Giải pháp thúc đẩy cơ hội tiếp cận thị trường lao động cho sinh viên sau tốt nghiệp

THS. NGUYỄN THỊ THU (Khoa Quản trị và Marketing - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích thực trạng tiếp cận thị trường lao động cho sinh viên, chỉ ra những nguyên nhân tồn tại, từ đó đề xuất một số giải pháp để sinh viên tìm hiểu và có nhận thức về việc làm bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường cơ hội tìm hiểu các kỹ năng nghề cần thiết để có cơ hội tiếp cận việc làm bền vững. Đồng thời, tạo cầu nối giữa nhà trường - sinh viên - nhà tuyển dụng trong hoạt động xúc tiến việc làm và thúc đẩy sự tham gia của sinh viên trong quá trình hoạch định chính sách việc làm bền vững.

Từ khóa: thị trường lao động, việc làm cho sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Việc làm là nhu cầu cơ bản của mọi người lao động, nó thực hiện các chức năng kinh tế, tâm lý, xã hội quan trọng trong quá trình đóng góp vào sự phát triển của một quốc gia. Các hoạt động về kết nối việc làm ngày phát triển. Đây được coi là một giải pháp trong việc thực thi chính sách việc làm, điều tiết thị trường lao động và hạn chế tình trạng thất nghiệp. Trước sự biến đổi của nền kinh tế trong nước và quốc tế, thị trường lao động có những thay đổi theo sự dịch chuyển của thời gian. Với những yêu cầu đòi hỏi khắt khe về trình độ, chuyên môn và các kỹ năng khiến cho số đông sinh viên tại Việt Nam sau khi ra trường gặp phải những khó khăn nhất định, không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

2. Thực trạng kết nối việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp

Việc làm sau khi tốt nghiệp luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu không chỉ đối với bản thân sinh viên, mà còn cả đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Có một việc làm đúng với ngành nghề đào tạo luôn là mơ ước của không chỉ đối với các sinh viên tốt nghiệp ra trường mà ngay cả đối với các em còn ngồi trên ghế giảng đường đại học.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cuộc các mạng công nghiệp 4.0, sự hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mang theo nhiều thay đổi cho thế hệ trẻ. Trong lĩnh vực nhân sự, ứng viên ngày càng gặp những yêu cầu khắt khe hơn từ nhà tuyển dụng. Khi tự động hóa thay thế con người trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, người lao động chắc chắn sẽ phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của quá trình sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa, thất nghiệp. Công việc sẽ có sự thay đổi lớn về vị trí, chất lượng và cách thức. Ngoại ngữ, tin học sẽ là những yêu cầu phổ biến ở nhiều ngành, nhiều vị trí việc làm trong quá trình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê tại báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, lực lượng lao động cả nước có khoảng 54,84 triệu người, trong đó có hơn 1,2 triệu người thất nghiệp (tương ứng 2,18%). Trong số 1,2 triệu người thất nghiệp, số người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 30,8%, tức là khoảng 369.600 người. Đặc biệt sau 2 năm bùng phát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu và tại Việt Nam (tháng 3/2020 - 3/2022), tỷ lệ người thất nghiệp sau đào tạo ngày càng tăng cao vì nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực ở mọi bậc học giảm sâu trong cả nước do bởi hoạt động của một số doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, tổ chức giáo dục - tài chính đều bị đình trệ, giải thể, thậm chí phá sản trong thời gian dịch bệnh. Do đó, giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đã làm hạn chế cơ hội việc làm cho người học sau đào tạo và tác động của đại dịch vẫn còn ảnh hưởng đến nhu cầu nguồn nhân lực hiện nay. Chính vì việc xây dựng cơ chế - chính sách đặc thù trong việc tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp hiện nay luôn là vấn đề cấp thiết.

Theo nghiên cứu về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của nhóm nghiên cứu Viện châu Á - Thái Bình Dương (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), có 90% sinh viên sau tốt nghiệp tìm được việc làm sau 6 tháng, nhưng trong số này chỉ có 50% sinh viên có việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Mặc dù, tỷ lệ sinh viên có việc làm lớn nhưng mức thu nhập không cao hơn mức trung bình của người lao động. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp, sinh viên có xu hướng “nhảy việc” thường xuyên. Mặt khác, đa số sinh viên tìm được việc làm ở khu vực tư nhân, có đầu tư nước ngoài; trong khi đa số trường đại học lại liên kết với doanh nghiệp lớn, hoặc doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, nhiều sinh viên tìm được việc làm thông qua quan hệ cá nhân và Internet. Đây là kênh tìm việc thông dụng nhất, còn dịch vụ tư vấn việc làm của các trường đại học ít khi được sinh viên sử dụng. Nhiều sinh viên thiếu kinh nghiệm thực tiễn, hiểu biết về bối cảnh và chuẩn mực nghề nghiệp. Đây là trở ngại trong quá trình tìm kiếm việc làm của các em.

Tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm vẫn đang là vấn đề nan giải trong nhiều năm nay. Mặc dù tỷ lệ sinh viên ra trường cao, nhiều đơn vị sử dụng lao động (doanh nghiệp) cho biết vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Điều này cho thấy sự mất cân đối giữa cung và cầu trong thị trường lao động, có nhiều sinh viên phải làm những công việc tạm thời, không đúng chuyên ngành đào tạo. Chính điều đó đã gây ra sự lãng phí nguồn tri thức trẻ, là nỗi lo của toàn xã hội, lãng phí nguồn lao động có tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên xuất phát từ cơ chế - chính sách hỗ trợ việc làm sau tốt nghiệp chưa được thực hiện đồng bộ và hiệu quả trong mối quan hệ kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo. Sự định hướng trong đào tạo cũng như nguyện vọng của người học chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Các cơ sở đào tạo chưa thực sự quan tâm đến chính sách hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, đa số các cơ sở đào tạo tập trung chủ yếu đến số lượng - chất lượng đầu vào, các ngành nghề có tính thu hút cao. Tuy nhiên, lại chưa quan tâm đúng mức về nhu cầu của nhà tuyển dụng và các điều kiện tuyển dụng đặc thù của từng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội có những yêu cầu chuyên biệt cho từng vị trí việc làm. Tỷ lệ các cơ sở đào tạo bảo đảm 100% cho sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với các ngành nghề được đào tạo là hầu như không có số liệu được công bố chính thức tại Việt Nam. Thực trạng hiện nay cho thấy chỉ có một số rất ít cơ sở đào tạo có chính sách hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, tuy nhiên nếu có cũng chỉ tập trung vào một số ngành nghề có chỉ số thu hút thấp, chế độ đãi ngộ không cao, cơ hội học tập nâng cao và thăng tiến nghề nghiệp thấp.

Bên cạnh đó, với tỷ lệ tăng nhanh của hệ thống đào tạo tư nhân và xã hội hóa, các ngành nghề đào tạo thu hút người học được đào tạo đại trà không theo nhu cầu thực tiễn của nhà tuyển dụng và thiếu sự gắn kết trong đào tạo - tuyển dụng - cơ hội việc làm, đã làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên sau tốt nghiệp. Đặc biệt các cơ sở đào tạo luôn có khuynh hướng xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh chủ yếu theo thông số cơ học của nguồn lực giảng viên, cơ sở vật chất, không dựa trên nhu cầu nguồn nhân lực và chính sách phát triển quốc gia theo từng giai đoạn cụ thể và chiến lược phát triển của nguồn nhân lực theo ngành nghề đã được định hướng. Thực trạng cho thấy các cơ sở đào tạo chưa thật sự chủ động trong việc xây dựng các giải pháp nhằm tạo cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cho người học và không có cam kết pháp lý về đảm bảo đến mức tối đa cho người học có việc làm sau tốt nghiệp. Ngoại trừ một số ngành học theo đặt hàng và cam kết tuyển dụng của các đối tác trong liên kết đào tạo, tuy nhiên hình thức này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng hàng năm có hơn 300.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Thêm về đó, hiện nay chưa có một dự báo quốc gia cụ thể nào về nhu cầu nguồn nhân lực các ngành nghề trong tương lai để người học cũng như các cơ sở đào tạo có thể chủ động định hướng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Ngoài ra, nguyên nhân còn nằm ở sự kết nối giữa nhà trường, sinh viên sau tốt nghiệp và doanh nghiệp chưa hiệu quả, có khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp. Trong quá trình đào tạo, chương trình đào tạo của các trường có một khoảng cách với nhu cầu thực tế tại các doanh nghiệp. Hiện nay có không ít sinh viên chọn ngành học không phù hợp với năng lực, sở trường và xu hướng phát triển của thị trường lao động, còn các doanh nghiệp lại rất quan tâm tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp có kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, giai tiếp, những hiểu biết về văn hóa doanh nghiệp và tác phong công nghiệp. Chính vì điều này, trong khi doanh nghiệp đang thiếu người đạt được các yêu cầu của họ thì bản thân sinh viên tốt nghiệp các trường không đáp ứng được các yêu cầu đó của doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp không tuyển đủ nhân lực, sinh viên tốt nghiệp vẫn không tìm thấy việc làm phù hợp.

3. Giải pháp thúc đẩy cơ hội tiếp cận thị trường lao động cho sinh viên sau tốt nghiệp

Giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp là trách nhiệm của chính quyền đối với xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng.

Thứ nhất: Đối với Nhà nước.

- Nhà nước cần thực hiện công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực. Trên cơ sở nguồn thông tin, dữ liệu được cập nhật về nhu cầu tuyển dụng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn các đơn vị đào tạo sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo cho đơn vị theo nhu cầu của thị trường.

- Cùng với sự phát triển của công nghệ như hiện nay thì việc tạo một Mô hình sàn giao dịch điện tử kết nối việc làm thông minh trên ứng dụng điện tử là thật sự cần thiết. Mô hình hoạt động kết nối giữa 3 nhóm chủ thể chính gồm: Nhà nước (gồm tổng hợp các trung tâm dịch vụ việc làm công lập hiện có thông qua Sàn giao dịch việc làm điện tử) với Nhà trường (các trường cao đẳng, đại học và sinh viên) và Đơn vị tuyển dụng lao động (tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước) trong việc đào tạo nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm; kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững.

Nhờ vào Mô hình sàn giao dịch điện tử thông minh tạo cơ hội dễ dàng cho việc gặp gỡ giữa doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với sinh viên đang có nhu cầu tìm việc. Đồng thời, qua sàn giao dịch điện tử, Nhà nước có thể quản lý, theo dõi sát sao tình hình việc làm, từ đó có những phân tích, dự báo về cung cầu nguồn nhân lực chính xác trong tương lai.

Thứ hai: Đối với các trường.

- Tổ chức thường xuyên ngày hội việc làm để tạo ra cầu nối cho doanh nghiệp và sinh viên. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ trực tiếp với nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo bài bản để lựa chọn ra những ứng viên phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; lắng nghe phản hồi từ nhà tuyển dụng để nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo.

- Các trường thực hiện mô hình trình liên kết đào tạo, tập huấn, thực hiện các đề tài, dự án… cùng với doanh nghiệp. Mối quan hệ liên kết đào tạo bên cạnh các cơ hội trải nghiệm môi trường thực hành, cọ xát thực tế, việc phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa nhà trường với nhà tuyển dụng góp phần giúp cho công tác hướng nghiệp hiệu quả hơn. Từ mối quan hệ liên kết này, nhà trường sẽ cùng phía doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, hướng dẫn sinh viên thực hành nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp cũng như ứng dụng kiến thức chuyên môn vào thực tiễn trên nền tảng các phần mềm ứng dụng và những yêu cầu của nhà tuyển dụng trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, sinh viên luôn phải chủ động tiếp cận trau dồi kiến thức, kỹ năng từ trên ghế nhà trường. Sau tốt nghiệp, sinh viên cần tìm hiểu cơ hội việc làm thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, từ đó có thể lựa chọn cho mình một công việc phù hợp với năng lực và nhu cầu của bản thân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Nho Thìn - Nguyễn Thị Đông (2021). Xây dựng mô hình kết nối việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp cao đẳng và đại học ở Hà Nội. Đề tài NCKH, Viện Khoa học Chính sách và Pháp luật, Hà Nội.
  2. Đại học Kinh tế quốc dân (2020). Kỷ yếu Hội thảo khoa học Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Hà Nội: NXB Lao động Xã hội.
  3. Viện châu Á - Thái Bình Dương, (2020). “Nghiên cứu tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm”,
  4. Tổng cục Thống kê (2020). Thống kê khảo sát việc làm và thất nghiệp. Truy cập tại https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2021/08/sach_laodong_2020.pdf

Solutions to improve the access of graduate students  to the labour market

Master. Nguyen Thi Thu

Faculty of Management and Marketing, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

This study analyzes the current access of students to the labour market, and points out the reasons for challenges to the acces of students to the labour market. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to help students understand and have awareness about sustainable employment in the context of the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0), and support students to get more opportunities to learn necessary professional skills to achieve sustainable work. This study is also expected to create a bridge among schools, students, and employers in employment programs, and encourage students to take part in the process of making sustainable employment policies.

Keywords: labor market, jobs for students.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5  tháng 3 năm 2023]