Cơ hội việc làm của sinh viên chuyên ngành tài chính định lượng

ThS. Lê Thị Ngọc Hạnh (Trường Đại học Tài chính – Marketing)

TÓM TẮT :

Tài chính định lượng là một mảng của toán học ứng dụng vào thị trường tài chính, ứng dụng các mô hình toán học nhằm dự báo, định giá giá trị chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư; quản trị rủi ro tài chính hay giao dịch tự động,… Đây được xem là một ngành mới mẻ ở các nền kinh tế mới nổi. Các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty tài chính, bảo hiểm… cũng đang ‘khát’ nguồn nhân lực thành thạo về ngành này.

Bài viết đề cập đến các cơ hội việc làm của sinh viên ngành Tài chính định lượng - một ngành học mới hấp dẫn và đầy hứa hẹn ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là ngành học khá thách thức, đòi hỏi các bạn sinh viên phải có tố chất và đam mê để khẳng định bản thân mình trong thị trường tài chính.

Từ khóa: Cơ hội việc làm, tài chính, tài chính định lượng.

1. Đặt vấn đề

Tài chính định lượng là sử dụng công cụ toán học nhằm mô hình hóa các sản phẩm, giao dịch trong thị trường tài chính, đồng thời phân tích, triển khai và vận hành các mô hình này sao cho hoạt động đầu tư đạt lợi nhuận như mong muốn với rủi ro có thể kiểm soát được. Có thể hiểu, tài chính định lượng là cầu nối đặc biệt quan trọng không chỉ giữa 2 khối kiến thức tài chính và lập trình tính toán mà còn là cầu nối giữa đào tạo và nhu cầu nhân sự, giúp sinh viên có được chỗ đứng vững chắc trong các vị trí then chốt của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh nhiều sinh viên các ngành Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh ra trường thiếu kiến thức lập trình và thống kê, phải đào tạo lại hàng loạt. Tài chính định lượng “lấp đúng chỗ trống” mà các doanh nghiệp bị hổng khi cung cấp nền tảng vững chắc về các khối kiến thức chuyên biệt trong thiết lập mô hình, đo lường, quản lý rủi ro tài chính. Điều này đáp ứng được yêu cầu công việc ở ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, công ty xử lý số liệu - dự đoán thị trường, công ty bảo hiểm,...

2. Nội dung

2.1. Giới thiệu về tài chính định lượng

Tài chính định lượng là sử dụng công cụ toán học nhằm mô hình hóa các sản phẩm, giao dịch trong thị trường tài chính, đồng thời phân tích, triển khai và vận hành các mô hình này sao cho hoạt động đầu tư đạt lợi nhuận như mong muốn với rủi ro có thể kiểm soát được.

Chữ “định lượng” ở đây phân biệt ngành này với các ngành khác trong kinh tế, tài chính. Chuyên viên tài chính định lượng là những người sử dụng các công cụ toán học để giải quyết các bài toán đặt ra trong đầu tư tài chính. Các chuyên viên phân tích định lượng hiện đang được nhiều công ty tuyển dụng săn đón vì thị trường chứng khoán hiện nay của Việt Nam đang phát triển theo hướng đa dạng hóa và phức tạp hơn. Các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư đang tìm kiếm những chuyên viên phân tích với khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp trong hoạt động tư vấn và đầu tư nhằm tối ưu hóa việc ra quyết định và quản lý danh mục đầu tư. Để đảm nhiệm các vị trí này, các chuyên viên phân tích thường được yêu cầu phải thông thạo nhiều kỹ năng khác nhau, như: Thống kê, phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, lập trình mô phỏng và phân tích định lượng.

Trong bối cảnh sinh viên tài chính, quản trị kinh doanh ra trường hầu như không có kiến thức lập trình và thống kê; phải đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu công việc đồng thời có sự cạnh tranh gay gắt thì có thể thấy phân tích định lượng đang có lợi thế rất lớn khi cung cấp nền tảng vững chắc về các nguyên tắc tài chính và thường dẫn đến các công việc tốt trong ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, công ty xử lý số liệu - dự đoán thị trường, các công ty bảo hiểm,...

Xu hướng trên thị trường lao động ở các nước có thị trường chứng khoán sôi động cho thấy, các công ty tài chính khi tuyển chuyên viên tài chính thường yêu cầu nhân sự phải có ba khối kiến thức và kỹ năng là: Toán - thống kê, tài chính, và kỹ năng lập trình. Nghề nghiệp này yêu cầu khá cao về độ phức tạp trong mặt kỹ thuật và xử lý số liệu, nên vị trí kỹ sư tài chính đòi hỏi cần phải có sự đào tạo bài bản. Đây là nền tảng quan trọng để tạo dựng nghề nghiệp vững chắc cho tương lai. Tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, các bạn trẻ yêu thích toán học và mong muốn nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn với vị trí chuyên viên phân tích định lượng hoặc kỹ sư tài chính thì ngành tài chính định lượng là một lựa chọn đúng đắn.

2.2. Tại sao bạn nên trở thành nhà phân tích định lượng

Thứ nhất, nhu cầu về các nhà phân tích định lượng đang tăng lên. Trong vài năm qua, chứng khoán ngày càng trở nên phức tạp hơn. Các chuyên gia có thể hiểu được những mô hình toán học từ việc thẩm định giá cả để tạo ra lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro là những người được đánh giá rất cao trên thị trường. Sự phát triển của quỹ đầu tư và hệ thống giao dịch tự động có ảnh hưởng tích cực đến nhu cầu về các chuyên gia phân tích. Kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, ngành quản lý rủi ro đã có sự tăng trưởng vượt bậc và sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quy định đang ngày càng tăng. Đây thực sự là một cơ hội cho những chuyên gia đang muốn theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn này.

Thứ hai, công việc phân tích định lượng rất thú vị. Để trở thành một nhà phân tích định lượng bạn phải đối mặt với những thách thức về mặt trí tuệ, vì một phần quan trọng trong công việc của bạn là phải giải quyết các vấn đề phức tạp dưới một áp lực. Công việc trong phân tích định lượng liên quan đến nghiên cứu, phát triển và thực hiện các mô hình toán học, phân tích dữ liệu, kiến thức tài chính tổng hợp và nhiều yếu tố khác góp phần làm cho công việc này trở nên thú vị. Bạn cần có khả năng phát triển trong một môi trường ít sự giám sát và dưới áp lực lớn. Những công việc phân tích định lượng có tính cạnh tranh cao, nhiều yêu cầu và thời gian làm việc dài, nhưng không giống với nhiều ngành nghề khác, thành công trong lĩnh vực này được dựa trên thành tích, cống hiến và kiến thức chứ không phải mạng lưới làm việc hay chính trị.

Cuối cùng, những công việc phân tích định lượng mang lại lợi ích cả về mặt trí tuệ và tài chính. Tiền lương trong lĩnh vực tài chính thường có xu hướng rất cao. Chính vì tính chất công việc nhiều thử thách và đòi hỏi nhiều kỹ năng cần thiết để thành công ở vị trí này, các nhà phân tích định lượng thường được bù đắp rất hậu hĩnh, đặc biệt nếu họ làm việc cho một quỹ đầu tư. Hơn nữa, các công việc phân tích định lượng chủ yếu ở các trung tâm tài chính lớn như New York, Hong Kong, London và Paris, những nơi có mức lương trung bình cao hơn so với các thành phố thứ yếu. Ví dụ, mức lương trung bình cho một nhà phân tích định lượng là 61,828 bảng Anh ở London (nước Anh), và 102,000 đô la ở New York (US).

2.3. Một số công việc cho sinh viên ngành Tài chính định lượng

Chuyên viên phân tích tài chính

Công việc của một chuyên viên phân tích tài chính là tổng hợp và phân tích các thông tin tài chính, phân tích xu hướng kinh tế, đánh giá các cơ hội đầu tư cho các ngân hàng, tổ chức chứng khoán và các công ty bảo hiểm; đưa ra các dự báo, thu thập các bảng thống kê, báo cáo kinh doanh, báo cáo kế toán và đưa ra các báo cáo nhằm tư vấn tài chính, đầu tư cho ban giám đốc, khách hàng và đồng nghiệp. Phát hiện các cơ hội đầu tư tài chính, lập các kế hoạch và đánh giá khó khăn - thuận lợi, xác định xu hướng trong hoạt động tài chính, đưa ra những khuyến nghị.

Để thành công trong lĩnh vực này, bạn phải có kiến thức toán học, khả năng đánh giá mức độ rủi ro và tính toán giá trị của các khoản đầu tư khác nhau, cũng như kỹ năng phân tích các kết quả đã nghiên cứu. Bạn phải có những kỹ năng cơ bản quan trọng như: Hiểu biết về con người, giao tiếp, phân tích tổng hợp, kỹ năng sắp xếp, tổ chức công việc, kỹ năng quản lý thời gian,… Ngoài ra, bạn cần phải nhạy bén nhận biết được các xu hướng tài chính, nhanh nhạy với những biến động dù là lớn hay nhỏ của nền kinh tế, xã hội. Điều này đòi hỏi bạn phải cập nhật thật nhiều tin tức, thông tin về các ngành công nghiệp, xu hướng của thị trường trong chính công việc mình đang làm, các tạp chí, sách và báo chuyên môn, đồng nghiệp, Internet… Các công ty tài chính, bảo hiểm, chứng khoán hay ngân hàng là nơi làm việc lý tưởng cho vị trí này.

Chuyên viên kế hoạch tài chính

Công việc của một chuyên viên kế hoạch tài chính là phụ trách lập kế hoạch và đánh giá thu - chi tài chính định kỳ theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị; đánh giá nhanh các số liệu và kiểm soát chất lượng giải ngân theo định kỳ. Khi làm việc với các cá nhân, chuyên viên kế hoạch tài chính có thể giúp cấu trúc các khoản đầu tư của các cá nhân cho từng mục tiêu cụ thể. Theo đó, họ cần có kỹ năng giao tiếp, khả năng thiết lập niềm tin với khách hàng cùng với một nền tảng toán học vững chắc. Ngoài ra, bạn cũng cần nghiên cứu cách sử dụng và vận hành phần mềm để quản trị dữ liệu tài chính và truyền tải thông tin cần thiết đến nhân viên khác và khách hàng. Chuyên viên kế hoạch tài chính có thể làm việc tại các ngân hàng, các công ty cung cấp dịch vụ tài chính, các dự án,…

Chuyên viên thống kê

Các chuyên viên thống kê thu thập và phân tích dữ liệu để xác định hướng giải quyết vấn đề. Vị trí này sẽ tiến hành các hình thức thu thập dữ liệu như khảo sát qua điện thoại, bảng câu hỏi trực tuyến hoặc thử nghiệm, từ đó phân tích và rút ra kết luận dựa trên kết quả. Theo đó, chuyên viên thống kê cần có kiến thức về toán học, thống kê, kế toán hay quản trị kinh doanh. Chuyên viên thống kê có thể làm việc cho các cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu, công ty bảo hiểm, công ty dược phẩm hoặc thậm chí là các tổ chức thể thao.

Giao dịch viên chứng khoán

Công việc này chủ yếu phục vụ cho những nhà đầu tư lớn, thường có xuất thân từ nhân viên giao dịch, nắm bắt tốt yêu cầu của khách hàng và làm chủ được thời gian mở phiên giao dịch. Họ có khả năng phát hiện sự thay đổi tinh tế trong mỗi phiên, giúp giảm sự mạo hiểm cho nhà đầu tư. Những người nằm ngoài cuộc thường cho rằng, sự thành công của các phiên giao dịch hàng trăm tỉ đông đều do những sinh viên giỏi ở các trường đại học nổi tiếng đã phải tính toán cực kì kĩ lưỡng mới có được. Tuy nhiên trong thực tế, thao tác viên không phải là một ngành nghiên cứu học thuật. Không giống với suy nghĩ của nhiều chúng ta, các thao tác viên không phải làm việc trong môi trường căng thẳng hay bí ẩn, mà đòi hỏi sự tỉ mỉ cẩn trọng và thường bị cho là nhàm chán, bởi mỗi ngày công việc của họ hoàn toàn giống nhau. Tất nhiên sự ủy thác của khách hàng là đòi hỏi sự đầu tư của họ đạt được lợi nhuận cao nhất chính là áp lực của công việc này.

Chuyên viên phân tích ngân sách

Các nhà phân tích ngân sách giúp các tổ chức đạt được những mục tiêu tài chính thông qua việc phát triển và theo dõi ngân sách, quản lý việc chi tiêu của tổ chức. Nhà phân tích ngân sách giúp các tổ chức luôn vững chắc về tài chính, sử dụng kiến thức chuyên môn để phân tích chi phí và lợi ích của các công việc, lựa chọn thu chi. Họ phân tích xu hướng, đề ra các khuyến nghị và đảm bảo rằng tổ chức luôn có những quyết định tài chính khôn ngoan. Khi các cơ quan chính phủ, các công ty nghiên cứu hoặc các tổ chức học thuật cần phải quyết định cách phân bổ kinh phí giữa các dự án khác nhau, họ thường tìm tới các nhà phân tích ngân sách. Các chuyên gia này phân tích các chi phí gắn liền với các đề xuất ngân sách khác nhau và xác định tác động tiềm năng của chúng đối với tình trạng tài chính tổng thể của một tổ chức. Sau đó, họ đưa ra các khuyến nghị tài trợ dựa trên những phát hiện của họ.

Làm việc tại vị trí này, ứng viên cần có kiến thức vững chắc về toán học, tài chính và kỹ năng phân tích. Nhà phân tích ngân sách có thể làm việc ở rất nhiều nơi khác nhau từ các tổ chức chính phủ, phi chính phủ cho tới các học viện, đại học, doanh nghiệp hay bất kì một tổ chức nào phải làm việc với dòng tài chính.

Kỹ sư hệ thống

Các hệ thống kinh doanh hoạt động tốt là phải cung cấp cho khách hàng những sản phẩm hàng hóa đáng tin cậy và chất lượng dịch vụ cao cho khách hàng. Để duy trì một hệ thống kính doanh hoạt động trơn chu cần đến sự chung sức và chất xám của nhiều thành viên. Các công ty ngày nay đang không ngừng đẩy mạnh triển khai các hệ thống lớn hơn và tốt hơn để duy trì tính cạnh tranh. Họ cố gắng cung cấp một trải nghiệm người dùng tích cực, họ dành tất cả các thời gian để nhận thức về nhu cầu của khách hàng, những rủi ro tiềm tàng và mục tiêu của công ty. Vậy thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính cho toàn bộ quá trình này? Đó chính là những kỹ sư hệ thống.

Các kỹ sư hệ thống này có nhiệm vụ thiết kế, quản lý các giải pháp cũng như truyền đạt những thông tin cần thiết cho những người có liên quan. Họ buộc phải nắm được những kiến thức trong các lĩnh vực bao gồm khoa học máy tính, nguyên tắc kỹ thuật và phân tích toán học. Vì vậy, các kỹ sư hệ thống có thể tìm được việc làm trong bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào và họ cũng có khả năng quản lý các hệ thống khác nhau.

Giảng viên

Đây là công việc phù hợp cho các ứng viên yêu thích thử thách toán học đối với sinh viên, học sinh ở các độ tuổi và khả năng khác nhau. Bạn có thể giúp các học viên trẻ nắm vững các khái niệm liên quan đến toán học và tài chính. Bằng cử nhân ngành Tài chính định lượng là “tấm vé” giúp bạn thực hiện ước mơ sư phạm và toán học của mình.

3. Kết luận

Cơ hội luôn đi cùng với thách thức, để nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp đắt giá mà ngành học này mang lại, mỗi sinh viên cần liên tục trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, rèn luyện và bổ sung những kỹ năng còn hạn chế.

Tài chính định lượng là một ngành học mới, hấp dẫn và đầy hứa hẹn ở Việt Nam, tuy nhiên đây cũng là ngành học khá thách thức và đòi hỏi các bạn những tố chất và đam mê để theo đuổi và khẳng định bản thân mình trong thị trường tài chính.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tài chính định lượng - nghề phối hợp giữa toán học và tài chính. https://tuoitre.vn/tai-chinh-dinh-luong---nghe-phoi-hop-giua-toan-hoc-va-tai-chinh-629659.htm
  2. Trần Tất Thành (2017). Cơ hội và thách thức cho thị trường tài chính trong giai đoạn mới. http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/co-hoi-va-thach-thuc-cho-thi-truong-tai-chinh-trong-giai-doan-moi-119333.html
  3. Bá Hải (2019). Ngành Tài chính định lượng: Cần sự đầu tư xứng tầm. https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/nganh-tai-chinh-dinh-luong-can-su-dau-tu-xung-tam-4021367-b.html

JOB OPPORTUNITIES FOR STUDENTS MAJORING IN QUANTITATIVE FINANCE

Master. Le Thi Ngoc Hanh

University of Finance – Marketing

ABSTRACT:

Quantitative finance, a field of applied mathematics, is the use of mathematical models in financial markets for stock price prediction, securities pricing, portfolio management, financial risk management, automated trading, etc. Quantitative finance is a relatively new sector in emerging economies. Banks, investment funds, finance companies, insurance companies, and other financial institutions in Vietnam are seeking for qualified employees in this sector. This article presents the job opportunities for students majoring in quantitative finance sector which is an attractive and promising but challenging field. To succeed in this newly developed sector, students should have distinctive qualities and passion to define themselves in the financial market.

Keywords: Job opportunities, finance, quantitative finance.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2020]