TÓM TẮT:
Việc làm sau khi tốt nghiệp luôn là vấn đề bức xúc không chỉ đối với bản thân sinh viên mà cả đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Có một việc làm đúng với ngành nghề đào tạo luôn là mơ ước của không chỉ đối với các sinh viên tốt nghiệp ra trường mà ngay cả đối với các em còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Bài viết này sẽ phân tích về thực trạng và đề xuất một số giải pháp việc làm cho sinh viên Trường Đại học Công đoàn sau khi tốt nghiệp.
Từ khóa: việc làm, sinh viên, tốt nghiệp, Trường Đại học Công đoàn.
1. Đặt vấn đề
Nền kinh tế của đất nước ta đang trên đà phát triển, bên cạnh những mặt thuận lợi thì cũng có không ít nhưng khó khăn, tiêu cực phát sinh có thể kể đến đó là tình trạng thất nghiệp của sinh viên sau khi ra trường ngày càng tăng trong cơ chế thị trường hiện nay.
Đất nước càng phát triển bao nhiêu ngoài những công nghệ hiện đại phục vụ cho kinh doanh sản xuất thì một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước là lực lượng lao động, trong nền kinh tế thị trường ngày nay lực lượng lao động là những sinh viên được đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng…, là lực lượng trẻ của đất nước rất năng động và có năng lực trong công việc. Chính vì vậy, sinh viên là nguồn nhân lực rất quan trọng chúng ta cần biết cách sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả nhất. Nhưng tình trạng thất nghiệp của sinh viên sau khi ra trường hiện nay đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vậy câu hỏi đặt ra của những nhà quản lý, của đất nước là nguyên nhân vì sao dẫn tới tình trạng đó? Phải chăng là do quá trình đào tạo của các trường đại học còn nhiều mặt chưa được; hay do những chính sách của Nhà nước chưa hợp lý trong việc sử dụng lao động.
Qua tìm hiểu thì thấy nổi lên một số nguyên nhân đó là, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều khó khăn, nhu cầu tuyển dụng lao động bị thu hẹp; Đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước, nhu cầu tuyển dụng công chức, viên chức ngày càng có yêu cầu cao hơn về chất lượng; Bên cạnh đó Việc có thêm nhiều cơ sở đào tạo (trường cao đẳng, đại học) ra đời dẫn đến số lượng sinh viên được đào tạo ở cùng các ngành, chuyên ngành ngày càng nhiều, cung vượt cầu. Thực tế cho thấy, số lượng ứng viên đăng ký dự tuyển hàng năm để tìm việc làm khá đông, song kết quả số người đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng còn rất hạn chế. Trước những thách thức nêu trên, đòi hỏi các cơ sở đào tạo và bản thân người học (sinh viên) phải có cách nhìn nhận mới về vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.
Chiến lược phát triển giáo dục của Chính phủ đã xác định mục tiêu đào tạo của giáo dục đại học là: ”Đào tạo ra những con người có năng lực sáng tạo, tư duy độc lập, trách nhiệm công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, năng lực ngoại ngữ, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, năng lực tự tạo việc làm và khả năng thích ứng với những biến động của thị trường lao động...”.
Nhận thức sâu sắc về việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới, trong những năm qua, Trường Đại học Công đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, như: Cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng hiện đại, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng, chú trọng giáo dục cho sinh viên những kỹ năng mềm về giao tiếp, xử lý tình huống, ngoại ngữ, tin học, khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học,...
2. Thực trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp
Thực hiện Công văn số 3943/BGDĐT-GDĐH ngày 31/08/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc khảo sát, công khai và báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp và Công văn số 2165/BGDĐT-HTĐTCƯNL ngày 20/5/2019 về việc hướng dẫn nhập số liệu khảo sát, công khai và báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Trên cơ sở kết quả khảo sát từ tháng 8/2020 đến tháng 9/2020, Trường Đại học Công đoàn có kết quả khảo sát về việc làm của sinh viên rất đáng khích lệ, có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình tìm kiếm việc làm khó khăn như hiện nay.
Từ những thông tin, số điện thoại, địa chỉ email của sinh viên khóa 2015 - 2019 sau một năm tốt nghiệp, Tổ Khảo sát của Trường đã gửi mẫu phiếu khảo sát, gọi điện thoại trực tiếp đến sinh viên. Ngoài ra, Tổ Khảo sát còn gửi mẫu phiếu qua Facebook, Zalo,… của cựu sinh viên để thực hiện khảo sát đối với cựu sinh viên của 9 Khoa trong Trường, trong đó, số sinh viên tốt nghiệp năm 2019 là 1.408 em; số sinh viên khảo sát là 1.171 em; và số sinh viên phản hồi là 1.171 em.
2.1. Số sinh viên trả lời khảo sát tính theo ngành đào tạo
Trong số sinh viên đã tốt nghiệp trả lời khảo sát, tỷ lệ sinh viên phản hồi cao nhất là ngành Bảo hộ lao động và ngành Công tác xã hội (100%), thấp nhất là ngành Luật với tỷ lệ 69%. Kết quả cụ thể được thể hiện ở Bảng 1.
Bảng 1. Số lượng sinh viên tốt nghiệp phản hồi/tổng số sinh viên tốt nghiệp theo ngành đào tạo
Ngành đào tạo |
Số lượng SV phản hồi |
Số lượng SV tốt nghiệp |
Tỷ lệ % |
Kế toán |
203 |
222 |
91 |
Bảo hộ Lao động |
112 |
112 |
100 |
Quản trị Kinh doanh |
188 |
205 |
92 |
Xã hội học |
79 |
101 |
78 |
Công tác xã hội |
116 |
116 |
100 |
Quản trị Nhân lực |
115 |
161 |
71 |
Luật |
161 |
234 |
69 |
Tài chính Ngân hàng |
115 |
159 |
72 |
Quan hệ lao động |
82 |
98 |
84 |
Tổng |
1.171 |
1.408 |
83.20 |
2.2. Về tình trạng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp
Theo số liệu khảo sát, có 1.057 sinh viên (90.3) cho biết “Có việc làm”; 114 sinh viên (9.7 %) trả lời “Chưa có việc làm”. Trong số 1.057 sinh viên có việc làm có 40 sinh viên đang học nâng cao. (Bảng 2)
Bảng 2. Tình trạng việc làm của sinh viên
Tình trạng việc làm |
Tần suất |
Tỷ lệ % |
Có việc làm |
1.057 |
90.3 |
Chưa có việc làm |
114 |
9.7 |
Tổng |
1171 |
100 |
Bảng 3. Tỷ lệ sinh viên có việc làm theo ngành đào tạo
Ngành |
Có việc làm |
Chưa có việc làm |
||
Tần suất |
Tỷ lệ (%) |
Tần suất |
Tỷ lệ (%) |
|
Quản trị nhân lực |
107 |
93.04 |
8 |
7 |
Quan hệ lao động |
68 |
82.93 |
9 |
11 |
Công tác xã hội |
98 |
84.48 |
18 |
16 |
Kế toán |
197 |
97.04 |
9 |
4 |
Luật |
130 |
80.75 |
30 |
19 |
Tài chính ngân hàng |
109 |
93.04 |
15 |
13 |
Xã hội học |
66 |
83.54 |
11 |
14 |
Quản trị kinh doanh |
181 |
96.28 |
8 |
4 |
Bảo hộ lao động |
103 |
91.96 |
6 |
5 |
Tổng |
1057 |
90.26 |
114 |
11 |
Nhìn vào Bảng 3 có thể thấy, sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán tìm được việc làm có tỷ lệ cao nhất chiếm 97.04%, xếp vị trí thứ hai là ngành Quản trị kinh doanh (96.28%), vị trí thứ ba là ngành Tài chính ngân hàng và ngành Quản trị nhân lực (93.4%), tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ lao động có việc làm chiếm tỷ lệ thấp nhất (82.93%).
2.3. Mức độ phù hợp của công việc sinh viên đang làm với chuyên ngành đào tạo
Bảng 4. Mức độ phù hợp của công việc sinh viên đang làm
với chuyên ngành đào tạo
Mức độ phù hợp của công việc sinh viên đang làm với chuyên ngành đào tạo |
Tần suất |
Tỷ lệ % |
Đúng ngành đào tạo |
395 |
38.8 |
Gần ngành đào tạo |
312 |
28.1 |
Trái ngành đào tạo |
336 |
33.0 |
Tổng |
1017 |
100 |
Điều tra về mức độ phù hợp của công việc sinh viên đang làm với chuyên ngành đào tạo có 1.017/1.057 sinh viên có việc làm trả lời câu hỏi. Kết quả, sinh viên làm việc ở lĩnh vực đúng ngành đào tạo, chiếm tỷ lệ 38.8%; 312 sinh viên đang làm công việc gần với ngành đào tạo, chiếm 28.1% và 336 sinh viên làm việc trái ngành đào tạo, chiếm tỷ lệ 33%. Như vậy, tỷ lệ sinh viên đang làm các công việc đúng ngành đào tạo, trái ngành đào tạo và gần ngành đào tạo là ngang nhau. (Bảng 4)
2.4. Thu nhập bình quân 1 tháng của sinh viên tốt nghiệp có việc làm
Điều tra về thu nhập bình quân 1 tháng của sinh viên cho thấy, thu nhập dưới 5 triệu đồng có 129 sinh viên (tỷ lệ 12.7%), có 713 sinh viên chiếm tỷ lệ 70.1% có thu nhập từ 5-10 triệu đồng, thu nhập từ 10-15 triệu đồng có 148 sinh viên chiếm tỷ lệ 14.6% và có thu nhập trên 15 triệu đồng là 27 sinh viên chiếm tỷ lệ thấp 2.7%. Như vậy, đại đa số sinh viên có thu nhập ở mức khá so với mặt bằng chung với mức thu nhập này, sinh viên tốt nghiệp có thể đảm bảo cuộc sống. (Bảng 5)
Bảng 5. Thu nhập bình quân 1 tháng
Mức thu nhập bình quân 1 tháng |
Tần suất |
Tỷ lệ % |
Dưới 5 triệu đồng |
129 |
12.7 |
Từ 5-10 triệu đồng |
713 |
70.1 |
Từ 10-15 triệu đồng |
148 |
14.6 |
Trên 15 triệu đồng |
27 |
2.7 |
Tổng |
1.017 |
100 |
2.5. Đánh giá chung
Theo số liệu khảo sát sinh viên tốt nghiệp năm 2019 của Trường Đại học Công đoàn, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là 90.3%; tỷ lệ sinh viên có việc làm tương đối cao ở các ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính Ngân hàng, Quản trị nhân lực. Rất ít sinh viên ngành Xã hội học và Bảo hộ Lao động làm việc trong khu vực Nhà nước. Khu vực việc làm của sinh viên chủ yếu là khu vực tư nhân (gồm các công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty tư nhân,….) chiếm 64%, điều này cho thấy kết quả đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường, nhu cầu của doanh nghiệp. Tỷ lệ sinh viên làm việc đúng ngành đào tạo chỉ chiếm 34%.
Số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường làm việc ở khu vực có yếu tố nước ngoài vẫn ở mức thấp (chiếm 7%). Kết quả này cho thấy sinh viên Nhà trường mới chỉ đáp ứng được phần nào yêu cầu về ngoại ngữ của nhà tuyển dụng nước ngoài. Để nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ của sinh viên, từ năm học 2019-2020, Nhà trường đã thực hiện các giải pháp như cải tiến nội dung chương trình giảng dạy ngoại ngữ, tăng thời lượng học ngoại ngữ lên 18 tín chỉ (áp dụng với khóa tuyển sinh năm 2019).
Ngoài ra, có 70.1% sinh viên sau khi tốt nghiệp có mức thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/tháng và 14.6% sinh viên sau tốt nghiệp có mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng, mức thu nhập này tương đối tốt đối với sinh viên mới ra trường.
3. Một số giải pháp việc làm cho sinh viên Trường Đại học Công đoàn sau khi tốt nghiệp
3.1. Đối với sinh viên
Một là, sinh viên cần tích cực học tập rèn luyện tiếp thu kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài những kiến thức được học tại trường, sinh viên nên bổ sung cho mình những kỹ năng mềm để hòa đồng và thích nghi ngay với môi trường làm việc mới. Vì vậy, ngay trong quá trình học tập tại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, sinh viên phải thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, để nâng cao các kỹ năng cơ bản như: kỹ năng giao tiếp, thuyết trình cùng với một số kỹ năng mềm khác cần có đó là: kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng quản lý, lãnh đạo, giao tiếp tự tin, làm việc theo nhóm, các kỹ năng về tin học, ngoại ngữ phục vụ cho công việc sau này. Đồng thời, nên có công việc làm thêm để có sự trải nghiệm. Như vậy, sau khi ra trường được tuyển dụng vào các cơ quan doanh nghiệp, các em sẽ tự tin hơn với tấm bằng đại học và kinh nghiệm làm việc ở một môi trường hoàn toàn mới.
Hai là, thái độ tôn trọng thầy, cô giáo, nghiêm túc trong học tập, trung thực trong thi cử, năng động trong việc tham gia các hoạt động của Nhà trường, ham thích tìm tòi, nghiên cứu khoa học, có phương pháp học tập khoa học, hiệu quả..., đó là những yếu tố ban đầu hết sức quan trọng để các em trở thành người lao động giỏi, người cán bộ tốt, có phong cách làm việc chuyên nghiệp, trung thực, năng động, sáng tạo, tôn trọng luật pháp, có trách nhiệm đối với xã hội sau này.
Ba là, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, thời đại của hội nhập quốc tế, kiến thức, kỹ năng sử dụng CNTT, kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) là hết sức cần thiết. Đây là một công cụ quan trọng, thiết yếu để sinh viên tiếp cận với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, mở rộng tầm nhìn ra thế giới.
3.2. Đối với Nhà trường
Một là, cùng với việc kiên định mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp (Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tiến công tác quản lý...), trong định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới, Trường cần mở thêm các ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và nhu cầu xã hội.
Hai là, gắn kết chặt chẽ giữa Nhà trường với các cơ quan, doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất trong các hoạt động tìm hiểu nhu cầu lao động, bổ sung, điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp, phối hợp trong công tác thực tập và hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Với sự nỗ lực của Nhà trường và bản thân các sinh viên, chắc chắn sẽ tạo được niềm tin của nhà tuyển dụng và ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm như mong muốn.
4. Kết luận
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, và xu thế hội nhập, dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, thì vấn đề việc làm trong giới trẻ đang trở thành một vấn đề quan trọng, với nhiều vấn đề đặt ra. Ở Việt Nam, những khó khăn trong tìm kiếm cơ hội việc làm, đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng của đối tượng sinh viên mới ra trường đang là một trở lực, gây lãng phí nguồn nhân lực. Do đó, việc làm rõ thực trạng và đề xuất một số giải pháp trong bài viết này về vấn đề việc làm của sinh viên sau khi ra trường, mà cụ thể ở Trường Đại học Công đoàn là cơ sở nhằm tạo ra động lực, môi trường thuận lợi để sử dụng và phát huy được vai trò của nguồn nhân lực trẻ sau quá trình đào tạo./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Trường Đại học Công đoàn (2020), Báo cáo tình hình khảo sát việc làm của sinh viên năm 2020.
- Thân Trung Dũng (2015), Việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp - một vấn đề xã hội nan giải,nguồn: http://tadri.org
- Trịnh Thị Định, Nguyễn Huyền Anh (2018), Khảo sát chất lượng sinh viên thất nghiệp tại Việt Nam: Một số suy nghĩ về thực tiễn và giải pháp,nguồn: http://www.vnseameo.org/bblam/forum/EMD/Trinh_Thi_Dinh_VN.pdf
- Phan Thị Ngọc Khuyên, Nguyễn Huy Hoàng (2016), Hiện trạng việc làm và các nhân tố kỹ năng cần thiết cho việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên ngành kinh doanh quốc tế,Trường ĐH Cần Thơ, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 43: 109-119, tr 109-119.
- Nguyễn Thành Nhơn (2021), Vài suy nghĩ về việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, http://www.daihoclongan.edu.vn/tin-tuc-su-kien/tin-tuc-chung/234- vai-suy-nghi-ve-viec-lam-cua-sinh-vien-sau-tot-nghiep.html
Current situation and some job solutions for students of
Vietnam Trade Union University
Do Hong Thang
Department of Boarding Student Management
Vietnam Trade Union University
ABSTRACT:
Having a job right after graduation is always a pressing issue not only for graduates themselves but also for their families, schools and our society. Getting a job related to the degree is always a dream for not only graduates but also for students who are still studying. This paper analyzes the current situation and proposes some job solutions for students of Vietnam Trade Union University.
Keywords: jobs, students, graduates, Vietnam Trade Union University.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11, tháng 5 năm 2021]