đoạn đầu thậm chí là thấp mãi mãi. Cho nên, trước khi sản xuất hàng loạt, chúng ta cần thăm dò thị trường các mẫu thử nhỏ. Những phản hồi của thị trường sẽ giúp cho quy trình hoàn thiện sản phẩm càng tốt hơn, trước khi phát triển ở quy mô lớn. Quy trình này thường mất từ 3-6 tháng, có khi hơn tuy nhiên đây là bước cần thiết, nếu chúng ta làm càng kĩ lưỡng thì tỉ lệ thành công càng cao.
Năm là, tâm lý không ngại thất bại. Tất cả chúng ta đều biết đến các công ty khởi nghiệp thành công khi họ đạt được thành tựu, nhưng lại thường không biết họ đã thất bại bao nhiêu lần. Để thành công như Twitter, GroupOn, Pinterest, Airbnb… những người sáng lập đã trải qua rất nhiều thất bại và phải thử nghiệm rất nhiều lần mới có được thành tựu như hôm nay. Các kế hoạch đều dựa trên các giả thiết tuyệt đối và một số các giả thuyết này dường như không chính xác trong thực tế và do đó phải được sửa đổi. Điều này hết sức là bình thường, cho nên, đừng ngại thất bại mà quan trọng là không bỏ cuộc.
Trên đây là những giải pháp cần được xây dựng để khắc phục những mặt còn hạn chế. Để phong trào khởi nghiệp trong những năm tới, đặc biệt là năm 2017 phát triển rất cần sự chung tay mạnh mẽ tích cưc hơn nữa của Nhà nước, Chính phủ, của toàn nhân dân và ở bản thân người khởi nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Trang web Khoinghieptre.vn
2. Trang web Vnexprex.vn
3. Trang web Cafef.vn/khoi nghiep
4. Giáo trình Quản trị kinh doanh - Đại học Kinh tế quốc dân
SOLUTIONS TO FACILITATE STARTUPS IN VIETNAM
MA. NONG MAI THANH
Faculty of Business Administration,
University of Economic and Technical Industries
ABSTRACT:
The number of newly established enterprises in Vietnam in 2016 set a new record of 110,000 with a total registered capital of over 800,000 billion VND. The emerging trend of startup in Vietnam has widely spread across the country. The number of startups in Vietnam is projected to significantly increase in the coming years. This trend is expected to substantially contribute to the country’s growth.
Keywords: Startup, solution, enterprise, business, investment.
Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây